tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 06-08-2016

  • Cập nhật : 06/08/2016

Việt Nam có thể cho mở thí điểm cá cược bóng đá

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo về dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng những nội dung đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung, bao gồm: không sử dụng hình ảnh, kết quả các cuộc đua ngựa, đua chó quốc tế làm căn cứ kinh doanh đặt cược tại Việt Nam. Thời gian thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế là 5 năm. Khoảng cách từ địa điểm bán vé đặt cược cố định đến các trường học, khu vui chơi công cộng dành riêng cho trẻ em không dưới 500 m.

Cùng với đó là quy định thời điểm bắt đầu nhận đặt cược, thời điểm kết thúc nhận đặt cược, không giao cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tự quyết định.

Cũng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chỉ được phép phân phối vé đặt cược thông qua điện thoại và các phương tiện viễn thông khác khi đáp ứng điều kiện có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đặt cược đối với phương thức phân phối vé thông qua thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. Không quy định việc phân phối vé đặt cược qua mạng Internet.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo tham khảo dự thảo nghị định về kinh doanh casino để quy định về quảng cáo và điều kiện đối với người chơi.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng cần được hoàn thiện theo hướng quy định rõ điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc để Bộ Tài chính quy định danh mục sản phẩm đặt cược cụ thể. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ quyết định danh mục các giải thi đấu bóng đá quốc tế.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể các nội dung về phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn kinh doanh đặt cược, đại lý bán vé đặt cược bóng đá quốc tế tại dự thảo nghị định.

Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư… thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.

Phó thủ tướng lưu ý, dự thảo nghị định cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhất là trong việc quản lý chuyên ngành hoạt động đặt cược bóng đá quốc tế.

Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ trước ngày 15/8 tới. (NDH)

Mỗi ngày TP.HCM nhập cả trăm tấn xoài tí hon Trung Quốc

 

Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) cho biết hiện nay lượng xoài tí hon (còn gọi là xoài mút) Trung Quốc (TQ) về chợ khá nhiều.

Trong đó, riêng ngày 3-8 có khoảng 200 tấn và ngày 4-8 có 150 tấn xoài mút Trung Quốc nhập chợ. Giá bán loại xoài này dao động 18.000-20.000 đồng/kg. “Mặt hàng này đã có mặt tại chợ từ đầu tháng 7 đến nay. Những năm trước xoài mút cũng về chợ nhưng ít, năm nay mới rộ lên” - đại diện chợ Thủ Đức cho biết.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết tính từ đầu tháng 2 đến ngày 1-8, có 4.800 tấn xoài từ TQ nhập qua cửa khẩu Tân Thanh. Giá xoài này rất rẻ, giá khai báo hải quan là 160 USD/tấn, quy đổi theo tỉ giá mỗi kg xoài nhập từ TQ chỉ 3.600 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ lẻ và trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, xoài mút đang bán rầm rộ với giá 30.000-35.000 đồng/kg.

Trước đó, các cơ quan chức năng xác nhận xoài tí hon bán trên thị trường không phải xoài giả, ruột không phải làm bằng nylon vì trong mỗi hột xoài đều có một lớp màng bảo vệ hột.(PLO)

Thanh toán phi tiền mặt ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Theo số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý I/2016, lần đầu tiên tổng số thẻ lưu hành trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt trên 100 triệu.

Như vậy, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang sử dụng nhiều hơn 1 thẻ ngân hàng, bên cạnh thẻ, nhiều hình thức thanh toán phi tiền mặt khác cũng được đang được sử dụng rộng rãi hơn.(VTV)

Lương tăng chậm nhất trong một thập kỷ, doanh nghiệp vẫn lo kiệt quệ

Mức tăng bình quân 7,3% là thấp nhất từ năm 2007 đến nay, song đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn cảnh báo nguy cơ lao động chưa kịp vui vì tăng lương thì đã phải nếm nỗi buồn mất việc.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia với đại diện của cả giới chủ, người lao động và cơ quan quản lý vừa thống nhất đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 lên Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mức lương tối thiểu cho người lao động trong năm sau sẽ là 3,75 triệu đồng, 3,1 triệu đồng, 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng, tương ứng với các vùng I, II, III và IV. Như vậy, trong vòng một thập kỷ qua, mức tăng bình quân 7,3% của năm 2017 là thấp nhất.

Năm

Lương tối thiểu*

Tỷ lệ tăng

Lạm phát

2007

0,45 - 0,54

Không tăng

8.3%

2008

0,54 - 0,62

20%

22,97%

2009

0,65 - 0,80

20,4%

6,88%

2010

0,73 - 0,98

12,3%

9,19%

2011

0,83 - 1,35

13,7%

18,58%

2012

1,40 - 2,00

26,5%

9.21%

2013

1,65 - 2,35

9,5%

6,6%

2014

1,90 - 2,70

14%

4,09%

2015

2,15 - 3,10

15%

0,63%

2016

2,40 - 3,50

13%

 

2017**

2,58 - 3,75

7,3%

 

 

Đơn vị: triệu đồng, (*) Áp dụng theo phân vùng I-IV, (**) Mức dự kiến

Ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chưa hài lòng với mức tăng này. “Thực lòng chúng tôi muốn mức tăng thấp nhất cũng phải 8,5%, vì đề xuất ban đầu 11,11% được đưa ra dựa trên tính toán thực tế cuộc sống của người lao động hiện nay”, ông Chính tâm tư.

Vị này cũng dẫn lại kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn có đến hơn 14% công nhân nói họ không đủ sống; khoảng 35% công nhân nói đủ sống nhưng phải chịu kham khổ; còn trên 35% tạm đủ sống và chỉ có trên 14% là có tích lũy chút ít. "Mức lương hiện tại thấp khiến cuộc sống công nhân tại các khu công nghiệp quá chật vật", vị lãnh đạo này tiếp lời. 

Làm việc tại một công ty chuyên gia công, xuất khẩu may mặc tại Khu công nghiệp Phố Nối A (tỉnh Hưng Yên), chị Thu Hằng cho biết đón nhận tin này với tâm trạng hụt hẫng bởi chờ đợi mức tăng cao hơn. Làm việc đã 3 năm nay lương hiện tại của chị vẫn chỉ loanh quanh mức 3,5 triệu đồng. Nếu lương tăng thêm 7,3% thì mỗi tháng chị có thêm khoảng 210.000 đồng. Số tiền này tạm đủ với người chưa lập gia đình và sống ở ngoại thành như chị. Còn nếu là gia đình có con nhỏ thì vẫn rất khó khăn. Chưa kể mỗi lần lương chưa tăng là giá đã tăng mạnh trước đó.

Tăng lương là niềm vui của người lao động, nhưng lại là nỗi buồn của giới chủ khi phải lo gánh thêm phí đóng bảo hiểm xã hội và hàng loạt chi phí khác, trong lúc "túi tiền" không rủng rỉnh.

Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, với mức tăng 7,3%, bình quân chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm 0,31%. Riêng khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản…, chi phí dự kiến sẽ tăng thêm 2%.

“Dệt may, thủy sản cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động lớn bởi năm nay là cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội - Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá.

Khi vừa đề cập tới chuyện lương tối thiểu sẽ tăng vào năm tới, ông Nguyễn Văn Thời - Tổng giám đốc Công ty CP May Xuất khẩu Thái Nguyên không giấu tiếng thở dài. "Chúng tôi đã nói, đã nêu ý kiến rất nhiều, hiện giờ các doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn, chỉ cần tăng thêm gánh nặng bất kỳ chi phí nào cũng sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa… Song tiếc là ý kiến không tác động nhiều”, ông nói.

Lương tối thiểu tăng liên quan tới mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, còn lương thực tế doanh nghiệp chi trả thường cao hơn mức tối thiểu. Trong khi đó, nếu lương tăng thêm 7,3% doanh nghiệp phải chịu thêm gần 10% chi phí bảo hiểm xã hội so với năm nay, chưa kể chi phí khác. 

Với hơn 12.000 công nhân, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thời tính toán mỗi tháng, công ty ông sẽ phải chi thêm khoảng nửa tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội. "Đây là con số không nhỏ. Đáng lý lãi được 10 đồng thì nay chỉ còn phân nửa", ông Thời bày tỏ. 

"Tăng lương vui đâu chưa thấy nhưng nhãn tiền trước mắt là các doanh nghiệp nhỏ sẽ càng bồi thêm khó khăn, khó trụ vững. Lương tăng một người vui, nhưng cả chục người buồn vì bị mất việc làm", vị Tổng giám đốc Công ty May xuất khẩu Thái Nguyên giải thích.

Kém vui cũng là tâm trạng của Giám đốc một công ty may mặc tại Hưng Yên. Theo vị này, tiền trả lương và các khoản bảo hiểm chiếm khoảng 30% tổng chi phí của doanh nghiệp. "Để có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp liên tục phải hạ giá bán để cạnh tranh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng. Biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung, dệt may nói riêng là rất mỏng", ông tâm sự.

Do đó, dù lương tối thiểu được quyết định tăng, nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng chi trả thì người lao động cũng không được hưởng mức lương tăng. Thậm chí, các doanh nghiệp cho rằng việc này có thể dẫn tới quyết định cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất. Theo tính toán của vị Giám đốc này, số tiền nộp bảo hiểm xã hội năm 2015 của công ty ông đạt gần 80 tỷ đồng, nếu lương tăng thêm 7,3% thì sẽ phải nộp thêm gần 6 tỷ đồng nữa. Với tình hình khó khăn của ngành dệt may hiện tại, điều này nghĩa là sẽ có rất nhiều người lao động thay vì chưa kịp mừng vui vì lương tăng đã mất việc làm.

Tỏ ra cảm thông với ông chủ các doanh nghiệp, đại diện cho giới chủ tham gia đàm phán phương án tăng lương lần này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, tăng lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội khi nền lợi nhuận đang khá mỏng, nhưng cũng phải chấp nhận để nâng cao năng lực nội tại của mình.

"Chúng tôi muốn rằng doanh nghiệp thấy đó là mức để phấn đấu. Cần phải tiết giảm những vấn đề có thể giảm được", Phó chủ tịch VCCI bình luận. Vị này cũng cho rằng, để mỗi lần tăng lương cả xã hội không nháo nhác, cần phải có các công cụ, chính sách hỗ trợ kèm theo để tránh điệp khúc "té nước theo lương".

Rút kinh nghiệm ở lần tăng lương sắp tới, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sẽ sớm có cuộc họp bàn với các cơ quan chức năng để tìm ra phương án nhằm hạn chế tình trạng này.

Về phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty May xuất khẩu Thái Nguyên mong muốn, ngoài vấn đề tăng lương tối thiểu, VCCI cùng các cơ quan chức năng cũng cần tính đến các biện pháp hỗ trợ một cách quyết liệt hơn, để doanh nghiệp hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu chi trả lương tối thiểu. Ngược lại, bản thân doanh nghiệp cũng cần đổi mới khoa học công nghệ, tận dụng những cơ hội đang có để nâng cao được năng lực cạnh tranh.(Vnexpress)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục