Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Malaysia Najib Razak chính thức tuyên bố hai nước trở thành Đối tác chiến lược, đồng thời cùng bày tỏ quan ngại về tình hình xây đảo hiện nay ở Biển Đông.
Cước phí cao, dịch vụ kém, ngành đường sắt ì ạch thay đổi
- Cập nhật : 20/01/2016
(Tin kinh te)
Suốt thời gian dài vừa qua ngành đường sắt chỉ hoạt động ì ạch, hiệu quả kém, chỉ cung cấp cái mình có chứ chưa cung cấp cái khách cần. Vì sao?
Dù có nhiều lợi thế so với phương tiện vận tải bằng đường bộ và đường thủy, chưa kể tài sản là hệ thống hạ tầng có giá trị lớn, nhưng suốt thời gian dài vừa qua ngành đường sắt chỉ hoạt động ì ạch, hiệu quả kém...
Nhiều khách hàng từng tìm đến nhưng sau đó quay lưng với đường sắt cho biết cách làm ăn của ngành đường sắt VN vẫn chưa khác nhiều thời bao cấp, ngồi chờ khách hàng tới, chỉ cung cấp cái mình có chứ chưa cung cấp cái khách cần...
Theo nhiều ý kiến, nếu không sớm thay đổi chất lượng và nâng cao các dịch vụ vận tải, ngành đường sắt chắc chắn bị loại khỏi danh mục được chọn của khách hàng.
Cước phí cao, dịch vụ kém
Dù có nhu cầu vận chuyển một lượng hàng gạch ngói cho các đối tác tại Hà Nội nhưng ông Trường, phụ trách công việc giao nhận của một tập đoàn lớn ở Đồng Nai, cho biết đã chọn vận chuyển đường biển thay vì đường sắt.
“Chẳng biết vì lý do gì nhưng khi cần vận chuyển hàng đột xuất, chúng tôi phải xếp hàng chờ lịch tàu khiến thời gian vận chuyển tăng lên đáng kể, chưa kể năng lực bốc dỡ hàng hóa ở các ga tàu lửa còn yếu hơn đường thủy” - ông Trường giải thích.
Ông Đặng Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Thiên Anh (quận 4, TP.HCM), cho biết nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc đều đề nghị công ty chọn đường bộ hay đường thủy do cước phí rẻ hơn so với đường sắt.
“Chúng tôi vừa làm thủ tục vận chuyển một lượng hàng lớn cho một doanh nghiệp kinh doanh nông sản ra Hải Phòng bằng đường thủy với cước phí chỉ có 9,3 triệu đồng/container 40 feet, rẻ hơn 15-20% so với cước đường sắt và thời gian cũng chỉ mất bốn ngày. Nếu vận chuyển bằng đường bộ, cước phí còn rẻ hơn gần 50% so với đường sắt” - ông Tuấn nói.
Ghi nhận tại thị trường phía Bắc, nhiều doanh nghiệp cũng ít chọn phương tiện vận chuyển đường sắt. Ông Mai Văn Hà - giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát, Tập đoàn Hòa Phát - cho biết doanh nghiệp này có Nhà máy Hưng Yên với nhu cầu vận chuyển tới cả triệu tấn/năm nhưng chưa bao giờ chọn đường sắt làm phương tiện vận chuyển.
“Chúng tôi từng tính đến phương án vận tải đường sắt, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ thấy không khả thi nên phải tìm phương tiện khác” - ông Hà nói.
Theo ông Hà, không chỉ cước vận chuyển bằng đường sắt cao hơn vận tải đường biển khoảng 15%, mà khách hàng còn phải tự chuyển hàng ra điểm tập kết của nhà tàu mới chuyển đi được. Trong khi các loại hình vận tải khác thường sắp xếp để có thể vào tận nhà máy vận chuyển. Chưa kể việc bảo quản hàng hóa của ngành đường sắt chưa tốt, thời gian vận tải không linh hoạt...
Khách phải đưa hàng đến ga
Đại diện một doanh nghiệp ngành hóa chất ở khu vực phía Bắc cho biết không chỉ cước phí quá cao và thời gian “sắp hàng” chờ xếp tàu khá lâu, bộ máy ngành đường sắt hiện vẫn vận hành như thời bao cấp.
“Thông thường các đơn vị vận tải luôn chủ động tìm khách, tìm đón, thuyết phục khách, ngược lại doanh nghiệp đường sắt chưa xem khách hàng là thượng đế, không có tinh thần phục vụ mà chỉ đòi hỏi khách phải đáp ứng nhiều điều kiện” - vị này khẳng định.
Mất thị phần vì không theo kịp thị trường
Ông Đỗ Đình Dược cho biết từ năm 2002 trở về trước ngành đường sắt chiếm tỉ trọng vận chuyển hàng hóa 5-6% so với các loại hình vận tải hàng hóa khác, sau đó giảm còn khoảng 1%. Trong giai đoạn từ tháng 4-2014 đến tháng 4-2015, sau khi chủ trương siết chặt tải trọng phương tiện được ban hành, nhiều ôtô không còn chở quá tải nữa, lượng hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bắt đầu dồn về ngành đường sắt.
Tuy nhiên, theo ông Dược, do vận hành của ngành đường sắt còn mang tính bao cấp, cung cách phục vụ ở một số bộ phận không theo kịp cơ chế thị trường nên ngành đường sắt đánh mất dần thị phần chuyên chở hàng hóa, nhiều khách hàng đã quay lưng với ngành đường sắt.
Cụ thể, đến nay ngành đường sắt vẫn chưa nhận vận chuyển trọn gói. Nếu có nhu cầu, khách phải tự vận chuyển hàng ra ga đi.
Và tại ga đến khách hàng cũng phải tự thuê xe vận chuyển đến địa điểm tiêu thụ. Do đó nhiều doanh nghiệp chọn phương án vận chuyển bằng đường thủy hay đường bộ bởi nhà vận chuyển sẽ tự sắp xếp các khâu nhận hàng, vận chuyển và đưa đến điểm tiêu thụ.
Theo ông Dương Trí Hội - phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón hóa chất dầu khí (PVFCCo), do ngành đường sắt chưa kết nối với hệ thống cảng, các khu vực sản xuất công nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ, hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện này phải trải qua nhiều công đoạn bốc xếp, lên xuống hàng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, chưa kể thời gian giao và nhận hàng.
Không chỉ khách hàng doanh nghiệp, cả khách hàng cá nhân với nhu cầu vận chuyển hàng rời nhỏ lẻ cũng đang dần rời bỏ đường sắt do không chủ động được thời gian và cước phí quá cao.
Anh Phạm Văn Hùng (Q.9, TP.HCM) cho biết đầu tháng 1-2016, anh liên hệ ga tàu để chuyển trước một ít đồ đạc ra Hà Nội gồm xe máy và bốn kiện hàng. Tuy nhiên sau khi liên hệ với dịch vụ vận chuyển của ga Sóng Thần, anh Hùng quyết định chuyển sang sử dụng dịch vụ vận chuyển của xe khách.
“Giá cước vận chuyển được dịch vụ đường sắt đưa ra là 900.000 đồng/xe máy, 330.000 đồng/khối đối với kiện hàng rời và chỉ nhận hàng trước ngày 31-1 dương lịch chứ không nhận vào những ngày giáp tết.
Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển bằng xe khách từ bến xe Miền Đông ra Giáp Bát (Hà Nội) đối với hai món hàng này không những rẻ hơn gần 200.000 đồng so với cước đường sắt, mà tôi còn có thể gửi hàng vào bất cứ thời điểm nào” - anh Hùng nói.
Giảm cước, nâng chất dịch vụ để kéo khách?
Trao đổi về những băn khoăn của khách hàng, ông Phan Quốc Anh - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - thừa nhận những hạn chế của ngành, đồng thời khẳng định đang cố gắng thay đổi cách thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng.
Cụ thể, hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã được tổng công ty giao trách nhiệm đảm nhận dịch vụ logistics, nhận chở hàng từ kho đến ga, rồi từ ga đến các điểm tiêu thụ cho khách hàng, cố gắng từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển trọn gói thay vì chỉ đảm trách khâu vận chuyển từ ga đến ga như hiện nay.
“Các doanh nghiệp của ngành đường sắt phải đảm nhận vận chuyển trọn gói. Nếu không đủ khả năng thì liên kết với các doanh nghiệp vận tải lĩnh vực khác để đáp ứng yêu cầu vận chuyển từ kho đến kho của khách hàng, thay vì buộc khách hàng phải tự lo một số công đoạn như thời gian qua” - ông Quốc Anh nói.
Ngoài ra, theo ông Quốc Anh, ngành đường sắt sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng năng lực khai thác tàu, năng lực xếp dỡ, kho bãi nhằm khai thác hiệu quả hơn, quay vòng các toa xe chở hàng nhanh chóng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách.
Đặc biệt, ông Quốc Anh cho biết tới đây Tổng công ty Đường sắt VN sẽ đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng với khách hàng, giá cước trọn gói, không chia tách chi phí vận tải, sức kéo, duy tu hạ tầng với khách hàng như trước đây. Sau khi ký hợp đồng, tổng công ty sẽ phân bổ lại cho các bộ phận vận tải, sức kéo, duy tu hạ tầng ở các công ty.
Ông Đỗ Đình Dược - phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn, kiêm giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sóng Thần - cho biết trong năm 2016 sẽ tăng 100 - 150 toa xe chuyên chở container, nâng tổng số toa xe phục vụ công tác chuyên chở hàng hóa lên 300 toa xe (một toa xe bình quân 30 tấn).
Theo ông Dược, dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt có những đặc thù riêng, không thể cạnh tranh với đường biển mà chỉ có thể cạnh tranh với vận tải đường bộ trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ dịch vụ, giảm giá cước hơn nữa...
Đặc biệt, theo ông Dược, ngành đường sắt cũng đang quyết liệt chấn chỉnh thái độ phục vụ khách hàng trên tinh thần cầu thị, lắng nghe.
“Thời gian gần đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng từng tháng, từng quý để lắng nghe những ý kiến phản ảnh, góp ý. Qua những hội nghị này, chúng tôi thấy có hai vấn đề khách hàng thường phản ảnh là thái độ phục vụ và vấn đề giá cước. Do đó, toàn ngành đường sắt đang từng bước tập trung khắc phục những yếu kém này” - ông Dược cho hay.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:
Đường sắt khó cạnh tranh nếu không thay đổi
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của Tổng công ty Đường sắt VN ngày 5-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao việc ngành đường sắt VN đã biết thắt lưng buộc bụng để tái cơ cấu, đầu tư, đổi mới, tăng tỉ lệ chạy tàu đúng giờ, hành khách mua vé thuận tiện hơn... Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng dư địa để phát triển của đường sắt vẫn còn nhiều.
“Nghe báo cáo của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn mà thấy buồn. Một đơn vị chủ lực của ngành mà năm 2015 lãi 5 tỉ đồng, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỉ đồng thì làm sao cạnh tranh được với phương thức vận tải khác.
Toàn Tổng công ty Đường sắt to như thế mà cả năm chỉ thu lãi được 65 tỉ đồng và phấn đấu tăng lên được 69 tỉ vào năm 2016. Đưa ra con số như thế thì làm sao phát triển? Lương lái tàu, nhân viên trên tàu không tăng được nên chuyện “bao khách” đi tàu... khó tránh khỏi” - ông Thăng nói.
Theo ông Thăng, đi đường sắt mà giá vé cao hơn hàng không, hành khách quay lưng với đường sắt là điều chắc chắn.
Do đó, ngành đường sắt VN phải thay đổi theo thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các phương thức vận tải khác bằng nhiều giải pháp, thu hút đầu tư vào đường sắt, kéo hành khách về với đường sắt thông qua việc nâng chất dịch vụ, giảm giá cước...
TUẤN PHÙNG
Theo Đ.Dân - C.V.Kình -
T.Phùng - Q.Khải
Theo Tuổi Trẻ