Biên phòng Quảng Trị: 'Tàu sắt Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi'
Ngăn chặn hành vi vô nhân đạo của tàu Trung Quốc
Không buộc phải thay ngay CMND bằng căn cước công dân
Chưa nghe doanh nghiệp KCX than khó khăn do điều chỉnh lương
Người dân chấm điểm cán bộ qua điện thoại
Tin trong nước đọc nhanh 04-01-2016
- Cập nhật : 04/01/2016
Đề nghị Trung Quốc làm rõ vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam
Sau khi nắm thông tin từ phía ngư dân về vụ tàu cá bị đâm chìm, kiểm ngư VN thông qua đường dây nóng đã có công văn gửi sang phía Trung Quốc đề nghị làm rõ.
Con tàu bị nạn tàn tạ sau khi bị đâm. Nơi ngủ của ngư dân chỉ còn lại miếng ván ghép - Ảnh: Đoàn Cường
Tàu cá QNg 98459 của ông Huỳnh Văn Thạch (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng 10 ngư dân đã được tàu cá đồng hương QNg 94429 của ông Huỳnh Bi lai dắt về tới đồn biên phòng Mân Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) vào tối 2-1 với những vết thương trên tàu.
Theo ông Thạch, trưa 1-1, khi tàu cá này đang trên đường di chuyển từ Đà Nẵng ra vị trí cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 70 hải lý thì bị một tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm.
Dù đã lên đến đất liền, ông Thạch vẫn chưa hết hoảng sợ, ông cho biết: “Khi các thành viên trên tàu đang ngủ, bất ngờ nghe tiếng ầm ầm. Tôi cầm lái trên cabin ngó sang hông thì thấy một tàu sắt to sừng sững, thân tàu màu xanh, cabin màu xám, trên tàu có ghi chữ Trung Quốc đâm thẳng vào giữa tàu cá.
Sau cú đâm thứ nhất, 7 anh em bị hất tung xuống biển. Thấy vậy tôi la lên, kêu cứu, nhưng có 2 người nói tiếng Trung Quốc với nhau gì đó rồi họ đánh lái ra và tông tiếp cú thứ 2. Sau đó, dù chúng tôi kêu cứu nhưng họ vẫn bỏ đi”.
Hai cú đâm liên tiếp đã khiến phần giữa con tàu QNg 98459 bị bể nát. Cabin sụp tan tành. Nước biển ngập nhanh. Toàn bộ tư trang, máy móc của tàu đều chìm xuống biển.
Cũng may lúc đó, thuyền trưởng Thạch còn một bộ đàm nhỏ kịp gọi “cứu, cứu” vào bộ đàm của tàu cá đồng hương là ông Huỳnh Bi.
Khi nghe tàu ông Thạch kêu cứu, tàu của ông Bi cách đó chừng 5 hải lý đã tăng tốc đến hiện trường thì thấy tàu QNg 98459 đang chìm, chỉ còn cách mặt nước gần 1m. 7 trong số 10 ngư dân đang chới với trên biển.
Cùng lúc đó, tàu cá QNg 98739 do ông Nguyễn Bích chỉ huy cũng kịp thời có mặt để ứng cứu. Gần 30 ngư dân quần quật suốt từ trưa 1-1 cho đến đêm để bơm, tát nước trong tàu bị chìm ra. Đến rạng sáng 2-1, khi sóng biển êm, các ngư dân mới lai dắt tàu bị nạn về Đà Nẵng.
Tối 2-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Lê - phó cục trưởng Cục Kiểm ngư VN - cho biết sau khi nắm thông tin về tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm, kiểm ngư VN thông qua đường dây nóng đã có công văn gửi sang phía Trung Quốc đề nghị làm rõ.
Hiện phía Trung Quốc đang xác minh và đề nghị VN làm rõ hơn về số hiệu tàu sắt. Ông Lê cho biết đang chỉ đạo lực lượng kiểm ngư làm việc với ngư dân, nhận dạng đặc điểm tàu đã tông chìm tàu cá của ngư dân Việt.
Cũng theo ông Lê, thông tin tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm mà lực lượng kiểm ngư tiếp nhận được là từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chứ không nhận được tin từ phía ngư dân bị nạn. Chỉ sau khi ngư dân báo cáo với cơ quan chức năng thì kiểm ngư mới biết. (Tuổi Trẻ Online)
Hà Tĩnh đồng ý cho Formosa tiếp tục xây “cọc biển hiệu"
Sau thời gian bị đình chỉ, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép tiếp tục xây dựng.
Ngày 3-1, ông Hoàng Thanh Tùng, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, công trình “cọc biển hiệu dạng ngang cổng chính” do Formosa làm chủ đầu tư đã được cấp phép và tiếp tục triển khai trở lại.
Theo ông Tùng, diện tích đất xây dựng công trình này của Formosa là nằm ngoài diện tích dự án khu liên hợp gang thép. Ông Tùng khẳng định Formosa xây công trình này mang ý nghĩa là một cổng chào...
Được biết vào tháng 10-2015, Formosa Hà Tĩnh tiến hành thi công dự án "tháp biểu tượng tinh thần". Tháp này có tổng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, với chiều cao 32m, bằng bê tông cốt thép.
Sau khi kiểm tra không có giấy phép Sở Xây dựng Hà Tĩnh lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Xuân Phàm - Trưởng đại diện Formosa tại Hà Nội, cho biết việc xây dựng tòa tháp là để gắn logo của Formosa lên để cho mọi người biết.
Theo ông Phàm, tên “tháp biểu tượng tinh thần bão lũy” là cách nói của người Hoa.
Chính quyền hỗ trợ dân kiện doanh nghiệp vụ cá bè chết
Sau bốn đợt cá chết hơn 18 tỉ đồng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị 14 doanh nghiệp phải bồi thường 13,8 tỉ đồng cho ngư dân, nhưng một nửa doanh nghiệp không đồng ý.
Ông Nguyễn Đức Bình, phó chủ tịch UBND xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết chính quyền xã cùng ngành chức năng đã cung cấp các chứng cứ pháp lý cho đại diện 35 hộ dân nuôi cá bè bị chết để khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, Sở NN&PTNT cung cấp số liệu thiệt hại cụ thể của từng hộ dân, Sở Tài nguyên - môi trường cung cấp chứng cứ khoa học xác định nguyên nhân gây cá chết, tỉ lệ gây ô nhiễm của từng doanh nghiệp. UBND xã Long Sơn chứng thực việc mua bán con giống, thức ăn cho ngư dân.
Tháng 9-2015, 130 tấn cá bè của 35 hộ dân nuôi cá tại Long Sơn chết hàng loạt, nguyên nhân được xác định là do hàng chục doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải xả thải chảy vào sông Chà Và - nơi có bè cá của ngư dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, thiệt hại của ngư dân sau bốn đợt cá chết hơn 18 tỉ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị 14 doanh nghiệp phải bồi thường 13,8 tỉ đồng cho ngư dân, nhưng một nửa các doanh nghiệp không đồng ý bồi thường.
Phát hiện nửa tấn thịt bò "bẩn” được đóng dấu kiểm dịch
Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát hiện và bắt giữ xe khách giường nằm vận chuyển khoảng 500kg thịt, chân bò không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Khoảng 2g sáng 3-1, trong lúc tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 1 đoạn đi qua thị trấn Phong Điền, đội tuần tra kiểm soát số 1 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bắt giữ trên xe khách giường nằm 14 thùng xốp chứa đuôi, lưỡi, óc, chân bò nặng khoảng 800kg, có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến sáng 3-1, lực lượng Cảnh sát môi trường và Chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra cụ thể lô hàng và phát hiện có 8 thùng chân bò nặng khoảng 500kg, bên ngoài có đóng dấu kiểm dịch nhưng không có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch.
Theo Trung tá Lê Viết Thanh, phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, bên ngoài 8 thùng xốp chứa chân bò đều có dấu kiểm dịch của Trạm thú y huyện Phú Xuyên (Chi cục thú y Hà Nội), nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Do đó, theo quy định phải tiêu hủy số chân bò này hoặc kiểm dịch lại, nếu đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được phép lưu hành ra thị trường.
Trưa 3-1, Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lập biên bản tạm giữ 8 thùng chân bò này để tiến hành lấy mẫu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; làm rõ việc các thùng hàng có đóng dấu của cơ quan kiểm dịch mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính xe khách 2,5 triệu đồng về lỗi vận chuyển hàng thực phẩm không có giấy tờ hợp lệ và tước giấy phép lái xe 30 ngày.
Tài xế Trịnh Tuấn Hào (45 tuổi, trú quận 8, TP.HCM) cho biết nhận vận chuyển lô hàng thịt bò này từ TP Hà Nội vào Đà Nẵng tiêu thụ.
Cảng nước sâu Sơn Dương đón tàu siêu trọng tải
Ngày 3-1,cảng nước sâu Sơn Dương thuộc khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đón tàu Divinus, quốc tịch Anh, có tải trọng lớn nhất từng cập cảng Việt Nam từ trước tới nay.
Tàu Divinus có tải trọng 170.000 tấn, chiều dài gần 300m, rộng 45m. Tàu chở theo 164.000 tấn quặng sắt cung cấp cho dự án Formosa Hà Tĩnh.
Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, cảng nước sâu Sơn Dương là một trong những cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam, có thể đón tàu trọng tải lên tới 200.000 tấn.