Dự án Scribbles với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người trong việc giáo dục trẻ em, được thành lập vào năm 2015 bởi các bạn học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đến nay đã là mùa thứ 9.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 15-12-2015
- Cập nhật : 15/12/2015
Trung Quốc xây trạm xăng trái phép ở Hoàng Sa
Việc xây dựng trạm xăng và kho lưu trữ đi kèm trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, sẽ cần một năm để hoàn thành, Reuters dẫn thông báo Sinopec đăng tải trên tài khoản mạng xã hội hôm nay cho biết.
Hiện có khoảng 1.000 người sinh sống trên đảo Phú Lâm và các công ty lữ hành Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp các chuyến du lịch trên biển dài 5 ngày tới Hoàng Sa từ năm 2013.
Trạm xăng và kho lưu trữ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho những đảo và bãi đá mà Trung Quốc đang kiểm soát trong vài năm tới, thông báo cho biết thêm.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc hôm nay còn tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng trường học xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm. Trường học gồm 4 tầng, với diện tích khoảng 4.650 m2. Dự án này được xây dựng từ tháng 6/2014.
QQ giới thiệu trường học này, gồm các lớp mẫu giáo và tiểu học, nhằm tăng cường công tác quản lý và giáo dục cho con em binh lính, nhân viên và ngư dân đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn tiển hành cải tạo, xây nhiều đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, động thái bị các nước trong khu vực, trong đó có Mỹ, chỉ trích mạnh mẽ.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị", Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Được vay vốn ưu đãi để học nghề, tạo việc làm
Người lao động trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ sẽ được vay vốn ưu đãi để học nghề, giải quyết việc làm
Từ ngày 1-2-2016, người lao động trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ sẽ được vay vốn ưu đãi để học nghề, giải quyết việc làm theo quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo từ 2-6 triệu đồng/khóa học (tùy theo đối tượng) cho người lao động bị thu hồi đất có nhu cầu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng hoặc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ngoài ra, người học còn được vay vốn ưu đãi như chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội VN. Ông Lê Văn Lý, phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết lãi suất ưu đãi hiện nay là 6,6%/năm với số tiền vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Trường hợp có nhu cầu mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng; phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy hải sản, phục vụ sản xuất, kinh doanh... người lao động bị thu hồi đất sẽ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm. Ngoài ra, người lao động còn được vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài với mức vay tối đa bằng tổng chi phí cần thiết phải đóng góp theo quy định với từng thị trường lao động.
Phát hiện sai phạm gần 10 tỉ USD, điều tra 356 đối tượng
Tối 13-12, trong Chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong năm 2015, ngành thanh tra đã tiến hành trên 40.000 cuộc thanh tra, trên 830.000 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành và phát hiện trên 212.000 tỉ đồng sai phạm, chuyển cơ quan công an điều tra 313 vụ với 356 đối tượng.
Trong khi đó, liên quan đến việc thu hồi tài sản sai phạm sau thanh tra, theo ông Tranh trong năm năm (2011-2015), kết quả thu hồi bình quân đạt 50%. Riêng năm 2014 thu hồi 69% và năm 2015 là 70%. Mặc dù ngành thanh tra đã kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh nhưng đến nay khiếu nại tố cáo gay gắt, phức tạp vẫn còn.
“Quan điểm là giải quyết dứt điểm vụ việc để không còn khiếu nại đông người, phức tạp để người dân thực hiện được quyền, nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của mình” - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Đối với Thanh tra hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đã triển khai rất nhiều cuộc làm việc. Riêng Thanh tra TP Hà Nội trong chín tháng đầu năm đã chuyển cơ quan điều tra bảy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra và Thanh tra TP.HCM cũng phát hiện những sai phạm chuyển bốn vụ việc cho cơ quan công an.
Cũng theo ông Tranh, trong những vụ việc phát hiện tham nhũng thời gian gần đây xuất hiện lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí câu kết chặt chẽ thành một nhóm người, làm vô hiệu hóa thiết chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Còn có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho cá nhân, cho nhóm của mình.
“Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng một cách đồng bộ và có giải pháp thiết thực đẩy lùi, xử lý các hành vi tham nhũng nói chung, trong đó có tham nhũng lợi ích nhóm” - ông nói.
2.000 lao động cư trú bất hợp pháp đã về nước
Theo đó, nếu đến ngày 31-12 mà tỉ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét không tuyển chọn lao động của các địa phương trên đi làm việc tại Hàn Quốc khi bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc được ký lại.
Bộ LĐ-TB&XH cho hay thời gian qua mới có 2.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, số lượng lao động cư trú bất hợp pháp ở nước này vẫn ở mức cao. Theo thống kê tại 15 tỉnh, TP hiện có trên 9.000 người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp chưa chịu về nước, dẫn đầu là Nghệ An với 1.454 người, tiếp đó là Hà Nội (948 người), Hải Dương, Thanh Hóa...
Đầu tháng 9 năm nay Chính phủ đã ban hành nghị quyết nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trước 31-12-2015 thì không bị phạt tiền…
'Ép' xe tải đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng