tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hà Nội được hưởng hàng loạt cơ chế đặc thù tài chính

  • Cập nhật : 26/05/2017

Trung ương ưu tiên dành nhiều nguồn lực hơn cho Hà Nội với mục tiêu giúp thành phố chủ động hơn trong phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư vào các dự án phát triển.

Nghị định 63/2017 vừa được Thủ tướng ký ban hành quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, dự toán chi ngân sách của Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và thành phố do Quốc hội quyết định và ổn định trong 5 năm. 

Mức dư nợ vay (vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại…) của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.Để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương, Luật Ngân sách nhà nước quy định mức dư nợ vay của Hà Nội không vượt quá 60% số thu được hưởng theo phân cấp. Quy định này đã gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp thành phố có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình... quan trọng.

cung voi tp hcm, ha noi duoc huong nhieu co che tai chinh dac thu de phat trien.

Cùng với TP HCM, Hà Nội được hưởng nhiều cơ chế tài chính đặc thù để phát triển.

Ngoài ra, Hà Nội được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá số tăng thu so với dự toán Thủ tướng giao, và không cao hơn số tăng thu trên địa bàn thực hiện năm trước. Quy định này nhằm đảm bảo ngân sách Trung ương có nguồn để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố.

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về mức, nguyên tắc huy động các nguồn tài chính như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); trái phiếu chính quyền địa phương; vốn huy động hợp pháp khác cho đầu tư phát triển.

Ngoài ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi ODA, Hà Nội sẽ cũng được Trung ương ưu tiên hỗ trợ vốn vay ít ưu đãi hơn. Chính quyền thành phố chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả các khoản viện trợ này, định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư để theo dõi, giám sát…

Thành phố cũng được vay vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, cũng như có trách nhiệm trả nợ gốc, lãi, các chi phí liên quan. Hà Nội cũng được vay lại vốn vay ngoài nước do đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố; được áp dụng hình thức đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP).                    

Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối, chính quyền thành phố phải báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện theo từng dự án.

Anh Minh
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục