Hầu hết những người lãnh đạo đứng đầu của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đều đã có những chuyến thăm lẫn nhau trong suốt hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 17-05-2016
- Cập nhật : 17/05/2016
Việt Nam phản bác thông báo của Liên Hợp Quốc về nhân quyền
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông báo của người phát ngôn Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, hôm qua nhấn mạnh Việt Nam bác bỏ các thông tin không chính xác, thiếu khách quan, không được kiểm chứng từ người phát ngôn UNHCR, đồng thời lấy làm tiếc và thất vọng về phản ứng vội vã này.
Ông Thành khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, phù hợp với Hiến pháp 2013 và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước về quyền dân sự và chính trị cũng quy định rõ các quyền và tự do cá nhân cần phải thực thi trong khuôn khổ pháp luật, không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, trật tự công cộng, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng và quyền, lợi ích của cá nhân khác.
Theo ông, các biện pháp cần thiết được tiến hành là phù hợp với luật pháp Việt Nam và chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo trật tự giao thông, an ninh, an toàn cho người dân, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Những hành vi kích động bạo lực, bài ngoại, gây rối trật tự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cần phải ngăn chặn trong khuôn khổ luật pháp, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Website Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền (OHCHR) ngày 13/5 đăng tải tuyên bố của ông Rupert Colville, người phát ngôn UNHCR, bày tỏ "lo ngại về tình trạng bao lực gia tăng nhằm vào người tham gia biểu tình liên quan đến vụ cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân ở Việt Nam".
Đại sư Thành cho biết trước sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung, Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực để hỗ trợ cho người dân bị tác động trực tiếp. Với sự hỗ trợ từ những đối tác, nhà khoa học quốc tế, Việt Nam đang khẩn trương tìm nguyên nhân của sự cố và thường xuyên cập nhật tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác từ các nước, tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc trong nỗ lực cùng Việt Nam xử lý vấn đề này trên tinh thần khoa học, khách quan, thiện chí và xây dựng", ông nói.
3 xe công vụ của cảnh sát và ngành giao thông bị nhốt
Theo Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), trong các ngày 13-14/5, tổ liên ngành gồm đại diện Tổng cục Đường bộ và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64- Bộ Công an) kiểm soát xe quá tải trên địa bàn Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, phát hiện và xử phạt nhiều xe chở quá tải, cơi nới thành thùng.
Tại tỉnh Thái Bình, tổ công tác phát hiện 3 xe tải của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh chở vật liệu phục vụ dự án thi công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (từ nút giao quốc lộ 39 Hưng Yên đến nút giao quốc lộ 10 Hải Phòng) có dấu hiệu chở hàng quá tải và thay đổi kích thước thùng xe nên ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Thay vì chấp hành, các lái xe bỏ đi, không hợp tác. Đến sáng 14/5, một loạt xe xúc, xe lu, xe tải chở cát của Công ty Phương Anh đã hợp sức chặn đường, cản trở việc xử lý xe quá tải.
Ngày 15/5, ông Hoàng Thế Lực, Phó vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra của Tổng cục Đường bộ cho biết, dù Công an huyện Hưng Hà (Thái Bình) phối hợp với tổ liên ngành thuyết phục, nhưng Công ty Phương Anh vẫn chưa chịu di dời xe lu, máy xúc. Hai xe công vụ và một xe cứu hộ của tổ liên ngành vẫn bị nhốt.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình cho biết, ngay chiều 15/5, Tổng cục Đường bộ đã về làm việc với các bên liên quan, trong đó có Sở Giao thông tỉnh và Công ty Phương Anh. Tại buổi làm việc, Công ty giải thích xe của đoàn đi vào công trường thi công đường giao thông và chặn bắt, xử lý xe tải của đơn vị là không đúng. Vì thế các lái xe phản ứng, không hợp tác và "sau đó xe của đoàn bị mắc kẹt”.
Công ty Phương Anh viện dẫn các xe chở đất, đá chạy trên đường nội bộ, chạy trên công trường thi công, không ra đường giao thông. Hiện doanh nghiệp chờ đợi lời giải thích rõ ràng từ cơ quan chức năng, sau đó mới giải phóng xe công vụ.
Sẽ có gần 2.000 căn hộ giá dưới 1,5 tỉ đồng bán ra thị trường
Hội chợ do Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam và Công ty CP Dịch vụ và Xúc tiến Thương mại Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 12-7-2016 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (TP.HCM).
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết VietHome Expo 2016 sẽ giới thiệu gần 2.000 căn hộ ở các quận Thủ Đức, 9, 7 có giá chỉ 1-1,5 tỉ đồng/căn và nhiều sản phẩm khác từ các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu tại TP.HCM. Đây là những sản phẩm thu hút sự quan tâm của đại bộ phận người dân có mức thu nhập trung bình đang có nhu cầu nhà ở.
Theo ông Hà, VietHome Expo 2016 sẽ tạo cầu nối nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá, đưa sản phẩm BĐS và các trang thiết bị nội và ngoại thất, vật liệu xây dựng đến với người tiêu dùng; tạo cơ hội khách hàng tiếp xúc các chuyên gia tư vấn pháp lý, quy hoạch, tín dụng ngân hàng để được hỗ trợ thông tin; nhằm từng bước xây dựng niềm tin, đặc biệt là với khách hàng có nhu cầu thực, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo sân chơi minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Đây cũng là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội và ngoại thất gặp gỡ những nhà phát triển dự án BĐS cùng nhau gắn kết thế mạnh về thương hiệu, cung cấp giải pháp thông minh trong lĩnh vực chuyên môn; trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu, liên kết, hợp tác kinh doanh và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, thúc đẩy xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao: 'Để lọt tội phạm, chỉ có 3 nguyên nhân'
Chiều 16-5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại hội nghị tiếp xúc với cử tri quận 5 (đơn vị bầu cử số 4, TP.HCM).
Tại hội nghị, cử tri phường 3 - luật sư Lê Bửu Thành, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng những năm qua tình trạng oan sai rất nhiều. Ông đề nghị ứng viên Lê Minh Trí nếu trúng cử đại biểu Quốc hội thì phải có những giải pháp mạnh để tránh oan sai.
Cử tri Nguyễn Lâm Sanh đề nghị các ứng viên nếu trúng cử thì phải tăng cường giám sát các án oan, đừng để xảy ra oan sai như vụ ông Huỳnh Văn Nén.
Thay mặt các ứng cử viên trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm sát là không để lọt tội phạm, dù một trường hợp oan sai thì cũng khó chấp nhận, bởi vì nó đụng tới nhân phẩm, danh dự, sức khỏe và quyền con người.
“Thời gian qua thì cũng có xảy ra việc này việc khác. Chúng tôi chỉ dám hứa cố gắng hạn chế đến mức năm nay tốt hơn năm trước, đã phát hiện oan sai thì phải dám sửa với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, không tránh né. Bây giờ mà bảo tôi hứa không có trường hợp nào oan sai trên đất nước này thì tôi không dám hứa đâu. Nhưng tôi phát hiện ra oan sai là tôi sẽ sửa ngay. Tôi đã làm và sắp tới sẽ tiếp tục làm”, ông Trí nói.
Ông Lê Minh Trí cũng chỉ ra để lọt tội phạm chỉ có ba nguyên nhân: năng lực cán bộ kém, do thiếu trách nhiệm và tiêu cực. Để lọt tội phạm thì mất trật tự kỷ cương, người dân không tin vào bộ máy của mình nữa.
“Mà dân không tin thì không được đâu. Lòng tin của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của các cơ quan, các cấp các ngành. Chúng tôi xem đây là mục tiêu mà ngành kiểm sát lấy làm nòng cốt để thực hiện trong công việc”- ông Trí nói và một lần nữa ông hứa nếu phát hiện oan sai sẽ sửa, xử lý nghiêm theo đúng qui định của pháp luật.
Trình bày chương trình hành động trước hàng trăm cử tri, ông Lê Minh Trí cũng khẳng định ông sẽ lãnh đạo, chỉ đạo ngành kiểm sát nhân dân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành được Hiến pháp và pháp luật quy định, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm minh trong đời sống xã hội.
Đồng thời, ông cũng sẽ thực hiện có hiệu quả công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua việc đi sâu, đi sát thực tiễn và tham gia tích cực vào các phiên chất vấn tại Quốc hội. Từ đó chỉ ra những tồn tại trong hoạt động thực thi pháp luật để các cơ quan liên quan có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, gây nhiều bức xúc trong nhân dân liên quan đến việc giải quyết các vụ án có dấu hiệu oan sai, tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự đô thị...
“Trước mắt, tôi sẽ tập trung chỉ đạo công tác kiểm sát việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực trong thẩm quyền của mình”, ông Trí nói.
Sẽ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực
Ngày 16-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết khẳng định nguyên tắc nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành về đất đai theo hướng cho phép các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn dài hạn, trình Chính phủ trong quý III năm 2016.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.