Cơ quan điều tra cấp tỉnh có quyền nghe lén điện thoại
“Ăn bớt” gạo của ngư dân được hỗ trợ vì cá chết
Mới chỉ cổ phần hóa 5% vốn trong khối doanh nghiệp Nhà nước
TP.HCM điều chỉnh phân công nhiệm vụ các lãnh đạo chủ chốt
Ngân hàng lo “thắt lưng buộc bụng”
Tin trong nước đọc nhanh 16-12-2015
- Cập nhật : 16/12/2015
Hà Nội chỉ đạo xử lý sai phạm tại Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà
UBND Thành phố vừa ban hành văn bản số 8800/UBND-TNMT về việc chỉ đạo xử lý sau thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản được giao tại Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được Thanh tra Thành phố kết luận.
Giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Thành phố tại Kết luận thanh tra, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2015 (đồng thời gửi cho Thanh tra Thành phố để tổng hợp).
UBND thành phố cũng giao Thanh tra Thành phố đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện của các đơn vị, báo cáo UBND Thành phố.
Được biết, trước đó trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác quản lý và bố trí tái định cư tại một số dự án, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng đã phát hiện hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải bàn giao nguyên trạng 18 toà chung cư với 2.204 căn hộ cho Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội để quản lý, vận hành theo quy định. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa bàn giao đủ số căn hộ cho Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội nhà mà còn giữ lại 321 căn hộ.
Tương tự tại khu đô thị thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhận bàn giao 3 toà nhà tái định cư gồm 556 căn hộ từ tháng 9/2014. Dù chưa hoàn tất thủ tục theo quy định (chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cho nhà nước), nhưng Công ty đã bố trí cho người vào ở tại 100 căn hộ. Đặc biệt, trong đó có 6 căn hộ chưa có quyết định bán nhà của UBND thành phố.
Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng cũng cho biết, qua thu thập hồ sơ và kiểm tra thực tế tại 17 điểm kinh doanh dịch vụ mà Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thấy, đơn vị này đã tự ý cho các tổ chức cá nhân vào sử dụng kinh doanh dịch vụ và hầu hết đã cải tạo sửa chữa, thay đổi nguyên trạng ban đầu. Đặc biệt nhiều tổ chức còn cho thuê lại, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước gây thất thoát số tiền lớn.
Hàng loạt Bộ, ngành sẽ bị thanh tra việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng vừa ký phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 của Bộ Nội vụ.
Theo đó, trong năm 2016, Thanh tra Bộ Nội vụ sẽ chủ trì tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; quản lý biên chế; cải cách hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức và công tác phòng, chống tham nhũng... tại nhiều Bộ, ngành và UBND các tỉnh.
Cụ thể, trong quý I/2016, Bộ Nội vụ sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó, nâng ngạch, tiêu chuẩn ngạch công chức; chế độ tiền lương và quản lý hồ sơ công chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước; bổ nhiệm và quản lý hồ sơ công chức của UBND tỉnh Hà Giang.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng; thăng hạng chức danh nghề nghiệp; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng cấp phó công chức lãnh đạo, quản lý của UBND tỉnh Bạc Liêu.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, bổ nhiệm; số lượng cấp phó; tiêu chuẩn ngạch công chức lãnh đạo, quản lý và quản lý hồ sơ công chức của UBND tỉnh An Giang.
Trong quý II/2016 sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng; thăng hạng chức danh nghề nghiệp; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng cấp phó công chức lãnh đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước; bổ nhiệm và quản lý hồ sơ công chức của UBND tỉnh Kon Tum.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; tuyển dụng viên chức; bổ nhiệm; số lượng cấp phó; nghỉ hưu; đánh giá, phân loại công chức, viên chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.
Quý III/2016, sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng số lượng người làm việc, ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; bổ nhiệm, số lượng cấp phó, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức lãnh đạo, quản lý; quản lý hồ sơ của Đài Truyền hình Việt Nam.
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức; ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước; bổ nhiệm và quản lý hồ sơ công chức; công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức của UBND tỉnh Bến Tre.
Quý IV/2016 sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, bổ nhiệm; số lượng cấp phó; tiêu chuẩn ngạch công chức lãnh đạo, quản lý và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Hải Dương và Tây Ninh…
Theo kế hoạch vừa được lãnh đạo Bộ Nội vụ phê duyệt, hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật: phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Việc thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra”, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết.
Các cơ quan cân đối nguồn điều chỉnh tiền lương trong năm 2016
Tại Quyết định 2100/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, sắp xếp các nhiệm vụ chi để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở. Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% (đã thực hiện từ năm 2015).
Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngtiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2016 từ một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất).
Đồng thời, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương.
Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương như trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016, giao Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương, thông báo số cần bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong năm 2016; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 2 tỉnh Hưng Yên và Hậu Giang
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh: Hưng Yên và Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yênnhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Doãn Thế Cường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Đối với tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Lữ Văn Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Trần Công Chánh để nhận nhiệm vụ mới.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Liên Khoa.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Lê Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Hà Nội: Giá đất đấu giá cao nhất tại huyện Phú Xuyên là 5 triệu đồng/m2
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6786/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở tại các xã: Văn Hoàng, Đại Xuyên, Chuyên Mỹ, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Theo đó, tại xã Văn Hoàng giá đấu đấu giá cụ thể như sau: Thôn Thượng giá khởi điểm đấu giá là 8 trăm nghìn đồng/m2; Thôn Nội là 3 triệu đồng/m2, Thôn Hạ là 3,2 triệu đồng/m2, Thôn Trung là 3 triệu đồng/m2. Tại xã Phượng Dực là 1,8 triệu đồng/m2.
Tại xã Đại Xuyên, Thôn Đa Chất giá khởi điểm đấu giá là 2,1 triệu đồng/m2, Thôn Cổ Trai là 5,1 triệu đồng/m2. Tại xã Chuyên Mỹ, từ thửa 1 đến thửa 10 có giá khởi điểm 1,1 triệu đồng/m2, từ thửa 11 đến thửa 19 là 1 triệu đồng/m2.
Quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất có hiệu lực là 12 tháng kể từ ngày UBND TP ban hành quyết định. Trong thời gian hiệu lực, trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND huyện Phú Xuyên có trách nhiệm tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo UBND TP điều chỉnh theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Phú Xuyên có trách nhiệm đảm bảo các thủ tục và điều kiện theo quy định trước khi tổ chức đấu giá.