tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 07-05-2016

  • Cập nhật : 07/05/2016

Bộ Công Thương: Việt Nam từng phải trả giá vì phát triển thủy điện

Cho biết chỉ đóng vai trò tham gia ý kiến thẩm định dự án đường thủy xuyên Á, song lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ xem xét kỹ kế hoạch xây dựng thủy điện trong dự án này, dựa trên những kinh nghiệm đã có của Việt Nam.

Việc thẩm định "siêu dự án" xây dựng tuyến đường thủy xuyên Á trên sông Hồng là một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại buổi họp báo chiều 6/5 của Bộ Công Thương. 

Trả lời câu hỏi của VnExpress về kế hoạch của xây dựng 6 nhà máy thuỷ điện của chủ đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết dự án xuất phát từ đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Xuân Thành). Với những vấn đề có liên quan, Bộ Công Thương sẽ được xem xét kỹ, về tính khả thi đến những ảnh hưởng môi trường bởi Việt Nam đã có lúc phải trả giá vì phát triển thuỷ điện.

ong do thang hai khang dinh bo cong thuong se xem xet than trong ke hoach xay dung thuy dien.

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ xem xét thận trọng kế hoạch xây dựng thủy điện.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Đỗ Đức Quân cho biết hiện chưa có một dự án thuỷ điện nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Cho rằng việc dự án có cần thiết hay không, quy mô ra sao thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông và Kế hoạch & Đầu tư (vì liên quan đến hạ tầng), song ông Quân tái khẳng định Bộ Công Thương sẽ quan tâm đến vấn đề xây dựng thủy điện, dù đây là các thủy điện nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến lưới điện quốc gia.

"Quan điểm của chúng tôi là nếu có đập, tạo cột nước, có thể xem xét xây dựng được để tận dụng nguồn tài nguyên nước. Nếu như dự án được Chính phủ phê duyệt, giá bán điện hợp lý… thì có thể xây dựng thuỷ điện được”, ông Quân nhận định. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết do chưa có hồ sơ đẩy đủ nên chưa thể đánh giá hiệu quả dự án. Vấn đề tác động môi trường, việc di dân, sử dụng đất… cũng cần phải nghiên cứu kỹ.

Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã gửi đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện về việc tạo một tuyến giao thông thủy trên sông Hồng, từ Hà Nội lên phía bắc và xuôi xuống phía biển, nhằm tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). Dự án sẽ bao gồm việc nạo vét 288km đường sông và được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng).

Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn và hiệu quả kinh tế, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II, kiểu tuabin trục ngang, cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh điện một năm.

Đề xuất xây dựng này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà máy thủy điện từng được triển khai với vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng trên cả nước phải dừng hoạt động. Báo cáo mới đây của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng cho hay, đến giữa tháng 3, có đến 15 trong số 51 nhà máy điện phải dừng hoạt động do hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, thủy lợi ở vùng hạ du.

Hàng chục thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có những nhà máy với công suất khá lớn như Hàm Thuận, Buôn Tua Srah... cũng phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng phát điện. Hơn nữa, theo xu hướng sử dụng năng lượng trên thế giới, thuỷ điện đã lỗi thời vì phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Về lý thuyết, việc xây dựng các thủy điện, nạo vét lòng sông sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, lưu lượng nước. Từ đó ảnh hưởng đến vựa lúa, hoa màu của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ nước biển xâm lấn vào mùa khô cũng sẽ hiện hữu khi lưu lượng nước thấp. Vào mùa mua, dòng chảy sông bị nạo vét sâu có thể làm dòng chảy xiết hơn, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.


Đà Nẵng ban hành giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn

UBND thành phố vừa có văn bản phê duyệt giá đất tái định cư hộ chính tại một số khu dân cư trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, áp dụng cho các hộ giải tỏa theo mặt bằng Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 20/12/2014 của UBND thành phố.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Khu TĐC Hòa Liên 3, đường 5,5m MC(3-5,5-3)m có giá 493,000 đồng/m2.

Khu TĐC số 2 phục vụ dự án Mở rộng trường Đại học Thể dục thể thao TP Đà Nẵng, đường 7,5m MC(4-7,5-4)m có giá 1,760,000 đồng/m2.

Khu TĐC Bá Tùng, quận Ngũ Hành Sơn, đường 10,5m MC(5-10,5-5)m có giá 3,072,000 đồng/m2.

Hệ số đối với thửa đất đặc biệt và hệ số phân vệt theo chiều sâu được thực hiện theo Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 20/12/2014 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Trường hợp theo quy hoạch, thửa đất tại ngã ba, ngã tư nếu có phần diện tích khoảng lùi bên hông thì được nhân (x) hệ số 0,5 trên giá trị phần diện tích đất bị lùi. Giá đất tái định cư hộ phụ thực hiện theo Công văn số 567/UBND-KTTH ngày 21-1-2016 của UBND thành phố trên cơ sở giá đất tái định cư hộ chính nêu trên.

UBND thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thực hiện công khai, niêm yết sơ đồ tất cả các lô đất bố trí tái định cư và đơn giá đất quy định; tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thuộc diện tái định cư sớm làm thủ tục nhận đất, giao đất ở theo chỉ đạo của UBND thành phố để ổn định cuộc sống; đồng thời lập thủ tục thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách Nhà nước và phối hợp với UBND các quận, huyện: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất theo quy định.


Cứ 100 nhân viên làm điện thoại Samsung thì có 80 người Việt

Trong tổng số 150.000 nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và di động của Samsung trên toàn thế giới thì có 130.000 người đang làm việc tại Việt Nam. 

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Trương Minh Tuấn ngày 6/5, ông Shin Jong Kyun – Tổng giám đốc điều hành phụ trách mảng công nghệ thông tin và di động của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cho biết trong tổng số 150.000 nhân viên của Samsung trên toàn cầu, có 130.000 người đang làm việc tại Việt Nam. 

Trong số 130.000 nhân công trên, có khoảng 120.000 lao động là người Việt. Như vậy, trung bình cứ 100 nhân viên của tập đoàn này thì có 80 lao động là người Việt. Theo số liệu được Samsung công bố năm 2014, đại gia Hàn Quốc này có tổng cộng gần 500.000 nhân viên trên toàn cầu.

Năm 2015, Samsung Việt Nam doanh thu đạt 32 tỷ USD. Tổng Giám đốc Samsung cho biết trong năm nay, tập đoàn sẽ sản xuất khoảng 200 triệu điện thoại thông minh tại 2 nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Đây là 2 nhà máy nằm trong hệ thống sản xuất hàng công nghệ thông tin và di động của Samsung.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hàn Quốc vẫn là quán quân về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong quý I, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nhà đầu tư Hàn Quốc là hơn 888 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn các quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Có mặt tại Việt Nam 20 năm kể từ năm 1996, đến nay Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với 6 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 14,86 tỷ USD. 

2 dự án lớn nhất của Samsung Việt Nam là Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110ha ở Yên Phong, Bắc Ninh và và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) rộng 170ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên. SEV và SEVT đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại, chủ yếu dùng cho xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. 

Ngoài ra, tập đoàn này cũng mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư đầu tư vào dự án nhà máy Samsung Display (Bắc Ninh), Khu phức hợp điện gia dụng Samsung (SEHC) tại TP HCM và một số lĩnh vực khác tại Việt Nam. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tổng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên tại Việt Nam của Samsung đến năm 2017 có thể tăng lên 20 tỷ USD.


Việt Nam - Kuwait tăng cường hợp tác về thương mại, dầu khí

Theo chinhphu.vn, ngày 6-5, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón và hội đàm với Thủ tướng Kuwait Sheikh Jaber Al-Mubarak Al-Hamad Al-Sabah đang thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mong muốn đưa quan hệ Việt Nam - Kuwait đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định; đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí, viện trợ phát triển, lao động, giáo dục - đào tạo…

Thủ tướng Kuwait mong muốn hai bên cùng nỗ lực để sớm đưa dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại đúng tiến độ; mong muốn có nhiều dự án hợp tác hơn giữa hai nước. Ghi nhận đề nghị của Việt Nam về Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Ả Rập sẽ tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam triển khai các dự án phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương...

Trao đổi về các vấn đề khu vực Trung Đông và biển Đông, hai bên nhất trí cần có các biện pháp tích cực giải quyết các tranh chấp, xung đột, bảo đảm hòa bình, ổn định ở các khu vực; ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.


Sẽ có gói tín dụng 1.500 tỉ đồng cho ngư dân

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) sẽ triển khai gói tín dụng 1.500 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy, hải sản.

Theo đó, BIDV sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với bà con ngư dân bị ảnh hưởng tại bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế). 

Cụ thể, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy, hải sản. Trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp là 500 tỉ đồng; cá nhân, hộ gia đình là 1.000 tỉ đồng. Về lãi suất: Ngắn hạn là 6%/năm; trung dài hạn là 8%/năm. Thời hạn triển khai là sáu tháng kể từ ngày 4-5-2016.

Ngoài ra, đối với khách hàng đã vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/CP, BIDV miễn toàn bộ lãi trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày 8-4-2016 đối với các khoản vay của bà con ngư dân là chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu, đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác. Đối với những khoản vay đến kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi), cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ của khoản vay theo hướng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) xuống 2-3 kỳ (giữ nguyên nhóm nợ). 

Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (các khách hàng nuôi trồng có thủy, hải sản bị chết), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng ba tháng từ 8-4-2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ); 

Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp còn lại (các khách hàng khai thác, nuôi trồng mà quá trình tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng; các khách hàng chế biến, kinh doanh thương mại thủy, hải sản), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng một tháng kể từ ngày 8-4-2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ). 

Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp khác (du lịch, nhà hàng, khách sạn và các hoạt động đầu tư liên quan…), BIDV giảm 50% lãi tiền vay trong một tháng của dư nợ bị ảnh hưởng kể từ ngày 8-4-2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ); trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, BIDV sẽ xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ tiếp theo.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục