tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 30-10-2015

  • Cập nhật : 30/10/2015

Nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn NSNN năm 2016

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2016.

nguyen tac phan bo ke hoach von nsnn nam 2016

Nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn NSNN năm 2016

Theo đó, việc phân bổ vốn NSNN phải quán triệt và thực hiện theo các nguyên tắc : Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 phải nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng vùng, từng địa phương…

Việc phân bổ vốn thực hiện theo đúng Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, lưu ý năm 2016 việc phân bổ vốn phải đảm bảo theo thứ tự ưu tiên sau: Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng trước; dự án dự kiến hoàn thành năm 2016 (theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2016); vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); số vốn còn lại bố trí cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới, theo quy định sau: Ưu tiên bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 để lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Dự án khởi công mới trong năm 2016 phải được rà soát chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Cụ thể như sau: Thuộc danh mục dự án khởi công mới trong dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và quyết định đầu tư dự án trước ngày 31/10/2015.

Mức vốn bố trí bảo đảm hoàn thành theo đúng thời gian quy định (dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng: bố trí vốn không quá 5 năm; dự án nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến 2.300 tỷ đồng: bố trí vốn không quá 8 năm; dự án nhóm C bố trí vốn không quá 3 năm).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc bố trí vốn nước ngoài (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) của Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo nguyên tắc: Ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đang triển khai dở dang, có hiệu quả. Các dự án chuyển tiếp nếu thấy không hiệu quả, phải nghiên cứu dừng ngay việc triển khai thực hiện để rà soát, phân tích kỹ lưỡng, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khởi công mới năm 2016 phải kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, chỉ thực hiện các dự án thực sự hiệu quả; phải phù hợp với khả năng giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ và các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện trong năm 2016.


Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc xâm phạm chủ quyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình lên án việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành động sai trái, trong đó có việc xây hải đăng ở Hoàng Sa.
nguoi phat ngon bo ngoai giao viet nam le hai binh. anh: quy doan

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn

"Việc cái gọi là chính quyền thành phố Tam Sa tuyên bố đã hoàn thành xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Bình phát biểu trong thông cáo chiều nay.

Theo người phát ngôn, Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là "thành phố Tam Sa". Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị.

Ngày 21/10, Trung Quốc thông báo xây xong hai ngọn hải đăng tại đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. "Chính quyền Tam Sa" không tiết lộ chiều cao của hai hải đăng này, mà chỉ nói rằng chúng có chức năng dẫn đường cho tàu thuyền và phục vụ ngư dân trong hoạt động đánh bắt.

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên”, ông Bình cho hay.

Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Hôm 9/10, Bắc Kinh cũng khánh thành hai ngọn hải đăng trên đá Châu Viên và Gạc Ma ở Trường Sa của Việt Nam, có phạm vi chiếu sáng tới 22 hải lý.(VNexpress)


Phát triển sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai NHTW Việt - Lào

Ngày 28/10/2015, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hội nghị song phương thường niên giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Ngân hàng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (NHCHDCND Lào) đã được tổ chức, dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú và Thống đốc NHCHDCND Lào Sỏm-phao Phay-sith.

 
phat trien sau sac hon quan he hop tac giua hai nhtw viet - lao

Phát triển sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai NHTW Việt - Lào

Tại Hội nghị, hai bên đã cập nhật và trao đổi về diễn biến kinh tế vĩ mô, kết quả điều hành chính sách tiền tệ và tình hình khu vực ngân hàng hai nước; đánh giá kết quả hợp tác giữa hai bên trong năm qua và thống nhất kế hoạch hợp tác thời gian tới.

Hai bên vui mừng nhận định, mặc dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực và mỗi nước có nhiều biến động, đặc biệt các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa có bước hồi phục và phát triển vững chắc, Việt Nam và Lào đều đạt được những kết quả rất tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Lào dự kiến tăng trưởng 6,4% trong năm 2015, lạm phát ở mức 4-5%, khu vực ngân hàng tiếp tục có bước phát triển.

Thống đốc Sỏm-phao Phay-sith đánh giá cao những kết quả Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức khoảng 2%, mặt bằng lãi suất giảm, dư nợ tín dụng tăng đồng thời với sự cải thiện của chất lượng tín dụng.

Đặc biệt, Thống đốc NHCHDCND Lào bày tỏ ấn tượng trước việc NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tỷ giá, ngoại hối theo hướng linh hoạt, chủ động đón đầu và đáp ứng các tín hiệu thị trường, qua đó đảm bảo diễn biến hợp lý của tỷ giá, giảm tình trạng đô-la hoá và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nỗ lực trong cải cách khu vực ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đảm bảo sự ổn định của hệ thống các tổ chức tin dụng, từng bước lành mạnh hoá và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực ngân hàng Việt Nam.

Đánh giá về kết quả hợp tác, hai bên vui mừng ghi nhận những hoạt động hợp tác sôi động và ngày càng đi vào thực chất giữa hai ngân hàng trung ương trên hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh các chuyến thăm cấp cao, trong gần một năm qua, hai bên đã phối hợp tổ chức gần 20 khoá đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giữa cán bộ hai ngân hàng về các nội dung, như điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý dự trữ, thanh tra giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền, kinh nghiệm hội nhập và hợp tác quốc tế…

Trong khu vực ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam có hiện diện tại Lào tiếp tục hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của Lào cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phát huy và phát triển sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai ngân hàng trung ương cũng như giữa khu vực ngân hàng hai bên, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, hai bên đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác giữa Nhà máy In tiền Quốc gia thuộc NHNN Việt Nam và Nhà máy In tiền thuộc NHCHDCND Lào trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác đã ký giữa 2 Ngân hàng Trung ương.

Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và NHCHDCND Lào là hoạt động cấp cao thường niên được tổ chức luân phiên giữa ngân hàng trung ương hai nước. Hội nghị năm 2015 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức và là hội nghị lần thứ năm giữa hai bên.


Thủ tướng đồng ý tổ chức Diễn đàn Đối tác phát triển 2015

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị kỹ nội dung, tập trung vào những vấn đề Việt Nam đang quan tâm và muốn nghe ý kiến từ các đối tác phát triển trong bối cảnh chuẩn bị và triển khai hội nhập sâu rộng và thực chất trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng sẽ tham dự và đối thoại với các đối tác phát triển tại Diễn đàn VDPF 2015.

Diễn đàn VDPF là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác nhằm tăng cường phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và cải thiện đời sống cho mọi người dân Việt Nam.


Lạm phát thấp, Việt Nam nguy cơ rơi vào giảm phát

Với mức lạm phát thấp, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ loanh quanh 6 - 6,25% và lãi suất không giảm thì kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát.

Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,11%. Đây là mức tăng sau 2 tháng liên tiếp giảm. Tuy nhiên, CPI bình quân 10 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,67%. Theo các chuyên gia kinh tế, khi CPI giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển. Song, thực tế, khi CPI thấp cũng gây ra một số quan ngại.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác. Có 4 nhóm hàng giảm, gồm: bưu chính viễn thông; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

Lý giải việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua, lạm phát luôn được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định; giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm ở mức sâu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; công tác bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường được thực hiện hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, khi chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quí 3 mà Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng quí 4 có thể tăng trưởng trở lại, song cũng chỉ dưới mức 0,28% và cả năm sẽ chỉ ở mức 0,68%. Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đặt ra và lạm phát thấp kỷ lục, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm.

Theo quy luật, khi lạm phát thấp thì đường cong lãi suất cũng có xu hướng giảm, song thực tế, ngay cả khi chính sách tiền tệ, tài khóa lỏng mà lãi suất không giảm. Các chuyên gia khẳng định, đây là nghịch lí ở thị trường Việt Nam, hệ quả là chi phí tài chính của doanh nghiệp lớn và khả năng huy động vốn khó khăn. Thậm chí, có dự báo cho rằng, với mức lạm phát thấp, nếu tăng trưởng kinh tế chỉ loanh quanh 6 - 6,25% và lãi suất không giảm thì kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phân tích: “Nếu lãi suất hạ được theo tỷ lệ lạm phát thì nó không gây ra nhiều vấn đề. Thế nhưng nếu lãi suất đóng đinh ở mức cao, còn lạm phát thấp thì nó sẽ dẫn đến lãi suất thực cao và điều này cản trở đầu tư. Bởi vì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp phụ thuộc vào lạm phát, lạm phát càng cao thì doanh thu tăng trưởng càng cao.”

Trái ngược với những quan ngại về lạm phát thấp, cũng có ý kiến cho rằng, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương cho biết, tăng trưởng lạm phát phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là yếu tố về bên cầu, tức là nhu cầu chi tiêu, nhu cầu đầu tư, cũng như nhu cầu xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sản xuất và nếu chênh lệch nhiều quá thì sẽ gây áp lực giá. Thế nhưng ngược lại, nó cũng có thể do các yếu tố chẳng hạn như giá các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá, các mặt hàng đó tăng thì cũng sẽ làm đẩy chi phí của doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục