Hải Phòng: Hơn 800 công nhân tại khu công nghiệp Tràng Duệ đình công
Hải quan cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến
Bắt giữ 750kg bột thực phẩm không hạn sử dụng
Việt Nam nâng thời hạn thị thực cho công dân Mỹ
Bác bỏ thông tin về kho vàng 4.000 tấn ở núi Tàu
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 11-04-2016
- Cập nhật : 11/04/2016
Cần Thơ: Quá cưng doanh nghiệp nợ tiền thuê đất
Ông Võ Ngọc Hồ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (Cipco) cho biết, đến thời điểm hiện tại, có trên 10 doanh nghiệpthuê đất tại KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 nợ không chỉ tiền phí duy tu hạ tầng, mà còn nợ cả tiền thuê đất với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có những doanh nghiệp rất chây ì, điển hình là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, nay là Công ty cổ phần Thủy sản Cần Thơ - Hà Nội, mặc dù hai bên đã nhiều lần làm việc với nhau, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa chịu thanh toán. Cipco đã đưa ra nhiều hình thức linh hoạt trong thanh toán như phân kỳ trả dần, nếu không có nhu cầu thuê thì có thể trả lại đất. Tuy nhiên, cho tới nay khoản nợ tiền thuê 3 ha đất tới hơn 20 tỷ đồng, doanh nghiệp này vẫn chưa thanh toán, mà đất thì cũng không chịu trả.
Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, Cipco cũng đã tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể tái cơ cấu, phục hồi sản xuất để còn tiền trả nợ. Phương châm của Cipco là đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thứ cấp, chính vì thế mà cho dù các doanh nghiệp này nợ nần kéo dài, nhưng Cipco vẫn kiên trì chọn giải pháp ôn hòa để thu hồi nợ.
.
KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 là hai KCN ra đời sớm nhất tại TP. Cần Thơ, hiện nay cả hai khu này cơ bản đã lấp đầy diện tích. Do hình thành sớm, nên giá cho thuê đất khởi điểm ở 2 KCN này rất thấp và ưu đãi cho doanh nghiệp rất nhiều, có những doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất đến 10 năm.
Điển hình như Dự án Nhà máy sản xuất xe ô tô Hyundai do Công ty cổ phần Ô tô Hyundai - Vinamotor (nay là Công ty cổ phần Việt Nam Motors) làm chủ đầu tư, được chấp thuận thuê 35 ha đất tại KCN Trà Nóc 2 từ tháng 11/2004, để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Chính quyền địa phương kỳ vọng, Dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất nhiều trong thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương, nên xét ưu đãi miễn hoàn toàn tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi nhận đất, với mức phí hạ tầng ưu đãi 0,1 USD/m2/năm.
Giai đoạn I, dự án được giao 15,6 ha. Theo cam kết của nhà đầu tư thì dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động sau 18 tháng xây dựng từ khi được giao đất. Tuy nhiên, tới nay đã 12 năm mà dự án này vẫn ngưng trệ, phần diện tích đất hơn 10 ha chưa xây dựng nhà xưởng bị nhà đầu tư bỏ hoang phế, nhiều lần Cipco vận động nhà đầu tư này trả lại phần đất bỏ hoang, nhưng thà bỏ trống chứ họ không giao lại. “Phần đất này nếu được cho thuê với giá “bèo” 1 USD/m2/năm, thì trong 10 năm qua cũng thu được hàng triệu USD”, ông Hồ nói.
Do hai KCN do Cipco đầu tư hạ tầng được thành lập sớm nhất tại Cần Thơ, nên mức giá cho thuê đất khởi điểm rất thấp, nay tuy có điều chỉnh tăng, nhưng vẫn thuộc hàng thấp nhất tại địa phương. Ngoài ra, còn có khoảng 30 ha đất nằm trong KCN của doanh nghiệp đầu tư trước khi hình thành KCN nên không phải đóng tiền thuê đất cho Cipco. Năm 2014, Cipco cũng đã giao cho UBND thành phố 4,5 ha đất KCN Trà Nóc 2 để xây dựng Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Tổng diện tích đất của 2 KCN do Cipco đầu tư kinh doanh hạ tầng là KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 là 290 ha, nhưng mức thực thu hàng năm rất eo hẹp. Năm 2015, Cipco cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Dự án đã đi vào hoạt động khoảng 8 tháng, nhưng lượng nước thải các doanh nghiệp cung cấp chỉ đạt 25% công suất.
“Với những điều kiện thực tế như thế, hiện nay Cipco đang lâm vào tình thế rất khó khăn, do vậy, buộc lòng chúng tôi phải khởi kiện 6 doanh nghiệp nợ chây ì kéo dài, trong đó có vụ kiện Công ty cổ phần Việt Nam Motors để đòi lại đất. Chúng tôi cũng đang gặp gỡ trao đổi lần cuối cùng với 3 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất khác, nếu không đạt được sự thỏa thuận thì chúng tôi cũng sẽ khởi kiện để nhờ tòa án phán quyết. Chuyện làm ăn kinh doanh mà phải kéo nhau ra tòa là điều không ai mong muốn, tuy nhiên những doanh nghiệp nợ Cipco đã kéo dài khá lâu, nên buộc chúng tôi phải có biện pháp cứng gắn để thu hồi”, ông Hồ chia sẻ.
Theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tại KCN Thốt Nốt do Trung tâm Xây dựng hạ tầng trực thuộc Ban làm chủ đầu tư, hiện cũng có 8 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng với số tiền trên 50 tỷ đồng, trong đó có một doanh nghiệp nợ đến hơn 40 tỷ đồng. “Chúng tôi đang trao đổi yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch phân kỳ trả nợ. Quan điểm của chúng tôi là luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Trong sản xuất - kinh doanh thì cũng có lúc này lúc khác, với những doanh nghiệp gặp khó khăn thì mình phải tìm cách hỗ trợ hết mình để họ vượt qua, sự thành công của họ cũng là thành công của mình. Việc kiện tụng chỉ là hạ sách, tình huống bất khả kháng”, một vị lãnh đạo của Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ chia sẻ.
8 dự án giao thông cấp bách tại Hà Nội: Lúng túng tìm hình thức đấu thầu
Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu mà không thực hiện đấu thầu với các gói thầu của 8 dự án công trình giao thông có tính đặc thù, cấp bách, cần triển khai và hoàn thành trong năm 2016 nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội đã giải quyết triệt để 10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2015 với điểm nhấn là 2 nút giao thông quan trọng tại hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa. Cùng với đó, nhiều nút giao khác cũng giảm đáng kể ùn tắc như: Lạc Long Quân - Thụy Khuê, Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, cầu Phương Liệt - dự án Vành đai 2. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại 46 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các nút giao thông và nhiều tuyến đường.
Trước kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội, tại Văn bản số 3859/BTC-ĐT gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thống nhất với nguyên tắc áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) đối với các công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải, theo quy định của Luật Đấu thầu, các dự án cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông không thuộc đối tượng được chỉ định thầu. Tuy nhiên, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại cho phép áp dụng hình thức giao thầu đối với các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính chất cấp bách từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, kiến nghị áp dụng hình thức giao thầu đối với các công trình giao thông cấp bách nói trên là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, việc triển khai nhanh 8 dự án để khẩn trương khắc phục các điểm nút ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội là cần thiết. “Nhưng trong các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định từ Điều 20 đến Điều 25, Luật Đấu thầu, không có hình thức giao thầu”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Như vậy, các văn bản quy định pháp luật mà Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra làm cơ sở để thể hiện quan điểm đang bị mâu thuẫn, chồng chéo nhau, dẫn đến câu chuyện mỗi Bộ một ý kiến. Song, những ý kiến này không sai, mà đều dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước đã ban hành.
Điều cần nói ở đây là, trong khi UBND TP. Hà Nội vừa quyết định chi 2.200 tỷ đồng để xóa 40 điểm ùn tắc giao thông còn tồn tại, thì lại chưa có một chính sách nào được cho là phù hợp để giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất lập phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nếu Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Hà Nội thấy rằng, các gói thầu, dự án giao thông của Hà Nội có các điều kiện đặc thù.
Có lẽ, chừng nào đề xuất làm hài lòng tất cả các bên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thông qua, thì Hà Nội mới có thể triển khai 8 dự án giao thông quan trọng này.
Hà Nội: Phê duyệt giá đất bồi thường tuyến đường vào Khu đô thị mới Tây Hồ Tây
UBND Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường số 1 (đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài) vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây.
Theo đó, hệ số đơn giá đất ở bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng như sau:
Đối với vị trí đường Hoàng Quốc Việt: Hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường GPMB là 2,02 lần so với giá đất ở vị trí 1 đường Hoàng Quốc Việt quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội; giá đất cụ thể là 78,780 triệu đồng/m2.
Vị trí 2 đường Hoàng Quốc Việt: Hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường GPMB là 2,0 lần so với giá đất ở vị trí 2 đường Hoàng Quốc Việt quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội; giá đất cụ thể là 42,120 triệu đồng/m2.
Vị trí 3 đường Hoàng Quốc Việt: Hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường GPMB là 1,96 lần so với giá đất ở vị trí 3 đường Hoàng Quốc Việt quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội; giá đất cụ thể là 33,634 triệu đồng/m2.
Giá bán nhà tái định cư: Thực hiện theo chính sách giá quy định tại thời điểm phê duyệt phương án.
Bộ Chính trị bổ nhiệm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
Tại Hội nghị, các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã công bố và trao Quyết định số 128-QĐNS/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao Quyết định và chúc mừng tân Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Bình nhận nhiệm vụ mới, đồng thời nhấn mạnh Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao phân công đồng chí đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư bày tỏ sự tin tưởng đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm và sự năng động, sáng tạo, cùng các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, công chức Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất quan trọng và vẻ vang được Đảng giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Sau 3 năm tái lập, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, củng cố kiện toàn, Ban Kinh tế Trung ương đã vượt qua được những khó khăn bước đầu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng, đồng chí Nguyễn Văn Bình sẽ phát huy tốt năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới.
Về phía mình, đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho biết sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành tốt nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Văn Bình bày tỏ niềm vinh dự và xúc động được Bộ Chính trị giao trọng trách Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
“Tôi mong muốn được các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đồng nghiệp tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ để Ban Kinh tế Trung ương và cá nhân tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Văn Bình kêu gọi toàn thể cán bộ Ban Kinh tế Trung ương rèn luyện phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của Đảng và mong muốn của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sinh năm 1961, được bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ tháng 8/2011, sau 3 năm đảm đương vai trò Phó thống đốc đã có nhiều thành công trong hoạt động điều hành ngành Ngân hàng.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị: Quan trọng là thu hút nguồn lực
TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 – 2020. Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Ngày 23/2/2016 UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định 04/2016/QĐ-UBND về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, các DN, hợp tác xã, hộ gia đình, chủ trang trại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, lâm thủy sản... sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất với mức lãi vay theo quy mô đầu tư, thời hạn tối đa lên đến 5 năm. Đặc biệt, hộ nghèo và cận nghèo nếu vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của thành phố được ngân sách hỗ trợ lãi suất 4% /năm.
Cùng với nhiều quyết định khác của TP. HCM thời gian qua như Quyết định (QĐ) 21 hướng đến thực hành nông nghiệp tốt, QĐ 310 tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hay QĐ 1469 vừa mới ban hành ngày 28/3/2016 về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp... sẽ góp phần thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố với kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại.
Vậy, lợi ích mà những chủ trương này đã đem lại cho thành phố, DN và người nông dân như thế nào?
Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, hiện đại, công nghệ cao là chủ trương xuyên suốt của TP. HCM trong suốt thời gian qua. Trước đó, với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, nhiều DN, hộ nông dân đã thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tập trung vào những lĩnh vực như trồng hoa lan, cây cảnh bonsai, rau an toàn... tạo ra nhiều sự chuyển biến và bộ mặt nông nghiệp đô thị mang tính đặc trưng của thành phố.
Mặt tích cực của việc hỗ trợ lãi suất chính là kích thích các DN, người nông dân bỏ vốn ra đầu tư theo cơ chế 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra, thu hút, tranh thủ được 20 – 30 đồng vốn từ nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, vì mục tiêu chung.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân mạnh dạn tìm hiểu, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi trang thiết bị máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, liên kết chuỗi, thành lập các tổ hợp tác xã hoạt động có quy mô, bài bản để cùng nhau phát triển.
Có thể kể ra một vài mô hình đã thành công từ khi có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tạo ra động lực đổi mới như HTX Phước An (Bình Chánh) chuyên trồng rau sạch, HTX Lan Huyền thoại, cá kiểng Châu Thống... không chỉ cung ứng cho thành phố mà đã vươn ra trở thành mặt hàng thương phẩm có giá trị xuất khẩu đi nước ngoài.
Vậy, việc hỗ trợ lãi suất đối với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trong giai đoạn hiện nay cần phải khắc phục những mặt hạn chế nào để đạt được hiệu quả mong muốn, thưa ông?
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng thực tế, nhiều DN, hộ nông dân vẫn chưa chủ động đầu tư để được hưởng nguồn hỗ trợ lãi suất này từ ngân sách thành phố. Một phần do sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo nên đến khi sản xuất ra sản phẩm không tìm được thị trường bán hàng nên hiệu quả đạt được chưa cao.
Mặt khác, phần lớn người nông dân khi nói đến lập phương án sản xuất để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, phục vụ mở rộng sản xuất thường có tâm lý e ngại, thậm chí không biết bắt đầu từ đâu.
Vì vậy, quan trọng để việc thu hút nguồn lực xã hội, từ các tổ chức, cá nhân đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố đúng hướng, đúng trọng điểm thì trước hết phải phổ biến để DN, người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, tập huấn cách làm cho người nông dân, tạo mối liên kết giữa khâu sản xuất và tiêu thụ... Có như vậy, hiệu quả mới thực sự phát huy và đồng vốn từ ngân sách bỏ ra mới đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời tránh thất thoát, lãng phí.(TBNH)