Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 315 triệu USD
Lãnh đạo Kon Tum công bố số điện thoại, email
Cho thi công lại thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo
Quốc hội thảo luận nhiều dự án luật quan trọng
Khởi công hơn 1.000 căn hộ cho người thu nhập thấp
Tin trong nước đọc nhanh trưa 26-10-2015
- Cập nhật : 26/10/2015
Đài Loan xây xong hải đăng phi pháp ở đảo Ba Bình
Theo Thông tấn xã Đài Loan, Cục cảng biển và hàng hải Đài Loan cho biết họ vừa hoàn thành xây dựng hải đăng và dự kiến sẽ đưa nó vào sử dụng trước cuối năm nay, cùng các công trình khác như cầu tàu mới.
Phó Cục trưởng Cục cảng biển và hàng hải Đài Loan Lý Vận Vạn ngang nhiên nói rằng ngọn hải đăng này giúp Đài Loan khẳng định chủ quyền tại đảo Ba Bình và đảm bảo an toàn cho tàu cá và tàu buôn qua lại tại Trường Sa.
Ông Lý cho biết, ngọn hải đăng tại đảo Ba Bình có chiều cao 12,7 m, có đường kính phần đáy khoảng 4 m, có thể soi sáng tới 10 hải lý.
Đài Loan trước đó hoàn thành việc nâng cấp phi pháp một đường băng tại đảo Ba Bình và đang triển khai xây dựng cầu cảng trị giá 100 triệu USD, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ba Bình nằm cách đảo Đài Loan khoảng 1.600 km, có diện tích gần 0,5 km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép hòn đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây.
Việt Nam nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Đài Loan ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. (Vnexpress)
Sẽ chuyển trung tâm hành chính Hải Phòng sang phía bắc sông Cấm
Sáng 24-10, Đại hội Đảng bộ Hải Phòng lần thứ XV đã công bố kết quả bầu cử thường vụ Thành ủy khóa mới và tiến hành phiên bế mạc.
Theo đó, hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã bầu ông Lê Văn Thành (phó bí thư, chủ tịch UBND TP đương nhiệm) giữ chức bí thư Thành ủy.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - phó bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng - tái trúng cử chức phó bí thư thường trực Thành ủy.
Đại hội cũng công bố kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XV với 56 thành viên và Ban thường vụ Thành ủy với 11 thành viên.
Đáng chú ý, trong số 9 người không trúng cử ban chấp hành có ông Bùi Trọng Tuấn - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng khóa XIV.
Hiện tại ông Lê Văn Thành giữ chức bí thư kiêm chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Sau đại hội sẽ bầu chức danh chủ tịch UBND TP cũng như phó bí thư Thành ủy, thời điểm nào hiện vẫn đang tính toán nhưng sẽ tiến hành sớm để kiện toàn bộ máy lãnh đạo.
Ngay sau phiên bế mạc đại hội, thường trực Thành ủy Hải Phòng nhiệm kỳ mới đã tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả đại hội.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thành cho biết một trong những việc làm đầu tiên của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ này là có nhiều hướng đi mới để tạo ra những bứt phá trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư.
Hải Phòng sẽ đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ông Thành cho biết thêm một trong những nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ mới là Hải Phòng sẽ thực hiện chủ trương di chuyển trung tâm hành chính, chính trị.
Chủ trương này đã được Bộ Chính trị xem xét, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, trung tâm hành chính - chính trị của Hải Phòng sẽ được di chuyển sang phía bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên - PV).
Sở Giao thông Hà Nội: ‘Giảm tần suất xe buýt chỉ là giải pháp tình thế’
Trao đổi với báo giới về điều chỉnh tần suất xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm tại một số tuyến Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến và Xuân Thủy – Cầu Giấy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Huy Quang nhấn mạnh: “Đây chỉ là giải pháp tình thế, mang tính thời điểm”.Theo ông Quang, thành phố đang đầu tư cho phát triển giao thông công cộng như làm đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT, mở thêm các tuyến xe buýt... nhằm giảm ùn tắc giao thông. “Đây là những giải pháp căn cơ, về lâu dài tiến tới giảm tình trạng ùn tắc giao thông do sự gia tăng của phương tiện cá nhân”, ông Quang cho biết.
Phó giám đốc Sở Giao thông cho rằng trong bối cảnh đang thi công 2 dự án đường sắt đô thị lớn là tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội trên hai trục đường xuyên tâm là quốc lộ 6 và quốc lộ 32, lưu lượng phương tiện đông nên ùn tắc xảy ra. Thời gian qua, liên ngành chức năng thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, gồm cả những giải pháp tình thế nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc. Trong đó, có đề xuất giảm tần suất xe buýt vào giờ cao điểm trên từng đoạn cụ thể thuộc quốc lộ 6 và quốc lộ 32.
“Điều chỉnh tần suất tức là giãn tuần suất hoạt động giờ cao điểm, trước kia là 5 phút/chuyến, nay có thể điều chỉnh lên 10-15 phút/chuyến hoặc tại những đoạn đường quá hẹp, xe buýt không thể dừng đón/trả khách thì sẽ được phân luồng đi vòng theo hướng khác. Việc điều chỉnh tần suất trên không làm giảm sản lượng xe buýt năm 2015”, ông Quang nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông, 2 dự án đường sắt đô thị trên khi hoàn thiện, tháo dỡ rào chắn, tần suất xe buýt sẽ được điều tiết trở lại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều độ giao thông đô thị Hà Nội, trước đó trung tâm đã thực hiện điều chỉnh tần suất một số tuyến xe buýt qua khu vực thi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 6 (Nguyễn Trãi – Trần Phú, Hà Đông) hiện có 9 tuyến xe buýt hoạt động, Trung tâm đã điều chỉnh tần suất của 3 tuyến và điều chỉnh 2 tuyến cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi. Đã giảm 30 xe/70 xe/giờ cao điểm/ một hướng (tương đương 43% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).
Trên tuyến quốc lộ 32 (Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy) hiện có 12 tuyến hoạt động, Trung tâm đã điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi trục Xuân Thủy – Cầu Giấy, lưu thông vào tuyến đường Nguyễn Phong Sắc – Trần Thái Tông. Đã giảm 30 xe/60 xe/giờ cao điểm/một hướng (tương đương 50% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).
Hành, tỏi Lý Sơn bán đổ đống ở Hà Nội
Bị thương lái ép giá, nhiều nông dân trồng hành tím và tỏi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lâm vào tình cảnh điêu đứng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm quê nhà, anh Phạm Văn Thắm - một người dân Lý Sơn quyết tâm đưa sản phẩm vượt hơn 1.000 cây số từ đảo Lý Sơn ra Hà Nội kêu gọi mọi người mua ủng hộ. Điểm bán hành tím, tỏi ủng hộ nông dân đảo Lý Sơn tại sân chơi của khu K3 đường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), với số lượng 8 tấn (6 tấn tỏi và 2 tấn hành tím).
Anh Thắm than thở, hành tím, tỏi Lý Sơn nức tiếng trong và ngoài nước bởi hương vị thơm ngon, đậm đà chứ không cay nồng như hành, tỏi trồng ở nơi khác. Tuy nhiên, 2 loại nông sản này đang bị hành, tỏi ở một số vùng khác giả thương hiệu, cạnh tranh về giá nên sản phẩm chính hiệu giá bán thấp, không tìm được đầu ra. Sản phẩm bị thương lái ép giá, khấu hao lớn. Cứ 100kg tỏi bị thương lái trừ 5kg, 100kg hành tím bị trừ 12kg.Giá bán hành tím, tỏi tại đảo Lý Sơn hiện có giá 50.000 đồng một kg tỏi và 20.000 đồng một kg hành tím. Theo anh Thắm, với mức giá như vậy, nông dân trồng hành, tỏi không đủ chi phí sản xuất chứ chưa nói đến lãi. Sau khi vượt hơn 1.000 cây số từ đảo Lý Sơn ra Hà Nội, tỏi bán với giá 75.000 đồng một kg và hành tím có giá 45.000 đồng một kg.
“Người nông dân phải rất vất vả để làm ra những sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, giá bán thấp nên số lượng hành, tỏi tồn đọng trong dân quá lớn. Lần này, tôi thuê ô tô mang hành, tỏi ra Hà Nội với mong muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nếu thành công, tôi sẽ tiếp tục về quê thu mua và tiêu thụ cho bà con”, anh Thắm chia sẻ.Cũng mong muốn sản sẻ khó khăn với anh Thắm, nhiều sinh viên trường Đại học Lao động và Xã hội đã tình nguyện đến tham gia để kêu gọi mọi người mua hàng ủng hộ nông dân.
Tỏi Lý Sơn là loại tép nhỏ, có vị thờm đậm đà hơn so với những loại tỏi ở khu vực khác, còn hành có màu tím đậm. Hành tím trồng được quanh năm còn tỏi chỉ trồng được một vụ trong khoảng từ tháng 8 âm lịch đến tháng 1 âm lịch năm sau.
Cơ cấu vào ban thường vụ nhưng trượt ban chấp hành
Tối 24-10, ông Lê Trường Lưu, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Trả lời Tuổi Trẻ về chất lượng thành viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới, ông Lê Trường Lưu nói ban chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt chất lượng cao, đáp ứng được kỳ vọng của đại hội.
Cụ thể, tất cả 53 thành viên (có 8 nữ) được bầu vào ban chấp hành đều có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 9 tiến sĩ và 18 thạc sĩ.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Sửu, trưởng Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, được cơ cấu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy để giữ chức trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhưng do không được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới nên ban thường vụ khóa mới chỉ bầu 14 thành viên, thiếu một thành viên theo quy định.
“Đồng chí Sửu là cán bộ nữ, trẻ tuổi, trình độ tiến sĩ, người dân tộc, hội tụ được các yếu tố để cơ cấu bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy khóa mới.
Tuy nhiên, đồng chí Sửu đã không nhận được sự tín nhiệm của đại biểu, không được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới.
Chúng tôi đã xin Ban Tổ chức trung ương bầu 14 thành viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới sẽ bầu bổ sung một thành viên theo đúng quy định” - ông Lưu nói.
Trước đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa XV họp phiên thứ nhất đã bầu ông Lê Trường Lưu, bí thư đương nhiệm, tái đắc cử; ông Nguyễn Văn Cao (chủ tịch UBND tỉnh) và ông Bùi Thanh Hà (chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy) được bầu giữ chức phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.