tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 02-01-2016

  • Cập nhật : 02/01/2016

Bắt 12 nghi can trong đường dây buôn bán chip gian lậu xăng dầu

Các nghi can đã sản xuất, cấu kết bán chip điện tử giúp hai cây xăng ở Hà Nội gian lận xăng dầu của khách với số tiền lên đến nhiều tỉ đồng.

luc luong chuc nang kiem tra cay xang gian lan - anh: duc kien

Lực lượng chức năng kiểm tra cây xăng gian lận - Ảnh: Đức Kiên

Chiều 1-1, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, công an TP.Hà Nội) cho biết đơn vị này đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp 12 nghi can trong đường dây buôn bán chip gian lận xăng dầu ở 2 cây xăng trên đường Trần Khát Chân (Q. Hai Bà Trưng) và cây xăng ở thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, cùng ở Hà Nội).

Ngày 31-12, cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 4 nghi can gồm: Lê Đức Phong (39 tuổi, ở Q. Long Biên) và Ngô Đức Toàn (36 tuổi, ở Q.Bắc Từ Liêm) về hành vi sản xuất và bán chip điện tử. Hồ Trọng Tuấn (42 tuổi, ở Q.Nam Từ Liêm, trưởng phòng thị trường của Công ty Cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội) và Nguyễn Bá Tùng (36 tuổi, ở Q. Tây Hồ) là nhân viên của cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân.

Theo tài liệu điều tra, năm 2014, Phong và Toàn đã sản xuất và bán 3 chip điện tử cho cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân với giá 25 triệu đồng/ bộ.

Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, số tiền thu về từ việc gian lận xăng dầu của khách tại cửa hàng xăng dầu Trần Khát Chân lên đến nhiều tỉ đồng.

Ngày 20-10-2015, Trình (cửa hàng trưởng cây xăng ở thị trấn Yên Viên) đã thuê một người tên Tuấn Anh đến gắn chip để lấy bớt xăng dầu của khách. Cho đến khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, cửa hàng này đã gian lận 4.500 lít dầu và 3.000 lít xăng.

Trước đó, cơ quan CSĐT cũng đã bắt 8 nhân viên, lãnh đạo của 2 cây xăng nói trên gồm: Lương Thị Vân (47 tuổi); Hoàng Nghĩa Quân (33 tuổi); Đỗ Thị Lương Hà (46 tuổi, cùng ở Q.Hai Bà Trưng); Nguyễn Thị Minh Phương (53 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm); Trần Thị Minh Thu (44 tuổi, Q.Ba Đình); Nguyễn Thị Hồng Hạnh (50 tuổi, ở Q.Hoàng Mai); Trương Quốc Cường (34 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm); Trần Thanh Trình (36 tuổi, ở Bắc Từ Liêm).

Hiện cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội đang củng cố hồ sơ làm rõ hành vi gian lận của các nghi can.


Lãnh đạo Đà Nẵng lên tiếng về hoạt động mua bán đất liên quan người Trung Quốc

Liên quan đến vệt đất biệt thự phân lô nằm cạnh sân bay Nước Mặn (dọc tuyến đường Trường Sa, Q. Ngũ Hành Sơn), sáng 31-12, chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết sắp tới đây TP sẽ xem xét lại một số quy hoạch đã công bố trước đó, trong đó có quy hoạch khu vực quanh sân bay  Nước Mặn.

“Trước đây khu vực này quy hoạch là khu biệt thự và cho phép ghép thửa các lô đất để xây nhà cao tầng. Nhưng bây giờ TP thấy không hợp lý nên đang cân nhắc xem xét lại trên tinh thần không cho ghép thửa để làm nhà cao tầng nữa mà chỉ cho làm nhà biệt thự từ 3 tầng trở xuống.

Nếu cao quá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay trực thăng đang làm dịch vụ du lịch do Tổng công ty bay trực thăng Việt Nam khai thác tại đây”, ông Thơ nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc thời gian gần đây Đà Nẵng rộ lên nhiều thông tin liên quan đến Trung Quốc, vậy liệu những thông tin ấy có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP không?

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng đến thời điểm này, mọi hoạt động đầu tư của người nước ngoài tại Đà Nẵng, trong đó có người Trung Quốc vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, đúng pháp luật của chính quyền TP.

Thời gian qua người Trung Quốc đến Đà Nẵng du lịch, làm ăn rất đông đã kéo theo nhiều dịch vụ hỗ trợ, nguồn thu của TP cũng nhờ đó mà tăng lên. Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy chưa có hoạt động nào, kể cả việc mua bán đất đai tại các khu vực được cho là “nhạy cảm” vi phạm pháp luật.

Tuy vậy theo ông Thơ, việc nhiều người Trung Quốc đến Đà Nẵng thời gian qua cũng khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ít nhiều bị xáo trộn, trong đó có vụ người Trung Quốc sử dụng vũ khí “nóng” đến thanh toán người Trung Quốc do mâu thuẫn trong làm ăn.

Việc 64 người Trung Quốc đến Đà Nẵng bằng đường du lịch nhưng sau đó ở lại lao động “chui” và toàn bộ 64 lao động này đã bị trục xuất sau khi bị phát hiện.

Cũng theo ông Thơ, quan điểm của TP là tôn trọng, giúp đỡ toàn bộ người nước ngoài đến Đà Nẵng đầu tư, làm ăn. Tuy nhiên nếu họ vi phạp pháp luật thì sẽ bị xử lý đúng theo luật của nước sở tại.


TPHCM: Năm 2016 di dời hơn 2.000 hộ dân sống ven kênh rạch

Trong năm 2016, TP.HCM sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tháo gỡ những thủ tục chưa hợp lý để thị trường BĐS phát triển.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2015, lãnh đạo thành phố cho biết từ năm 2016 sẽ thực hiện việc nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội một số dự án như Khu đô thị C30 (40 ha) tại quận Tân Bình dự kiến khởi công quý 2/2016.

Một số khu đô thị mới cũng sẽ được tiếp tục tập trung xây dựng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (700 ha). Hiện nay khu đô thị mới Thủ Thiêm đã khởi công 4 tuyến đường chính và một số dự án. Trong đó có khu đô thị Sala quy mô 106 ha đạt 20% tiến độ; Khu đô thị Tân Cảng Sài Gòn quy mô hơn khoảng 42 ha đang thi công đạt 16% tiến độ và dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành; Khu đô thị Cảng Ba Son đang làm thủ tục và dự kiến năm 2017 khởi công.

Ngoài ra, hiện trạng phát triển bất động sản của TP.HCM đang lan tỏa theo hướng Đông và Nam của TP.HCM. Để tránh sự phát triển quá tập trung vào khu trung tâm, định hướng phát triển đô thị TP.HCM là xây dựng các dự án khu đô thị và khu dân cư mới phát triển ở các khu vực vùng ven; di dời các khu vực sản xuất gây ô nhiễm ra xa trung tâm thành phố.

Tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 2.000 ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến nay, trên địa bàn đã có khoảng 2.650 dự án đã được giao đất, trong đó diện tích dành cho dự án nhà ở là 38%, dự án sản xuất kinh doanh là 39%, dự án công trình công cộng là 23%.

Song song với đó, trong năm 2016 TP.HCM sẽ di dời hơn 2.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch nhằm chỉnh trang, nâng cấp bộ mặt đô thị cho TP.HCM.


22 người chết vì tai nạn ngày đầu năm 2016

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong ngày 1.1.2016 đã có 38 vụ tai nạn giao thông, làm 22 người chết và 25 người bị thương.
Cảnh sát giao thông đường bộ các địa phương đã kiểm tra, xử lý 9.056 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc 5,5 tỉ đồng, tạm giữ 85 xe ô tô, 1.006 xe mô tô; tước 338 giấy phép lái xe.
Riêng trên các tuyến cao tốc đã có tới 119 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 25 xe khách, 48 xe tải, 27 xe con, 4 container, 15 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 8 trường hợp.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2016 kéo dài 3 ngày nên nhiều người tranh thủ về quê và đi du lịch. Bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 31.12, do lượng người đổ về quá đông nên tại một số bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Lương Yên đã xảy ra ùn tắc. Tại một số điểm như đường Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội, cửa ngõ phía Đông đã xảy ra ra ùn tắc kéo dài hơn 2 km, mặc dù lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để điều tiết, tuy nhiên do mật độ phương tiện quá đông nên sau gần 2 giờ, tình trạng ùn tắc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Sáng nay 1.1, hàng vạn người tiếp tục rời Thủ đô về quê, các bến xe trên địa bàn Hà Nội chật “nêm” người. Ngoài ra, một số tuyến đường như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến có thời điểm rơi vào tình trạng ùn ứ kéo dài, dòng phương tiện di chuyển rất khó khăn.
Tại TP.HCM, từ đầu giờ chiều 31.12, lượng phương tiện bắt đầu tăng dần, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, tình trạng ùn ứ đã xảy ra trên nhiều tuyến đường. Đến 18 giờ, các ngả đường vào bến xe miền Đông và miền Tây bị ùn tắc nghiêm trọng. Hàng nghìn người bị mắc kẹt, nhích từng mét trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đoạn đường dài khoảng 1 km nhưng phải mất 30 phút mới thoát ra được.

Xây dựng thêm 2 sân bay tại Lai Châu và Lào Cai

Hôm qua, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc, có sự tham dự của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ triển khai 2 dự án xây dựng, nâng cấp, sửa chữa sân bay Điện Biên và Nà Sản, đồng thời thực hiện 2 dự án xây dựng sân bay Lai Châu và Lào Cai theo hình thức PPP, cổ phần với tổng mức đầu tư dự kiến 5.826 tỉ đồng. Do vùng Tây Bắc chưa thu hút được vốn xã hội hóa vì khó thu hồi vốn, ông Đinh La Thăng cho rằng cần xây dựng quỹ đầu tư cho hạ tầng giao thông, bán quyền khai thác các đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, dùng vốn đó quay trở lại để tái đầu tư…
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ quyết tâm thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh để giảm khó khăn cho vùng nông thôn Tây Bắc. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương ở Tây Bắc cần chủ động thành lập danh mục các công trình giao thông để làm việc với các bộ ngành, gắn với kế hoạch trung hạn để có thứ tự ưu tiên trong đầu tư. Phải có chọn lựa đầu tư, theo các hình thức xã hội hóa BOT, PPP, cho thuê, chuyển nhượng các dự án có thời hạn…

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục