tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 05-03-2016

  • Cập nhật : 05/03/2016

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội

Sáng 3-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

thu tuong xem do an quy hoach xay dung vung thu do ha noi - anh: nhat bac

Thủ tướng xem đồ án quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội - Ảnh: Nhật Bắc

Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Thực tế triển khai có những tồn tại cần điều chỉnh, như việc liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng, các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào thủ đô Hà Nội, các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị quy mô lớn cần được xem xét, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn phát triển.

Công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết giữa các tỉnh, thành trong nội vùng...

Nội dung nghiên cứu điều chỉnh vừa để giải quyết các vấn đề nêu trên, đồng thời cập nhật các định hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng thủ đô theo các nghị quyết của trung ương cũng như của các tỉnh, thành trong vùng.

Đồ án nêu lên ba mục tiêu lớn của điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội, phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn.

Đồng thời làm cơ sở cho việc lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh…

Phạm vi và quy mô điều chỉnh bao gồm gồm Hà Nội và 9 tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang), tổng diện tích toàn vùng trên 24.314 km2, dân số hiện trạng (năm 2012) khoảng 17,6 triệu dân

Kết luận cuộc họp, trên cơ sở các nội dung đồ án đã được xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Trong quy hoạch về đô thị, khu công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tính toán kỹ, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tập trung, không phát triển các cơ sở công nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Cùng với đó, trong quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý cần làm tốt công tác quy hoạch nghĩa trang; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan, sinh thái trong vùng.


Bị phản đối giới thiệu vào HĐND xã, bí thư thôn liền đánh dân

Khi 2 người dân có ý kiến rằng bí thư thôn hay tham gia đánh nhau khi giới thiệu bầu vào HĐND xã, ông bí thư thôn liền cùng người thân xông vào đánh 2 người này.

anh le van ly va anh nguyen van lai dieu tri tai benh vien da khoa huyen ky anh

Anh Lê Văn Lý và anh Nguyễn Văn Lai điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh

Ngày 4-3, ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh,tỉnh Hà Tĩnh), cho hay công an huyện này đang thụ lý vụ việc, lấy lời khai những người liên quan vụ đánh nhau xảy ra tại thôn Phúc Lập, xã Kỳ Thượng.

Qua xác minh ban đầu, vào tối 2-3, thôn Phúc Lập tổ chức cuộc họp giới thiệu nhân sự thôn vào HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021.

Người dân giới thiệu 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Phương (Trưởng thôn), ông Nguyễn Văn Khương (Bí thư chi bộ) và bà Trương Thị Lượng để bầu ra 2 người.

Khi anh Lê Văn Lý (trú thôn Phúc Lập) cho rằng phẩm chất đạo đức ông bí thư thôn có tư cách không tốt, hay tham gia đánh nhau.

Ý kiến này nhận được sự đồng ý từ người dân, trong đó có anh Nguyễn Văn Lai. Tuy nhiên, bất ngờ có 2 người họ hàng của ông Khương là Vũ Văn Vẽ và Vũ Văn Miệu dùng ghế tấn công vào đầu anh Lý và anh Lai.

Thấy vậy, ông Khương cũng dùng ghế đánh 2 người phản đối mình. Ông Phương (Trưởng thôn) can ngăn cũng bị 3 người nói trên đánh lại.

Bị chấn thương khá nặng phần đầu, anh Lý và Lai được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh.

Chủ tịch xã Kỳ Thượng thông tin sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.


Không chỉ lừa đảo, còn nhũng nhiễu, dọa dẫm

Theo kết quả cuộc thăm dò gần 700 doanh nghiệp (DN) do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành cuối năm 2015, nỗi bức xúc lớn nhất của họ là hàng giả, còn nỗi bức xúc lớn thứ nhì là bị nhũng nhiễu, đe dọa buộc mua các danh hiệu (giả).

Vì sao DN sợ? Vì bọn mua bán danh hiệu táo tợn nhân danh các cấp lãnh đạo quan trọng, lại còn đeo bám dai dẳng, trơ trẽn, đủ trò dọa nạt, lấy danh nghĩa các hiệp hội trung ương, văn phòng Quốc hội, các ủy ban nhà nước... Tệ nạn này đang đến đỉnh điểm, đến nỗi nhiều DN ức chế, phản ứng quyết liệt.

Một DN nhỏ làm tương hột ở Vĩnh Long kể: “DN tôi nhỏ xíu, lo ăn từng bữa mà họ gọi điện thoại báo tin vui là đã được bình chọn DN thành đạt. Tôi năn nỉ “Em khổ lắm anh ơi” thì họ nói vậy họ thông cảm giảm cho 5 triệu đồng, chỉ còn đóng 15 triệu đồng là được ra Hà Nội lãnh danh hiệu”. Một tập đoàn công nghệ cao, chủ là một nhà sáng chế Việt kiều được một tạp chí mời nhận danh hiệu xuất sắc mà ông hết sức lịch sự hẹn lần sau thì chỉ vài ngày sau được tin tạp chí này (Doanh nghiệp - doanh nhân và thương hiệu của Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam) đã bị rút giấy phép (ngày 30-10-2015 theo Quyết định số 1837 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Lại có cả một chương trình tôn vinh khác do Văn phòng Quốc hội kết hợp Liên hiệp Phát triển DN Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thương hiệu dẫn đầu Việt Nam” và mọi việc do một công ty truyền thông mới thành lập được hơn một tháng thu tiền. Truy ra, công ty này hoạt động... không giấy phép! Cũng trong tháng 12-2015, một liên minh ma quỷ lại đi bán “Top 100 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam”, mà thư mời nhận danh hiệu được gửi cả cho một DN giải thể đã gần một năm và DN này “đội mồ” mang lại cho chúng tôi xem, cười méo xệch.

Những mẫu giấy giới thiệu hoành tráng ký tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất đang lưu hành trong hầu hết các cuộc mua bán lừa đảo và hình ảnh các vị này đến trao danh hiệu chỉ trong năm trước được in long trọng, có dùng photoshop ghép ảnh hay không khó mà xác thực. Lộng hành nhất là họ còn ra bảng giá, được đồng chí lãnh đạo Chính phủ trao danh hiệu, chụp ảnh thì chi phí là... 50 triệu đồng, còn Bộ thì chỉ có 30 triệu đồng.

Trò lừa đảo này được dung dưỡng, không truy đến cùng chứ truy thì có gì là khó? Mối lợi chắc chắn chỉ được chi cho những đường dây gồm người cả trong và ngoài nhà nước, dĩ nhiên không nộp ngân sách nhà nước mà tác hại thì khôn lường. Nó ngốn của DN một khoản tiền lớn, là khoản phí cơ hội lớn, thiệt hại lớn cả về tiền bạc, công sức, thời gian: Thay vì dùng tiền để nâng cấp nhân lực, đầu tư thay đổi thiết bị, công nghệ, ra sản phẩm mới... tăng sức chinh phục người tiêu dùng thì lại dành để mua những thứ hư danh giả mạo vô nghĩa. DN bị lừa vài lần thì tỉnh ra nhưng bị đeo bám hoài, né tránh không được, càng uất ức, mất niềm tin vào những danh hiệu “quốc doanh” và những cơ quan lưu manh mạo danh “xúc tiến”, “hỗ trợ”. Và thời buổi hội nhập này, cái bẫy hư danh đó càng nguy hiểm, nó cộng với mọi khoản chi phí đầu vào, thuế, phí vốn cao thành một thứ phí vô hình (cho hư danh) nữa.

Nói DN vì háo danh là đáng bị lừa thì chỉ đúng một nửa. Chính việc tham gia của những cái tên lớn đứng đầu các cơ quan lãnh đạo khiến DN ngán đụng chạm hay bị lừa.

Cần phải tấn công triệt để bọn lừa đảo này để chấm dứt trò lừa đảo gặm nhấm sức lực ngày càng hao mòn của DN.


Vụ tạt axit đoàn cưỡng chế: Cấp giám đốc thẩm nên vào cuộc

 Với một vụ án có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn nhưng TAND tỉnh Long An vẫn kết án Nguyễn Mai Trung Tuấn 30 tháng tù, TAND và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM không nên bỏ qua.

nguyen mai trung tuan nghe toa tuyen an - anh: son lam

Nguyễn Mai Trung Tuấn nghe tòa tuyên án - Ảnh: Sơn Lâm

Sau khi TAND huyện Thạnh Hóa (Long An) xét xử sơ thẩm Nguyễn Mai Trung Tuấn, các luật sư cũng như các chuyên gia hàng đầu về hình sự đã phân tích rất kỹ những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm. 

Đặc biệt là việc giám định tỉ lệ thương tật của nạn nhân trong vụ án này vừa không đúng với thương tích, vừa vi phạm nghiêm trọng thủ tục.

Nếu là người đã thành niên thì những sai lầm của cấp sơ thẩm cũng chỉ dẫn đến việc áp dụng khung hình phạt cũng như việc áp dụng hình phạt quá nặng đối với bị cáo.

Nhưng Tuấn lúc thực hiện hành vi chưa đủ 16 tuổi thì những vi phạm của cấp sơ thẩm phải coi là vi phạm nghiêm trọng, vì nó dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em Tuấn.

Một bản giám định tỉ lệ thương tật của nạn nhân là 35% vừa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em Tuấn. Nhưng bản giám định này phải nói ngay rằng có sự “mờ ám” cố chấp của cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Thạnh Hóa.

Tại sao các luật sư đã nêu rõ những sai phạm của hội đồng giám định không chỉ về mức tỉ lệ thương tật mà cả về thủ tục, nhưng không hiểu vì lý do gì mà TAND tỉnh khi xét xử phúc thẩm lại bỏ qua mà không trưng cầu giám định lại.

Chẳng cần phải có trình độ chuyên môn cũng biết kết quả giám định của tỉnh là không chính xác. Chưa kể bản giám định không đầy đủ chữ ký của giám định viên, không có hình ảnh chụp thể hiện vết thương của bị hại trong bản kết luận, nhiều mâu thuẫn về diện tích vết thương.

Xem ra không chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng huyện Thạnh Hóa, mà TAND tỉnh Long An và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng không quán triệt các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

Với một vụ án có nhiều vấn đề còn mâu thuẫn như vậy mà TAND tỉnh Long An vẫn kết án, vẫn bỏ tù em Tuấn (30 tháng tù) thì TAND và Viện KSND cấp cao tại TP.HCM không nên bỏ qua, cần rút hồ sơ vụ án lên để giám đốc thẩm.


Thêm vành đai cao tốc ở TP.HCM và Hà Nội

“Bổ sung tuyến vành đai cao tốc số 5 (dài 246 km) ở Hà Nội và bổ sung tuyến vành đai cao tốc số 4 (dài 198 km) ở TP.HCM”.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng điều chỉnh có nội dung như trên.

Theo quy hoạch mới, khu vực phía Bắc được bổ sung bảy (thành 14) tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Hà Nội, với tổng chiều dài gần 1.370 km (hơn 270 km so với quy hoạch cũ).

Về tiến độ đầu tư, quy hoạch xác định trước năm 2020 sẽ đầu tư các tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết (dài 226 km, vốn 36.160 tỉ đồng); tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 98 km, vốn 29.400 tỉ đồng), đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 54 km, vốn 17.148 tỉ đồng), tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 38 km, vốn 10.640 tỉ đồng)…

Tổng vốn đầu tư hơn 6.410 km đường cao tốc (dài hơn trước gần 540 km) theo quy hoạch mới đến năm 2020 là 342.585 tỉ đồng và đến năm 2030 là 599.186 tỉ đồng. Với nguồn vốn “khủng” như trên, quy hoạch cũng bổ sung thêm việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo nhiều hình thức để đầu tư, phát triển. Ngoài ra, quy hoạch bổ sung việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác hệ thống đường cao tốc.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục