tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 09-08-2016

  • Cập nhật : 09/08/2016

Thu hồi chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao của công ty Việt Sin

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) cho biết, Hội vừa quyết định thu hồi chứng nhận HVNCLV do người tiêu dùng bình chọn đối với các sản phẩm của công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin.

Trước đó, công ty Việt Sin là đơn vị đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC năm 2016 và đã cam kết với Ban tổ chức việc tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC.

Điều 3 của Quy chế quy định: “Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ duy trì và bảo đảm chất lượng hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận”, đồng thời “đảm bảo an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng trong suốt quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận”.

Thế nhưng từ giữa tháng 6, công ty Việt Sin vi phạm một số vấn đề trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm, trong đó có vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm. Đến giữa tháng 7, kết quả giám định của Trung tâm Giám định pháp y (Sở Y tế) được công bố là: chỉ tìm thấy AND cá và trâu trong sản phẩm bò viên. Trong buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng Hội hồi cuối tháng 7 vừa qua, công ty Việt Sin thừa nhận có thành phần thịt trâu trong sản phẩm của mình.

Theo đó, kể từ đầu tháng 8/2016, công ty Việt Sin không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC trên bao bì sản phẩm, các công cụ quảng cáo, trên phương tiện thông tin đại chúng, chương trình truyền thông.

Như báo Tiền Phong đã đưa tin, ngày 7/6, đoàn kiểm tra Cảnh sát môi trường (PC49) TPHCM đã kiểm tra kho hàng của công ty Việt Sin và phát hiện 9 sản phẩm không có công bố phù hợp quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc có nhưng đã hết giá trị gồm: tôm viên Bon Bon, cá viên cà ri, tôm viên, cá viên Mê Kông, cá viên Bon Bon, bò viên, tôm viên Mê Kông, chả giò rế chay, bò viên Go Go. PC49 đã gửi mẫu đi kiểm tra vào giữa tháng 6/2016. Theo đó, mẫu bò viên Merlion sản xuất theo công bố số 89/2015/YTHCM với thành phần gồm: thịt bò (85%), thịt heo (10%)...

Tuy nhiên, theo kết luận của Trung tâm Pháp y TP HCM, kết quả phân tích hai mẫu bò viên đã không tìm thấy ADN của bò. Cụ thể, mẫu bò viên Go Go phát hiện ADN của cá, mẫu bò viên Merlion có ADN của trâu. Điều này cho thấy công ty đã sử dụng nguyên liệu khác xa với công bố để sản xuất thực phẩm bán cho người tiêu dùng.

Vậy mà trước đó, Viet Sin đã có công văn gửi các siêu thị khẳng định 9 sản phẩm bị thu hồi của mình chỉ sai phạm ở mẫu bao bì, chưa đổi từ TNHH sang Cổ phần. Ông Đỗ Văn Thanh – Phó Tổng giám đốc khẳng định: “Chỉ sai phạm hình thức, không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Còn bò viên Go Go chưa công bố an toàn thực phẩm nhưng không bán trong siêu thị, chỉ cung cấp cho kênh bán lẻ”.(Tienphong)

Dân 'ham của rẻ', hàng giả vẫn nhiều

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự trà trộn của hàng giả ngày càng tinh vi, khó lường cộng với nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.

Sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu. Theo Cục Chống hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC), hàng giả hiện chiếm 5-7% thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, thách thức các cơ quan chức năng, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế nước nhà.

Báo động đỏ

Theo Luật sư Nguyễn Anh Ngọc - Trưởng Phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm Công ty INVESTIP, trong rất nhiều vụ việc mà công ty INVESTIP tham gia xử lý, hàng giả được làm tinh vi đến mức hầu như không thể phân biệt được bằng mắt thường.

Đáng quan ngại, về thời gian để sản xuất các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, đối với một số mặt hàng tiêu dùng, trước đây các cơ sở sản xuất chui phải mất từ 6-8 tháng mới có thể đưa hàng ra thị trường thì nay họ chỉ mất 1-2 tháng để thực hiện mưu đồ của mình.

Có thể nói, vấn nạn hàng giả hàng nhái đã trở thành nỗi bức bối lâu nay của toàn xã hội, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới.

Theo giới chuyên gia, hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, từ nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh đến những nhóm hàng phục vụ người tiêu dùng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không những đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh, bóp chết những DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng.

Con số được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, ước tính hơn 30% thuốc men ở các nước phát triển là hàng giả, và mỗi năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người chết vì sử dụng phải thuốc giả cho thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã ở mức báo động đỏ.

Tại Việt Nam, sắt thép, phân bón… là lĩnh vực bị làm giả, làm nhái nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Đức Hiệp - Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam, thị trường sắt thép nhiều năm qua đã phải đối diện với vấn nạn hàng giả, hàng nhái hết sức phức tạp, đau đầu.

Các thương hiệu “Thép Miền Nam”, “TISCO”, “Thép Việt Úc”, “Tôn Thăng Long”… là những sản phẩm bị làm giả, làm nhái thương hiệu nhiều nhất.

“Sản phẩm nhái thương hiệu được đặt sản xuất ở những cơ sở sản xuất kém chất lượng hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp hơn, giá thành sản xuất thấp hơn. Sau đó cơ sở trong nước cố tình in nhãn mác thương hiệu các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép, bán trà trộn ra thị trường với giá thấp hơn từ 20 - 30%” – ông Hiệp nêu lên thực trạng và nhấn mạnh: “Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị khi mà, chữ tín bị ảnh hưởng, người tiêu dùng quay lưng”.

Cùng với sản phẩm thép, thị trường phân bón cũng chứng kiến không ít những hành vi làm giả, làm nhái hoành hành trên thị trường này.

Theo chia sẻ của ông Văn Khắc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các đối tượng thường làm giả cả bao bì, sản phẩm hoặc lấy bao bì đã qua sử dụng của các công ty có uy tín trên thị trường để làm giả, che mắt người tiêu dùng.

Đối với người nông dân, họ rất khó phát hiện được phân bón giả trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng hiện nay. “Sản phẩm phân bón giả giống hệt các sản phẩm chính hãng, trừ khi mang các sản phẩm giả đó đến cơ quan chức năng phân tích mới có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả” – ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, vấn nạn này không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân - những người mua và sử dụng phân bón, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính.

Phạt hành chính - chưa đủ sức răn đe

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, sự trà trộn ngày càng tinh vi, khó lường cộng với nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Ngọc, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, trong nhiều vụ điều tra, xử lý hàng giả, Công ty INVESTIP không tìm thấy hoặc phát hiện rất ít hàng giả trong khu vực nội thành Hà Nội nhưng hàng giả lại đang hoành hành ở các khu vực ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Điều đó chứng tỏ các đối tưởng sản xuất kinh doanh hàng giả rất am hiểu tâm lý và nhận thức của người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này, trả lại sự trong sạch cho nền kinh tế nước nhà cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Anh Ngọc cho rằng, cần phải tăng nặng mức phạt, mạnh tay hơn nữa đối vơi các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, còn như hiện nay, vẫn chỉ chủ yếu xử phạt hành chính là không đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp và năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa. “Riêng đối với lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thành lập một cơ quan quốc gia của Chính phủ làm đầu mối để điều phối và duy trì công tác giữa các bộ, ngành thực thi quyền sở hữu trí tuệ hữu hiệu hơn” - Luật sư Ngọc đề xuất và nhấn mạnh thêm: Đặc biệt, trước tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái công khai và phổ biến trên mạng Internet hiện nay, thì hệ thống cơ quan thực thi của Việt Nam cần sớm có giải pháp hữu hiệu, cả về pháp lý và công nghệ để giải quyết kịp thời và triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

“Hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu sản xuất ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào trong nước để tiêu thụ (60-70%). Công nghệ, thủ đoạn làm hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và tốc độ cũng nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chủ yếu chúng biết lợi dụng khai thác những nhược điểm của nền kinh tế nước ta, một trong số đó là rất thiếu và yếu công nghiệp phụ trợ” – Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhận định.(Đại đoàn kết)

Cơ sở sản xuất đĩa lậu lớn nhất tại TP.HCM bị phát hiện

Cơ sở sản xuất đĩa lậu một ngày có thể cho ra 15.000 ấn phẩm ca nhạc, phim… tại quận 12 vừa bị lực lượng chức năng phát hiện.

Thông tin ban đầu, rạng sáng ngày 7-8, Đoàn kiểm tra liên nghành Văn hóa Xã hội TP.HCM cùng Cục cảnh sát chống buôn lậu (C74, Bộ công an) ập vào một nhà kho trên đường Tô Ngọc Vân, quận 12.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều công nhân đang vận hành thiết bị, máy móc trong dây chuyền khép kính để in, sang đĩa DVD lậu với nội dung trái phép.

Khai thác ban đầu, các công nhân khai tại đây có thể sản xuất đĩa, đĩa trắng tạo đĩa gốc và nhân bản hàng loạt. Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở này ngụy trang như một nhà kho bên ngoài sân để nhiều phế liệu, ve chai. Công nhân chỉ làm việc từ 20 giờ tối đến sáng trong khu vực được thiết kế cách âm.

Theo đó, mỗi ngày dàn thiết bị tối tân có giá trị triệu đô có thể sản xuất khoảng 15.000 đĩa DVD lậu tung ra thị trường.

Theo cơ quan chức năng, đây là địa điểm sản xuất đĩa lậu lớn nhất bị phát hiện từ trước tới nay tại TP.HCM. Việc phát hiện rất khó khăn, trinh sát phải mất nhiều tháng theo dõi mới phát hiện ra được cách thức chuyển hàng rất tinh vi.

Theo đó, các công nhân vận chuyển khối lượng lớn đĩa bằng xe tải đến các địa điểm giao hàng rồi nhanh chóng rời đi gây khó khăn cho việc điều tra.

Lực lượng chức năng đã niêm phong nhiều máy móc, đĩa lậu cùng thiết bị lập hồ sơ xử lý.(Phapluattp)

Người dân Khánh Hòa ồ ạt mua bán hạt xoài

Năm nay giá 1kg hạt xoài cao gấp 2, 3 lần mọi năm nên nhiều người Khánh Hòa ồ ạt đi thu mua. Tuy nhiên, các thương lái khẳng định họ không bán sang Trung Quốc như tin đồn.

Mấy ngày nay người dân, tiểu thương khắp cả nước hoang mang về thông tin đang có loại xoài bằng nhựa, nguồn gốc từ Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó ở Khánh Hòa có thông tin thương lái đang ồ ạt thu mua hạt xoài để bán sang Trung Quốc khiến mặt hàng này tăng giá đột biến.

Để tìm hiểu thêm về việc thông tin trên, sáng 5/8, phóng viên tìm về vựa xoài lớn nhất miền Trung ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) để xác minh.

Thời điểm này là cuối vụ xoài, nhưng việc mua bán ở những vựa xoài trên địa bàn huyện Cam Lâm vẫn rất nhộn nhịp. Ghé một vựa thu mua xoài ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), anh Huỳnh Văn Tùng chủ một vựa thu mua xoài cho biết, vựa anh chỉ thu mua xoài trái, còn hạt thì không.

“Năm nào đến mùa xoài cũng có người đến đặt hàng xoài hỏng, xoài chín quá để về lấy hạt. Cứ sáng ra họ đến gom, tự cân rồi trả tiền thôi”, anh Tùng cho biết.

Theo anh Tùng, thu mua hạt xoài là nghề của một số người ở đây, họ làm rất lâu rồi chứ chẳng phải bây giờ mới làm.

“Những người thu mua xoài chín, xoài không đóng thùng được thường về để làm bánh xoài. Còn hạt thì gom lại bán cho chủ vựa thua mua hạt. Năm nay giá của hạt xoài có cao hơn mọi năm, nhưng cũng chỉ trong vụ, còn cuối vụ giá lại giảm xống”, anh Tùng nói thêm.

Chị Nguyễn Văn Bảy (ở thôn Bãi Giếng 1, thị trấn Cam Đức), một hộ sản xuất bánh xoài cho biết, mọi năm hạt xoài rất rẻ, giá dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/giỏ (một giỏ khoảng 5kg). Nhưng năm nay giá tăng đột biến, lúc cao điểm lên tới 80.000 - 100.000 đồng/giỏ.

“Chưa bao giờ giá hạt xoài lại cao như vậy. Mấy người hàng xóm thấy giá cao cũng đi thu gom hạt xoài, nhưng hạt đâu có nhiều để gom. Hiện tại giá đã xuống 50.000 đồng/ giỏ rồi nên không thấy dân lùng mua hạt xoài như trước nữa”, bà Bảy cho biết.

Chị Hoàng Thị Thu, một người thu gom hạt xoài cho biết, chị làm nghề này được 4 năm nay. “Nhà không có đất để sản xuất nên đi thu mua xoài chín về làm bánh xoài, sau đó kiêm luôn thu mua hạt xoài nhập cho vựa kiếm thêm tiền. Khi giá cao cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng một ngày”, chị Thu nói.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm đến nhà của anh Trương Việt Hoàng, chủ vựa thu mua hạt xoài ở huyện Cam Lâm. Khi biết ý định của chúng tôi, anh Hoàng xua tay, làm gì có việc thu mua hạt xoài bán cho Trung Quốc.

“Anh làm nghề này 5 năm rồi. Hạt chỉ để ươm giống thôi, có nhiều đâu mà bán đi nước ngoài”, anh Hoàng giải thích.

Theo anh Hoàng, hạt xoài năm nay được giá nên nhiều người đổ xô thu mua, chứ mọi năm cả huyện Cam Lâm chỉ có chưa tới 5 vựa. “Giá năm nay cao gấp đôi là do nhu cầu nhân giống của các tỉnh ở Nam Bộ mở rộng diện tích. Các chủ vườn ươm tăng nhu cầu thu mua nên đẩy giá lên cao như vậy”, anh Hoàng nói.

Về thông tin người dân thấy giá hạt xoài cao đã hái, ép chín quả non để lấy hạt bán cho thương lái, ông Nguyễn Thiện Hữu, người trồng xoài lâu năm ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), cho rằng chuyện hái, ép xoài non chín là bình thường.

“Gần cuối vụ, khi những trái xoài ra muộn sót lại họ hái lượt cuối cùng để xịt thuốc, thúc cây ra quả trái vụ. Những trái này sẽ chín non, sau đó được dùng làm bánh xoài. Bây giờ 1kg xoài loại rẻ nhất cũng 10.000 đồng. Nếu ép chín 1 tạ trái xoài chỉ để lấy 20-30kg hạt, bán giá 100.000 đồng cũng chả có lời nên tôi nghĩ chả ai dại gì đi hái xoài non cả”, ông Hữu nói.

Theo đại diện Phòng NNPTNT huyện Cam Lâm, thu mua hạt xoài là nghề truyền thống luôn đi kèm với trồng xoài và làm bánh xoài ở địa bàn huyện này. Theo vị đại diện này, khi vụ xoài đến nhu cầu mua hạt xoài để ươm giống rất cao nên có việc thu mua là bình thường.

“Tôi chưa nghe nói thu mua hạt xoài để bán cho Trung Quốc, vì hạt xoài chỉ lấy khi trái bị hỏng, chín quá. Hiện một ký xoài Úc có giá mấy trăm nghìn chẳng ai bỏ trái lấy hạt chỉ bán được vài trăm đồng cả”, vị này cho biết.

Cũng cán bộ ngành nông nghiệp huyện, đầu và giữa vụ có biết thông tin giá hạt xoài lên 100.000 đồng/ kg, nhưng chỉ được vài tháng, còn sau đó lại trở về giá cũ.

“Hạt xoài được thu mua nhiều nhất là xoài Tây. Vì xoài Tây giá rẻ được dùng làm bánh xoài nhiều nên có nhiều hạt. Ngoài ra, giống xoài Tây cây rất khỏe, khi ươm xong có thể ghép các loại xoài Hòa Lộc, cát Hòa Lộc, Tứ Quý, Úc... cho cây trưởng thành nhanh, ít sâu bệnh”, ông nói thêm.(Zing)

 
(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục