Cán bộ do Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý sẽ nằm trong diện xem xét tài sản khi có 3 yếu tố, gồm kế hoạch của cấp có thẩm quyền, xuất hiện đơn thư hoặc dấu hiệu vi phạm.
Quá nhiều đơn vị có quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
- Cập nhật : 22/05/2017
Thủ tướng đã ra chỉ thị, theo đó tinh thần sẽ chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) một lần/năm. Nhưng nhiều cơ quan vẫn kêu khó.
Một số cơ quan thực tế đã phối hợp đi thanh tra, kiểm tra thời gian qua. Trong ảnh: đoàn công tác của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT trong một lần phối hợp cùng đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh: Việt Dũng
DN đề nghị phải sửa quy định của Bộ Tài chính và nhiều quy định khác, giảm đầu mối được thanh tra, kiểm tra DN mới mong có thay đổi.
Cơ quan thuế than khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chỉ thị số 20 của Thủ tướng vừa ban hành, lãnh đạo nhiều chi cục thuế cho biết ngành thuế đã phấn đấu giảm số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng nhiều trường hợp không thể đạt con số tuyệt đối một lần/năm. Ngành thuế cũng khó phối hợp với các cơ quan liên ngành vì tính chất chuyên sâu của kiểm tra thuế.
Chi cục trưởng chi cục thuế một quận trung tâm TP.HCM cho biết sau khi có nghị quyết 35 (trong đó đã nêu về chủ trương thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm - PV), ngành thuế đã có chấn chỉnh.
Theo đó, nếu một DN đã được thanh tra, kiểm tra cuối năm 2016 sẽ không đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017.
“Nhưng theo quy định nếu DN hoàn thuế GTGT lần đầu, cơ quan thuế phải kiểm tra trước khi hoàn thuế. Như vậy có vi phạm quy định không?” - vị này đặt câu hỏi.
Theo vị này, vừa qua cơ quan thuế đã có phần mềm theo dõi thời gian thanh tra, kiểm tra. Hiện không còn chuyện cơ quan thuế vin vào cớ “số ngày kiểm tra theo thực tế” để kéo dài thời hạn thanh tra, kiểm tra ở DN.
Một lãnh đạo chi cục thuế vùng ven TP.HCM cũng cho biết vì tính chất chuyên môn, cơ quan thuế rất khó phối hợp với cơ quan khác như môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, lao động...
Đặc biệt, cơ quan thuế lên kế hoạch thanh tra từ năm trước và kế hoạch này đã được duyệt qua nhiều cấp.
“Trường hợp phối hợp cùng trong một cuộc thanh tra, kiểm tra, e rằng ban ngành nào cũng làm lớt phớt, không có chất lượng. Rồi địa phương đã thanh tra, kiểm tra nhưng đoàn từ trung ương cũng muốn thanh tra, kiểm tra lại thì sao?” - vị này đặt câu hỏi và đề nghị để quy định thanh tra, kiểm tra một lần trở thành hiện thực, Văn phòng Chính phủ nên chủ trì có hướng dẫn rất cụ thể.
Một chuyên gia ngành tài chính cũng đặt vấn đề nếu cùng lúc các cơ quan như y tế, công thương, lao động, môi trường, công an, hải quan, an toàn bức xạ... đồng thời vào kiểm tra DN, rất có thể DN sẽ phải... đóng cửa vì không thể đủ người làm việc với các đoàn, mỗi đoàn có yêu cầu rất chi tiết và nghiêm túc.
Cần sửa quy định
Nhiều chuyên gia đề nghị phải sửa các quy định để giảm cơ quan, đầu mối có quyền thanh tra, kiểm tra DN.
Luật sư Nguyễn Tri Thắng - giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hiệp hội DN TP.HCM - cho hay chính pháp luật hiện hành quy định nhiều đầu mối có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra DN dẫn đến chồng chéo, trùng lắp.
Ông Thắng dẫn chứng về môi trường, riêng Sở Tài nguyên - môi trường có khoảng năm bộ phận có chức năng cấp phép thanh tra, kiểm tra.
Chưa kể các đơn vị cũng có chức năng trên như Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Công an, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, công an quận huyện, phòng tài nguyên - môi trường quận, Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp...
Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho biết ghi nhận của hiệp hội cho thấy tình trạng thanh tra, kiểm tra từ hai lần trở lên đối với DN xảy ra thường do cấp quận huyện thực hiện.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, kiến nghị để chỉ thị của Thủ tướng đi vào thực tế, đem lại lợi ích cho các DN, cần sửa đổi thông tư 156 của Bộ Tài chính, bỏ quy định “thời gian kiểm tra là năm ngày làm việc thực tế” mà chốt là “năm ngày làm việc”.
Bởi hai từ “thực tế” đã khiến hàng loạt DN “lên bờ xuống ruộng” vì cơ quan thuế có thể rải ngày kiểm tra ra nhiều tuần.
Bên cạnh đó, ông Xoa cũng dẫn ra thực tế hiện nay là ở nhiều nơi cơ quan thuế đang làm theo quy trình ngược, tức yêu cầu DN mang hồ sơ chứng từ sổ sách tới cơ quan thuế để cơ quan thuế “xem trước”, đến khi phát hiện trường hợp “có vấn đề” mới xuống kiểm tra cho... đúng năm ngày làm việc.
Có trường hợp còn không xuống DN mà cứ thế ra hàng loạt quyết định như quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm, nộp phạt...
“Như vậy là sai, cơ quan thuế muốn kiểm tra phải ra thông báo, DN có quyền xin dời lịch đến thời điểm thuận lợi. Việc thanh tra, kiểm tra cũng phải làm liên tục, không có chuyện số ngày thanh tra, kiểm tra theo thực tế” - ông Xoa nói.
Sẽ xử nghiêm vi phạm thanh tra, kiểm tra
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM, TP đã yêu cầu các đơn vị công khai kế hoạch, lịch thanh tra, kiểm tra để các DN thuận lợi theo dõi, chủ động tuân thủ. Mục đích lớn nhất của thanh tra, kiểm tra là để DN chấn chỉnh, sửa chữa. “Chứ không phải canh, rình phạt, mà nhiều khi việc phạt có thể bị lợi dụng, biến tướng để ăn tiền DN” - ông Tuyến nói và khẳng định thủ trưởng đơn vị nào để cán bộ đi tới đi lui kiểm tra nhiều lần DN, cố tình nhũng nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm.
Trên 28.000 DN TP.HCM sẽ bị thanh tra, kiểm tra
Theo Thanh tra TP.HCM, qua thống kê kế hoạch của 17 sở, ngành (trừ một số đơn vị như Công an TP, Cảnh sát phòng cháy cháy...), năm 2017 dự kiến trên 2.300 DN sẽ được các sở ngành kiểm tra và sẽ thanh tra 877 DN. Đó là chưa kể Sở Xây dựng chưa gửi kế hoạch. Tuy nhiên, cấp quận huyện dự kiến đi thanh tra, kiểm tra nhiều gấp bội. Với 24 quận huyện đã xây dựng kế hoạch, Thanh tra TP cho biết số DN dự kiến sẽ kiểm tra lên tới 24.928.
Như vậy, tổng số DN tại TP.HCM dự kiến bị kiểm tra, thanh tra năm 2017 là 28.418.
Riêng ngành thuế, số lượng DN bị thanh tra, kiểm tra sẽ không nhỏ. Theo văn bản mà Tổng cục Thuế vừa gửi đến các cục thuế, chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra thuế đặt ra năm 2017 lên đến 18% số DN đang hoạt động, nhằm chống thất thu ngân sách.
ÁNH HỒNG - ÁI NHÂN
Theo Tuổi Trẻ