Công ty Toshin Development (Nhật Bản) vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc xây dựng dự án “Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm...
Doanh nghiệp chủ động nộp phí ngầm?
- Cập nhật : 06/08/2015
(Tin kinh te)
Nếu công khai các khoản phí, thuế thì không có thỏa thuận ngầm, các loại phí ngầm.
Không ít ý kiến than phiền về các vấn đề liên quan đến thuế và phí tại hội nghị chủ đề Cải thiện môi trường kinh doanh, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ vừa tổ chức tại Hà Nội.
Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nói: “Có nhiều doanh nghiệp (DN) cứ nghĩ rằng phải có các khoản phí ngầm thì mọi việc mới xong xuôi, cho nên họ chủ động nộp các loại phí ngầm”.
“Cứ nghĩ nộp phí ngầm mới xong việc”
. Phóng viên: Thưa bà, nhiều DN than phiền rằng họ vừa nộp thuế lại vừa phải chịu các khoản phí, thậm chí phí chồng phí tạo gánh nặng rất lớn cho họ?
+ Bà Nguyễn Thị Cúc: Hai khoản phí (ví dụ phí kiểm định an toàn thực phẩm, phí qua cầu, qua phà, phí chứng thư…) và thuế là khác nhau. Phí mang tính chất hoàn trả, còn thuế không mang tính chất hoàn trả và là khoản thu bắt buộc. Nếu nói rằng đã thu thuế rồi mà không thu phí nữa thì không hợp lý. Ví dụ: Người ta muốn đăng ký sở hữu xe thì phải nộp khoản phí đó. Nếu thu những khoản phí nằm ngoài quy định mới là sai.
. Nhưng Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi các bộ và cơ quan hữu quan cho rằng việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí còn nhiều tồn tại. Chẳng hạn có tình trạng thu sai hoặc thu cao quá quy định nhiều loại phí, lệ phí như lệ phí cấp chứng chỉ an toàn đối với DN kinh doanh đường sắt, phí chợ đêm, phí chợ tạm...?
+ Thực tế có một số loại phí do các địa phương thu thêm. Do vậy, Quốc hội đang rà soát những khoản phí thu sai ở các địa phương.
Ngoài các loại phí mà DN đương nhiên phải nộp theo quy định, một số DN còn phản ánh về các loại phí ngầm. Đơn cử: Quy định một tờ khai thuế mức phí phải nộp theo quy định là 4.000 đồng nhưng thực tế DN còn phải nộp thêm những khoản khác liên quan đến tờ khai đó. Đó là phí ngầm.
Vấn đề là các cơ quan chức năng phải kiên quyết để xóa bỏ những loại phí ngầm đó.
“Đi đêm” với cán bộ thuế
. Bà có đề cập đến việc phải xóa bỏ các loại phí ngầm nhưng theo phản ánh của DN, thực tế các loại phí ngầm không giảm mà còn gia tăng?
+ Phải xem xét từ hai phía: Các cơ quan quản lý và DN. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa qua cho thấy có nhiều DN cứ lo mình không đóng những chi phí ngầm thì bị gây khó khăn hoặc phải đóng phí ngầm thì mọi việc mới xong. Cho nên họ chủ động nộp các loại phí ngầm. Ngay cả DN đã có những suy nghĩ như vậy thì tình hình càng thêm phức tạp.
Về phía cơ quan quản lý, đôi khi việc công khai, minh bạch các khoản phí lại không đạt yêu cầu. Do đó, theo tôi quan trọng là cần thúc đẩy sự minh bạch từ cả hai phía, cả người thi hành công vụ và DN để tránh tình trạng tiêu cực, đồng thời cần công khai, minh bạch các loại phí. Ví dụ: Xuất khẩu container ở một trọng lượng nhất định nào đó thì không cần những loại giấy tờ gì. Nếu công khai rõ ràng các biểu phí như thế, DN sẽ không cần phải trả thêm các khoản tiền khác làm gì.
. Một khảo sát của cơ quan chức năng vừa công bố cũng chỉ ra các hộ kinh doanh phải thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế. Bà có bình luận gì về vấn đề này và làm sao hạn chế tối đa tình trạng “đi đêm” này?
+ Việc thỏa thuận ngầm của các hộ kinh doanh với cán bộ thuế cũng có nguyên nhân từ việc không minh bạch biểu thuế. Đối với các hộ kinh doanh, công khai biểu thuế là rất cần thiết. Không thể chỉ công khai biểu thuế ở UBND phường, xã… mà còn phải gửi cả biểu thuế về cho từng hộ dân. Thực ra ở một phường, một xã có lẽ số hộ kinh doanh cũng không nhiều đến mức không thể làm được điều đó.
Tôi cho rằng khi biểu thuế đã rõ ràng, công khai đến từng hộ kinh doanh thì chắc chắn không có hộ kinh doanh nào dại gì lại đi thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế.
. Xin cám ơn bà.
Phí “cảm ơn”
Các DN bị bêu tên nợ thuế oan nếu có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự; nếu không thỏa thuận được việc bồi thường, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.
Riêng phí ngầm nhiều và không có tên, vì hầu hết đều là các khoản chung chi bí mật, bất hợp pháp. Các loại chi phí ngầm có thể kể đến thông qua các hình thức như phong bì, quà cáp, ăn uống hay những chuyến du lịch nước ngoài mà DN phải chịu hoàn toàn chi phí để “cảm ơn”.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam
Tệ quan liêu, cửa quyền
Pháp luật thuế của Việt Nam còn thiếu minh bạch, gây tranh cãi và thay đổi liên tục. Thủ tục hành chính thuế còn rườm rà, phức tạp, có xu hướng tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế hơn là cho DN.
Tệ quan liêu, cửa quyền và các biểu hiện tham nhũng của cán bộ thuế vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong khu vực DN tư nhân và hộ kinh doanh. Thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức của công chức thuế còn chưa chuẩn mực.
TS NGUYỄN ĐÌNH CƯ, Phó Chủ tịch
Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Không hiểu sao cái gì cũng thu tiền
Chi phí còn đè nặng DN. Tôi không hiểu tại sao dịch vụ gì cho DN cũng thu tiền, cái gì cũng thu tiền dù DN, người dân đã đóng thuế. Một quả trứng cũng đóng dấu thu tiền. Cơ quan nhà nước có động lực để thu nên sinh ra kiểm tra nhiều. Điều đó phải thay đổi, phải bớt kiểm tra, bớt thu tiền. Đó là công việc mà Nhà nước phải làm.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương