Khi người tham gia đa cấp không bán được hàng, không chiêu dụ được người tham gia... mà đồng loạt quay lại đòi trả hàng thì hệ thống bắt đầu sụp đổ và doanh nghiệp cũng ôm tiền biến mất!
Tin trong nước đọc nhanh 05-08-2015
- Cập nhật : 05/08/2015
Phê duyệt Danh mục Dự án Quản lý nước thải tại các đô thị
Dự án trên được thực hiện trong 3 năm (2015-2018) với tổng kinh phí thực hiện là 3,85 triệu Euro; trong đó, vốn ODA của Chính phủ Đức là 3,5 triệu Euro vốn ODA không hoàn lại, vốn đối ứng của phía Việt Nam 350.000 Euro.
Mục tiêu dài hạn của Dự án là tăng cường tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật cải thiện ngành nước và xử lý nước thải tại Việt Nam để Việt Nam có thể bảo vệ môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Dự án sẽ cải thiện chính sách và tăng cường năng lực trong ngành nước.
Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công
Quyết định quy định rõ, cán bộ có chức danh là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể.
Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại từng thời điểm, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại xe trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Xe ô tô trang bị cho các chức danh trên được thay thế theo yêu cầu công tác.
Quyết định mới cũng quy định, các chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/một xe gồm: 1- Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; 2- Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- Các chức danh của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/một xe gồm: 1- Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; 2- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- Các chức danh của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Xe ô tô trang bị cho các chức danh trên được thay thế khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không đảm bảo an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan có chức năng. Xe ô tô thay thế được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định trên thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị xe mới.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015 thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 và Quyết định số61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT.452 Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT.452, tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; phân kỳ đầu tư cho phù hợp với khả năng nguồn lực và tổng hợp Dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn của địa phương giai đoạn 2016 - 2020 sau khi có chủ trương về nguồn vốn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thẩm định, đề xuất nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và mức hỗ trợ cụ thể cho tỉnh Thái Bình để thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường nêu trên theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, đường ĐT.452 là tuyến đường tỉnh, có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam, Thái Bình - Hải Dương và QL39; là tuyến cứu hộ, cứu nạn, phòng chống bão lũ, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội cho 16 xã tại huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà.
Tuyến đường nằm trong danh mục đầu tư giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17/5/2011.
Hiện tại tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông; không đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn... Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường là cần thiết.
Sửa đổi quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Chính sách
Mở rộng nguồn vốn
Điều 3 Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 quy định Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp nhận, quản lý các nguồn vốn của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg vừa ban hành, ngoài quy định trên thì Ngân hàng Chính sách còn được ưu tiên vay hoặc tạm ứng từ các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp hoặc không lãi suất trên cơ sở cân đối các nguồn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ, hoặc các nguồn vốn giá rẻ khác.
Quyết định mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, vốn và các quỹ của Ngân hàng Chính sách xã hội gồm 1- Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp khi thành lập và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao; 2- Các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi; 3- Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) để cho vay xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác; 4- Chênh lệch thu chi được để lại chưa phân bổ cho các quỹ (nếu có); 5- Vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; 6- Vốn khác (nếu có).
Phí dịch vụ uỷ thác không quá 0,125%/tháng
Ngoài ra, Quyết định mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chi hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó sửa đổi mức chi trả phí dịch vụ cho tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác không vượt quá 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi. Theo quy định cũ thì mức chi trả này không vượt quá 0,22%/tháng.
Cũng theo Quyết định mới, tổng mức chi trả phí ủy thác cho các Hội đoàn thể và hoa hồng cho các Tổ tiết kiệm vay vốn tối đa là 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi, tỷ lệ phân chia cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ song phương bên lề AMM 48
Ngày 4/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Boerge Brende, hai bên bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam rất thành công của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những đóng góp tích cực của Na Uy trong lĩnh vực hợp tác phát triển với Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy khẳng định, Na Uy rất coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam; cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Na Uy tăng cường quan hệ với ASEAN, ủng hộ Na Uy trở thành Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN.
Hai bên nhất trí trong thời gian tới hai nước cần tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực để đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, trong đó có đoàn Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy thăm Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp Na Uy tham gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Na Uy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng hải, đóng tàu, thủy điện, kinh tế biển.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên sớm xem xét ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, đồng thời đề nghị Na Uy xem xét miễn thị thực du lịch cho công dân Việt Nam trên cơ sở có đi có lại khi Việt Nam đã miễn thị thực du lịch cho công dân Na Uy.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hai bên cùng chia sẻ quan tâm về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Nam Hong, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác truyền thống với Campuchia; đề nghị hai nước trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có việc sớm phối hợp tổ chức Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia trong năm 2015.
Liên quan đến vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia, trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng để sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được tháng 3/2015.
Phó Thủ tướng Hor Nam Hong nhất trí với các đề xuất của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Phó Thủ tướng Hor Nam Hong nhất trí hai bên cần phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong quản lý vấn đề biên giới, không để vấn đề này ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Philipines Albert del Rosario.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao, trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2015 tại Philippines của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Hai bên nhất trí sớm tổ chức kỳ họp Ủy ban Hợp tác song phương lần thứ 8, đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Về tình hình khu vực và quốc tế, hai bên đã tập trung trao đổi về hợp tác ASEAN và về vấn đề Biển Đông.
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp và nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
(Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ)