Kiến nghị không truy thu thuế của doanh nghiệp
Cáp quang AAG bảo trì, Internet Việt Nam chậm trong 6 ngày
'Anh em nhà Samsung' chi triệu USD trồng ớt ở Việt Nam
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 22-07-2016
- Cập nhật : 22/07/2016
Giá điện gió Cà Mau là 9,8 UScents/kWh
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 được hưởng chính sách giá điện tạm tính tương tự như các dự án nhà máy điện gió đã xây dựng ven bờ biển (giá mua bán điện được tính bằng đồng Việt Nam tương đương với 9,8 UScents/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).
Giá bán điện của Dự án sẽ được điều chỉnh sau khi Quyết định bổ sung, sửa đổi Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam được ban hành và hoàn thành quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, quyết định cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7463/VPCP-KTN ngày 18/9/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh quy định hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Doanh thu EVN tăng mạnh nhưng lợi nhuận liên tục lao dốc, giảm hơn 50% sau 3 năm
Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là trên 10.000 tỷ đồng, nhưng tới 2015 chỉ còn 4.595 tỷ đồng. Cùng thời gian này, doanh thu của "nhà đèn" tăng từ 187.785 tỷ lên 243.509 tỷ đồng.
Báo cáo của EVN về Kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và 03 năm giai đoạn 2013 – 2015 của Tập đoàn Điện lực cho biết, tổng doanh thu của Tập đoàn không ngừng tăng lên trong các năm, song lợi nhuận sau thuế lại giảm dần.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015, EVN đạt tổng doanh thu tương ứng là 187.785 tỷ đồng; 209.245 tỷ đồng; 243.509 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn lại giảm dần qua các năm, tương ứng là 10.369 tỷ đồng; 5.352 tỷ đồng và 4.595 tỷ đồng. Số tiền mà EVN nộp ngân sách trong ba năm trên tương ứng khoảng 15.000 tỷ đồng.
Với một Tập đoàn có số vốn điều lệ đến hết năm 2015 là 160.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến 31/12/2014 là 578.068 tỷ đồng, mức lãi như vậy được xem là khá thấp. Tuy nhiên, việc có lãi trở lại sau nhiều năm báo lỗ, đặc biệt là khoản lỗ lớn từ năm 2010 lên tới trên 23.000 tỷ đồng do mua điện giá cao và chênh lệch tỷ giá, cùng hàng nghìn tỷ đồng lỗ do đầu tư ngoài ngành, thì việc EVN đã có lãi là thông tin tích cực.
Kể từ năm 2007 đến nay, việc liên tục điều chỉnh giá điện là một trong những nguyên nhân giúp cho EVN dần phân bổ được các khoản lỗ. Tính đến nay, giá điện đã được điều chỉnh 10 lần và kể từ lần điều chỉnh ngày 16/3/2015 đến nay thì giá điện đã được giữ ổn định.
Mặc dù liên tục điều chỉnh tăng giá, song được biết đến nay các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được tính hết vào giá điện. Đây là một trong những lý do khiến cho số lãi của EVN trong giai đoạn qua giảm dần, để bù đắp các khoản lỗ tỷ giá từ những năm trước để lại.
Báo cáo của EVN cũng cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2015 mỗi năm EVN rót hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hoạt động đầu tư phát triển, tăng từ 98.076 tỷ đồng năm 2013 lên 120.909 tỷ đồng năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ ở mức dưới 500 tỷ đồng, còn lại là vốn vay và các nguồn vốn khác.
Tình hình đầu tư vốn của EVN tính đến 31/12/2015 tại 09 Tổng công ty mà Tập đoàn này nắm 100% vốn là 106.186 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con là công ty cổ phần nhìn chung phát triển mạnh và có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của EVN tại doanh nghiệp.
Trong giai đoạn trên, hầu hết các công ty tư vấn xây dựng điện đều chia cổ tức theo tỷ lệ 15% đến 25% vốn điều lệ, đem lại lợi suất cổ tức hàng năm là từ 11,2% đến 15,7% cho EVN. Hoạt động các công ty cơ khí điện lực cũng đều có lãi, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của EVN tại doanh nghiệp.
Theo EVN, giai đoạn 2013 – 2015 Tập đoàn đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia là 430,7 tỷ kWh, tổng sản lượng điện thương phẩm là 387,6 tỷ kWh.
EVN cũng hoàn thành công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Với tổng số vốn đầu tư là 338.378 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào phát điện 18 tổ máy thuộc 11 dự án với tổng công suất 6.434 MW.
Ngoài ra, EVN thực hiện giảm tổn thất điện năng xuống còn 7,94%, thấp hơn mức 8% Chính phủ giao.Tính đến cuối năm 2015 cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76%.(Trithuctre)
Sầm Sơn: Thị xã văn minh hiện đại và đáng sống
Du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ đạo, có tiềm năng và lợi thế phát triển nhất của thị xã Sầm Sơn.
Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thị xã Sầm Sơn đến năm 2020, tỷ trọng dịch vụ chiếm 85,2% trong đó du lịch chiếm 67,4%), du lịch đạt tốc độ tăng trưởng 24 – 25%/năm, thu hút khoảng 5 triệu lượt khách, tỷ lệ tăng bình quân 8,5%/năm, doanh thu năm 2020 đạt 5.042 tỷ, tăng 20,9%/năm.
Đổi mới trong cách “làm du lịch”
Năm 2015, Sầm Sơn đã đón trên 3,65 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.120 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2014. Kinh tế du lịch phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 24,76%, doanh thu năm 2015 tăng 3 lần so với năm 2010.
Điểm đáng lưu ý của khu du lịch biển Sầm Sơn trong năm 2015 là FLC Samson Beach & Golf Resort được khánh thành và đi vào hoạt động với hạng mục trung tâm là sân golf 18 lỗ FLC Samson Golf Links, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống nhà hàng, quán bar, bể bơi 4 mùa, khách sạn, biệt thự… tạo điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển ngành kinh tế du lịch Sầm Sơn.
Ông Lê Ngọc Chiến- Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết, bằng cách nhìn và tư duy mới, trong vòng 3 năm qua, thị xã đã đổi mới công tác quản lý dịch vụ du lịch, phương thức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Một chương trình hành động với 10 phương án quản lý hoạt động du lịch đã được tuyên truyền phổ biến rộng rãi và được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các tổ công tác, các cơ quan chức năng đi sát cơ sở chỉ đạo, bố trí hàng quán kinh doanh theo các phân khu chức năng, quản lý người bán hàng rong ở bãi tắm và trên núi Trường Lệ, lắp đặt đồng hồ tính cước, đánh số xe điện, kiểm tra chất lượng, trang bị đồng phục cho đội ngũ lái xe điện; công khai niêm yết giá cả, giải quyết tình trạng ăn mày ăn xin, quản lý xe đạp đôi, xe tự chế, xe bán hàng rong, quy hoạch và đưa vào sử dụng 25 bãi trông giữ xe đủ chỗ cho 1.800 phương tiện, kiện toàn đội cấp cứu biển, quản lý dịch vụ nhiếp ảnh, xích lô, thành lập đội quản lý liên ngành gồm Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, dân phòng và tiến hành trực 24/24h, niêm yết đường dây nóng để du khách phản ánh và cam kết xử lý kịp thời… Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo. Nhờ vậy, môi trường du lịch đã có những chuyển biến mạnh mẽ .
Cùng với đó, UBND thị xã đã ban hành quyết định số 348/QĐ-UBND về quy định mức giá tối đa tạm thời đối với một số hàng hóa dịch vụ trên địa bàn, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải niêm yết công khai giá cả ở vị trí dễ thấy và bán không được cao hơn giá đã niêm yết, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm, thưởng, phạt công minh, được du khách và người dân nơi đây đồng tình ủng hộ.
Công tác đào tạo nhân lực cũng sẽ được thị xã quan tâm, phối hợp với Trường Cao đẳng quốc tế Hà Nội (Thuộc tập đoàn FLC) tổ chức xây dựng nội dung, chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ thị xã đến cơ sở và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Thị xã cũng nâng cấp Website du lịch Sầm Sơn, tái bản 20.000 cuốn Cẩm nang du lịch Sầm Sơn, hoàn thiện hệ thống phát thanh trên địa bàn và tăng thời lượng phát sóng về du lịch.
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy du lịch phát triển đó là yếu tố về cơ sở hạ tầng. Với những nỗ lực và tầm nhìn chiến lược, trong những năm qua, lãnh đạo thị xã đã quan tâm phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống giao thông trên địa bàn đảm bảo tính liên hoàn, liên kết trong toàn thị xã và giữa Sầm Sơn với các địa phương khác với việc nâng cấp và xây dựng mới các trục giao thông chính là Đại lộ Nam Sông Mã, quốc lộ 47 (cửa ngõ chính của thị xã Sầm Sơn), mở rộng mặt đường từ 4 – 6 làn xe. Tuyến đường nối khu Nam Sầm Sơn với thành phố Thanh Hóa. Tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, đường Hồ Xuân Hương kéo dài. Các tuyến đường theo hướng Đông – Tây khu vực nội thị, sân Golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC (giai đoạn 1)…
Đến năm 2020, tỷ trọng dịch vụ chiếm 85,2% trong đó du lịch chiếm 67,4%), du lịch đạt tốc độ tăng trưởng 24 – 25%/năm.
Phải có quy hoạch và quản lý quy hoạch
Chủ tịch UBND Thị Xã Sầm Sơn, ông Lê Ngọc Chiến cho rằng, để phát triển du lịch Sầm Sơn một cách bền vững, khoa học, UBND thị xã đã xác định phương án lập quy hoạch riêng về phát triển du lịch. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Sầm Sơn tiến hành sáp nhập thêm 6 xã của huyện Quảng Xương, trong đó có 3 xã ven biển thì việc quy hoạch và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch là rất cần thiết.
Cũng theo ông Chiến, để các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch được đảm bảo, công tác quản lý nhà nước sẽ được thị xã tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Nhằm mang đến cho du khách có được một môi trường du lịch thực sự “văn minh – thân thiện”. Với một số hành động cụ thể như: Xây dựng và ban hành các phương án quản lý hoạt động du lịch, dịch vụ với phương châm “Tất cả các hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn đều có phương án quản lý”, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tập thể cá nhân có thành tích trong hoạt động du lịch. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch…
Mặt khác, Sầm Sơn cũng đang và sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng của Sầm Sơn, nhất là các dịch vụ cao cấp và các sản phẩm về hàng lưu niệm, tour du lịch và các sự kiện văn hóa lễ hội. Đặc biệt, có cơ chế kích cầu cho các DN trong việc xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang thương hiệu Sầm Sơn. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các tuor tuyến du lịch nội thị, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội du lịch, các huyện, thị, công ty lữ hành trong tỉnh để tổ chức các tuor du lịch nội tỉnh, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách cũng như tăng cường phát triển ngành du lịch tỉnh nhà. Nghiên cứu xây dựng lễ hội mới gắn với danh thắng Hòn Trống Mái – biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng thành lễ hội độc đáo, riêng có của Sầm Sơn. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao trình độ, chuyên môn về du lịch cho cán bộ quản lý, chủ các cơ sở kinh doanh, nhất là chủ các cơ sở tư nhân.
Có thể nói, hành trình “thay da, đổi thịt” cả về lượng và chất của Sầm Sơn chính là một cuộc cách mạng, thay đổi trong nhận thức, hành động của chính quyền, người dân thị xã. Hy vọng, trong tương lai không xa, Sầm Sơn sẽ chính thức được công nhận trở thành một trong những đô thị du lịch biển giàu đẹp, văn minh, hiện đại của cả nước.(DDDN)
Lựa chọn thầu DA Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các bước thực hiện lựa chọn nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng Dự án; chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp đặc biệt phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Được biết, thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng trên dòng sông Đà nên có ưu thế được các hồ thủy điện bậc thang trên điều tiết nước hàng năm. Nhà máy có 8 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, sản lượng thiết kế bình quân 8,16 tỷ kWh/năm. Vào ngày 24/5/2016, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cán mốc sản lượng 200 tỷ kWh điện sản xuất và phát lên lưới điện quốc gia.
Theo Quyết định 428/QĐ-TTg (ngày 18/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh), thủy điện Hòa Bình mở rộng nâng công suất thêm 480 MW, dự kiến tổ máy 1 phát điện năm 2021, tổ máy 2 phát điện năm 2022.
Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 sẽ phát điện thương mại cuối năm nay
Tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (Trà Vinh) vừa thực hiện công tác đốt lò lần đầu và chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm để đưa tổ máy vào vận hành.
Việc đốt lò lần đầu tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 ở thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mốc tiến độ mà dự án đã đạt được và mở ra một mốc tiến độ không kém phần quan trọng đó là phát điện thương mại tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 vào cuối năm 2016.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 do Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco1) làm chủ đầu tư, là 1 trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải, có tổng công suất đạt khoảng 4.500 MW, nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định điều chỉnh số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 1.245MW (2 x 622,5 MW), sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,8 tỷ kWh.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, thông số hơi dưới tới hạn, công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, tính ổn định, hiệu suất cao, an toàn và đặc biệt đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường do áp dụng các thiết bị xử lý môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử NOx và SOx. Nhiên liệu than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thủy có tải trọng đến 30.000DWT. Nhu cầu tiêu thụ than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 khoảng 3,6 triệu tấn/năm.
Dự án do liên danh nhà thầu CHENGDA - DEC - SWEPDI - ZEPC (Trung Quốc) thi công, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 3 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công (bao gồm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công).
Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 trong vòng 47 tháng, tổ máy số 2 và toàn bộ nhà máy trong vòng 51 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực (tháng 11/2012). Khi đi vào vận hành, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.