Sáng 3/8, tại kỳ họp thứ hai HĐND Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường và quyết nghị về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2120 của thành phố.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 04-03-2016
- Cập nhật : 04/03/2016
Người Việt chi 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh trong năm 2015
Trong năm 2015, có đến 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài để điều trị, tương đương với 1 tỷ USD đã được rót ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Theo Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), xu hướng này cho thấy rõ sự cần thiết của việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu y tế của người dân tại Việt Nam, thông qua việc nâng cao chất lượng bệnh viện, tuyển dụng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ và thay thế các thiết bị y tế.
Với dân số trên 90 triệu người, tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy triển vọng trong những năm tới, do đó EuroCham cho rằng thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục còn mở rộng.
Bên cạnh đó, cùng với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với việc ký kết một số hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chi tiêu y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam nhận thức rõ cần phải nâng cấp và hiện đại hóa mạnh mẽ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đã bổ sung ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề tồn đọng như nhiều bệnh viện không có đủ đội ngũ nhân viên có chuyên môn và các thiết bị y tế hiện nay đã cũ” – Sách trắng 2016 đánh giá.
Giá trị thị trường thiết bị y tế đã đạt 465,4 triệu USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt mức 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Theo EuroCham, đây là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp châu Âu vì Việt Nam hiện đang nhập khẩu tới hơn 90% các thiết bị y tế từ các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng khuyến khích thị trường thiết bị y tế phát triển vì sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất 600 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép chính thức.
Năm 2013, các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore chiếm trên 50% các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm với chi phí thấp. Bởi vậy, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013.
Do đó, EuroCham cho rằng để tiếp tục nâng cao sức khỏe người dân và tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề sau đây. Đồng thời kiến nghị cần thiết phải ban hành một văn bản quy định về quản lý trang thiết bị y tế nhằm xây dựng một hành lang pháp lý cho Việt Nam trong việc nhập khẩu, sản xuất và lưu hành sản phẩm này.
Kinh doanh nông sản sạch: Nhật bán xà lách 1,2 triệu đồng/kg, còn Việt Nam vẫn đang “lên vũ trụ bằng dép lốp”
Kinh doanh nông sản sạch: Nhật bán xà lách 1,2 triệu đồng/kg, còn Việt Nam vẫn đang “lên vũ trụ bằng dép lốp”
Có lẽ so sánh Nhật Bản và Việt Nam khá vô lý khi thu nhập bình quân người Nhật gấp 15 lần thu nhập người Việt. Nhưng nhìn lại nông sản sạch của Việt Nam, một loạt câu hỏi đặt ra mà dấu hỏi lớn nhất là CÓ SẠCH THẬT KHÔNG?
Bài toán nông sản sạch của Việt Nam: Làm sao “lên vũ trụ bằng dép lốp”?
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có nông sản sạch.
“Tôi cho đó là xu hướng tiến bộ của thời đại cũng như Việt Nam, còn về phía người dân, nhiều người rất sợ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định.
Cùng kinh doanh nông sản sạch, Nhật Bản có thể bán xà lách với giá 1,2 triệu đồng/kg, còn Việt Nam, làm thế nào để người tiêu dùng tin đó là sản phẩm sạch đã khó.
“Chúng ta phải vừa đảm bảo thực phẩm sạch, và vừa phải có mức giá hợp lý. Đó là bài toán rất khó trong điều kiện của Việt Nam, chẳng khác nào “lên vũ trụ bằng dép lốp””, ông Phú nhìn nhận.
Kinh doanh nông sản sạch tại Việt Nam, theo ông Phú, đang có 3 vấn đề.
Một là, làm nông nghiệp nhìn chung vốn rất rủi ro, luôn canh cánh lo về thiên tai, dịch bệnh…
Hai là, các ưu đãi chính sách cho nông nghiệp rất ít. “Nào là thủy lợi phí, thậm chí mớ rau cũng bị tính VAT 5 – 10%... Những chuyện này lẽ ra phải bỏ”, ông Phú nói.
Ba là, cách làm ăn của người Việt còn manh mún, nền sản xuất còn thiếu minh bạch, kỷ cương còn lỏng lẻo.
“Sao lại sản xuất kiểu nơi phun thuốc bán cho thị trường, nơi không phun thuốc cho nhà mình ăn? Cách làm ăn tiểu nông phải xóa bỏ ngay và kỷ cương phải siết vào. Cách đây ít lâu, một thương hiệu rau sạch đã đưa rau dởm vào siêu thị. Đưa hàng rởm vào siêu thị là tội rất nặng, nhưng chúng ta không làm và mọi chuyện rơi vào quên lãng”, ông Phú cho biết.
“Tôi nhớ hình ảnh người nông dân Nhật bán hàng rong dọc đường sẵn sàng dán mã số của nhà người ta vào mớ rau mùi bán ở thị trường. Người ta dám khẳng định đó là hàng nhà người ta. Còn ở ta, rau Vân Nội không biết là nhà nào trồng, ai cắt hái, ai vận chuyển…”
Người tiêu dùng Việt mua nông sản sạch giờ đang phải tự đặt ra một loạt câu hỏi: Xuất xứ ở đâu, thu hoạch/giết mổ từ bao giờ, giá cả hợp lý không…, và quan trong nhất là thực phẩm có sạch thật không.
“Kỷ cương, phép nước, thói làm ăn phải rèn lại theo cách làm công nghiệp. Đừng để ai làm ăn phi pháp tồn tại. Bằng việc này, chúng ta mới tiến lên được”, ông Phú nói.
Sắp có tuyến cao tốc Bắc - Nam dài hơn 3.000 km
Cụ thể, Tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
Cụ thể, Tuyến cao tốc Bắc - Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km. Trong đó có Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, dài 143 km; Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 105 km; Tuyến cao tốc Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) - Lào Cai, dài 264 km.
Tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (Quảng Ninh), dài 176 km; Tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Móng Cái (Quảng Ninh), dài 128 km; Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, dài 160 km; Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144 km...
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 03 tuyến với tổng chiều dài 264 km. Cụ thể, Tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km; Tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km; Tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km. Cụ thể, Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km; Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dài 150 km...
Hạ tầng giao thông "đánh thức" thị trường BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết
Với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông cùng những lợi thế sẵn có về tiềm năng du lịch biển, Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận) đang được ví như “làn gió mới” của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, đồng thời trở thành “điểm ngắm” của giới đầu tư bất động sản.
Trên thực tế, dù phát triển muộn hơn so với các trung tâm du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu, nhưng Mũi Né - Phan Thiết đã nhanh chóng khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam với hoàng loạt khu resort ven biển tuyệt đẹp.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển. Cùng với đó, TP. Phan Thiết sẽ trở thành đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông, Phan Thiết đang nắm lợi thế rất lớn để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, đồng thời vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - du lịch của vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Nền tảng quan trọng nhất để TP. Phan Thết hiện thực hóa mục tiêu trên là hệ thống hạ tầng giao thông đang ngày càng phát triển hoàn thiện, giúp kết nối liên vùng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Điển hình như: Dự án cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A vừa hoàn thành và đưa vào khai thác và sắp tới là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Nha Trang…
Đặc biệt, dự án Sân bay Phan Thiết đã được khởi công và đang được gấp rút thực hiện nhằm mục tiêu đưa vào hoạt động năm 2018 sẽ giúp Phan Thiết trở nên gần gũi hơn không chỉ với du khách trong nước mà còn là điểm đến thường xuyên của du khách quốc tế trong tương lai gần.
Theo các chuyên gia, sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông có thể coi là nguyên nhân quan trọng nhất "đánh thức" tiềm năng và sự phát triển của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, đồng thời giúp thành phố biển này trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của giới kinh doanh bất động sản.
Bằng chứng là trong thời gian gần đây, một loạt các dự án tầm cỡ đã được khởi động tại đây, trong đó có những khu đô thị nghỉ dưỡng quy mô lớn của nhà đầu tư trong và ngoài dọc các tuyến đường ven biển. Có thể kể đến như dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 62ha, với tổng vốn khoảng 2.600 tỷ đồng, trên diện tích hơn 36ha.
Hay mới đây nhất, dự án Khu Đô thị - Thương mại - Du lịch Queen Pearl của Công ty Địa ốc Danh Khôi (DKR) cũng trở thành "tâm điểm" của giới đầu tư. Nằm trên diện tích hơn 100ha với 1.000 nền biệt thự, nhà phố và 2 khối chung cư, Queen Pearl được coi là Khu Đô thị - Thương mại - Du lịch kiểu mẫu đầu tiên tại Mũi Né - Phan Thiết.
Đánh giá về tiềm năng thị trường BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết, ông Dương Minh Tiến - Tổng Giám đốc DKR - khẳng định: "Với thị trường Việt Nam, điểm quan trọng nhất giúp BĐS nghỉ dưỡng ven biển có sức cạnh tranh là mức giá hợp lý và giá trị sản phẩm tốt. Những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng vừa đáp ứng được khả năng đầu tư sẽ hút được lượng khách hàng lớn".
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển được chào bán với giá khá cao, trong khi "vắng bóng" những bất động sản nghỉ dưỡng biển có mức giá phù hợp với phần lớn nhu cầu của người dân (khoảng từ 2-3 tỷ/sản phẩm). Chính vì vậy, các dự án có giá mềm hứa hẹn sẽ mang lại một luồng gió mới cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Đồng quan điểm, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường CBRE Việt Nam cũng cho biết: "Năm 2016 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ nóng trở lại, nhưng sẽ có những thay đổi so với thời hoàng kim trước đây. Cụ thể là dòng sản phẩm sẽ nhỏ hơn, phù hợp với khả năng chi trả hơn sẽ lên ngôi".
Cần minh bạch về xóa nợ thuế
Sau khi Bộ Tài chính đề xuất xóa 13.064 tỉ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp (DN), các chuyên gia cho rằng cần công khai các đối tượng nằm trong danh sách này cũng như làm rõ các điều kiện, tiêu chí được xóa nợ thuế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xóa nợ thuế sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các DN tuân thủ nghiêm các chính sách về thuế.
Làm gọn sổ sách?
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết tính đến hết năm 2015, tổng nợ thuế trên địa bàn hơn 19.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 6.100 tỉ đồng nợ khó thu và nợ chờ xử lý.
“Có những khoản nợ của những DN giải thể, phá sản, cá nhân bỏ trốn... đã tồn tại quá lâu, không có khả năng thu hồi nhưng cơ quan thuế vẫn cứ phải theo dõi. Những đối tượng này tới đây sẽ được lọc ra để Bộ Tài chính trình Chính phủ ra quyết định xóa nợ” - vị này cho biết.
Theo vị này, việc xóa nợ thuế là thông lệ mà nhiều quốc gia đã làm sau khi cơ quan thuế áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế với DN mà không thu nợ được. Tuy nhiên, trong hơn 6.100 tỉ đồng nợ khó thu và nợ chờ xử lý trên địa bàn, con số được xóa nợ tối đa sẽ chỉ khoảng 4.000 tỉ đồng, do có những khoản không thuộc đối tượng được xóa nợ.
“Cơ quan thuế phải rà soát rất kỹ vì việc xóa nợ thuế này sẽ làm ngân sách mất một khoản thu rất lớn” - vị này nói.
Nhiều DN cũng bày tỏ quan tâm với thông tin được xóa nợ thuế này. Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), cho rằng điều mà DN mong muốn được biết nhất là việc xóa nợ thuế phải dựa trên căn cứ, phân loại, thành phần DN cụ thể như thế nào để đảm bảo công bằng.
“Chẳng biết có bao nhiêu phần trăm DN thật sự khó khăn, cần được hỗ trợ để tái hoạt động, hay đây là động tác làm... gọn sổ sách của cơ quan thuế?” - ông Vị đặt vấn đề. Cũng theo ông Vị, cần phải công khai, minh bạch những tiêu chí cụ thể, rõ ràng khi xét duyệt xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp.
Ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn - cũng cho rằng lý ra chính sách này nên áp dụng cho các DN vẫn còn khả năng hoạt động, đang kinh doanh nhưng từng gặp khó khăn trong quá khứ nên mới chậm nộp thuế, rồi bị phạt do chậm nộp. Như vậy sẽ tạo động lực và kích thích cho DN có cơ hội làm ăn trở lại.
Bên cạnh đó cần thông tin rõ ràng, cụ thể từng thành phần DN, tránh trường hợp “đánh lận con đen” để hợp thức hóa cho những yếu kém của thành phần DN khác nhằm được xóa nợ thuế.
Có đảm bảo công bằng?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Sơn - giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn - cho rằng cần công bố dự thảo hướng dẫn về việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp trên trang web của cơ quan thuế để DN và chuyên gia có thể góp ý, bởi chính sách này ảnh hưởng đến DN được xóa nợ thuế và cả DN không nằm trong danh sách này.
Ngoài ra cũng cần công khai danh sách DN được xóa nợ thuế để DN, người dân giám sát, tránh việc lợi dụng. “Tiêu chí phải hết sức rõ ràng, có sự kiểm tra giám sát rất chặt nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN” - ông Sơn nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần công bố rõ trong số nợ thuế, tiền chậm nộp được xóa bao nhiêu nợ là của DN tư nhân, hộ kinh doanh, bao nhiêu là của DN nhà nước.
Một chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính từng đề nghị xóa nợ thuế cho các DN nhà nước vào cuối năm 2015 nhưng dư luận không đồng tình. Do đó, dù đợt xóa nợ thuế lần này không phân biệt đối tượng DN, nhưng cần công bố rõ số nợ của DN nhà nước chiếm bao nhiêu.
“Trên thực tế có những DN nhà nước cố tình chây ì nợ thuế nhưng cơ quan thuế không dám mạnh tay như đối với các DN tư nhân. Nếu không công bố rõ ràng, DN có quyền nghi ngờ về sự công bằng trong chính sách này” - một chuyên gia nói.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - lại đặt vấn đề rằng nguyên tắc xử lý tiền nợ thuế được Bộ Tài chính nêu là phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng tại sao những DN đóng thuế và chấp hành đúng các quy định lại không được ưu đãi gì?
Điều này sẽ tạo ra một cơ chế khuyến khích DN làm điều không đúng thì vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, một khi đã có cơ chế xóa tiền chậm nộp thuế được một lần, không có lý do gì sẽ không có thêm những lần khác.
“Điều này sẽ tác động đến tâm lý của DN là có thể chây ì thuế sẽ lại được hỗ trợ, trong khi những DN chấp hành tốt các quy định về thuế lại không được ưu đãi gì” - ông Anh Tuấn phân tích.
Cũng theo ông Tuấn, những nguyên nhân mà Bộ Tài chính đề cập để làm cơ sở xóa nợ tiền chậm nộp cho DN, như DN bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao... là không hợp lý. Bởi lẽ, đây là những rủi ro trong quá trình hoạt động của DN, chứ không thể được xếp vô thành nguyên nhân khách quan.
“Nhà nước không nên hỗ trợ những rủi ro phát sinh này, vì như thế sẽ rất bất công với những DN đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác” - ông Tuấn nói.