Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội
Bị phản đối giới thiệu vào HĐND xã, bí thư thôn liền đánh dân
Không chỉ lừa đảo, còn nhũng nhiễu, dọa dẫm
Vụ tạt axit đoàn cưỡng chế: Cấp giám đốc thẩm nên vào cuộc
Thêm vành đai cao tốc ở TP.HCM và Hà Nội
Tin trong nước đọc nhanh 05-03-2016
- Cập nhật : 05/03/2016
Thủy điện Đắk Mi 4 lại bị tố ăn cắp nước
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước TP Đà Nẵng cho hay, chỉ có thể giải quyết được hạn hán, nhiễm mặn khi thuỷ điện thượng nguồn tuân thủ quy trình xả nước.
“Các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia xả nước thường xuyên người dân Đà Nẵng còn sống được chứ. Họ cắt xả khoảng một tuần là dân chết mặn ngay”, ông Ảnh nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến nay tất cả các sông của Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn. Đặc biệt là sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn tới 24 ngày. Hậu quả khiến 800 ha hoa màu của người dân bị thiếu nước. Tại đây độ mặn luôn cao, có lúc lên đến hơn 13 lần mức cho phép.
"Trong khi đó thủy điện Đắc Mi 4 vẫn không chịu xả nước về sông Vu Gia mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra Quy trình vận hành liên hồ chứa Vu Gia - Thu Bồn. Từ tháng 12-2015 tới nay, mỗi tháng thủy điện Đắc Mi 4 chỉ xả đúng quy trình 10 ngày còn lại đều xả dưới 3m3/s", ông Hoà nói.
Giải trình trước việc này, ông Đinh Hữu Tấn - Giám đốc thủy điện Đắc Mi 4, cho rằng: “Lưu lượng nước về hồ thủy điện không đủ và thường xuyên thay đổi nên nhà máy vận hành rất khó khăn. Không phải thủy điện Đắc Mi 4 muốn ăn gian nước của hạ lưu sông Vu Gia”.
Kết luận vấn đề này, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ TNMT, ông Hoàng Văn Bảy nhận định tình hình các nhà máy thủy điện ở sông Vu Gia-Thu Bồn chưa đến mức báo động. Các nhà máy thủy điện ở đây phải làm theo đúng Quy trình vận hành liên hồ để đáp ứng nguồn nước cho hạ lưu.
Ngoài ra, thủy điện Đắc Mi 4 và thủy điện Sông Bung 4 phải lắp đặt ngay hệ thống camera giám sát tự động xả nước để các Bộ và địa phương có thể giám sát việc xả nước về hạ lưu.
Tàu cá Hàn Quốc lật úp, 6 thuyền viên Việt mất tích
Theo TTXVN, truyền thông Hàn Quốc thông báo của Lực lượng bảo vệ bờ biển thành phố Pohang, tỉnh Kyeongbuk cho biết một tàu đánh cá gần bờ của nước này mất liên lạc với Trung tâm kiểm soát thông tin ngư nghiệp thành phố từ tối 29/2. Sau quá trình tìm kiếm, đến sáng nay, lực lượng bảo vệ bờ biển phát hiện con tàu trong tình trạng lật úp trên biển Nhật Bản, cách cảng Homigot của Pohang khoảng 96km về phía đông.
Tàu đánh cá mang số hiệu Dongkyeong 201, trọng tải 29 tấn, chở một thuyền trưởng Hàn Quốc và 6 thuyền viên Việt Nam. Theo tìm hiểu của TTXVN, sau khi phát hiện chiếc tàu cá, lực lượng bảo vệ bờ biển Pohang đã điều 4 thợ lặn tìm kiếm phía trong con tàu, đồng thời huy động thêm 10 nhân viên của Lực lượng cứu hộ hải dương đặc biệt đến hiện trường để tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên cũng như lên phương án trục vớt tàu cá.
Tính đến thời điểm 18h hôm nay, lực lượng đã tìm thấy một thi thể phía bên trong con tàu. Theo nhận định của lực lượng bảo vệ bờ biển Pohang, nhiều khả năng đó là thuyền trưởng người Hàn Quốc, 47 tuổi.
Cũng theo cơ quan này, ưu tiên trước mắt của lực lượng cứu hộ là tìm kiếm bên trong con tàu và khu vực lân cận để xác nhận số phận của các thuyền viên mất tích. Tuy nhiên, do trời tối, việc tìm kiếm đang phải tạm hoãn và lực lượng này sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ ngay khi trời sáng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin ngư dân Việt mất tích, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình chiều nay cho biết Bộ đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để có được thông tin cụ thể.
"Hiện chúng tôi đang tích cực đeo bám các cơ quan chức năng Hàn Quốc. Đại sứ quán Việt Nam đang làm việc với các cơ quan ở Seoul để làm sao có được thông tin sớm nhất về tung tích, thông tin 6 thuyền viên này", ông Bình nói.
Sẽ tiếp tục thu hẹp DNNN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DN Nhà nước. Trong đó, danh mục phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước dự kiến được rút còn 3 mục.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Quyết định số 37 tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, Quyết định số 37 đã phát sinh nhiều vấn đề điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.
Một trong những bất cập đó là việc Nhà nước vẫn nắm giữ lượng cổ phần quá lớn sẽ làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vì không thay đổi được quản trị DN như trong các lĩnh vực quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy, cảng biển, công ích... Bên cạnh đó là sự thay đổi các quy định về DNNN tại các Luật dẫn đến thay đổi nội dung và cấu trúc của tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Vì vậy, Dự thảo Quyết định mới quy định danh mục phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước gồm 3 mục: Những DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ; những DN do Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên và những DN nắm giữ trên 50% tới dưới 65% tổng số cổ phần.
Như vậy, với dự thảo mới, cách phân loại DN nắm giữ tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ thay đổi, không còn DN nắm giữ từ 75% vốn Nhà nước trở lên và loại DN nắm giữ từ 65% tới 75% vốn Nhà nước.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020 có 378 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với các hình thức sắp xếp dự kiến là: 184 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn (chiếm khoảng 48,7%) và 194 DN thuộc diện cổ phần hóa (chiếm 51,3%).
Dự thảo Quyết định mới cũng điều chỉnh một số ngành trong danh mục. Cụ thể, danh mục do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đã bỏ các ngành: “Sản xuất cung ứng hóa chất độc”, “Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.
Đối với danh mục DN do Nhà nước nắm giữ từ trên 65% tổng số cổ phần, dự thảo Quyết định chuyển “DN bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa”, “vận chuyển hàng không”, “sản xuất thuốc lá điếu”, “cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng” từ danh mục Nhà nước nắm giữ từ 65% đến dưới 75% (tại Quyết định 37) sang danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần (tại dự thảo Quyết định thay thế).
Dự thảo cũng loại bỏ “quản lý khai thác cảng biển tổng hợp quốc gia và cửa ngõ quốc tế”, “chế biến dầu mỏ và khí tự nhiên”, “bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” và “quản lý bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa”, “bán buôn thuốc phòng, chữa bệnh”.
Đối với danh mục do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65%, dự thảo loại bỏ ngành “sản xuất vaccine sinh phẩm y tế, vaccine thú y”, “sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, “điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng thủy văn; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên”, “sản xuất, lưu trữ giống gốc cây trồng vật nuôi; trồng và chế biến cao su, cà phê, trồng và quản lý rừng trồng tại đại bàn không gắn với quốc phòng, an ninh”, “vận tải biển, vận tải đường sắt”, “sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích”.
Những ngành bị loại bỏ trên có nghĩa là Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối để khối tư nhân có đủ điều kiện tham gia làm chủ DN.
Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo đạo đổi mới và phát triển DN về việc cho ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ hôm 3/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để tiếp tục phân loại, rà soát kỹ các lĩnh vực trong mỗi ngành để cổ phần hóa, thoái vốn, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.
Hàng loạt cán bộ thanh tra giao thông bị kỷ luật
Ngày 4/3, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hội đồng kỷ luật cơ quan này vừa thống nhất hình thức xử lý trách nhiệm đối với nhóm cán bộ Thanh tra và cá nhân liên quan vụ việc xử lý xe quá tải ở Trạm kiểm tra Đồng Tâm.
Theo đó, ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra bị cảnh cáo do không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền. Ông Minh đã không kịp thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra Đồng Tâm, không báo cáo kiểm điểm trách nhiệm đúng thời gian theo yêu cầu của Giám đốc Sở.Ngoài ông Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng quyết định khiển trách 4 cá nhân gồm: ông Lê Sỹ Do (Phó chánh Thanh tra), Nguyễn Ngọc Minh (Đội trưởng Thanh tra giao thông đường bộ số 1), ông Vũ Văn Tình, Lê Khả Nhường (nhân viên Đội Thanh tra giao thông số 1). Nhóm cán bộ này đã không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng.
Chiếc xe chở phế phẩm tre nứa bị đích thân Giám đốc Sở Giao thông Thanh Hóa bắt giữ chiều 17/2. Ảnh: Lam Sơn
Trước đó chiều 17/2, trong lúc đi thị sát trên tuyến đường 217, đoạn qua xã Thiết Ống (Bá Thước), Giám đốc Sở Giao thông Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát hiện xe tải chạy hướng Quan Hóa - TP Thanh Hóa chở đầy ắp phế phẩm tre nứa có dấu hiệu quá tải trọng. Ông Liêm sau đó vào Trạm kiểm tra của lực lượng Thanh tra đặt tại ngã ba Đồng Tâm yêu cầu mang cân ra đón lõng xe tải nói trên.
Khi bị dừng phương tiện, tài xế có biểu hiện bất hợp tác và gọi điện “nhờ vả”. Về phía Thanh tra Trạm Đồng Tâm, sau một hồi kiểm tra, hệ thống cân do "lâu không sử dụng" mới đưa được xe lên bàn cân. Kết quả xe chở tới 51,5 tấn trong khi tải trọng cho phép chỉ 38 tấn.
Ngay trong chiều 17/2, ông Liêm ký quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét trách nhiệm những người liên quan.
Công bố Quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự cấp cao
Sáng 4-3 đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công ông Hầu A Lềnh, 43 tuổi, Ủy viên trung ương Đảng, làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Sáng 4-3, tại Yên Bái, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Ông Nguyễn Văn Quynh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công ông Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã trao Quyết định của Bộ Chính trị cho ông Hầu A Lềnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Trung ương với ông Hầu A Lềnh và mong muốn ông cùng với các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề của Ban trong thời gian tới.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Hầu A Lềnh hứa sẽ nỗ lực cùng tập thể Ban Chỉ đạo Tây Bắc nâng cao đoàn kết, nhất trí, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong khu vực để vùng Tây Bắc phát triển mạnh mẽ hơn vào thời gian tới.
Ông Hầu Anh Lềnh, người dân tộc Mông, sinh năm 1973 tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. ông từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, Bí thư Huyện ủy Sa Pa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
Ông Hầu A Lềnh là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng các khóa X, XI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.