Nguy cơ biển Đông năm 2016
Khánh Hòa 10 năm 'không phát hiện cán bộ nhận quà'
ASEAN là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Xử chuyện cấp nước, thoát nước thi công thiếu đồng bộ
Bộ Công Thương phải tiếp tục cải cách thủ tục, tiếp sức doanh nghiệp
Tin trong nước đọc nhanh trưa 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Người Việt khai chi 15.000 USD cho môi giới để tới Jeju làm việc
Giới chức Hàn Quốc bắt giữ người nước ngoài trong một vụ trốn trong xe chở phế liệu để lên phà từ Jeju vào đất liền. Ảnh: JejuIlbo
Báo Kyunghang daily dẫn Cục quản lý Xuất nhập cảnh Jeju cho biết tính đến hôm qua, giới chức đã tìm thấy 27 người Việt bỏ trốn và trục xuất về nước. Jejudo Daily đưa tin thêm rằng trong những người này, 26 người đã về nước, còn một người mất hộ chiếu đang đợi làm thủ tục trước khi bị trục xuất. Họ nằm trong số 59 người Việt Nam biến mất sau khi tới đảo Jeju hôm 12/1.
Hiện còn 32 người mất tích và cảnh sát và tuần duyên Hàn Quốc đang tích cực kiếm những người này. Báo cáo trước đó cho hay 56 người mất tích, tuy nhiên, phía công ty du lịch báo có thêm ba người nữa, nâng con số tổng cộng lên 59.
Giới chức hành pháp cho rằng nhiều khả năng những người này đến đảo Jeju nhằm trốn lại để lao động bất hợp pháp. Trong quá trình điều tra, những người Việt khai họ được hướng dẫn sau khi đến Jeju, ra sảnh khách sạn sẽ gặp người Hàn Quốc đưa đi tìm việc.
Những người bị bắt ở cơ sở chế biến thực phẩm nói họ chi khoảng 15.000 USD/người cho môi giới ở Việt Nam.
Cục quản lý Xuất nhập cảnh Hàn Quốc cho biết, ngoài việc tìm kiếm những người Việt Nam mất tích, họ cũng sẽ tìm kiếm những người Hàn Quốc môi giới tìm việc làm.
27 người bị bắt trong các ngày từ 13 đến 16/1. Ngày 13 và 14/1, cảnh sát tìm thấy 10 người đang ở tại các nhà nghỉ. Nhóm 10 người phủ nhận việc đến Jeju để trốn ra ngoài, cho biết họ chuyển ra thuê nhà trọ vì người quen tư vấn rằng như vậy sẽ tốt hơn.Ngày 15/1, cảnh sát phát hiện ba người đang làm việc tại cơ sở chế biến thực phẩm ở ấp Hanlim, đảo Jeju. Đêm 15/1, họ tiếp tục tìm thấy 6 người đang cư trú tại các nhà nghỉ lân cận. Ngày 16/1, cảnh sát tìm thấy thêm 8 người khác ở hai nhà nghỉ tại ấp Hanlim.
Báo Hàn Quốc cho hay kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn visa du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất, với tổng cộng 59 người Việt Nam.
Theo thống kê, số người bỏ trốn sau khi du lịch vào Jeju liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011, số người này là 282, thì năm 2015, con số lên tới 4.353 người, tức tăng gấp 15 lần. (VNexpress)
8 năm, ngành tài chính nộp lại 322 triệu đồng quà biếu
Thông tin trên được Thứ trưởng Vũ Thị Mai đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính chiều ngày 18/1.
Theo vị lãnh đạo này, hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tặng, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Từ năm 2007 đến năm 2015, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã kê khai, nộp lại quà biếu, quà tặng đã nhận theo quy định, gồm 322 triệu đồng, một bộ máy vi tính, 15 bức tranh thêu, một lọ hoa, một bộ sách và đĩa hát.
Năm 2006-2015, qua việc thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn trong quản lý tài chính, tài sản công tại đơn vị, Bộ Tài chính đã tiết kiệm được trên 678 tỷ đồng kinh phí thường xuyên, 567 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng.
Về công tác thanh kiểm tra, Thứ trưởng cho biết, đã triển khai hơn 341.000 cuộc thanh, kiểm tra với số tiền kiến nghị xử lý trên 90.700 tỷ đồng.
Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổng kết, đánh giá triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.
Vay ngân hàng 70 triệu tốn hơn 3 triệu đồng tiền phí
Anh Mạnh, tại TP HCM cho biết, vợ chồng anh đang xây nhà mới thì phát sinh thiếu hụt tầm 300 triệu đồng. Do cần tiền gấp, lại chưa bán được căn hộ cũ nên đành phải đi vay tạm tại một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối.
Anh cho biết, lúc tư vấn hồ sơ vay thì nhân viên ngân hàng không giải thích rõ về các khoản phí liên quan đến thẩm định... Sau khi hoàn tất thủ tục rồi thì anh được yêu cầu là phải đóng 2 triệu đồng phí thẩm định tài sản. "Tôi thật sự thấy không hài lòng. Hơn nữa, lúc thu tiền, nhân viên ngân hàng cũng không có bất cứ biên lai gì nên tôi không đồng ý đóng và sau một hồi tranh luận thì họ mới chịu lập cho tôi một tờ biên nhận", anh Mạnh nói.
Ngoài khoản phí thẩm định hai triệu này, anh còn phải đóng 600.000 đồng tiền phí công chứng. "Đang kẹt tiền, khoản vay thì chưa thấy đâu nhưng chi phí bỏ ra sơ sơ đã mất 2,6 triệu đồng", anh bộc bạch.
Người vay tiền nên trao đổi các loại phí rõ ràng với nhân viên ngân hàng để không phải khó chịu về sau.
Không chỉ khó chịu vì chi phí vay phát sinh cao, vợ chồng anh Mạnh tiếp tục gặp "rắc rối" với khâu giải ngân. Bởi theo quy định, ngân hàng yêu cầu khi nào anh cần thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc sửa nhà thì họ sẽ chi trả thẳng cho đơn vị thi công, hoặc đại lý vật liệu xây dựng.
Nhưng cái khó là anh Mạnh muốn rút tiền mặt vì trả công thợ, hoặc mua vật tư tại các cửa hàng nhỏ không có tài khoản thì lấy đâu mà ngân hàng chuyển cho họ. Vợ chồng anh định sẽ bỏ kế hoạch vay này nếu ngân hàng không "du di". Sau vài lần thương thảo, cuối cùng ngân hàng cũng đồng ý giải ngân tiền mặt cho anh, nhưng với số tiền khiêm tốn vài chục đến dưới 100 triệu đồng mỗi lần, và mỗi lần cách nhau một đến 2 tuần.
Sau khi nhận tiền giải ngân đợt đầu tiên 70 triệu đồng, anh Mạnh thấy quá nhiêu khê, lại đúng lúc bán xong căn hộ chung cư cũ nên quyết định tất toán luôn hợp đồng sau hai tuần nhận được số tiền đầu tiên. Vì trả nợ trước hạn, anh phải chịu thêm khoản phí phạt trả nợ trước hạn 1% trên tổng dư nợ, khoảng 700.000 đồng.
"Như vậy, tính ra chúng tôi vay được 70 triệu đồng trong hai tuần nhưng mất tổng chi phí 3,3 triệu đồng gồm 2 triệu phí thẩm định tài sản, 600.000 đồng tiền công chứng và 700.000 đồng phí phạt trả trước hạn, tức tính ra tương đương gần 5% tổng số tiền vay được", anh bộc bạch.
Trao đổi với VnExpress.net, một Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, hiện tại ngân hàng ông gần như tiết giảm tối đa các loại phí liên quan đến khoản vay. Trừ phí công chứng (bên văn phòng công chứng thu) thì hiện tại ngân hàng này chỉ còn thu duy nhất phí trả nợ trước hạn. "Các khoản phí liên quan đến thẩm định tài sản đảm bảo và các loại khác chúng tôi đều không thu", ông nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thuộc khối quốc doanh giải thích, vì những khoản vay nhỏ, lại vay trong khoản thời gian ngắn nên chi phí mà ngân hàng bỏ ra để triển khai khoản vay này là tương đương các khoản cho vay lớn nhưng thu lãi thì không được bao nhiêu. Do vậy, một số trường hợp ngân hàng sẽ thu phí để bù đắp chi phí.
Trước vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chia sẻ, khi vay ngân hàng, thông thường khách vay sẽ chịu các khoản phí công chứng, phí đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngoài ra, khách hàng đôi khi sẽ chịu thêm phí thẩm định tài sản đảm bảo, mức phí cụ thể tùy vào giá trị tài sản đảm bảo ấy cũng như chính sách của ngân hàng.
Tuy nhiên, ông cho rằng, những khoản phí này cán bộ ngân hàng nên thông báo và thỏa thuận rõ ràng trước với khách thì sẽ tạo ra sự thỏai mái giữa hai bên. "Nhiều trường hợp, khi người vay làm thủ tục xong mới biết thì những khoản này có thể gây ra sự bất ngờ hoặc khó chịu cho người đi vay", ông nói.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thường có phí phạt dao động từ 1-3% trên dư nợ còn lại khi khách hàng trả nợ trước hạn và áp dụng lãi suất từ 1,1 đến 1,5 lần lãi suất trong hạn đối với khoản nợ vay quá hạn. Do đó, người vay và cả phía ngân hàng hãy thương lượng trước tất cả những khoản này để không xảy ra sự tranh chấp về sau.
Giàn khoan Hải Dương 981 đang ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Ngày 19-1, Bộ Ngoại giao dẫn nguồn tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết tối 16-1, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Vị trí này cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía Đông..
Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này; đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố ngày 19-1.
Trước đó, ngày 18-1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ quan ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí nêu trên.
Theo luật quốc tế và thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối với khu vực biển chồng lấn chưa được phân định, một bên không được phép tiến hành bất kỳ hành động nào nếu không có được sự thỏa thuận của bên kia, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết.(TT)
Vừa nhận hơn 3.600 tấn gạo cứu đói, vừa bắn pháo hoa
Là địa phương vừa được nhận hơn 3.600 tấn gạo cứu đói cho người dân, Nghệ An sẽ bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016.
Nghệ An vừa quyết định phân bổ hơn 3.600 tấn gạo cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, Nghệ An có hơn 241.000 nhân khẩu được hỗ trợ gạo, mức hỗ trợ 15kg/người/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng.
Ông Hoàng Viết Đường, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp nhận, cấp gạo cho các hộ gia đình thuộc diện thiếu đói đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, hoàn thành trước ngày 31-1-2016 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Ất Mùi).
Những địa phương có người dân được cấp gạo cứu đói nhiều như huyện miền núi, biên giới Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương…
Được biết, dịp tết Ất Mùi và vụ giáp hạt năm 2015, Nghệ An từng được Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hơn 5.400 tấn gạo cứu đói.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cũng vừa ký quyết định số 201/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016.
Theo đó, các thành viên Ban chỉ đạo gồm Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, Sở Tài chính, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh…có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016 tại Công viên Trung tâm, TP Vinh đảm bảo an toàn, theo đúng quy định của Chính phủ.
Chiều 19-1, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hải Nam, phó phòng tổng hợp UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự kiến tỉnh Nghệ An sẽ bắn pháo hoa tầm thấp trong thời gian 15 phút tại Công viên Trung tâm TP Vinh vào đêm giao thừa Bính Thân.
Ông Nam cho hay kế hoạch bắn pháo hoa đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý và không “tiết lộ” kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện bắn pháo hoa mừng Xuân.
“Hiện UBND tỉnh đang giao cho Sở Tài chính lập dự toán kinh phí bắn pháo hoa, có thể lấy nguồn từ xã hội hóa và ngân sách”, ông Nam nói.
Phía Sở Tài chính Nghệ An cho biết chưa nhận được kế hoạch bắn pháo hoa từ Sở VH-TT&DL nên chưa lập dự toán được kinh phí bắn pháo hoa.
Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ chỉ huy Quân sự Nghệ An cho hay chương trình bắn pháo hoa tầm thấp trong 15 phút cần kinh phí từ 500 - 600 triệu đồng.
“Các năm trước vào dịp Tết Nguyên đán bắn pháo hoa để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân tỉnh có huy động nguồn xã hội hóa nhưng không đáng kể, chủ yếu trích từ ngân sách tỉnh”- vị này nói.(TT)