tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 08-08-2016

  • Cập nhật : 08/08/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải 'nuôi dưỡng' doanh nghiệp nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, địa phương cần tích cực lắng nghe, đối thoại với nhà đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp (DN), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, loại bỏ các rào cản, khơi thông nguồn vốn. Để làm được vậy, hệ thống thu nhận, phản hồi thông tin phải hiệu quả hơn, dễ tiếp cận hơn với chi phí thấp hơn đối với cả chính quyền và cộng đồng DN.“Chính phủ cũng sẽ lập một website, qua đó, trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ cùng các chuyên gia có liên quan thu nhận, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho DN, các nhà đầu tư”, Thủ tướng cho biết.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng chúng ta cũng phải luôn chú trọng DN trong nước, phải nuôi dưỡng, hỗ trợ như với đầu tư nước ngoài để DN trong nước, dù là công ty tư nhân hay DN nhà nước cũng sẽ cùng nhau hợp tác, cùng nhau lớn mạnh, để đủ năng lực liên kết với DN FDI tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Muốn vậy, chính quyền phải xác định rõ đâu là trách nhiệm của mình, của thị trường để chính quyền không làm những gì thị trường làm tốt, không quyết định, làm thay DN. Cái gì DN, xã hội làm được thì để DN, xã hội làm. Muốn như vậy, cần phải đổi mới quy hoạch, đoạn tuyệt với quy hoạch phi thị trường", Thủ tướng lưu ý.

thu tuong nguyen xuan phuc phat bieu tai hoi nghi xuc tien dau tu cua tinh ha nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam

Trước hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cam kết 10 điều về tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các DN; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào DN; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; giao đất sạch không thu tiền để các DN xây dựng nhà ở cho công nhân... Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam đã ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 10 DN với tổng mức đầu tư gần 17.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tỉnh kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và công nghệ cao về đầu tư tại khu Đại học Nam Cao và khu Trung tâm y tế chất lượng cao Hà Nam.(TN)

Ngành tôm Việt Nam: Nên thay đổi cách tiếp cận về con giống?

Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với sự bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém do thiếu quy hoạch đồng bộ, lỏng lẻo trong liên kết.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam-VASEP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt hơn 1,35 tỉ USD, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2015. Việt Nam xuất khẩu sang 75 thị trường, trong đó các thị trường lớn đều tăng: Thị trường Mỹ tăng 13,8%, EU tăng 6,5%, Hàn Quốc tăng 6%, Trung Quốc tăng mạnh nhất 41,8%, riêng Nhật Bản giảm 8,8%.

Theo bà Hằng, mặc dù thị trường xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức do nguyên liệu không ổn định, hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng.

Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với sự bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém.

Nguyên nhân được ông Quang chỉ ra là do thiếu quy hoạch đồng bộ, diện tích nuôi nhỏ lẻ nên việc vận chuyển, đi lại khi thu hoạch tôm rất khó khăn, làm tăng chi phí. Hơn nữa, hệ thống thủy lợi được đầu tư cho nuôi tôm rất yếu, ít có kênh cấp, thoát riêng mà đa số cấp, thoát ở cùng 1 kênh, nên người thì lấy nước vào nuôi, người thì lại xả nước ra từ chính con kênh đó, làm lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, tỉ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam là dưới 30% trong 5 năm qua, làm giá thành tôm của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới 20%.

Nên thay đổi cách tiếp cận về con giống?

Ông Lê Văn Quang cho biết, về con giống, ở Việt Nam chưa có cách tiếp cận với tôm bố mẹ kháng bệnh (SPR) mà chỉ cho phép nhập khẩu tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF).

Thực tế cho thấy, ở Ecuador, họ tiếp cận theo hướng tôm kháng bệnh và nuôi ở mật độ thấp (10-30 con/m2), sau 90-100 ngày thì thu hoạch (đạt 50-60 con/kg), năng suất đạt 1-1,25 tấn/ha/vụ, tỉ lệ nuôi thành công trên 90%. Mỗi năm tại Ecuador nuôi 3 vụ, năng suất đạt 3-3,75 tấn/ha/năm. Với cách nuôi này, mỗi ao chỉ cần rộng khoảng 7-10 ha nên chi phí đầu tư thấp, hệ số sử dụng đất cao. Giá thành nuôi tôm thấp, khoảng 55.000 đồng/kg cho tôm loại 50 con/kg.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì tiếp cận theo hướng tôm sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao (từ 80-120 con/m2); 90-100 ngày thì thu hoạch, năng suất đạt 5-10 tấn/ha/vụ, nhưng tỉ lệ nuôi thành công dưới 30%. Với cách nuôi này thì chi phí nuôi được 1 kg tôm thương phẩm (loại 50-60 con/kg) lên tới hơn 100.000 đồng/kg.

Xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng để ngành tôm phát triển bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường.

Theo đó, cần sớm thực hiện quy hoạch đồng bộ các vùng nuôi tôm tại các địa phương, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, mở rộng diện tích nuôi để dễ dàng hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông thuận tiện cũng như quản lý dịch bệnh một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng con giống, kiểm soát điều kiện nuôi, áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính, các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm.

Các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào, thường xuyên quan trắc môi trường và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, Sở NN&PTNT các tỉnh cần tăng cường tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến về các mô hình thực hành sản xuất tốt như BAP, GlobalGAP, VietGAP…, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh... để thu được sản phẩm sạch, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.

Theo dự báo của VASEP, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm 2016 do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ đầu năm, sản lượng cả năm xấp xỉ 600.000 tấn. Dự báo, xuất khẩu tôm năm 2016 đạt khoảng 3,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.(CP)

Quy định chi tiết một số điều Luật Thống kê

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.

Cụ thể, Nghị định 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về phổ biến thông tin thống kê nhà nước và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê gồm: Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; cung cấp, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước; kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước; tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đối với người làm công tác thống kê trong hoạt động thống kê nhà nước.

Trong đó, Nghị định quy định phổ biến thông tin thống kê nhà nước là việc thông báo, phát hành, truyền đưa thông tin thống kê nhà nước thông qua các phương tiện khác nhau đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước.

Thông tin thống kê nhà nước gồm số liệu thống kê và bản phân tích số liệu thống kê.

Về Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, Nghị định quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Thủ tướng Chính phủ phân công việc xây dựng, thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên kết vùng gồm các chỉ tiêu thống kê có tính chất tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ đánh giá, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, chiến lược, chính sách, chương trình, mục tiêu quốc gia.

Nghị định cũng quy định cơ quan nhà nước quản lý cơ sở dữ liệu hành chính quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Thống kê có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu cho cơ quan thống kê trung ương để sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước.(BĐT)

Việt Nam - Thái Lan phát hành tem chung kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao

Ngày 5/8, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Tem phát hành chung Việt Nam - Thái Lan” và ra mắt ứng dụng công nghệ nhận diện tem bưu chính trên thiết bị di động.

Hoạt động này nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan (6/8/1976-6/8/2016). Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đến nay quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam -Thái Lan đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và hiệu quả. Thái Lan là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN.

Nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam quyết định phát hành và tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Tem phát hành chung Việt Nam-Thái Lan” tại Thủ đô Hà Nội.

"Bộ tem bưu chính phát hành chung là một minh chứng, đánh dấu sự hợp tác giữa hai cơ quan bưu chính, hai nhà nước nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời, thúc đẩy quan hệ, hợp tác mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hoà bình, hợp tác khu vực và thế giới", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu.

thu truong bo thong tin va truyen thong nguyen minh hong va dai bien lam thoi dai su quan thai lan tai ha noi, ba wanthanee viputwongsakul, lam le phat hanh tem sang 5/8/2016.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng và Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, bà Wanthanee Viputwongsakul, làm lễ Phát hành tem sáng 5/8/2016.

Bộ tem gồm 2 mẫu với giá mặt là 3.000 đồng và 10.500 đồng, cùng 01 bloc thể hiện cùng một chủ đề, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, mang đậm yếu tố dân gian của hai nước là “Múa rối”.

Mẫu tem thứ nhất thể hiện tác phẩm múa rối nước nổi tiếng của Việt Nam là "Sự tích hồ Hoàn Kiếm", miêu tả anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh thắng xâm lược nhà Minh giành độc lập.

Mẫu tem thứ nhất giới thiệu loại hình rối nước của Việt Nam qua truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần tại Hồ Hoàn Kiếm. Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước nhưng được hình thành và phát triển vào triều đại nhà Lý (1010-1225). Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt. Múa rối nước thường kể về những sự tích dân gian và sinh hoạt đời thường của người dân Việt.

Mẫu tem thứ hai thể hiện tác phẩm nổi tiếng của múa rối Thái Lan (HoonKrabork)  kể về tác phẩm PhraMahachanok, được viết bởi Quốc Vương Bhumibol Adulyadej, nhằm giáo dục người dân Thái Lan hiểu rõ tầm quan trọng của sự nỗ lực. Mẫu tem thứ hai thể hiện loại hình rối que của Thái Lan. Múa rối que là một loại hình văn hóa truyền thống của Thái Lan, được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm.
Ngoài ra bloc tem cũng thể hiện sự thống nhất và lồng 4 con tem đan xen vào nhau cùng với quốc kỳ hai nước, qua đó thể hiện sự gần gũi giữa văn hóa, phong tục, tập quán, sự đoàn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước.

Bộ tem do hoạ sỹ Kim Liên, họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và họa sỹ Pisit Prasitthanadoon (Bưu chính Thái Lan) thiết kế. Tem được thiết kế với khổ 43x32mm; khối 4 tem khuôn khổ 129 x 108 mm.

Thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng của bộ tem từ ngày 05/8/2016 đến ngày 30/6/2018.(ĐT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục