Hưởng ứng chương trình Kích cầu đầu tư và Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cam kết dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất cạnh tranh nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đáp ứng các tiêu chí của chương trình.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 19-01-2016
- Cập nhật : 19/01/2016
Cục Thuế thua kiện vì xử phạt cảm tính
TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm và tuyên hủy các quyết định của Cục Thuế TP.HCM và kết luận thanh tra bổ sung của đơn vị này đối với Công ty TNHH MTV TM giấy Hưng Thịnh.
Công an kết luận hóa đơn có giá trị sử dụng
Theo hồ sơ, sau khi thanh tra, tháng 9-2014 Cục Thuế TP.HCM có quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng hai năm 2012 và 2013, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2012 và xử phạt vi phạt hành chính đối với Công ty Hưng Thịnh tổng số tiền hơn 14,5 tỉ đồng.
Không đồng ý, Công ty Hưng Thịnh khiếu nại đến Cục Thuế TP nhưng bị bác đơn. Vì vậy, công ty này khởi kiện hành chính đề nghị tòa án hủy quyết định truy thu, xử phạt của Cục Thuế cũng như quyết định giải quyết khiếu nại.
Khi tòa đang thụ lý, Cục Thuế TP lại tiếp tục ban hành kết luận thanh tra thuế sửa đổi, bổ sung với nội dung: Truy thu thuế TNDN hai năm là hơn 337 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính thuế gần 1,23 tỉ đồng và thu tiền chậm nộp thuế là 1,467 tỉ đồng, tổng cộng hơn 3 tỉ đồng.
Tại tòa, phía công ty trình bày: xuất phát từ nguyên nhân bảy doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc giải thể, Cục Thuế TP cho rằng 156 hóa đơn mua hàng của Công ty Hưng Thịnh với các doanh nghiệp trên là bất hợp pháp, không có giá trị sử dụng. Từ đó, Cục Thuế tố cáo Công ty Hưng Thịnh ra cơ quan công an về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm mục đích trốn thuế.
Tuy nhiên, qua xác minh điều tra, công an không khởi tố vụ án vì không có căn cứ, cơ sở. Công an và VKSND TP.HCM kết luận tất cả hóa đơn giá trị gia tăng xuất bán hàng cho Công ty Hưng Thịnh của các doanh nghiệp trên là có giá trị sử dụng.
Từ đó, công ty cho rằng Cục Thuế TP ra những quyết định truy thu, xử phạt cũng như kết luận thanh tra bổ sung thiếu căn cứ và thuyết phục đối với doanh nghiệp.
“Suy luận chủ quan, áp đặt”
Tại toà chủ tọa hỏi Cục Thuế: “Có quy định nào sau khi xuất hóa đơn, công ty bán hàng bỏ địa điểm kinh doanh hoặc giải thể thì không xem xét các hóa đơn này để khấu trừ thuế cho doanh nghiệp mua không?”. Cục Thuế TP đáp: “Không cho Hưng Thịnh khấu trừ không chỉ vì lý do các doanh nghiệp bán bỏ trốn hoặc giải thể mà còn do các hóa đơn đó không đủ điều kiện để chấp nhận như bán hàng lớn không kê kho”.
Tòa hỏi luật có quy định về điều này không, Cục Thuế nói không và tiếp tục đưa ra các yếu tố nghi ngờ khác để chứng minh cho các quyết định của mình. Cụ thể, việc thanh toán mua bán trong ngày có những lúc người nộp vào và rút tiền là cùng một người.
Tranh luận lại, phía khởi kiện cho rằng lập luận của Cục Thuế như thế là không ổn. Cục Thuế nói việc mua bán không có thật do nhân viên Hưng Thịnh nộp tiền vào ngân hàng với tư cách bên mua rồi người đó đại diện cho người bán rút ra. Đây là suy luận chủ quan, áp đặt. Vì nhân viên thực hiện việc nộp tiền vào tài khoản Hưng Thịnh thanh toán cho các doanh nghiệp có giao dịch mua bán. Từ đây mới chuyển khoản qua tài khoản các công ty bán hàng. Việc bên bán rút tiền thế nào hay ủy quyền cho cá nhân nào rút ra thì là quan hệ giữa bên bán với cá nhân được ủy quyền, không liên quan đến Hưng Thịnh.
Cạnh đó, bên khởi kiện cũng chứng minh hóa đơn mua bán khi xuất thì các doanh nghiệp bán vẫn đang hoạt động, các hóa đơn đều được đăng ký đúng quy định. Cơ quan thuế cũng không có bất kỳ cảnh báo nào về sự rủi ro, bất hợp pháp hay không có giá trị sử dụng của các hóa đơn trong thời gian các doanh nghiệp thực hiện giao dịch. Và quan trọng hơn, các doanh nghiệp bán hàng trên đã được các Chi cục Thuế liên quan cho khấu trừ thuế và hoàn thuế đối với các hóa đơn đã xuất cho Hưng Thịnh.
HĐXX nhận định cơ quan thuế đưa ra các quyết định truy thu, xử phạt chưa đúng quy định pháp luật. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của bên khởi kiện và tuyên án như trên.
Năm 2016, EVN cam kết không đề xuất tăng giá điện
Về việc Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định “Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân” để thay thế Quyết định 69/2013/QĐ-TTg hiện đang có hiệu lực, ông Tri cho biết EVN với trách nhiệm là đơn vị trực tiếp bán điện cũng sẽ nghiên cứu cẩn thận nội dung và có ý kiến góp ý chính thức, cụ thể đối với từng vấn đề nêu trong dự thảo để đảm bảo phù hợp với quá trình sản xuất, kinh doanh điện của EVN. “Tuy nhiên, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục, không tăng giá điện. Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, EVN cho rằng nếu tập đoàn xin điều chỉnh giá điện thì lại làm cho các doanh nghiệp càng khó khăn hơn nữa” - ông Tri nói.
20.000 lao động ngành cao su nghỉ việc
Lý do, theo ông Thoại, liên tiếp trong vài năm gần đây, giá cao su thiên nhiên thế giới giảm mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Doanh thu năm 2015 của tập đoàn chỉ đạt 98% kế hoạch. Giá bán cao su bình quân năm 2014 đạt 37,3 triệu đồng/tấn, đến năm 2015 chỉ còn khoảng 30,5 triệu đồng/tấn.
“Trước tình hình đó, nhiều lao động tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất cao su đã xin nghỉ việc dẫn đến số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngoài ra, các đơn vị cũng sắp xếp lại lao động, chuyển sang chế độ cạo mủ ít hơn nên nhiều người bỏ đi tìm việc khác” - ông Thoại cho biết thêm.
Đã cấp hơn 2 triệu thẻ căn cước công dân
Sau 2 tuần triển khai, đã có hơn 2 triệu căn cước công dân đã được cấp trên 13 tỉnh, thành trong toàn quốc và gần 1.000 trẻ sơ sinh được cấp định danh cá nhân.
Sáng 18-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (gọi tắt là Đề án 896), chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ban chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ Công an, theo luật Căn cước công dân , từ 1-1-2020, toàn quốc phải thực hiện cấp thẻ căn cước công dân. Từ 1-1-2016, các Trung tâm cấp CMND 12 số đã chuyển sang cấp căn cước công dân. Đến nay đã có 2,117 triệu căn cước công dân được cấp.
Trong số 16 tỉnh, thành đầu tiên được cấp chuyển đổi từ CMND sang thẻ căn cước thì mới chỉ có 13 tỉnh thực hiện, còn 3 tỉnh chưa triển khai vì chưa đủ điều kiện.
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong năm 2016, Bộ Công an sẽ thực hiện theo quy trình để phê duyệt dự án khả thi. Đến tháng 9-2016 sẽ hoàn thành và sẽ triển khai xây dựng hệ thống.
Ngoài ra, về cấp số định danh cá nhân, từ 4-1 đến nay, cơ quan chức năng đã cấp cho 8.914 cháu. Trong đó, Hà Nội 4.826, TP HCM hơn 2.000 cháu, còn lại là Đà Nẵng và Hải Phòng. “Tốc độ thực hiện dưới 1 giây 1 trường hợp”- đại diện Bộ Công an cho biết.
Bộ Công an cùng Bộ Tư Pháp và Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ thí điểm 4 tỉnh trong 3 tháng rồi tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai toàn quốc.
Do đó, Bộ Công an đề nghị Bộ Tư pháp triển khai hộ tịch điện tử để phối hợp thực hiện xây dựng dữ liệu quốc gia dân cư, đảm bảo thông tin chính xác.
Đánh giá về việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cơ sở dữ liệu dân cư rất quan trọng, quyết định thành bại của cả hệ thống chính phủ điện tử. Đây là đề án liên quan đến quyền lợi rất lớn của người dân, Giảm được thủ tục nào đó, đem lại nhiều lợi ích cho dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để triển khai xây dựng, bảo đảm khả năng kết nối, vận hành. Chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan triển khai thực hiện Luật căn cước công dân, Luật Hộ tịch.
Đồng thời, hoàn thiện chương trình tập huấn về thu thập xử lý thông tin công dân, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân.
Lắp đặt thiết bị liên lạc miễn phí cho ngư dân
Theo ông Trần Văn Dơn, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Trà Vinh, hội vừa lắp đặt 18 thiết bị thông tin liên lạc Icom miễn phí cho các chủ tàu cá.
Hội cũng sẽ tiếp tục lắp thêm 6 bộ trong tuần này với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông Dơn, việc lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc Icom cho ngư dân tỉnh Trà Vinh nằm trong chương trình “Kết nối biển Đông” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ.
Thiết bị thông tin liên lạc Icom giúp ngư dân kết nối liên lạc trên toàn lãnh thổ Việt Nam và một số nước lân cận. Thiết bị này sẽ giúp các tàu khai thác ngoài khơi hỗ trợ, trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, giá cả hải sản.
Bên cạnh đó, đây còn là phương tiện giúp các chủ tàu cá đoàn kết cùng nhau cứu hộ, cứu nạn khi gặp sự cố, thiên tai, tham gia giữ gìn an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.