5 năm có khoảng 780 nghìn căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng
Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch công viên Thủ Lệ
TPHCM duyệt dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm Sân vận động Hoa Lư
Làm thất thoát 4 tỷ đồng, Giám đốc trung tâm y tế bị cách chức
Hàng nghìn hộp bánh kẹo bị 'rút ruột'
Tin trong nước đọc nhanh tối 15-01-2016
- Cập nhật : 15/01/2016
Đề nghị tinh giản biên chế gần 3750 người
Thống kê đến thời điểm hiện tại của Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với gần 3.750 người.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2015, đã có 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với gần 3.750 người, trong đó trên 3.700 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 480 người hưởng chính sách thôi việc ngay,...
Kế hoạch của thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ các nhiệm vụ: kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao của năm 2015.
Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nướckhác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của từng Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Chính phủ sẽ hỗ trợ ngân sách thực hiện dự án cao tốc nghìn tỷ Ninh Bình - Thanh Hóa
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) - Thanh Hóa (Quốc lộ 45) và đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải căn cứ nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ, ngành trung ương và địa phương theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn để hỗ trợ thực hiện các dự án trên.
Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa có chiều dài 107,28 km, đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Điểm đầu nối từ giữa cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình với Quốc lộ 1 tại nút giao với Đường tỉnh 477 và đường cao tốc thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình); Điểm cuối tuyến đường nối với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn 1, đầu tư 4 làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư 17.740 tỷ đồng. Dự án được tách thành 2 dự án riêng biệt là Dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) - Thanh Hóa (Quốc lộ 45) và Dự án đường bộ cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Kỷ luật tập thể, cá nhân cho thuê "đất vàng" 17 Hàng Ngang trái phép
Ngày 12/01, UBND Thành phố ban hành văn bản số 135/UBND-TNMT về chỉ đạo xử lý sau thanh tra việc quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng tại 17 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, UBND Thành phố giao Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tập thể, các nhân để xảy ra các sai phạm đã được Thanh tra Thành phố kết luận; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước. Lập hồ sơ xử lý vi phạm và chấm dứt hợp đồng thuê nhà, đất với Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội tại số 17 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm; báo cáo UBND Thành phố quyết định thu hồi.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ, đề xuất xử lý giải quyết theo quy định đối với 4 trường hợp được Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội bố trí vào ở diện tích nhà chuyên dùng tại số 17 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, xác định khoản lợi nhuận thu được từ việc cho thuê lại diện tích nhà chuyên dùng tại số17 phố Hàng Ngang trái quy định pháp luật của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội, thu về ngân sách Nhà nước.
Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng; chỉ đạo, phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thu hồi diện tích nhà chuyên dùng và xử lý, giải quyết các tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng tại 17 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm.
Sau khi Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) đã nộp khoản lợi nhuận thu được từ việc cho thuê lại diện tích nhà chuyên dùng tại số 17 phố Hàng Ngang vào ngân sách Nhà nước, Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan đề xuất, báo cáo UBND Thành phố xem xét đề nghị của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội về việc được trực tiếp thuê cơ sở nhà chuyên dùng tại 17 phố Hàng Ngang để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giao Thanh tra Thành phố đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND Thành phố.
Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được rót thêm gần 70 triệu Euro
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Thỏa ước tín dụng bổ sung 69 triệu Euro cho Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội” vay vốn Cơ quan phát triển Pháp (AFD).
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Thỏa ước trên với đại diện có thẩm quyền của AFD. Bộ Ngoại giao hoàn tất thủ tục ủy quyền cho việc ký Thỏa ước theo quy định hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện thủ tục cấp Ý kiến Pháp lý cho Thỏa ước trên, bảo đảm Dự án sớm được triển khai. Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cho UBND thành phố Hà Nội vay lại.
Được biết, hồi cuối tháng 12/2014 Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung 393 triệu Euro (trong đó vốn ODA cần bổ sung là 304,99 triệu euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu euro) cho Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km trong đó 8,5km đi trên cao (từ Nhổn đến Thủ Lệ) và 4km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội). Tuyến đường sắt đi qua các quận Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm trong đó điểm đầu khởi hành là Nhổn, điểm cuối là đường Trần Hưng Đạo (Ga Hà Nội).
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu là 783 triệu Euro. Hiện dự án mới đang trong giai đoạn khởi công những hạng mục đầu tiên cùng với việc giải phóng mặt bằng các ga ngầm, nhưng thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.
Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà chỉ còn khoảng 20%
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 11/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỉ đồng, tức lá hơn 80% gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, số tiền các ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng từ gói này mới đạt 15.465 tỉ đồng, chiếm khoảng 52% số vốn cam kết.
Đối với cá nhân, các ngân hàng đã giải ngân cho 35.554 hộ với số tiền 10.072 tỉ đồng, còn đối với tổ chức, doanh nghiệp đã giải ngân cho 53 dự án với dư nợ là 3.837 tỉ đồng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 2645/QĐ-NHNN, quy định lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2016 với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN (quy định cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ) là 5%/năm.