Nhức nhối thất nghiệp
Mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu ở ĐBSCL
7 phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ TP Hà Nội
Giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12kg
Bắt xe khách chở rượu ngoại và thuốc lá lậu
Tin trong nước đọc nhanh trưa 31-10-2015
- Cập nhật : 31/10/2015
Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh đến Việt Nam
Ông Lord Puttnam, đặc phái viên Thương mại và Văn hóa của Thủ tướng Anh tại Việt Nam và ông Douglas Barnes, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM gặp gỡ báo chí vào ngày 29-10 - Ảnh: Quỳnh Trang
Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Lord Puttnam chia sẻ: “Trong vòng hai năm qua đây là chuyến công du lần thứ tư của tôi đến Việt Nam và lần này ngoài vai trò đặc phái viên thương mại tôi còn được Thủ tướng Anh giao vai trò đặc phái viên văn hóa. Và chiến dịch Mua sắm và Thời Trang Anh Quốc không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa”.
Hôm nay (30-10), ông Lord Puttnam cũng sẽ chủ trì buổi lễ khai trương Tuần lễ phim Anh cũng như có mặt tại hội thảo Cơ hội nào cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới? do Hội đồng Anh tổ chức tại rạp CGV, Trung tâm Thương mại SC Vivo City (quận 7, TP.HCM).
Ngày 2-11, ông Lord Puttnam sẽ đến Hà Nội để chủ trì buổi họp đánh giá giữa kỳ của Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế và Thương mại Anh Quốc - Việt Nam (JETCO), cùng với Bộ Công Thương và một số cuộc gặp khác để thảo luận những bước tiếp theo sau chuyến thăm thành công của Thủ tướng Anh hồi tháng 7 vừa qua.
Ông Lê Minh Khái tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu
Chiều 29-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2010 - 2015 công bố kết quả bầu ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư và chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Ông Lê Minh Khái tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hai phó bí thư nhiệm kỳ trước là ông Dương Thành Trung và bà Lê Thị Ái Nam cũng đều tái đắc cử phó bí thư nhiệm kỳ mới.
* Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015 - 2020, ôngNguyễn Trung Hiếu (phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh), ông Huỳnh Văn Sum (phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015) và ông Lâm Văn Mẫn (ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) được bầu giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trước đó, Bộ Chính trị đã điều động ông Nguyễn Văn Thể (thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tội phạm 75 tuổi trở lên không bị tử hình?
Đây là quy định mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thảo luận sáng nay 30-10.
Không thi hành án tử với người từ 75 tuổi trở lên
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, trong thời gian qua, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
“Nhưng một số ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình nếu đối tượng này phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc cầm đầu tổ chức, băng nhóm tội phạm nguy hiểm về an ninh quốc gia, tội phạm ma túy” - ông Hiện cho hay.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội, theo đó, quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Tàng trữ, chiếm đoạt ma túy cũng không bị tử hình
Nội dung được dư luận quan tâm nhất là việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh. “Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh” - ông Hiện nói.
Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Tuy nhiên, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc, chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở 3 tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.
Về không thi hành án tử hình trong một số trường hợp khác, ông Hiện cho biết nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tham ô tài sản; nhận hối lộ, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra, hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý cụ thể như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Quốc hội sẽ dành cả ngày hôm nay để thảo luận lần cuối về các nội dung dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Không có trần lãi suất thì “chết” người nghèo
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nếu không quy định trần lãi suất thì sẽ “chết” dân, “chết” người nghèo.
Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đưa ra hai phương án về lãi suất.
Trao đổi với báo chí về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói quy định về lãi suất điều chỉnh quan hệ vay mượn. Nếu vượt quá quy định của Bộ Luật dân sự thì thành tội cho vay nặng lãi.
Hiện nay có hai phương án mà Quốc hội chưa quyết định. Phương án 1, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ Luật dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.
Phương án 2, giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, đó là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.
Sau này Quốc hội quyết định, ví dụ quyết định là “trần” là 20%, thì trong khuôn khổ của 20% là hợp pháp, trên khuôn khổ của 20% coi như cho vay nặng lãi. Nhưng cho vay nặng lãi bị tội hình sự thì phải có tình tiết nữa là cho vay gấp mấy lần, giả sử là quá 5 lần, chứ không phải cho vay vượt “trần” một tí là xử lý hình sự ngay.
* Có ý kiến cho rằng trong giao dịch dân sự khó thu thập chứng cứ, vì vậy không nên quy định trần lãi suất?
- Phải quy định chứ. Nếu không quy định thì “chết” dân, “chết” người nghèo. Nước nào cũng quy định. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định thì đồng tiền giữ giá. Giống như Nhật Bản từ chiến tranh thế giới lần thứ II đến nay, cứ khoảng 100 Yên bằng một đô la, có thể xuống hoặc lên một chút, thì họ quy định “cứng”.
Chúng ta hiện nay đang ổn định, nhưng không loại trừ yếu tố quay lại như cách đây mấy năm, khi lạm phát lên đến 20% thì nguy hiểm. Cho nên đưa phương án “cứng” thì cũng có thể không hay.
Ngược lại tôi nhìn ở góc độ khác, đưa phương án “cứng” thì sẽ góp phần ổn định đồng tiền. Tất nhiên đồng tiền phụ thuộc nhiều yếu tố xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường thế giới. Hiện chúng ta đang ra sức giữ ổn định đồng tiền.
* Trong hai phương án trên thì Chính phủ nghiêng về phương án nào?
- Chính phủ nghiêng về phương án 2. Chính phủ chỉ đề xuất duy nhất một phương án, ra đến Quốc hội mới thành hai phương án.
* Khi được thông qua thì các phương án trên đủ sức chống cho vay nặng lãi hay không, hay cần thêm giải pháp nào?
- Cho vay nặng lãi là vấn đề hình sự. Đương nhiên hiện nay cho vay loạn xạ. Chúng ta phải tích cực điều tra, phát hiện tội phạm, trừng trị cho nghiêm. Hiện nay chỗ này còn xem nhẹ. Cho nên trong dân có những vụ cho vay quá khắc nghiệt mà báo chí đã đưa.
* Quy định này được áp dụng với các tổ chức tín dụng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Tổ chức tín dụng thì khác. Hai phương án này đều có “đuôi”, đó là trừ trường hợp Luật tổ chức tín dụng có quy định khác. Tổ chức tín dụng sinh ra để cho vay, mà cho vay theo dự án, những dự án nhìn thấy rõ lợi nhuận rồi, khả thi rồi thì có thể lãi suất rất nhẹ.
Còn những dự án rủi ro thì lãi suất phải cao hơn, thì cái đó không bị khống chế bởi quy định nêu trên. Quy định nêu trên chỉ khống chế trong quan hệ dân với dân.
Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng cũng tự kiểm soát lẫn nhau.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Triều Tiên
Theo trang web Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao kết quả cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Ri Ryong Nam với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước; đề nghị hai bên tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế, khai khoáng… Thủ tướng cũng mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lập trường chính đáng của nhau ở các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ở Liên Hiệp Quốc.
Bộ trưởng Ri Ryong Nam khẳng định Bộ Kinh tế đối ngoại Triều Tiên sẽ không ngừng nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả những chương trình, thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã thống nhất. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế.