Hai bên đã đạt được thỏa thuận, theo đó, ANA Holdings sẽ mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá 13 tỷ Yên – tương đương 109 triệu USD – là cổ đông nước ngoài đầu tiên của Vietnam Airlines.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 11-01-2016
- Cập nhật : 11/01/2016
Cục Hàng không yêu cầu Trung Quốc dừng vi phạm chủ quyền
Máy bay Airbus A320 chở gần 180 hành khách đáp xuống sân bay Tuy Hòa, Phú Yên. (Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)
Cục Hàng không Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, đã và đang phối hợp với ICAO và các tổ chức, hiệp hội quốc tế, các hãng hàng không quốc tế liên quan yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông./.
Trung tâm thương mại quá nhiều
Sức mua yếu, buôn bán ế nhưng đà mở trung tâm thương mại vẫn rầm rộ, chưa có dấu hiệu dừng
Cuối tháng 12-2015, hàng ngàn người dân TP HCM và các khu vực lân cận đã chen chân xếp hàng hơn 2 giờ chờ đại siêu thị E-mart (Hàn Quốc) mở cửa khai trương để vào mua hàng. Buổi trưa, bên trong trung tâm này, dòng người đông đúc tập trung ở những gian hàng khuyến mãi “khủng”, không gian rộng 30.000 m2 trở nên quá tải, nhiều khách hàng tay không ra về vì... mệt.
Tấp nập khai trương
Trước đó vài ngày, Tập đoàn Vingroup đồng loạt đưa 3 trung tâm thương mại (TTTM) Vincom vào hoạt động, gồm Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP HCM), Vincom Plaza Việt Trì (Phú Thọ) và Vincom Plaza Long Xuyên (An Giang), nâng tổng số TTTM Vincom lên con số 16 tại 9 tỉnh, thành. Như vậy, chỉ trong năm 2015, Vingroup đã có đến 10 TTTM Vincom được khai trương. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, tập đoàn này sẽ có 50 TTTM Vincom đi vào hoạt động.
Cũng trong năm 2015, thị trường còn có thêm sự góp mặt của nhiều TTTM lớn như Pearl Plaza (thuộc Tập đoàn SSG - Thái Lan), SG Vivo City (liên doanh giữa Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM với Tập đoàn Mapletree - Singapore), Aeon Mall Long Biên (Nhật Bản)... Hầu hết các TTTM này đều đi theo mô hình “n trong 1”, tức gồm siêu thị, cụm rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực, giáo dục…
Các chủ đầu tư cho biết hoạt động của những trung tâm này đều đạt mục tiêu đề ra nhưng thực tế quan sát chỉ những ngày cuối tuần mới tương đối đông đúc, còn lại đều khá vắng vẻ dù tình hình kinh tế chung đã có nhiều khởi sắc. Các gian hàng phải thường xuyên khuyến mãi giảm giá, thậm chí chuyển sang bán hàng phân khúc bình dân để kéo thêm khách.
Ngay cả các TTTM như thuộc dạng lâu đời ở TP HCM như: Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza, Parkson, Now Zone, Icon 68 (ở tòa nhà Bitexco) hay Diamond Plaza… đều cùng cảnh ngộ. Một số TTTM trụ không vững buộc phải thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa tạm ngưng. Tại Hà Nội, số lượng TTTM ít hơn nhưng cũng chịu chung số phận khi mà khách hàng chủ yếu đến để tham quan, chụp hình thay vì mua sắm.
Các TTTM ế ẩm thường do chủ đầu tư ít kinh nghiệm quản lý, marketing không phù hợp. Cũng cần nhìn nhận một thực tế khác là nhiều TTTM mọc lên, cạnh tranh với nhau; ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng kinh tế đến túi tiền của người tiêu dùng, người dân vẫn thắt chặt hầu bao, nhất là đối với các mặt hàng xa xỉ.
Không lo “bội thực”?
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam sẽ chạm mức 45% thị phần bán lẻ. Số TTTM và trung tâm mua sắm cũng tăng lên lần lượt là 180 và 157 trung tâm. Việt Nam với dân số trẻ, lương cơ bản đã tăng 15% trong năm 2015 và dự kiến sẽ còn tăng trong năm 2016; kinh tế vĩ mô ổn định và thị trường bán lẻ hoạt động tốt là những bảo chứng để nhà bán lẻ mạnh dạn bỏ vốn.
Ông Theodore Knipfing, Giám đốc bộ phận bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng các nhà bán lẻ quốc tế đang quan tâm đến thị trường châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua tăng trưởng cao nhất và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng TTTM. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều có mặt tại Việt Nam và là tín hiệu tốt cho cuộc cạnh tranh “nóng” trong tương lai gần. Các TTTM tuy chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng đã có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, không nên quá lo lắng về khả năng “bội thực” nguồn cung TTTM.
Cũng theo ông Knipfing, các hiệp định thương mại như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… về lý thuyết sẽ kéo theo các nhà máy, xí nghiệp, nhân sự nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam và sẽ là lực lượng góp phần giúp các TTTM hoạt động nhộn nhịp hơn trong thời gian tới. Vấn đề chính là thị trường bán lẻ Việt Nam cần thu hút thêm nhiều thương hiệu lớn vào các trung tâm này.
Nói về tình trạng một số TTTM “chết” nhưng nhiều TTTM mới mọc lên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận định: Sắp tới, sẽ còn nhiều nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào lĩnh vực này nên dù hiện tại thị trường chưa khởi sắc, sức mua của người dân không cao nhưng TTTM vẫn nở rộ, chủ yếu để đón đầu cơ hội.
Cứu được 8 ngư dân bị tàu nước ngoài đâm chìm rồi bỏ chạy
Đến 17g20 ngày 9-1, tàu cá BĐ 96667 TS đã cứu được 8 ngư dân của tàu cá BĐ 95207TS bị tàu vận tải nước ngoài đâm chìm tại vị trí cách phía đông đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa, khoảng 60 hải lý.
Trước đó, theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), lúc 14g ngày 9-1, tàu cá BĐ 95207TS cùng 8 người bị tàu vận tải nước ngoài (chưa rõ số hiệu) đâm chìm rồi bỏ chạy. Thuyền trưởng đề nghị cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thông báo và đề nghị Trung Quốc chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp TKCN 8 ngư dân tàu cá bị nạn trên; Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, đề nghị Cơ quan tìm kiếm trên biển Trung Quốc hỗ trợ tìm kiếm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện đi tìm kiếm cứu nạn khi được yêu cầu; đề nghị Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân điều 1 tàu gần nhất đi cứu nạn;
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bình Định, Bộ tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo và huy động các phương tiện hoạt động gần khu vực tàu bị nạn, đặc biệt các tàu cùng tổ đội đến TKCN các ngư dân trên và
Đến 17g20 cùng ngày, tàu cá BĐ 96667 TS cùng tổ với tàu BĐ 95207TS đã đến cứu được 8 ngư dân tàu BĐ 95207 TS gặp nạn.
10 năm, Đà Nẵng phát hiện 15 vụ tham nhũng
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, con số này quá ít và đó là con số cần phải suy nghĩ về năng lực, bộ máy phòng chống tham nhũng.
Ngày 9-1, TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Điều bất ngờ tại hội nghị này là theo Thanh tra TP Đà Nẵng, báo cáo của các đơn vị, địa phương Đà Nẵng cho thấy trong thời gian qua chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức viên chức nào vi phạm qui chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà.
Theo ông Trần Thanh Vân, trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, điều tra thời gian qua hết sức hạn chế. Cả TP Đà Nẵng chỉ phát hiện 15 vụ tham nhũng, trong đó có 2 vụ do trung ương chuyển hồ sơ về để Đà Nẵng xử lý.
Có tình trạng này, theo ông Vân, là do cán bộ chuyên trách phòng chống tham nhũng chưa đủ tầm, chưa có năng lực để “bắt bệnh” tham nhũng.
Nguyên nhân cũng do một vài người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, công tác thanh tra ở cơ quan đơn vị chưa thường xuyên…
Ông Vân còn dẫn chứng vụ tham nhũng của giám đốc Công ty cổ phần ôtô 6. "Người đứng đầu mà tham nhũng thì rất khó phát hiện, xử lý", ông Vân nói.
Theo ông Vân cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng là hết sức khó khăn bởi vì theo qui định thì khi khởi tố bị can mới được kê biên tài sản nên trong quá trình đó đối tượng tham nhũng đã tìm cách tẩu tán tài sản.
"Ở các nước khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, nếu đối tượng đó “ú ớ” không chứng minh được nguồn gốc tài sản là bị kê biên liền còn ở ta thì từ khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng đến lúc khởi tố bị can thì đối tượng tham nhũng có cơ hội tẩu tán tài sản", ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sơn, chánh thanh tra TP Đà Nẵng cho biết số tiền, tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là rất lớn nhưng việc thu hồi tài sản này còn gặp nhiều khó khăn.
Tỉ lệ tài sản thu hồi được còn nhỏ so với tổng số thiệt hại, nguyên nhân là do thiếu qui định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục thu hồi tài sản tham nhũng còn vướng mắc.
Ông Sơn nêu điển hình là vụ tham ô xảy ra tại Công ty cổ phần Procimex gây thiệt hại hơn 25 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm tuyên tịch thu toàn bộ tài sản tham nhũng (đã kê biên 2 bất động sản giá hơn 20 tỉ đồng - PV).
Tuy nhiên, đến khi xử phúc thẩm tòa lại tuyên hủy bỏ phần dân sự, tài sản kê biên trong vụ án không thu hồi được.
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng trong 10 năm mà con số vụ việc tham nhũng phát hiện như vậy là quá ít so với thông tin từ dư luận xã hội và báo chí. Đó là con số cần phải suy nghĩ về năng lực, bộ máy phòng chống tham nhũng.
Đằng sau chiêu khuyến mãi, giảm giá dữ dội
Đằng sau những con số giảm giá đó còn là “ý đồ khác” của nhà bán lẻ, nhà sản xuất mà người tiêu dùng không dễ nhận biết. “Bắt giò” khuyến mãi cuối năm ra sao?
Mặt hàng quần áo giảm giá mạnh trong dịp cuối năm. Trong ảnh: người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.op Mart chiều 9-1 - Ảnh: Duyên Phan
Càng đến gần mùa kinh doanh Tết âm lịch, cuộc chạy đua tìm mọi cách để đạt được doanh số diễn ra ở khắp nơi, không chỉ tại các siêu thị mà cả những cửa hàng bán lẻ, với chi chít những khuyến mãi, giảm giá sâu để lôi kéo khách hàng.
Cứ hôm nay nhãn hàng này giảm thì ngày sau một thương hiệu khác cùng mặt hàng cũng tung ra chương trình khuyến mãi, có mức hấp dẫn hơn hẳn. Thế nhưng, đằng sau những con số giảm giá đó còn là “ý đồ khác” của nhà bán lẻ, nhà sản xuất mà người tiêu dùng không dễ nhận biết.
Chạy đua “kết” doanh số
Đang phân vân trước kệ dầu ăn gắn chi chít giá khuyến mãi tại một siêu thị, chị Mai Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nhân viên tiếp thị ở đây nhanh nhảu tư vấn: “Chị mua dầu D loại 5 lít đi, giảm còn 119.000 đồng/chai, mua hai chai được tặng thêm chai 1 lít, hãng dầu C lại giảm mạnh dòng 2 lít và tặng bột nêm... Sắp tới một số hãng cũng đồng loạt khuyến mãi loại chai 1 lít đó chị...”.
Theo chị Mai Anh, đi siêu thị trong những ngày này rất mệt vì khuyến mãi quá nhiều, các mặt hàng luân phiên giảm giá làm bà nội trợ như chị phải tính toán, so đo để mua sao có lợi nhất.
Từ đầu tháng 12 đến nay, giữa các nhà sản xuất, đặc biệt ngành hàng tiêu dùng nhanh, đang có một cuộc chạy đua chương trình hòng đẩy hàng ra đến mức tối đa.
Tỉ lệ khuyến mãi tại một số hệ thống bán lẻ đã vượt mức 20% ở rất nhiều nhóm hàng, bỏ xa tỉ lệ khuyến mãi của các nhà sản xuất chi ra cho hoạt động khuyến mãi năm ngoái. Với mục tiêu kích thích tiêu dùng, cả siêu thị và nhà sản xuất đều ra sức chi để chạy doanh số, đạt chỉ tiêu.
Thậm chí, ngoài việc giảm giá trực tiếp để kịp tiến độ “đẩy hàng”, nhiều nhóm hàng còn tặng thêm quà hoặc sản phẩm hay phiếu tham gia chương trình giá đặc biệt của nhà bán lẻ. Trong chương trình giá đặc biệt, có lúc chai dầu ăn chỉ còn 9.000 đồng/lít, sữa đặc chỉ còn 4.000 đồng/hộp... rất hấp dẫn bà nội trợ.
Khảo sát nhóm hàng hóa mỹ phẩm tại hàng loạt hệ thống bán lẻ có thể thấy mức giảm giá bình quân từ 15-30%, chưa kể còn tặng kèm thêm các loại sản phẩm khác.
Cụ thể, mặt hàng dầu gội P loại 670gr tại Lotte Mart (Q.7) giảm từ 108.000 đồng xuống còn 87.000 đồng/chai, nhưng tại Emart (Q.Gò Vấp) giảm chỉ còn 82.000 đồng/chai. Nhóm nước tẩy rửa, bột giặt ở các siêu thị cũng lao vào cuộc đua khuyến mãi. Tại Co.op Mart và Big C, bột giặt T loại 5,5kg giảm từ gần 200.000 đồng xuống còn 170.000 đồng/chai.
Tương tự, mặt hàng nước rửa chén S có giá bình quân tại các siêu thị khoảng 100.000 đồng/chai 3,8kg, đã giảm giá xuống ở mức 85.000-88.000 đồng/chai tùy từng siêu thị.
“Nhà mình vẫn còn bột giặt nhưng giảm tới 36.000 đồng nên cũng mua về, có lợi hơn chứ” - chị Kim Anh (đường Bắc Hải, Q.Tân Bình), chọn mua loại bột giặt 3,8kg, cho biết. Nhiều người tiêu dùng cho rằng mức giảm giá cao, tặng kèm thêm các loại sản phẩm sẽ khiến họ có xu hướng mua tích trữ nhiều hơn, nhất là nhóm hàng hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa...
Các loại thực phẩm tươi sống cũng liên tục ở trong cảnh khuyến mãi “bốn mùa”, thịt heo tại phần lớn các siêu thị thường xuyên đặt mức giảm 8-10% cho tùy từng mặt hàng.
Nhóm thực phẩm khô, mì gói, dầu ăn, đường là những mặt hàng xuất hiện dày đặc trên các đảo khuyến mãi tại siêu thị với mức giảm bình quân 16-20% tùy vào từng nhóm hàng khác nhau. Đối với nhóm hàng may mặc, tỉ lệ giảm giá còn dữ dội hơn nữa.
Khảo sát cho thấy tỉ lệ giảm giá thường xuyên ở mức 20-40%. Ghi nhận tại thời điểm này, quần áo trẻ em, đồ lót nam tại một số siêu thị có mức giảm giá 30.000-60.000 đồng/sản phẩm, thậm chí có mặt hàng giảm giá gần 50% so với giá ban đầu.
Che lấp các đợt tăng giá?
Đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart VN cho biết so với các chương trình khuyến mãi trong năm, số lượng hàng khuyến mãi cuối năm có tăng lên.
Chẳng hạn tại hệ thống này hiện có khoảng 400 sản phẩm ưu đãi giảm giá nhưng tuần tới sẽ tăng lên 800 sản phẩm và còn có thêm 300 sản phẩm gia nhập “nhóm hàng khuyến mãi” vào các ngày cuối tuần hoặc cận tết.
“Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng hàng khuyến mãi được nhà bán lẻ cam kết rõ ràng, như hàng rau củ quả, thịt tươi sống phải là hàng qua kiểm dịch, hàng đóng gói còn hạn sử dụng và hàng thời trang phải phù hợp với chủ đề tết” - vị này nói thêm.
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết bên cạnh những chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục mạnh thì cơ cấu, chất lượng, mẫu mã đều có sự đầu tư lớn giúp hàng hóa hết sức phong phú.
“Các chương trình khuyến mãi cuối năm đều được nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, những mặt hàng nào sẽ nằm danh mục ưu tiên mua sắm trước, mặt hàng nào gần tết mới cần, theo nhu cầu chi tiêu của khách hàng” - ông Hoàng Anh nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, không phải đến cuối năm các doanh nghiệp mới đẩy mạnh khuyến mãi, mà từ khoảng tháng 5 và tháng 6 các doanh nghiệp đã bắt đầu chi mạnh cho khuyến mãi vì nhận ra tình hình kinh doanh kém cỏi, dù hầu hết chỉ tiêu doanh số đều thấp hơn năm 2014. Số lượng khuyến mãi so với giữa năm 2014 và 2015 không có sự chênh lệch nhưng tỉ lệ khuyến mãi lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, nhóm hàng hóa mỹ phẩm, tỉ lệ giảm giá bình quân năm trước dao động 10-15%, năm nay đã tăng lên 19-22%. Ở nhóm hàng chất tẩy rửa, đồ vệ sinh, con số này tăng từ 14% của năm ngoái lên 25% trong năm nay.
Ngoài chuyện khuyến mãi bằng mọi giá để đạt được doanh số, với mức giảm giá cao cũng hấp dẫn người tiêu dùng hơn trong bối cảnh chi tiêu hạn hẹp.
Giám đốc bán hàng của một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thừa nhận ngoài việc chạy doanh số, các chương trình khuyến mãi cuối năm còn nhằm “che đậy” những đợt điều chỉnh giá. Nhiều mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chế biến... thường tăng giá dịp này với đủ lý do như thay mẫu mã, giá đầu vào tăng.
“Nhà bán lẻ tận dụng nguồn hàng nhập theo giá cũ trước đó để làm chương trình giảm giá. Các khuyến mãi nhóm hàng này sẽ được thực hiện theo cách niêm yết giá mới, khuyến mãi bán giá cũ, mức chênh lệch giữa giá cũ và giá mới chính là mức khuyến mãi được áp dụng” - ông này phân tích.