"Nếu khu trung chuyển này được xây dựng thì tất cả hàng hóa đưa vào khu chung chuyển. Lạng Sơn cũng sẽ mời thương nhân Trung Quốc sang mua bán tại Việt Nam chứ không phải sang Trung Quốc", ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn khẳng định tại cuộc họp bàn về xây dựng khu trung chuyển hàng hóa biên giới diễn ra chiều nay 18/8.
Tin trong nước đọc nhanh tối 26-01-2016
- Cập nhật : 26/01/2016
Việt Nam phản bác quan điểm Trung Quốc trên báo Indonesia
Trong bài viết “Các diễn biến mới đáng lo ngại ở Biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post ngày 25-1, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã có những lập luận phản bác lại những luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Xu Bu về vấn đề Biển Đông.
Hai máy bay dân dụng đậu trên đường băng do Trung Quốc xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc công bố những tấm ảnh chụp máy bay từ tối 6-1-2016
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, trong bài viết nhan đề “Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post ngày 14-1, ông Xu Bu đã đưa ra nhiều lập luận ngụy biện chứng minh Bắc Kinh luôn quyết tâm giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn, luôn mong muốn gác tranh chấp để cùng phát triển.
Ông Xu Bu cho rằng các hoạt động cải tạo và bồi đắp của Trung Quốc trên các đá và rạn san hô sẽ không ảnh hưởng cũng không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác; không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; sẽ không làm tổn hại đến hệ sinh thái biển; và càng không thể gọi đó là những hành động quân sự hóa.
Bài viết cũng cho rằng Trung Quốc luôn tôn trọng và duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh bài viết của ông Xu Bu mang tính ngụy biện với nhiều lập luận xuyên tạc trong việc khẳng định chủ quyền “không thể chối cãi” được của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như hàng loạt bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là “đóng góp” cho hòa bình và ổn định khu vực.
Trong bài báo ngày 25-1 trên tờ Jakarta Post, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nêu ra các hành động gần đây của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa như việc xây dựng, bồi đắp các đảo đá và đặc biệt là việc bay thử nghiệm máy bay dân sự.
“Sau khi hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá - những nơi mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép, từ ngày 1-1-2016, Trung Quốc bắt đầu tiến hành bay thử máy bay dân sự ra đá Chữ Thập của Việt Nam. Hành động này thể hiện rõ hơn ý định bành trướng của Bắc Kinh ở một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với giao thương hàng hải ở Đông Nam Á và thế giới,” ông Tuấn viết.
Không những thế, từ ngày 1 - 8-1-2016, Trung Quốc đã tiến hành 46 chuyến bay trong vùng FIR của Việt Nam quản lý. Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Điều này không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định như Công ước Chicago 1944 về Hàng không dân dụng quốc tế và các Phụ lục liên quan đến Quy định của Hàng không, đặc biệt là phụ lục 2 và Phụ lục 11, do đó đe dọa an toàn của chuyến bay quốc tế ở khu vực này. Điều này cho thấy Trung Quốc dường như đang quay lưng lại các thỏa thuận quốc tế.”
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, rõ ràng hành động của Trung Quốc là trái với tuyên bố của nước này rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và hòa bình, ổn định ở Biển Đông vẫn được đảm bảo.
Trong bài viết, ông Tuấn cũng chỉ rõ việc xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (mà Trung Quốc và các nước ASEAN cùng ký kết vào năm 2002 - PV) là nhấn mạnh đến việc duy trì nguyên trạng và không khuyến khích hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Sau khi đưa ra các chứng cứ lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, phản bác lại các lập luận "trái với thực tế” của Đại sứ Xu Bu, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra ba đề xuất để Trung Quốc biến các lời nói duy trì và ổn định của mình ở Biển Đông thành hiện thực, bao gồm:
1. Trung Quốc cần phải dừng tất cả các công trình xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cần phải chấm dứt hành vi làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa Biển Đông.
2. Trung Quốc phải cam kết duy trì nguyên trạng và nhanh chóng chấm dứt việc xây dựng sân bay tại đá Chữ Thập (Fiery Cross) của Việt Nam vì điều này đe dọa chủ quyền của Việt Nam, hòa bình, ổn định trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
3. Trung Quốc cần phải thực hiện đầy đủ DOC, có thiện chí đạt được một thỏa thuận COC với ASEAN và cam kết giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Đại sứ Tuấn cho rằng đây là những bước đầu tiên và quan trọng để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Nam Á, và điều này tất nhiên sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho Trung Quốc.
Và cũng chỉ khi thực hiện nghiêm túc những điều này thì những tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông sẽ bớt “vênh” hơn với những diễn biến thực tế trên Biển Đông.(TT)
Hơn 11.000 tỉ đồng sửa chữa, mở rộng Quốc lộ 1
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận đầu tư nâng cấp mở rộng và sửa chữa, tăng cường mặt đường tại các vị trí bị hư hỏng trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.007 tỉ đồng.
Tổng chiều dài tuyến đầu tư nâng cấp mở rộng và sửa chữa, tăng cường mặt đường là 500,6 km; trong đó nâng cấp mở rộng là 188,1 km và sửa chữa, tăng cường mặt đường là 312,5 km.
Nguyên nhân do đoạn đường này có lưu lượng xe lớn, qua thời gian dài khai thác các đoạn tuyến trên hiện đã xuống cấp, mặt đường bị rạn nứt mai rùa, lún võng... có nguy cơ mất an toàn giao thông và làm giảm năng lực thông hành của tuyến đường. Trong khi việc sửa chữa, tăng cường mặt đường các đoạn tuyến trên đảm bảo đáp ứng đồng bộ điều kiện khai thác trên tuyến vượt quá khả năng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Nguồn vốn để đầu tư cho dự án này được lấy từ nguồn vốn dư các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Phó thanh tra kiện giám đốc sở
Một “cựu” phó chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã khởi kiện giám đốc sở này ra tòa, yêu cầu hủy bỏ quyết định buộc thôi việc đối với ông.
Với lý do không đề xuất xử phạt gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Nghĩa - phó chánh thanh tra sở.
Sau các lần khiếu nại bị Sở LĐ-TB&XH bác yêu cầu, ông Nghĩa đã khởi kiện giám đốc sở ra TAND TP.HCM. Vụ án hành chính đã được tòa thụ lý giải quyết.
“Không phải mình tôi sai”
Theo đơn kiện, ông Nghĩa yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định về kỷ luật buộc thôi việc đối với ông. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc khẳng định ông Nghĩa đã thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm hành chínhcông tác thanh tra, cố ý không xử phạt nhiều trường hợp, tự ý phê duyệt không xử phạt vượt thẩm quyền...
Các hành vi vi phạm trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thu hơn 4 tỉ đồng.
Năm 2014 ông Nghĩa được phân công phụ trách bộ phận thanh tra chính sách lao động. Sở kiểm tra ngẫu nhiên 37 trong tổng số 573 hồ sơ không xử phạt từ năm 2014 đến tháng 5-2015 do ông Nghĩa phụ trách, thấy 35 hồ sơ vi phạm pháp luật lao động nhưng không xử phạt.
Ông Nghĩa khẳng định ông không hiểu và cũng không được sở cho biết cách tính như thế nào để quy kết ông làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng. Ông Nghĩa phân tích: thanh tra sở chia làm sáu bộ phận thanh tra việc thực hiện Bộ luật lao động.
Năm 2014, sáu bộ phận ra khoảng 117 quyết định xử phạt. Bộ phận của ông Nghĩa phụ trách xử phạt 16 trường hợp. Như vậy tất cả có 117 quyết định xử phạt/1.253 kết luận thanh tra, cộng với hơn 2.200 trường hợp phạt khác mới ra số tiền phạt hơn 4,8 tỉ đồng.
“Thế thì chỉ với bộ phận thanh tra của tôi, cơ sở đâu cho rằng tôi gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng?” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa thừa nhận nếu so với quy định pháp luật liên quan đến thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính thì ông có sai trong quy trình xử lý kết luận thanh tra, xử lý vi phạm.
“Nhưng cái sai đó không phải chỉ mình tôi, ai cũng thực hiện theo quy trình thanh tra có tính thông lệ từ năm 2007 đến nay” - ông Nghĩa nói.
Thanh tra theo thông lệ?
Ông Nghĩa cho biết những năm trước đây tình hình kinh tế trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải đình đốn sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm, đình công, lãn công nhiều.
Lúc đó (năm 2007) tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo sở là thanh tra nhằm hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật. Việc lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị doanh nghiệp khắc phục, hết sức cân nhắc trong việc xử phạt, định kỳ có kiểm tra lại.
Từ đó, những năm qua gần như 100% cán bộ thanh tra sở thực hiện theo đúng quan điểm như vậy.
Trong thực tế, nếu căng theo luật mà phạt toàn bộ lỗi vi phạm dễ dẫn đến đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động sản xuất, đời sống công nhân... Từ đặc thù khó khăn, nhạy cảm trong thanh tra xử lý vi phạm doanh nghiệp nên thanh tra sở xử lý uyển chuyển như vậy.
“Tôi đã xử lý hoàn toàn khách quan, không tiêu cực...” - ông Nghĩa nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp nói gì về “nông dân 5 nhất”?
Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó cả 11 nước đối tác TPP chỉ có 20,5 triệu nông dân...
Tham luận tại Đại hội Đảng 12, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đã “đúc kết” nhiều cái nhất của nông dân, trong đó có “được hưởng lợi từ đổi mới ít nhất”.
Ông Cường cũng nhận xét, không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là “sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp”.
Những nhận xét này, sau đó đã được báo chí nêu lại với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, bên lề Đại hội Đảng lần thứ 12.
Lao động nông nghiệp ngày càng giảm là tất yếu
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, trên thực tế, với sự quan tâm của Đảng, nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Tuy nhiên sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Sự cải thiện về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức chung bình quân của cả nước, nhất là vùng đô thị, phát triển thì khoảng cách giãn ra, cải thiện chậm hơn.
“Tôi hiểu Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam chủ yếu nói ý này”, ông Phát nói.
Vì thế, theo Bộ trưởng, cần nỗ lực to lớn hơn, để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, để cải thiện đời sống bà con nhanh hơn, để không bị tụt hậu, khoảng cách phát triển giữa các vùng không bị lớn hơn.
Thực tế, Bộ Chính trị. Trung ương Đảng, và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn, ông Phát nói.
Để cải thiện toàn diện hơn đời sống của cư dân nông thôn, Bộ trưởng nêu rõ, cần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách.
Ông nói, cách đây 30 năm Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đổi mới bắt đầu từ trong nông nghiệp. Cải cách lớn nhất thực hiện trong nông nghiệp nông dân, giao ruộng đất cho nông dân sử dụng ổn định, lâu dài.
Trước đổi mới, ruộng đất tập trung ở hợp tác xã, trong lâm trường. Nay giao cho nông dân sử dụng ổn định,lâu dài. Nông dân từ chỗ là người làm trong hợp tác xã, hưởng công điền trở thành người tự chủ trên mảnh đất, được hưởng lợi ích từ mảnh đất đó. Áp dụng cơ chế thị trường với vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra.
Liên quan đến chính sách tạm trữ lúa gạo mà theo ông Cường thì người được hưởng lợi không phải nông dân, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chính phủ đã báo cáo nhiều lần, và tôi đã giải trình nhiều lần trước Quốc hội, đây chỉ là các giải pháp hỗ trợ thị trường. Mục tiêu là để nông dân bán được lúa gạo với giá có lợi hơn”.
Ông giải thích: “Đây là can thiệp vào thị trường, khi sản lượng làm ra cao hơn khả năng tiêu thụ. Kích giá cao trở lại, không để giá xuống quá sâu thì phải tạo nhu cầu bổ sung. Chính sách này khuyến khích doanh nghiệp tăng mua vào thời điểm đó, cấp tín dụng yêu đãi cũng là để nâng đỡ cho doanh nghiệp, để họ thu mua, hỗ trợ nông dân”.
Trả lời câu hỏi về suy nghĩ cá nhân trước tình trạng nông dân ly hương ngày càng nhiều, Bộ trưởng khẳng định việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp sẽ là xu hướng tất yếu.
Ông dẫn chứng, nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân.
Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do Bộ trưởng tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân. Cho nên, nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu.
Vẫn theo ông Phát, Việt Nam đi lên công nghiệp hoá-hiện đại hoá, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai..., nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Họ có thu nhập cao hơn.
“Tại sao nông dân không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro. Đó là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Tất yếu Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn”, Bộ trưởng tâm tư.
Hỗ trợ tối đa cho nông dân
Các phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, để triển khai xây dựng nông thôn mới, người nông dân - đối tượng đáng ra cần được hỗ trợ, tiếp sức - thì lại phải góp sức, góp của cùng Nhà nước phát triển hạ tầng?
Bộ trưởng trả lời, đúng là chúng ta mong đợi điều kiện sống ở nông thôn cải thiện nhanh hơn, trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng đòi nguồn lực to lớn. Thời gian qua, thực hiện nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng cam kết cứ 5 năm, ngân sách tăng gấp đôi. 5 năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có quyết sách thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng.
Ngay cả như vậy, nguồn lực vẫn hạn chế, thấp so với yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, đáp ứng mong đợi của bà con, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất sự đóng góp của bà con để thực hiện nhanh hơn.
Trong xây dựng nông thôn mới, bà con góp đất, công sức và cả tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng mà bà con cho rằng thiết yếu nhất. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.
Bộ trưởng cũng nêu thực tế, ở đô thị, nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, gần từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho nông dân. Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.
Thưởng Tết giáo viên: Nơi hớn hở, chỗ ngậm ngùi
Trong khi các trường ở vùng ven thành phố, giáo viên ngậm ngùi với mức thưởng chưa tới 2 triệu đồng/người thì ở các trường trong nội thành và khối trường ngoài công lập, mức thưởng cả chục triệu đồng/người.
Đã nhiều năm nay, thưởng tết đối với cán bộ giáo viên trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12, TPHCM vẫn không có gì thay đổi. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thưởng tếtnăm nay đối với giáo viên là 1,2 triệu đồng/người theo quy định của Sở và 500 ngàn đồng/ người theo quy định của quận. Ngoài ra, giáo viên không còn thêm khoản nào nữa vì trường không có phần phúc lợi gì tăng thêm như các trường tư khác”.
Tương tự, trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 năm nay thưởng tết cũng không khá hơn so với năm trước là bao. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Mai, hiệu trưởng nhà trường, ngoài 1,2 triệu đồng/người theo quy định của Sở, trường thưởng thêm các khoản “A, B, C” là 600 trăm ngàn đồng/người và một phần quà trị giá 300 ngàn đồng. Tổng cộng tất cả chỉ 2 triệu đồng/giáo viên.
Ngược lại với các trường ngoại thành, với các trường nội thành, ngoài mức thưởng tết cho giáo viên theo quy định, giáo viên còn có thêm nguồn thu nhập từ nguồn kết dư còn lại từ ngân sách mỗi năm. Tùy vào tình hình và khả năng chi tiêu của mỗi trường mà thưởng tết có sự khác nhau, mức chênh lệch từ vài triệu đến chục triệu đồng/người. Bà Tô Hạ Uyên, hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp, nói ngoài các khoản thưởng tết theo quy định của Sở, các giáo viên còn có nguồn thu nhập tăng thêm thông qua việc thu chi còn lại của trường. Theo đó, mức thu nhập tăng thêm này vào khoảng trên dưới chục triệu đồng/người tùy vào thâm niên.
Trong khi đó, ở khối ngoài công lập, giáo viên hớn hở khi nhiều trường thưởng tết khá “đậm đà”. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cho biết, hàng năm, cán bộ giáo viên nhà trường luôn có tháng lương thứ 13. “Dựa vào thi đua và năng lực lao động của từng cá nhân mà mỗi giáo viên có mức thưởng khác nhau, trung bình trên dưới chục triệu đồng, trong đó, thưởng cao nhất khoảng 25 triệu đồng và mức thấp nhất cũng 5- 6 triệu đồng”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, ngoài thưởng tháng lương 13, ở trường còn chăm lo cho mỗi lao động một phần quà tết. Riêng đối với các giáo viên có quê ở xa nhà trường cũng hỗ trợ một phần chi phí tiền xe về quê đón tết. “Thưởng tết khấm khá là do tình hình hoạt động của trường năm nay khả quan nên thu nhập của cán bộ, giáo viên cũng được tăng hơn. So với năm trước, mức thưởng tết năm nay tăng từ khoảng 20-30%”, ông Hiếu chia sẻ.
Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9, TPHCM năm nay thưởng tết trung bình 3,6 triệu đồng/ người. Theo bà Ngô Thúy Vĩnh, hiệu trưởng nhà trường đối với nhân viên lao công và tạp vụ mức thưởng thấp nhất là 2 triệu đồng/ người, trong khi đó giáo viên được thưởng cao nhất 8 triệu đồng/người.