Rừng Phú Quốc (Kiên Giang) được ví như trái tim của hòn đảo này, mất rừng không chỉ mất nguồn nước, mà là mất đi môi trường sinh thái độc đáo của đảo.
Quốc hội thông qua nghị quyết phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020
- Cập nhật : 12/04/2016
(Tin kinh te)
Sáng nay 12-4, trong khuôn khổ phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP
Các đại biểu Quốc hội đã tán thành với tỷ lệ cao (93,52%) thông qua các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường. Cụ thể:
Các chỉ tiêu về kinh tế:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm.
GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 - 3.500 USD.
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP.
Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%.
Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.
Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Các chỉ tiêu về xã hội:
Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%.
Đến năm 2020 có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.
Các chỉ tiêu về môi trường:
Tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn.
Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%.
Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95 - 100%.
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.
Kiểm soát lạm phát còn 3% vào 2020
Để đạt được các chỉ tiêu này, Quốc hội cùng đồng ý với 10 nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết, trong đó tập trung phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm các giới hạn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.
Nghị quyết cũng yêu cầu chuyển phương thức quản lý đầu tư công theo kế hoạch hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, nâng cao hiệu quả đầu tư. Bố trí nguồn lực tài chính nhà nước phù hợp để tham gia và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư nhà nước gắn với phân cấp phù hợp giữa Trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước.
9 nhiệm vụ, giải pháp còn lại mà Nghị quyết đề ra gồm:
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ.
Phát triển bền vững văn hoá, xã hội, y tế trên cơ sở gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tập trung phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hoà bình để phát triển đất nước.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
(Theo Báo Hải Quan)