Lãi suất trả bằng tiền tính theo ngày, % lãi suất tính mập mờ… nhưng nếu tính ra lãi suất mà các tổ chức tín dụng đen đang áp dụng cho các nạn nhân hiện nay là rất lớn, vượt xa các mức lãi suất cho phép theo quy định của pháp luật. Nhiều nạn nhân của tín dụng đen đã vô tình dính bẫy lãi suất mà không hề hay biết.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 26-01-2016
- Cập nhật : 26/01/2016
Lý do xây dựng Lý Sơn thành cứ điểm quân sự trọng yếu
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết Lý Sơn là đảo tiền tiêu, tuyến đầu bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam nên xây dựng trở thành cứ điểm quân sự là rất cần thiết.
Trao đổi với Báo Người Lao Động bên lề Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII), Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết để huyện đảo Lý Sơn trở thành cứ điểm quân sự trọng yếu thì phải thu hút đầu tư, đẩy mạnh kinh tế du lịch, tạo ra một bước phát triển kinh tế mạnh ở Lý Sơn.
“Một Lý Sơn phát triển kinh tế, ngư dân và nhân dân giàu mạnh sẽ làm cơ sở để huyện đảo Lý Sơn trở thành cứ điểm quân sự trọng yếu, tuyến phòng thủ vững mạnh. Còn về vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của Lý Sơn đã quá rõ ràng. Lý Sơn là đảo tiền tiêu, tuyến đầu bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam” - ông Chữ nhấn mạnh.
Để ngư dân không còn canh cánh nỗi lo tàu bị tấn công, bị bắt giữ, đập phá, cướp bóc, thậm chí bị bắn phá, yên tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống, tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền, ông Lê Viết Chữ nói: “Ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển khác đi đánh bắt ở những vùng biển xa, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì điều quan trọng là để ngư dân đủ sức chống chọi lại được thiên tai địch hoạ và tấn công từ bên ngoài”.
Người lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi dẫn lại thực tế những năm gần đây là dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và từ tháng 5-2014 đến hết tháng 12-2015 đã có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Chữ cho rằng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng, hải quân hỗ trợ ngư dân nhưng trước hết cần ngư dân phải có đủ sức mạnh, tiềm lực để tự bảo vệ mình.
Theo ông Lê Viết Chữ, ngư dân phải mua sắm được tàu vỏ thép có công suất lớn. Đồng thời phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể, ghép 10-20 tàu vào thành tổ liên kết sản xuất để tương trợ và bảo vệ nhau. Cùng với đó là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như nơi neo đậu, nhà máy chế biến để bán được giá trị cao, dân giàu thì mới mạnh được.
Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi mong muốn được đầu tư thêm cảng biển, hệ thống giao thông trên đảo, xử lý môi trường (như trồng rừng cải tạo cảnh quan, nhà máy xử lý rác thải, nguồn nước sạch, quy tập mộ thành 2 công viên nghĩa trang trên đảo Lý Sơn…).
Đối với huyện đảo Lý Sơn, Bí thư Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Ông Chữ đề nghị đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật quân sự hiện đại cho lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để ngăn ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển; đồng thời sẵn sàng tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Phồn vinh giả tạo
Thông tin việc nhiều tỉnh, thành trong nước vừa xin gạo cứu đói vừa chi ít nhất 500-600 triệu đồng để bắn pháo hoa Tết khiến nhiều người ngỡ ngàng
Thậm chí, có người còn cho rằng không biết nên cười hay khóc bởi nghịch lý bi hài “pháo hoa - gạo cứu đói” này…
Trước phản ứng không đồng thuận của công luận, chắc chắn chính quyền các địa phương nói trên sẽ lý giải rằng cần phân biệt rạch ròi việc này ở 2 khía cạnh khác nhau là gạo cứu đói dành cho dân nghèo, còn bắn pháo hoa là để phục vụ đời sống tinh thần cho tất cả mọi người, không phân biệt nghèo hay giàu. Có lãnh đạo một thành phố từng bao biện rất khó nghe về chuyện dân còn nghèo nhưng vẫn bắn pháo hoa: “Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa. Những lúc thưởng thức pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.
Tất nhiên, “nghèo” không phải là một cái tội tới mức bị khước từ ngay cả những nhu cầu tinh thần chính đáng nhất của cuộc sống. Nhưng ở đây, phải thật tỉnh táo để phân định rằng trong điều kiện kinh tế - xã hội tốt, hay chí ít là bình thường, thì việc bắn pháo hoa mừng năm mới để thể hiện sự phát triển địa phương và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân là việc nên làm. Ngược lại, trong lúc có đến hàng trăm ngàn con người đang đối diện với cái đói, hàng chục ngàn cụ già mặc không đủ ấm buổi cuối đông giá rét, hàng chục ngàn trẻ em chưa có bộ quần áo mới để đón Xuân về… thì chuyện pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa có ý nghĩa gì với họ?! Chưa kể, bắn pháo hoa chủ yếu là tổ chức ở khu vực thành phố, họa hoằn lắm là ở trung tâm huyện, nên chỉ có quan chức và người dân ở đó được xem; còn bà con nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa làm gì có điều kiện thưởng thức.
Năm 2015, ngân sách nhà nước cực kỳ khó khăn, thu không đủ chi; nợ công tăng cao, nhiều tỉnh - thành phải nợ lương công chức, tiền bảo hiểm xã hội, kinh phí xây dựng cơ bản... Vậy nên, sau vụ lùm xùm về nhiều địa phương xin xây trụ sở hoành tráng, nay đến chuyện “chạy đua” bắn pháo hoa vào dịp Tết quả là hết chỗ nói. Có ý kiến cho rằng tại sao các tỉnh không tập trung vốn đầu tư sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập để cho người dân đỡ khổ, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì mới có nguồn thu ngân sách? Khó khăn, chật vật thì bắn pháo hoa có vui sướng gì! Dư luận cũng hồ nghi phải chăng “bắn pháo hoa” cũng là biểu hiện của căn bệnh thích chơi sang, muốn nổi trội vốn dĩ đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận lãnh đạo vốn được xem là công bộc, “đày tớ trung thành” của nhân dân?
Người dân nghèo chỉ mong tương lai của họ sẽ sáng sủa hơn mỗi khi năm cũ đi qua, năm mới lại về từ những kế sách vì dân của các nhà lãnh đạo hơn là phải đắng lòng thưởng lãm vài chục phút chớp sáng của pháo hoa đêm giao thừa. Khi hàng triệu người với cái bụng vẫn còn đói và con đường tương lai mơ hồ thì những đốm hoa pháo trên trời cao “phục vụ đời sống tinh thần” chẳng qua là sự phồn vinh giả tạo!
735 người đã chết do tai nạn giao thông từ cuối 2015 đến nay
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết từ ngày 16-12-2015 đến 15-1-2016 cả nước có 735 người chết do tai nạn giao thông.
Cũng theo thống kê này, trong tháng 1-2016 cả nước xảy ra 1.716 vụ TNGT làm chết 735 người, làm bị thương 1.550 người.
So với cùng kỳ năm 2015 giảm 455 vụ (giảm 20,96%), giảm 46 người chết ( giảm 5,89%), giảm 497 người bị thương ( giảm24,28%). Số vụ tai nạn và thương vong phần lớn xảy ra ở đường bộ.
Trong tháng 1-2016, CSGT các địa phương đăng ký mới 34.508 ôtô, 299.082 môtô. Cục CSGT đăng ký mới 160 ô tô; đăng ký sang tên 3 xe ô tô. Với số xe đăng ký mới, tổng số ô tô, xe máy do CSGT đang quản lý được nâng lên 2.697.937 ôtô và 44.427.904 môtô.
Trong tháng 1-2016 lực lượng CSGT toàn quốc cũng kiểm tra, xử lý 371.899 trường hợp vi phạm TTATGT, kho bạc Nhà nước thu 267 tỉ 622,93 triệu đồng; tạm giữ 1.902 ô tô, 47.499 mô tô và 1.099 phương tiện khác; tước giấy phép lái xe 29.487 trường hợp.
El Nino 2016 sẽ là đợt mạnh kỷ lục và kéo dài nhất
Như vậy, đây sẽ là đợt El Nino mạnh kỷ lục và kéo dài nhất trong vòng 60 năm qua (so với mức đỉnh điểm năm 1997-1998) gây tác động lớn đến khí hậu tại Việt Nam.
Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng thăm hữu nghị Hải quân Singapore
Sáng 25-1, lãnh đạo đoàn tàu Hải quân Việt Nam, phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam dẫn đầu đoàn tàu Hải quân Việt Nam đến chào xã giao đại diện lãnh đạo Hải quân Singapore.
Đại diện Hải quân Sigapore đón lãnh đạo đoàn tàu Hải quân Việt Nam tại cảng Changi - Ảnh: Trọng Thiết
Trong khuôn khổ chuyến thăm Singapore và dự lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế tại Ấn Độ, sáng 25-1 tại căn cứ Changi, thuộc Hạm đội Hải quân Singapore, lãnh đạo đoàn tàu Hải quân Việt Nam do đại tá Lê Xuân Thủy, phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, dẫn đầu đã đến chào xã giao đại diện lãnh đạo Hải quân Singapore.
Tham dự đoàn có lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng 4, thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng; đại diện cơ quan Tùy viên quốc phòng tại Singapore và đại diện một số cơ quan chức năng của Việt Nam. Đại tá Tan Kai Cheong, phó tư lệnh Hạm đội Hải quân Singapore, kiêm chỉ huy trưởng căn cứ Changi, chủ trì buổi tiếp đoàn.
Tại buổi đón tiếp, đại tá Lê Xuân Thủy cảm ơn lãnh đạo Hải quân Singapore đã tổ chức đón tàu Hải quân Việt Nam thăm hữu nghị và giao lưu với hải quân nước bạn chu đáo, thân mật.
Đại tá Lê Xuân Thủy nhấn mạnh: Đây là lần thứ hai Hải quân Việt Nam đưa tàu sang thăm đất nước Singapore tươi đẹp và giao lưu với Hải quân Singapore.
Việc tàu hải quân hai nước thường xuyên thăm, giao lưu với nhau trong những năm gần đây đã góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực mà hải quân hai nước cùng quan tâm.
Đại tá Lê Xuân Thủy mong muốn Hải quân Singapore chia sẻ một số kinh nghiệm với Hải quân Việt Nam về huấn luyện, đào tạo sĩ quan và các chuyên ngành hải quân, nhất là kinh nghiệm xây dựng lực lượng hải quân hiện đại.
Đại tá Tan Kai Cheong nhiệt liệt chào mừng đoàn công tác và tàu Hải quân Việt Nam thăm hữu nghị và giao lưu với Hải quân Singapore lần thứ hai và khẳng định: Hải quân Singapore rất coi trọng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hải quân Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và các nội dung hợp tác mà hải quân hai bên cùng quan tâm.
Phó tư lệnh hạm đội Hải quân Singapore đánh giá cao về sự phát triển lớn mạnh của Hải quân Việt Nam trong những năm gần đây và tin tưởng rằng sự hợp tác giữa hải quân hai nước và sự đóng góp tích cực, chủ động quan trọng của Hải quân Việt Nam đối với hải quân khu vực sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Trước đó ngày 23-1, sau hơn hai ngày hành trình trên biển từ quân cảng Cam Ranh, tàu 011 Đinh Tiên Hoàng đã cập cảng căn cứ Changi Singapore an toàn, được sự đón tiếp chu đáo, thân mật của đại diện Hải quân Singapore, Cơ quan Tùy viên quốc phòng Việt Nam tại Singapore.
Ngày 25-1, sĩ quan, thủy thủ tàu Đinh Tiên Hoàng đã thi đấu giao hữu bóng chuyền với sĩ quan căn cứ Changi.
Tối cùng ngày, đại tá Lê Xuân Thủy, phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam, trưởng đoàn công tác, cùng thủy thủ tàu Đinh Tiên Hoàng đã tổ chức buổi tiệc chiêu đãi, giao lưu văn nghệ thân mật lãnh đạo Hải quân Singapore; cán bộ lãnh đạo đại sứ quán, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Singapore.
Phó tư lệnh hạm đội Hải quân Singapore tặng biểu trưng Hải quân Singapore cho Phó tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam - Ảnh: Trọng Thiết
Si quan, thủy thủ hải quân hai nước chụp ảnh lưu niệm sau trận giao hữu bóng chuyền - Ảnh: Trọng Thiết
(Tuổi Trẻ)