tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 08-08-2016

  • Cập nhật : 08/08/2016

Việt Nam: Cần sẵn sàng đối phó với những cú sốc

Việt Nam có nhiều cơ hội lớn từ quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt và dân số năng động.

ong jonathan dunn

Ông Jonathan Dunn

Nếu nói đến một đặc điểm nổi bật nhất về kinh tế Việt Nam thì đó là sự năng động. Đây là chia sẻ của ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam với độc giả của Thời báo Ngân hàng.

Sau một năm đảm nhiệm vị trí đại diện thường trú IMF tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về nền kinh tế của chúng tôi?

Một năm qua sống và làm việc tại Việt Nam với tôi rất thú vị và bổ ích. Nếu nói đến một đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế mà tôi cảm nhận được thì đó là sự năng động.

Về tổng thể kinh tế vĩ mô (KTVM) những năm gần đây, Việt Nam đã có được tăng trưởng vững chắc với lạm phát thấp. Điều này phản ánh định hướng chính sách đã tập trung đến đảm bảo và duy trì ổn định KTVM và nó cũng phản ánh sự quan tâm sát sao của các nhà hoạch định chính sách đến tầm quan trọng của việc duy trì ổn định KTVM để hỗ trợ tăng trưởng.

Nhìn về tương lai, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn từ quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt và dân số năng động.

can huong tin dung vao cac linh vuc co nang suat cao va hieu qua

Cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực có năng suất cao và hiệu quả

Đánh giá của ông về các thách thức chính mà nền kinh tế đang phải đối mặt?

Những thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt bao gồm việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các DN trong nước và sự cần thiết đảm bảo nền kinh tế có được một vị trí mạnh mẽ để quản lý và ứng phó với khả năng có các cú sốc bên ngoài. Brexit chính là một ví dụ về dạng cú sốc bên ngoài. Rồi sự tăng trưởng toàn cầu chậm hơn.

Việt Nam cần tạo lập được một môi trường kinh tế tổng thể tốt hơn cho DN tư nhân trong nước, cũng như đảm bảo nền kinh tế có được một vị thế mạnh để sẵn sàng đối phó với những cú sốc kinh tế đến cả từ bên trong và bên ngoài.

Dư địa của Việt Nam để đối phó với những cú sốc kinh tế, chẳng hạn như sự tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, có thể được tăng cường bằng cách tăng thêm dự trữ ngoại hối (DTNH) và theo đuổi việc củng cố tài khóa phù hợp với tăng trưởng để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.

Cụ thể hơn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ rằng, điều quan trọng là cần đưa thâm hụt ngân sách trung bình  xuống mức 4% GDP/năm trong giai đoạn 2016-2020 để giúp đạt được những mục tiêu này.

Các biện pháp cụ thể để củng cố tài khóa có thể bao gồm sự hợp lý của chi tiêu ngân sách thường xuyên, nâng cao hiệu quả chi đầu tư công và thúc đẩy thu ngân sách thông qua việc giảm miễn thuế và các ưu đãi trong khi tiếp tục tăng thuế nhiên liệu và môi trường, thống nhất về thuế suất GTGT, áp dụng thuế bất động sản và tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế và hải quan.

Nhìn nhận của ông về tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu DNNN và hệ thống các TCTD ở Việt Nam vừa qua? Và đâu là những vấn đề cần tập trung để tái cơ cấu đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới?

Cải cách ngành tài chính ngân hàng, DNNN và cấu trúc tài khóa cần được thúc đẩy để giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng. Trong tái cơ cấu NH đã có một số bước tiến tích cực như đã phân loại nợ xấu, hạn chế chi trả cổ tức của các NH yếu kém, tăng cường giám sát tại chỗ của NHNN và việc chuyển hướng qua giám sát dựa trên rủi ro, cho phép VAMC để mua và bán nợ xấu (NPL) theo giá trị thị trường chứ không chỉ theo giá trị sổ sách như trước và việc tiếp quản NHNN đối với ba NH yếu kém.

Nhìn về phía trước, để hệ thống tài chính lành mạnh hơn, cần thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu; tái cấp vốn cho các NH từ vốn của cổ đông hiện tại và kể cả sử dụng nguồn ngân sách để tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước;

Các NH cần có quản trị, quản lý hoạt động và quản lý rủi ro tốt hơn, cùng với đó là việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS. Hơn nữa, hệ thống NH cũng cần phải tăng thêm vốn để đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Tái cơ cấu DNNN đã bị chậm lại trong những năm gần đây và vấn đề năng suất của cả DNNN và của các DN chế biến chế tạo trong nước nói chung cần được cải thiện để có thể tăng khả năng cạnh tranh.

Các yếu tố chính của cải cách bao gồm CPH nhanh và toàn diện hơn các DNNN; thực thi đầy đủ các yêu cầu về tính minh bạch và công bố thông tin; tiếp tục thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành; tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân bằng cách giảm bớt sự ưu đãi trong tiếp cận tín dụng và các nguồn lực khác cho các DNNN.

Để hỗ trợ tất cả các DN đạt năng suất cao hơn cần nâng cao hiệu quả đầu tư công để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng chi cho nghiên cứu và phát triển - hiện Việt Nam đang chi thấp cho lĩnh vực này so với các nước khác trong khu vực – và nên khuyến khích học nghề và học trung học phổ thông để giải quyết tình trạng chênh lệch về cung - cầu và kỹ năng lao động.

Theo ông, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong tương lai nên như thế nào?

Dù lạm phát chung đã tăng lên do các cú sốc đối với nông nghiệp và giá cả tăng nhưng những cú sốc này chỉ tác động tạm thời vì thế CSTT nên giữ như hiện nay chừng nào mà chưa thấy có “tác động vòng hai” lên lạm phát. Điều hành tiền tệ nên hướng đến mục tiêu ổn định lãi suất liên NH qua đêm và giữ cho lãi suất này sát với lãi suất thị trường mở hiện đang ở mức 5%, vì điều này giúp giữ lãi suất liên NH ở mức thực dương.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nên giảm dần để tránh rủi ro cho ổn định KTVM. Cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực có năng suất cao và cần tăng tính hiệu quả sử dụng tín dụng để tạo ra tăng trưởng. Điều này có thể đạt được thông qua điều hành CSTT và các biện pháp thận trọng vĩ mô khác.

Việc áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt từ đầu năm nay là rất đáng hoan nghênh và nó hỗ trợ cho CSTT độc lập hơn, giúp củng cố DTNH. Trong trung hạn, cần tiếp tục củng cố khuôn khổ CSTT và chuyển hướng sang điều hành theo lạm phát mục tiêu. Điều này sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho ổn định KTVM. (TBNH)

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng, TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Không thể đòi hỏi kết quả tức thời, phải kiên trì để hướng đến sự bền vững.

 
ong tran dinh thien

Ông Trần Đình Thiên

Từ tình hình kinh tế thời gian qua, ông có nhận xét gì về sự phối hợp điều hành vĩ mô này?

Sự phối hợp điều hành chính sách vĩ mô được nhấn mạnh bằng Quyết định ban hành Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8/2013. “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” giữa 4 bộ là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã được triển khai từ năm 2014.

can huong toi dau tu cho phat trien bang sang tao, cong nghe, gia tri gia tang cao hon

Cần hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn

Thực tế thì từ đó, vĩ mô đã ổn định trở lại. Sự phối giữa các bộ đã tích cực hơn, thể hiện rõ nhất là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên sự phối hợp hành động chưa đi vào cội gốc vấn đề mà vẫn là sự phối hợp để chữa cháy.

Chúng ta đã thấy rõ ngân sách rất eo hẹp, nguồn thu ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng vay nợ nhiều và tăng phát hành trái phiếu chính phủ. Người mua trái phiếu nhiều nhất là hệ thống ngân hàng, vô hình trung mấy năm gần đây NHTM trở thành người thực hiện chức năng trở lại giúp huy động vốn cho Chính phủ.

Trên thực tế đây là một sự phối hợp tốt nhưng phối hợp tốt như thế này là điều tôi không mong muốn, và cả nền kinh tế không mong muốn, không đúng với kỳ vọng của sự phối hợp.

Nói như vậy không phải là đổ lỗi cho Bộ Tài chính mà bởi cơ chế ngân sách hiện hành của chúng ta dẫn đến như vậy. Chúng ta cần phải thay đổi căn bản trong cơ chế vận hành, chức năng hoạt động, trách nhiệm của từng bộ máy chức năng.

Vậy cần điều chỉnh sự phối hợp này từ đâu?

Để có sự phối hợp tốt như kỳ vọng, trước hết, Bộ Tài chính phải làm tốt nhiệm vụ cân đối ngân sách với thao tác đầu tiên là giảm chi ngân sách để giảm vay nợ, giảm phát hành trái phiếu chính phủ. Tiếp theo là phát triển thị trường trái phiếu để thu hút nhiều người mua khác ngoài NHTM.

Nếu vẫn tiếp tục phối hợp tốt kiểu cứ trái phiếu phát hành là có NHTM mua thì đó là kiểu phối hợp ngược xu thế. Nền kinh tế kỳ vọng ở sự phối hợp sao cho hệ thống ngân hàng tập trung vốn cho DN được như đã làm ở thời kỳ khoảng 10 năm trước. Nếu muốn làm được như vậy, trước hết phải cải cách lại hệ thống, giảm số người hưởng lương từ ngân sách. Đồng thời phải sửa Luật Ngân sách. Nếu vẫn duy trì nguyên tắc ngân sách mềm và vẫn có bộ máy hành chính cồng kềnh và số người hưởng lương ngân sách lớn như bây giờ sẽ rất khó cho Bộ Tài chính.

Một vấn đề chính sách là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và tạo nền tảng tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Có ý kiến cho rằng để thúc đẩy kinh tế có thể tăng khai thác dầu, hoặc  tăng đầu tư, mở tín dụng. Và ý kiến của ông?

Đề xuất gia tăng sản lượng khai thác dầu thô có thể xuất phát từ việc gia tăng sản lượng dầu thô đóng góp khá nhiều vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015. Đề xuất này không mới, nhưng khó có nhiều hiệu quả thực tế trong điều kiện hiện nay do: giá dầu thô chưa phục hồi vững chắc. Và nếu cứ muốn tăng trưởng lại khai thác dầu thì đi ngược với định hướng tái cơ cấu kinh tế theo hướng ít dựa vào khai thác tài nguyên thô.

Vậy theo ông, làm thế nào để thúc tăng trưởng?

Tăng đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng, về nguyên tắc thì là đúng rồi, nhưng nó cũng không thực tế với tình hình hiện nay. Bởi bây giờ mà tăng đầu tư thì hiệu quả tăng trưởng nó trượt sang năm sau chứ không đẩy được chỉ số tăng trưởng của năm nay. Hơn nữa nếu Chính phủ cứ tăng đầu tư rồi lại tăng phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu trong nước, thì Chính phủ lại cạnh tranh hút vốn với DN tư nhân, Chính phủ lại trở thành người cản đường DN tư nhân trong lúc Chính phủ đang muốn vực khu vực DN này lớn mạnh.

Vì vậy, chúng ta phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì năm nay có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng. Hơn nữa, như tôi đã nói, có dốc sức ra để cố đạt mục tiêu tăng trưởng cũng không kịp. Tất nhiên, chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó khăn, nhưng không thể đòi hỏi kết quả tức thời mà phải kiên trì để hướng đến sự bền vững.

Tôi nghĩ là để thúc tăng trưởng hiệu quả và bền vững, Chính phủ vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô như Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội. Giải pháp căn bản hơn là phối hợp điều hành vĩ mô của 4 bộ tốt hơn, quyết liệt hơn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng và quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.

Nếu Chính phủ cố dốc sức cho tăng trưởng bằng mọi cách, bằng việc đổ vốn vào thì sẽ tổn hại đến vĩ mô, như vậy lại lặp lại câu chuyện 5 năm trước. Về mặt chiến lược hơn, như định hướng của Chính phủ mà tôi cho là đúng, đó là hướng tới đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cách làm mang tính chiến lược chứ không phải là hô hào bỏ vốn ra trong ngắn hạn.(TBNH)

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Linh hoạt chính sách để kiềm giữ CPI

Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo, CPI tháng 8 sẽ có mức tăng nhẹ so với tháng 7 do 17 tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu bước vào đợt điều chỉnh dịch vụ y tế. Nhiều địa phương cũng đã có phương án điều chỉnh học phí từ cấp học mầm non đến đại học.

Thông tin đưa ra tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây tại Hà Nội cho thấy, CPI tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng 6/2016. Đây là mức tăng khá thấp so với các tháng trước (tháng 6 tăng 0,46%, tháng 5 tăng 0,54%, tháng 4 tăng 0,33%). Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,48% so với tháng 12/2015, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải cho mức tăng này, bà Tạ Thị Thu Việt (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong mức tăng 0,13% của CPI tháng 7, giá dịch vụ thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng cao nhất là 24,74% do việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế trong quý I và II; tiếp đến là giáo dục 4,16%, do một số địa phương điều chỉnh học phí. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,11% do giá lương thực, thực phẩm tăng trong quý I và II…

Tuy nhiên, CPI tháng 7 tăng không quá cao do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào khiến giá gạo giảm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm 2 lần, giá gas vừa giảm 14.000 đồng/bình nên cũng góp phần giúp kiềm chế CPI tháng 7.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, do mới bắt đầu mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm nên trong tháng 7, lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 550 nghìn tấn, thấp hơn so với kế hoạch khoảng 100 nghìn tấn. “Trong bối cảnh tiêu thụ giảm, DN ngành thép đua nhau giảm giá khiến giá mặt hàng này luôn giữ ổn định ở mức tương đối thấp, góp phần tích cực vào mục tiêu kiểm soát đà tăng chỉ số CPI của cả nước”, ông Sưa nói.

Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo, CPI tháng 8 sẽ có mức tăng nhẹ so với tháng 7 do 17 tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu bước vào đợt điều chỉnh dịch vụ y tế. Nhiều địa phương cũng đã có phương án điều chỉnh học phí từ cấp học mầm non đến đại học. Tuy nhiên, tháng 8, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; nhu cầu thép chưa có dấu hiệu tăng đột biến sẽ là những yếu tố quan trọng kiềm giữ chỉ số CPI không tăng quá mạnh.

Một số ý kiến thì cho rằng, dù trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế sẽ tác động trực tiếp đến CPI. Chưa kể, giá xăng dầu đã vượt đáy và có dấu hiệu tăng dần nên để đảm bảo CPI không vượt quá con số Quốc hội phê duyệt (tăng 5%) đòi hỏi những giải pháp điều hành linh hoạt.

Ông Nguyễn Duy Thiện, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Bộ Y tế đề ra 5 lộ trình tăng giá dịch vụ y tế theo hướng các địa phương nào có tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cao được điều chỉnh trước, địa phương nào có tỷ lệ che phủ BHYT thấp điều chỉnh sau. Do đó, riêng giá dịch vụ y tế sẽ không có biến động gây sốc đến chỉ số CPI.

Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đề nghị Bộ Công Thương giám sát và đôn đốc các đơn vị thực hiện nhập khẩu 100 nghìn tấn đường bổ sung hạn ngạch để bình ổn thị trường đường trước mùa Trung thu.

Bên cạnh đó, do thời tiết đang trong mùa mưa bão nên UBND các địa phương và các bộ, ngành liên quan được yêu cầu chủ động có kế hoạch ứng phó trong mùa mưa bão, lũ lụt, đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, chuẩn bị vào mùa khai giảng, năm học mới, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các địa phương chỉ đạo các DN kinh doanh hàng hóa vật phẩm giáo dục chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, chất lượng bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của học sinh, sinh viên khi vào năm học mới.(TBNH)

Hạn mức trả bảo hiểm: Từ kinh nghiệm quốc tế tới đề xuất chính sách

Hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Công cụ này có thể được sử dụng để góp phần thực thi kỷ luật thị trường, qua đó hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát thực hiện mục tiêu duy trì ổn định hệ thống tài chính.

Trên thế giới, có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề hạn mức. Tại Việt Nam, cũng đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, bài viết này muốn tập trung lý giải tại sao hạn mức trả tiền bảo hiểm lại được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG, tiêu chí để xác định hạn mức phù hợp là gì trên cơ sở các khuyến nghị, hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và các tổ chức nghiên cứu quốc tế, để từ đó có những đề xuất chính sách với Việt Nam.

Tại sao hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG?

Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, sự tồn tại của chính sách BHTG nói chung và chính sách hạn mức nói riêng có tác động rất lớn tới sự ổn định của hệ thống tài chính-NH thông qua yếu tố kỷ luật thị trường.

Nghiên cứu của NH Thế giới (WB) đưa ra hai phương pháp tiếp cận nhằm duy trì sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống NH, bao gồm: Cơ chế giám sát, kiểm soát chính thức của các cơ quan quản lý như NH Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính; và Kỷ luật thị trường, được hiểu là cơ chế các thành viên thị trường tự giám sát và hạn chế hoạt động rủi ro quá mức của NH.

can phai ra soat va dieu chinh han muc tra tien bao hiem cho phu hop voi dieu kien thuc te

Cần phải rà soát và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện thực tế

Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy trong một số trường hợp, sản phẩm dịch vụ tài chính đã phát triển quá nhanh, phức tạp, khiến cơ quan quản lý không kịp thời phát hiện và cảnh báo rủi ro. Trong khi đó, các thành viên thị trường bao gồm nhà đầu tư, nhà quản lý NH và thậm chí cả người gửi tiền đã theo đuổi các hành vi rủi ro cao nhằm mục đích thu được lợi ích kinh tế cao nhất. Nói cách khác, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, kỷ luật thị trường đã không được duy trì một cách đúng mức.

Theo báo cáo của Hội đồng ổn định tài chính (FSB), việc xác định hạn mức cần đảm bảo cân bằng giữa việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính và duy trì kỷ luật thị trường.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: Một là, hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ, có hiểu biết hạn chế. Hai là, hạn mức phải đủ thấp để những người gửi tiền lớn không chạy theo các hành vi rủi ro, chạy đua tìm kiếm NH trả lãi suất cao nhất mặc dù bản thân người gửi tiền biết NH đó có rủi ro cao hơn.

Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp có thể hỗ trợ duy trì kỷ luật thị trường, cũng như hỗ trợ hoạt động của các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực xây dựng hệ thống NH hoạt động an toàn, lành mạnh.

Vậy, đâu là tiêu chí xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp?

Trên cơ sở khuyến nghị của FSB, vào tháng 3/2013, IADI đã ban hành Hướng dẫn cập nhật về hạn mức trả tiền bảo hiểm, trong đó nêu cụ thể các tiêu chí định tính và định lượng để xác định hạn mức tối ưu.

Về tiêu chí định tính:

Thứ nhất, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần phù hợp với mục tiêu chính sách công về BHTG tại từng quốc gia và đồng bộ với các cấu phần khác của hệ thống BHTG. Ví dụ, hạn mức tăng lên đồng nghĩa với việc số tiền cần thiết để chi trả BHTG trong trường hợp NH đổ vỡ cũng tăng lên. Vì vậy, quy mô nguồn vốn quỹ của tổ chức BHTG cũng cần phải nâng lên ở mức độ tương ứng.

Thứ hai, hạn mức nên được xem xét, đánh giá lại thường xuyên và được điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên các yếu tố như lạm phát, thay đổi thu nhập của người dân, quy mô tiền gửi của người gửi tiền, kỳ vọng của thị trường và các yếu tố khác tác động tới mục tiêu chính sách công. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả của hạn mức, công chúng cần được thông báo trước và thông báo rõ ràng về số tiền tối đa mà họ có thể nhận được.

Thứ ba, nếu dòng luân chuyển vốn giữa các quốc gia lân cận lớn, khi xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm tại từng quốc gia cần tính đến yếu tố tương quan so với các quốc gia khác trong khu vực. Sự chênh lệch quá lớn về hạn mức và phạm vi BHTG giữa các quốc gia láng giềng sẽ dẫn tới nguy cơ chuyển dịch tiền gửi từ các quốc gia có hạn mức thấp sang quốc gia có hạn mức cao.

Thứ tư, quốc gia có lịch sử lạm phát cao có thể xây dựng hạn mức trả tiền bảo hiểm tự động điều chỉnh theo mức độ lạm phát. Tuy nhiên, cần lưu ý nhược điểm của cơ chế hạn mức điều chỉnh theo lạm phát là không chắc chắn, không rõ ràng và có thể không tạo được niềm tin thích hợp cho người gửi tiền.

Về tiêu chí định lượng:

Theo nguyên tắc chung đã được đề cập ở trên, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải bảo hiểm toàn bộ được cho đại đa số người gửi tiền nhỏ lẻ, ít hiểu biết về tài chính. Trong các nghiên cứu trước đây, IADI hướng dẫn áp dụng “Nguyên tắc 80/20”, theo đó hạn mức phù hợp là hạn mức có thể bảo hiểm toàn bộ cho 80% số lượng người gửi tiền và khoảng 20% - 30% tổng số tiền gửi vào hệ thống NH. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc duy trì Nguyên tắc 80/20 nói trên không dễ dàng do phân bố giá trị tiền gửi của các quốc gia có sự khác biệt.

Trong hướng dẫn cập nhật về hạn mức, IADI đã nâng chỉ tiêu bảo vệ toàn bộ được 80% số người gửi tiền lên mức định hướng 90%-95% và không đưa lại tiêu chí định lượng đối với chỉ tiêu bảo vệ toàn bộ được 20% tổng giá trị tiền gửi.

Để có thể tính toán được chỉ tiêu nói trên, tổ chức BHTG cần được tiếp cận với thông tin chi tiết về người gửi tiền. Trong một số trường hợp, bên cạnh thông tin do tổ chức tham gia BHTG cung cấp hoặc thông tin do NH Trung ương, cơ quan giám sát chia sẻ, tổ chức BHTG có thể thực hiện các nghiên cứu, khảo sát độc lập, từ đó có được thống kê chi tiết về tiền gửi và người gửi tiền.

Thực tiễn hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam

Hạn mức trả tiền bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG theo các quy định hiện hành là 50 triệu đồng và áp dụng từ năm 2005 đến nay. Sau hơn 10 năm áp dụng hạn mức 50 triệu đồng, nhiều yếu tố tác động đến giá trị thực của hạn mức BHTG như thu nhập bình quân tính theo đầu người, lạm phát, tỷ giá đã có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, hệ thống NH đã có những bước phát triển lớn, tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống NH tăng lên đáng kể. Những yếu tố này đặt ra yêu cầu cần phải rà soát và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đề xuất chính sách

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi trong việc thực hiện chính sách bảo vệ người gửi tiền của các hệ thống BHTG. Công cụ này có thể được sử dụng để hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát trong nỗ lực đảm bảo ổn định hoạt động NH và duy trì kỷ luật thị trường. Điều chỉnh hạn mức đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á áp dụng khá phổ biến trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, theo cả hai chiều lên và xuống.

Tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước đã thành công trong việc duy trì lòng tin của thị trường nói chung và người gửi tiền nói riêng vào hệ thống NH thông qua cam kết tái cấu trúc NH một cách êm thấm, không để xảy ra đổ vỡ NH.

Tuy nhiên, trong dài hạn, việc xem xét, điều chỉnh hạn mức phù hợp, đồng thời triển khai các chương trình truyền thông để người gửi tiền nhận thức rõ Nhà nước sẽ bảo vệ người gửi tiền như thế nào thông qua chính sách hạn mức để góp phần duy trì được kỷ luật thị trường, từ đó hỗ trợ mục tiêu của Nhà nước trong việc duy trì sự ổn định và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. (TBNH)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục