tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 20-01-2016

  • Cập nhật : 20/01/2016

Đài Loan truy tìm một lao động Việt chém bốn đồng hương

 Cảnh sát Đài Loan đang nỗ lực truy tìm một lao động nhập cư người Việt dùng dao chém bốn đồng hương ở huyện Nam Đầu nước này vào cuối tuần qua.
canh sat dai loan dang no luc truy tim mot lao dong viet chem bon dong huong (anh minh hoa) 

Cảnh sát Đài Loan đang nỗ lực truy tìm một lao động Việt chém bốn đồng hương (Ảnh minh họa) 

Channel News Asia dẫn tin từ chính quyền huyện Nam Đầu cho hay vào khoảng 17 giờ ngày 17-1, bốn lao động Việt đang tụ tập ở một quán ăn Việt Nam thì khoảng 7-8 người bất ngờ xông vào. Một trong số này đã chém bốn người trên bằng dao.
Nghi phạm và đồng bọn sau đó bỏ trốn khỏi hiện trường trên hai chiếc xe, để mặc các nạn nhân kêu la trong đau đớn.
Bốn người Việt bị thương đã được đưa vào bệnh viện và tình hình sức khỏe của họ hiện đã ổn định.
Một trong những người bị thương nặng nhất bị chặt đứt hai ngón tay. Hai người khác đã được xuất viện vào hôm 18-1, hai người còn lại vẫn tiếp tục điều trị.

Các nạn nhân nói rằng họ không quen nghi phạm và không biết tại sao họ bị chém.


Chấn chỉnh thuyền viên Việt Nam nhảy tàu bỏ trốn

Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa thuyền viên Việt Nam đi làm việc trên tàu cá nước ngoài chấn chỉnh tình trạng thuyền viên Việt Nam nhảy tàu bỏ trốn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, đánh giá thời gian qua phát sinh một số vụ việc thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu cá xa bờ nhảy tàu bỏ trốn khi tàu cập cảng hoặc đi vào vùng biển gần bờ của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đó Cục yêu cầu các doanh nghiệp tuyển chọn những thuyền viên có nhân thân tốt, có kinh nghiệm đi biển; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện ý thức kỷ luật; thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thuyền viên đầy đủ nội dung, chương trình; sàng lọc, loại khỏi danh sách những thuyền viên có nhân thân không tốt, thuyền viên không chấp hành các quy định trong thời gian đào tạo.

Thông báo cho đối tác và chủ tàu tăng cường quản lý, giám sát không để thuyền viên nhảy tàu trong thời gian tàu cập cảng, tàu vào gần bờ để tránh bão hoặc tàu vào khu vực thuyền viên có thể nhảy tàu.

Yêu cầu đối tác, chủ sử dụng lao động và thuyền trưởng thông báo cho chính quyền, lực lượng bảo vệ bờ biển của nước sở tại ngay khi phát hiện thuyền viên nhảy tàu để tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm tính mạng cho thuyền viên.

Đồng thời khi phát sinh thuyền viên nhảy tàu, doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuyền viên nhảy tàu và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để được hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết vụ việc.


Tăng nặng án phạt tù vì buôn bán hàng giả là bột ngọt

Ngày 19-1, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Ngô Văn Hiền (SN 1975, ngụ An Lạc, Bình Tân) ba năm tù về tội buôn bán hàng giả. Trước đó, viện chỉ đề nghị xử phạt bị cáo mức án từ 12 đến 18 tháng tù, nhưng xét thấy đây là hàng thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên HĐXX quyết mức án trên.
Tháng 4-2014, Hiền từng bị UBND quận Bình Tân xử phạt hành chính về hành vi sản xuất hàng giả với mức phạt 50 triệu đồng đến nay chưa chấp hành xong. 
Theo hồ sơ, trưa 9-2-2015, Hiền đang nhận 84 gói bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto tại sạp hàng của mình ở khu vực chợ Bình Tây, quận 6 thì bị công an kiểm tra bắt giữ. Khám xét nhà ở quận 8, quận 6 và sạp hàng của Hiền tại chợ, công an thu giữ thêm hàng loạt gói bột ngọt tương tự và dụng cụ làm bột ngọt. Qua giám định số bột ngọt này đều là giả. 
Tại cơ quan điều tra, Hiền thừa nhận hành vi và khai khoảng tháng 11-2014, có người đàn ông tên Linh không rõ lai lịch đến chào bán bột ngọt giả trên. Do biết bán hàng này sẽ thu được lợi nhuận cao nên Hiền đồng ý. Sau đó, Hiền còn dẫn Linh sang quận 8 thuê một phần nhà của cháu ruột để sản xuất bột ngọt giả. Mỗi lần cần hàng, Hiền chỉ cần gọi điện thoại cho Linh và được giao như trên. Mỗi ngày, Hiền thu lợi khoảng 50.000 đồng. Tổng số hàng công an thu giữ được tương đương giá trị hàng thật là hơn 20 triệu đồng. 

TP.HCM xây dựng chuỗi sản phẩm đạt chuẩn quốc tế

Sở NN&PTNT TP.HCM vừa có buổi làm việc với các đoàn kinh tế nước ngoài và đi đến thống nhất:

Cùng phối hợp xây dựng chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP như hoa lan, xoài, tôm thẻ chân trắng, cua… đạt chuẩn quốc tế. Cụ thể, phía Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan sẽ hỗ trợ, hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của TP.HCM. Sở NN&PTNT TP xác định địa điểm, diện tích triển khai, cung cấp số liệu, tổ chức sản xuất…

Phía đối tác cung cấp bộ tiêu chuẩn cho chuỗi giá trị sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và cùng ngành nông nghiệp TP lên kế hoạch tổng thể thực hiện gồm các khâu như chuyển giao công nghệ; cử chuyên gia đến TP cùng nghiên cứu, khảo sát thị trường, tư vấn cho ngành nông nghiệp TP; đào tạo nguồn nhân lực; cải tạo đất, môi trường, giống.

Trước đó, thông qua trung gian là Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), các đoàn kinh tế nước ngoài này đã làm việc với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hà Nội về xây dựng chuỗi giá trị tiêu chuẩn quốc tế đối với một số nông sản như chuối tiêu, hồng, cam Canh, bưởi Diễn, cà rốt, rau…


300 tỷ đồng sửa cống vòm 150 tuổi dưới lòng đất Sài Gòn

Sau 150 năm sử dụng, nhiều tuyến cống vòm được người Pháp xây dựng dưới lòng đất Sài Gòn bị xuống cấp, cần phải sửa chữa để bảo đảm an toàn.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM, hệ thống cống vòm cũ do người Pháp xây dựng từ năm 1870 dưới lòng đất Sài Gòn hầu hết đã hư hỏng, không còn chức năng thoát nước, lòng cống xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ gây lún sụp mặt đường rất cao. Để đảm bảo thoát nước và an toàn giao thông, Trung tâm Chống ngập đã thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và sửa chữa những vị trí hư hỏng cục bộ trên các tuyến cống vòm.

cong vom do nguoi phap xay dung cach nay 150 nam den nay da xuong cap. anh: trung son

Cống vòm do người Pháp xây dựng cách nay 150 năm đến nay đã xuống cấp. Ảnh: Trung Sơn

Tuy nhiên, về lâu dài, những khu vực hư hỏng nặng cần phải thực hiện dự án thay thế. "Trung tâm đang làm chủ đầu tư thực hiện ba dự án cải tạo, thay thế cống vòm hiện hữu trên các đường Đồng Khởi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng", ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố cho biết.

Cũng theo đơn vị này, các dự án trên đều thực hiện trong khu vực trung tâm thành phố, gây khó khăn trong việc bố trí mặt bằng thi công, vướng nhiều công trình hạ tầng có liên quan nên phải cần nhiều thời gian để phối hợp xử lý. Dự kiến cuối năm nay các dự án này mới có thể khởi công.

Hệ thống cống vòm tại Sài Gòn do người Pháp xây dựng từ năm 1870. Cống lớn nhất ngang 2,35 m, cao 1,8 m và nhỏ nhất có tiết diện là 0,5 m x 0,5 m.

Cống vòm có tiết diện lớn được lắp đặt trên các tuyến đường xung quanh khu vực quận 5, 6 như đường Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương, Triệu Quang Phục, Hồng Lạc... Ở khu vực trung tâm, các đường Pasteur, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Phó Đức Chính... cống vòm có tiết diện trung bình 0,8 m x 1,8 m.

Tình trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống cống này được cho là nguyên nhân gây ra nhiều vụ sụp lún mặt đường trên địa bàn TP HCM.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục