Trong một trận chiến với Trung Quốc để có ảnh hưởng và cơ hội ở Đông Nam Á, Nhật Bản đang tiến vào một mặt trận mới là giáo dục.
Đồng Chủ tịch PECC: Việt Nam thực hiện Mục tiêu Bogor rất ấn tượng và phi thường
- Cập nhật : 17/05/2017
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Donald W. Campbell, đồng Chủ tịch Quốc tế Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), xung quanh việc thực hiện Mục tiêu Bogor và tương lai của APEC sau năm 2020.
Năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời đặt hạn chót để hoàn tất việc thực hiện các mục tiêu này vào năm 2020. Tuy nhiên, gần đây, đã bắt đầu xuất hiện một số ý kiến cho rằng APEC khó có thể hoàn thành mục tiêu đó theo đúng thời hạn đã đề ra.
Bên lề “Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai” diễn ra tại Hà Nội ngày 16/5, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Donald W. Campbell, đồng Chủ tịch Quốc tế Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), xung quanh việc thực hiện Mục tiêu Bogor và tương lai của APEC sau năm 2020.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nền kinh tế thành viên, có một số ý kiến cho rằng APEC khó có thể hoàn thành mục tiêu Bogor theo đúng thời hạn đã đề ra. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
Chắc chắn, các Mục tiêu Bogor là đầy tham vọng. Tôi nghĩ rằng mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Bogor nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn thành quá trình đó.
Do đó, theo tôi, tầm nhìn của các mục tiêu này đã luôn và sẽ tiếp tục là đích đến của APEC ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor theo đúng thời hạn đề ra. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở một số nền kinh tế, chúng ta cần phải tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình.
Theo ông, APEC cần làm gì để đối phó với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và hoàn thành mục tiêu Bogor theo đúng thời hạn đã đề ra?
Đầu tiên, chúng ta cần kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Để làm được điều này, các nền kinh tế thành viên cần tìm ra giải pháp cho những nguyên nhân đang khiến khái niệm về tự do hóa thương mại trở nên kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ tiến trình tự do hóa thương mại. Điều này đòi hỏi các bên phải đưa ra được những mục tiêu bao trùm, khiến mọi người cảm thấy mình là một phần trong đó. Bởi vì, hiện nay, ở tất cả các xã hội đều đang xảy ra tình trạng một bộ phận đáng kể người dân cảm thấy họ không được hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hóa và do đó, họ phản đối điều này.
Mặc dù toàn cầu hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho mọi người nhưng những lợi ích này chưa được phân phối đồng đều trong xã hội. Các lợi ích này chưa được phân phối một cách công bằng nhưng sẽ phải như vậy.
Đó là lý do mà tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường tuyên truyền. Các nhà lãnh đạo cần phổ biến nhiều hơn nữa về những lợi ích thực sự của thương mại hơn là thu mình lại trong những vỏ bọc của các biện pháp bảo hộ.
Ông dự báo như thế nào về triển vọng của APEC sau năm 2020?
Trong 28 năm kể từ khi thành lập, APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, rất nhiều rào cản thương mại đã được gỡ bỏ.
Nếu nhìn vào các nền kinh tế như Việt Nam, mặc dù không phải tất cả là nhờ APEC nhưng việc trở thành thành viên của APEC, đi kèm những cam kết về tự do hóa thương mại đã khiến nền kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng cao.
Đây được coi là một thành công và tôi cho rằng APEC sẽ tiếp tục là một tổ chức khu vực quan trọng, đóng vai trò như “nhà vô địch” về tăng trưởng kinh tế và tự do hóa thương mại.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, APEC cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế mang tính bao trùm và người dân phải cảm thấy mình là một phần trong quá trình đó.
Cuộc họp hôm nay có sự tham gia của nhiều bên, từ các quan chức chính phủ đến khu vực tư nhân, giới học giả và truyền thông... Tất cả chúng ta cần thảo luận về những vấn đề này theo hướng tích cực để chúng ta hiểu rằng không phải chỉ có chính phủ quyết định điều gì là tốt nhất cho người dân.
Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các Mục tiêu Bogor của Việt Nam?
Tôi phải nói rằng việc thực hiện các Mục tiêu Bogor của Việt Nam là rất ấn tượng và phi thường. Điều này thể hiện ở con số tăng trưởng trên 6%/năm.
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi cảm thấy háo hức và đầy ấn tượng. Một trong những điều tôi nghĩ là rất tuyệt vời (đối với Việt Nam) là lực lượng dân số trẻ ở đây, phần lớn đều sinh ra sau năm 1975. Đây là một lợi thế rất lớn so với quê hương tôi, Canada, nơi những người trên 65 tuổi nhiều hơn những người dưới 18 tuổi. Điều này đang mang lại cho Việt Nam sự tăng trưởng năng động.
Tôi tin rằng lợi thế đó, cùng với những chính sách đúng đắn mà các bạn đang có, đạo đức nghề nghiệp và khả năng tiếp cận cao của những người trẻ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế trong vòng 10-20 năm tới.
Ông cho rằng APEC có cần đưa ra những mục tiêu mới hay không?
Tôi cho rằng là có và đây cũng là chủ đề của các buổi thảo luận đang diễn ra, tập trung vào việc xác định tầm nhìn tiếp theo của APEC.
Tầm nhìn APEC hiện là các Mục tiêu Bogor và chúng ta vẫn chưa đạt được các mục tiêu đó. Ngoài ra, chúng ta còn có Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chú trọng vào phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời cần mở rộng tầm nhìn trong tương lai.
Chính vì thế, tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục là điểm cốt lõi của động lực tăng trưởng và của tầm nhìn APEC. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần bổ sung các mục tiêu khác như tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững để đảm bảo rằng sự tăng trưởng và phát triển này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong xã hội.
Tôi dự đoán rằng mọi thứ có thể sẽ thay đổi rất mạnh mẽ trong vòng 20 năm tới, từ thương mại điện tử đến trí tuệ nhân tạo. Đó sẽ là một thế giới rất khác trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Phương Nga-Đào Tùng/TTXVN (thực hiện)