tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản”

  • Cập nhật : 06/08/2015

(Tin kinh te)

"Việt Nam nằm trong khu vực lưu vực sông Mekong có tăng trưởng kinh tế nhanh, là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản. Khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN hình thành thì Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn hẳn với tư cách là cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đó là nhận định của ông Mukuta Satochi, Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế Keidanren (Nhật Bản) tại Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015” vừa diễn ra vào ngày 31/7, tại TPHCM. Đây là hoạt động nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào TPHCM, đồng thời đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai quốc gia Việt - Nhật.

dien dan “xuc tien dau tu va thuong mai viet nam – nhat ban 2015”  (anh: le anh)

Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015” (Ảnh: Lê Anh)

Làm ăn với Nhật: Đặt chất lượng lên hàng đầu

Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM khẳng định, quan hệ hai nước Việt - Nhật trên nền tảng tin cậy lẫn nhau hiện đang hết sức tốt đẹp. Ông Nakajima Satoshi tin rằng các doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ông cũng cho rằng các tập đoàn kinh tế lớn thuộc Liên đoàn Kinh tế Keidanren Nhật Bản kỳ vọng lớn vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hết sức quan tâm đến việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

Ông Mukuta Satochi, Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế Keidanren nhận định: “Việt Nam nằm trong khu vực lưu vực sông Mekong có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản. Cuối năm nay, khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành thì Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn hẳn với tư cách là một cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Cũng theo ông Mukuta Satochi, TPHCM có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lên tới 765 công ty (tại thời điểm 1/4/2015), là địa điểm đầu tư lớn nhất của Nhật Bản ở Việt Nam. Trong tương lai, nếu xét từ lợi ích của việc liên kết kinh tế trong khu vực ASEAN được tăng cường, xu hướng này đang được kỳ vọng sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa.

Đánh giá quan hệ thương mại với Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường nhiều tiềm năng, có khung pháp lý thuận lợi. Chính phủ Nhật tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Cần đảm bảo chặt chẽ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Làm ăn với Nhật Bản, uy tín, chất lượng phải đặt lên hàng đầu”, ông Dũng nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, TPHCM hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn TPHCM như một điểm đến ưu tiên đầu tư.

Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thời gian qua, TPHCM đã tập trung đơn giản hóa và công khai quy trình đối với đầu tư nước ngoài như đăng ký doanh nghiệp 3 ngày, đăng ký đầu tư 15 ngày; giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan (97% kê khai thuế điện tử, thủ tục thuế rút ngắn còn 171 giờ trong năm 2015). Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc...

“Thành phố luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả tại thành phố”, ông Lê Thanh Liêm nói.

“Hòn ngọc Viễn Đông” hút đầu tư ngoại

TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư nên luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TPHCM chiếm khoảng 30% tổng số dự án FDI vào Việt Nam.

dai lo vo van kiet "moc son" trong hop tac dau tu giua viet nam - nhat ban

Đại lộ Võ Văn Kiệt "mốc son" trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2015, TPHCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhật Bản hiện đứng thứ sáu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TPHCM. Các doanh nghiệp Nhật vẫn xem Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là điểm đến đầu tư tiềm năng trong tương lai, cũng như nhiều triển vọng mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ có những điều kiện thuận lợi và chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư linh hoạt, cho đến nay, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có rất nhiều dự án đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tính từ năm 1988 đến 15/7/2015, Nhật Bản hiện có 788 dự án còn hiệu lực trên địa bàn TPHCM với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào TPHCM nhiều nhất là: bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; khoa học công nghệ.

Nhật Bản cũng là một trong những đối tác tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn khoảng 27 tỷ USD trong 20 năm qua. Trong đó, có một số dự án được triển khai tại TPHCM như: xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 và 2, xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt…

Hiện nay, TPHCM đang chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản và mong muốn sự đầu tư từ Nhật Bản vào một số dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại như: Tuyến monorail số 2 và số 6; dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn; dự án khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành…

(Theo Dân Trí)

Trở về

Bài cùng chuyên mục