tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh sáng 06-08-2015

  • Cập nhật : 06/08/2015

Nhật Bản giao tàu cho kiểm ngư Việt Nam

Chiều 5-8, tại Nhà máy đóng tài Hồng Hà (đóng tại Hải Phòng), Cục Kiểm ngư Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận tàu HAYATO do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
quang canh le ban giao tau kiem ngu hayato chieu 5-8 tai hai phong

Quang cảnh lễ bàn giao tàu kiểm ngư HAYATO chiều 5-8 tại Hải Phòng

Ông Nagai Katsuro, công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết việc tài trợ tàu kiểm ngư cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam lần này nhằm đẩy mạnh cơ chế giám sát việc tuân thủ luật pháp biển trên lãnh hải Việt Nam.

Ngoài tàu HAYATO, Nhật Bản đang nhanh chóng hoàn thành thủ tục để bàn giao thêm 2 tàu nữa trong năm nay.

Chính phủ Nhật Bản mong muốn lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các tàu này.

Tàu kiểm ngư HAYATO là con tàu đầu tiên trong 3 con tàu Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam trong năm 2015. Tàu dài hơn 56m, chiều ngang 9m, có trọng lượng 1.079 tấn, biên chế 49 người. Tàu HAYATO được đóng năm 1993 tại Nhật Bản, sau thời gian sử dụng được hoán cải, sửa chữa lại trước khi bàn giao cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Tàu kiểm ngư HAYATO được giao cho Kiểm ngư vùng 1 quản lý, và theo đánh giá của lực lượng kiểm ngư thì đây là con tàu hiện đại nhất trong khu vực kiểm ngư Vùng 1. Tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: hệ thống la bàn điện, hệ thống chân vịt mũi có thể quay 360 độ, hệ thống rađa, thông tin liên lạc toàn cầu (liên lạc xa nhất 96 hải lý), bắt mục tiêu tốt nhất trong khoảng 12 hải lý.

Tàu có hệ thống máy đo độ sâu hiện đại, chính xác. Đặc biệt, tàu không hạn chế vùng hoạt động, có thể hoạt động liên tục trên biển 2 tháng trong trường hợp không được tiếp nhiên liệu.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận tàu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảm ơn sự quan tâm, tài trợ của Chính phủ Nhật Bản cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam thời gian qua. Việt Nam sẽ cam kết tiếp nhận và sử dụng tàu hiệu quả, giúp ngư dân Việt Nam tự tin vươn khơi, bám biển. Đồng thời lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ tiến hành nâng cấp, gia cố tàu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Thủ tướng yêu cầu Sơn La báo cáo đề án 1.400 tỷ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo việc đầu tư Đề án xây dựng quần thể tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc có tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng, gửi Thủ tướng trước ngày 15-8.

Hôm nay 5-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến trên của Thủ tướng.

Như tin đã đưa, đề án 14.00 tỉ được Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ra nghị quyết.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác.

Theo đó, tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 20ha, gồm các hạng mục công trình chính như: nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài thuộc quy mô nhóm A2 (tượng Bác Hồ cao từ 5 - 8m), quảng trường có sức chứa 20.000 người, đền thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp...

Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2015 - 2019.

Sau đó báo chí phản ánh và nhận định quy mô đề án quá lớn, chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.


100% sà lan chở cát đều quá tải

 Toàn bộ sà lan chở cát hoạt động thường xuyên trên các sông rạch ở 8 tỉnh (gồm TP.HCM, các tỉnh miền Đông và khu vực sông Tiền) hiện đều chở quá tải. 

Theo ông Bùi Công Phước - phó giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 - thuộc Cục đường thủy nội địa VN thông tin như trên và cho biết đó chính là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ chìm sà lan chở cát gây cản trở tàu, bè đi lại trên tuyến giao thông thủy thời qua.

Trong khi đó, Luật giao thông đường thủy nội địa và các văn bản dưới luật lại chưa đề cập việc quản lý không cho xuất bến các phương tiện thủy xếp dỡ trên sông.

Đến nay chưa có qui định cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý các bến thủy nội địa hoạt động ở giữa sông - nơi khai thác cát. Đồng thời, thủ tục lập bến thủy tại những nơi san lấp mặt bằng lại quá nhiêu khê nên hầu hết các doanh nghiệp san lấp mặt bằng đều lập bến không phép.

Hiện nay một số tỉnh, TP chưa công bố quy hoạch cảng bến thủy nội địa nên các doanh nghiệp chưa dám đầu tư bến kiên cố, thay vào đó đều lập bến tạm bợ.

Đến nay có 232 bến thủy nội địa không phép và các địa phương chưa kiên quyết xử lý các bến trái phép này. Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết cục đang nghiên cứu và đề xuất Bộ Giao thông vận tải biện pháp quản lý bến thủy ở giữa sông.


Đà Lạt: hoa, nông sản thành “mồi ngon” của trộm

 Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, tại làng hoa Vạn Thành, nạn cắt trộm hoa ly ly trở nên khá phổ biến vì loại hoa này có giá trị cao.

Sau nhiều tháng mật phục, rạng sáng 4-8 lực lượng bảo vệ dân phố làng hoa Vạn Thành (P.5, TP Đà Lạt) đã bắt được hai nghi phạm trộm hoa ly ly tại vườn nhà ông Nguyễn Hùng Vỹ, giao cho Công an TP Đà Lạt. 

Tại hiện trường, có 280 cành hoa ly ly đã được bó gọn, 1 xe máy, 4 điện thoại di động, 1 dao cắt hoa. Ngoài ra, trong vườn nhà ông Vỹ còn có hơn 300 cành ly ly đã bị kẻ gian cắt.

Theo Công an TP Đà Lạt, đây là vụ bắt quả tang cắt trộm hoa đầu tiên trên địa bàn. Theo nhiều người dân tại làng hoa Vạn Thành, ngoài những nghi phạm bị bắt này, chắc chắn còn rất nhiều kẻ khác đang rình rập các nông hộ. Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, tại làng hoa Vạn Thành, nạn cắt trộm hoa ly ly trở nên khá phổ biến vì loại hoa này có giá trị cao.

Tháng 11-2014, vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Quang Tuấn (nông dân chuyên trồng hoa ly ly tại làng hoa Vạn Thành) liên tục bị kẻ gian đột nhập. Ông Tuấn đứng ngồi không yên khi bị trộm cắt mất 3.000 cành ly ly gây thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Từ đó, mọi người trong gia đình ông Tuấn phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ để trông chừng trộm. “Nó cứ chờ mình đi ngủ là lẻn vào. Mình canh cỡ nào cũng vậy, cứ hở một chút là mất” - ông Tuấn ấm ức nói.

Cùng chung số phận với hoa ly ly là bông atisô. Rạng sáng 1-7, vườn atisô của Công ty trà atiso Ngọc Duy (TP Đà Lạt) đã bị trộm “viếng”. Anh Nguyễn Văn Dự, nhân viên công ty, cho biết sáng cùng ngày anh tới khu vực trồng atisô tại núi Hòn Bồ (P.12, TP Đà Lạt) để chăm sóc thì phát hiện 50 luống atisô với trên 3.000 cây ba tháng tuổi đã “không cánh mà bay”.

Kẻ trộm nhổ sạch vườn atisô, sau đó dùng xe vận chuyển khỏi hiện trường. Thiệt hại ước tính trên 20 triệu đồng.


Truy tìm “sân sau” của cựu Giám đốc cảng Vũng Rô

Ngày 5.8, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH MTV cảng Vũng Rô (gọi tắt là CVR) Phú Yên. HĐXX dành cả ngày để xét hỏi bị cáo Nguyễn Minh, Chủ tịch kiêm Giám đốc CVR.
Tại tòa, bị cáo Minh phủ nhận Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Lộc (gọi tắt là Công ty Đại Lộc) là của riêng mình. Các luật sư bào chữa cho 7 bị cáo còn lại (trừ bị cáo Minh) dẫn chứng nguồn tiền từ Minh chuyển cho Công ty Đại Lộc thì Minh khai rằng đó là tiền cho mượn, cho vay. Tuy nhiên, bị cáo Minh cho rằng vì bị cáo Triệu Vũ Khiêm (Giám đốc Công ty Đại Lộc) là cháu nên mới nhiệt tình giúp đỡ để Công ty Đại Lộc có vốn hoạt động.
Minh cũng không thừa nhận đã nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Vũ Thùy Trang, văn thư kiêm thủ quỹ chi nhánh CVR tại TP.HCM hơn 9,3 tỉ đồng và bị cáo Hồ Thị Hằng, thủ quỹ Công ty Đại Lộc hơn 23,8 tỉ đồng.
Trong khi đó, 7 bị cáo trong vụ án đều khai Minh đã chỉ đạo lập, xuất khống 221 hóa đơn của Công ty Đại Lộc bán vải cho chi nhánh CVR tại TP.HCM với số lượng 1.443.685 kg vải mộc thun và 12.604.658 m vải thành phẩm, trị giá hơn 204,7 tỉ đồng.
Sau đó, chi nhánh CVR tại TP.HCM đã sử dụng hóa đơn mua bán khống này chuyển cho CVR để vay của 2 ngân hàng 159,5 tỉ đồng. Số tiền vay này đã chuyển cho Công ty Đại Lộc để sử dụng trả nợ mua máy móc thiết bị, tiền vay ngân hàng…

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục