Đến 15/8, chi hơn 100.000 tỷ đồng trả nợ
Quy hoạch báo chí phải xong trước 30/10 tới
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Long An
Người tiêu dùng nên thay đổi nhận thức về hàng Việt
Phát triển Sóc Sơn thành trung tâm công nghiệp của Thủ đô
Xâm nhập hang ổ “bạch tuộc” đa cấp
- Cập nhật : 04/03/2016
(Tin kinh te)
Hoạt động đa cấp cứ “khi sáng, khi tối”, người dân vẫn tiếp tục bị lôi kéo, dụ dỗ. Chuyện người dân sập bẫy đa cấp không khác gì bộ phim kinh dị dài tập chưa biết bao giờ mới tắt...
Đà Nẵng hiện có 1.250 người sập bẫy đa cấp. Nhiều người trong số họ, khi đến khai báo bị lừa đảo, xin được giữ bí mật thông tin cá nhân vì khi tham gia vào mạng lưới đa cấp này, họ giấu cả chồng con, người thân... Còn tại Gia Lai, ngày 3.3, “bạch tuộc” đa cấp vẫn vươn vòi, Công ty Thiên Ngọc Gia Lai vẫn tổ chức lôi kéo hàng trăm người dự một cuộc họp để “xốc lại tinh thần”.
Ám ảnh đến cuối đời…
Đà Nẵng, “cơn bão” đa cấp vừa quét qua. Trước những trách móc của người thân, bạn bè và định kiến ngã nghiệt của xã hội, nạn nhân thu mình như chú rùa. Người nghèo, người dân tộc thiểu số không hiểu biết pháp luật đã đành, người tri thức cũng trở thành con mồi của “con ma” đa cấp Liên Kết Việt. Cám dỗ tiền bạc khiến họ không giữ được tỉnh táo.
Chị H vốn là giáo viên dạy học. Chị cho biết, mình đầy đủ kiến thức để “nói không” với đa cấp ngay từ khi thoạt nghe về nó. Chị cũng không thiếu tiền, cuộc sống đủ đầy với đồng lương hưu giáo viên của mình. Mục đích chính chị đến với đa cấp là nâng đỡ những phận đời. Chị khát vọng giúp những con người nghèo khổ được đổi đời bằng cách đưa họ đến với đa cấp. Nhưng chị đã sai lầm. Chị đã đặt lòng tin vào những lời giới thiệu mật ngọt, quảng cáo mời chào của bạn bè đến với Liên Kết Việt.
“Tôi đi nhiều hội nghị của công ty, thấy mấy ông lãnh đạo công ty mặc áo quần quân đội, rồi mời cả ông to, bà lớn đến tham dự, bằng khen thì được đóng dấu, văn bản nọ kia cũng niêm dấu đỏ... nên gần như không còn hồ nghi điều gì nữa” - chị H kể. Để rồi giờ đây, chị không dám gặp ai, nhất là người thân, bạn bè - những người từng biết chị tham gia vào mạng lưới đa cấp của Liên Kết Việt tại Đà Nẵng, vì đau đớn, tuyệt vọng, tủi hổ. Giờ đây, chị phải chạy trốn vào tận TPHCM để sống ẩn mình. Bao mối quan hệ giao du bình thường như bao người của chị bị quả đắng đa cấp cướp mất.
“Phải mất khá nhiều thời gian khoảng trống ấy mới được khỏa lấp, nhưng nó ám ảnh, đeo đẳng tôi đến cuối đời” - chị H nói.
Cơ chế quản lý “chạy” không kịp đa cấp biến tướng
Đà Nẵng cũng không hơn các tỉnh, thành khác về thực trạng không thể quản lý nổi hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Trong tổng số 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên cả nước, Đà Nẵng có đến hơn 30 doanh nghiệp thông báo hoạt động nhưng chỉ có 8 công ty có chi nhánh, văn phòng đại diện, còn lại hoạt dưới hình thức đại lý ký gửi hàng hóa.
Ông Trương Văn Quý (Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng) - thừa nhận, không thể quản lý nổi hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp tại địa bàn. “Họ cứ đến đây hoạt động ít bữa rồi đi. Ngoài một số ít đơn vị đăng ký hoạt động chúng tôi kiểm tra, giám sát được về phần nổi tư cách pháp nhân, nhãn mác hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm, còn phần chìm của nó thì không thể quản được”.
Theo ông Quý thì chỉ những trường hợp báo chí tin đưa rộ lên thì lực lượng quản lý thị trường mới đi kiểm tra - kiểu như “đánh du kích”. Ông Nguyễn Nho Hậu - Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng - cho hay: “Cơ chế quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay không “chạy” kịp tốc độ phát triển của loại hình kinh doanh đa cấp. Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cũng chỉ nói chung chung, không rõ ràng, cụ thể để có thể răn đe được doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Và đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng chưa từng có đợt phối hợp nào cùng với lực lượng QLTT Đà Nẵng kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động tại địa phương…”.
Trong năm 2015, qua kiểm tra 8 chi nhánh bán hàng đa cấp, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã xử phạt hành chính 7 đơn vị, trong đó, riêng công ty Thiên Ngọc Minh Uy, theo điều tra của PV, ngoài chi nhánh, công ty này còn hình thành ít nhất 12 điểm ký gửi sản phẩm tự phát tại Đà Nẵng. Ngoài vi phạm về nhãn mác hàng hóa, công ty này tự tiện tổ chức hội nghị không phép tại các khách sạn với lượng thành viên tham gia lên đến hàng nghìn người.
Còn Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46, Công an TP.Đà Nẵng) cho biết, trong năm 2015, đơn vị này cũng chưa kiểm tra, xử phạt được chi nhánh nào và chỉ nắm danh sách, theo dõi. Thiếu tá Huỳnh Đức Tuấn - Đội trưởng Đội 2 (PC 46, CA TP.Đà Nẵng) nói: “Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra khi có phản ánh hoặc đơn từ tố cáo của người tham gia vào các công ty, còn lại không thể kiểm tra nếu không phát hiện vi phạm”.
Gia Lai, “bạch tuộc” đa cấp vẫn vươn vòi
Sau khi bị Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công thương) xử phạt 240 triệu đồng, Công ty Thiên Ngọc 3 (địa chỉ 199F/Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku, Gia Lai) đã đổi tên thành Thiên Ngọc Gia Lai (TNGL), đặt trụ sở tại 844/Trường Chinh, Tổ 1, P.Chi Lăng, TP.Pleiku (Gia Lai). Sáng 3.3, công ty này tổ chức lôi kéo hàng trăm người dự một cuộc họp để “xốc lại tinh thần”. Nhân viên ở đây nói với chúng tôi: Nếu là người của công ty thì sẽ có thu nhập 200-300 triệu đồng/tháng (!?).
Cuộc họp được bắt đầu với lần lượt từng người hô hào “khẩu hiệu” do công ty đặt ra. Một người phụ nữ lên tiếng: “Tên tôi là Lê Thị Dung. Các bạn là sức mạnh của tôi”. Bên dưới hàng trăm người đồng loạt hô theo “Lê Thị Dung” 3 lần, kèm những tràng vỗ tay như pháo nổ. Một người khác tiếp lời: “Tôi là nhân viên kinh doanh đến từ thị trường Gia Lai. Tên tôi là Lê Thị Thu”.
Nói xong, người phụ nữ này hô tiếp: “Các bạn là sức mạnh của tôi”. Kế đến, một người đàn ông bước lên, hí hửng: “Xin chào tất cả người nhà Thiên Ngọc. Tên tôi là Phan Xuân Tươi. Tất các các bạn là niềm tin, là sức mạnh của tôi”. Cứ thế, người lên sau ôm hôn người lên trước, rồi hét vang khẩu hiệu tương tự.
Thấy “thành viên” lạ, một người phụ nữ mời phóng viên ra “uống trà, nói chuyện” rồi đóng sập cửa phòng họp. Người này giới thiệu tên Bùi Thị Bích (SN 1986, trú huyện Lương Sơn, Hòa Bình), có 4 năm hoạt động tại TNGL. “Công ty có trên 600 cơ sở trên toàn quốc. Thành lập năm 2000 và đã hoạt động 16 năm”. Vừa nói xong, thấy một người đàn ông bước vào, Bích giới thiệu với chúng tôi: “Đây là chú Nguyễn Trọng Tấn, trước đây là Đội trưởng Đội CSGT. Giờ chú nghỉ hưu rồi. Nhân viên của công ty toàn là cán bộ, viên chức nhà nước cả. Ai muốn tham gia vào công phải có người của công ty giới thiệu. Nếu người giới thiệu vắng mặt thì phải có mã số vi tính và giấy chứng minh nhân dân của người đó. Quy định của công ty là vậy”.
Bích khoe , ở Tây Nguyên, có 35 cơ sở đại lý. Riêng Gia Lai ngoài cơ sở tại đây, còn có hai cơ sở ở 891A/Hùng Vương, TT.Chư Sê, huyện Chư Sê và 358/Quang Trung, P.An Phú, TX.An Khê. Trên cả nước, mỗi tỉnh ít nhất phải có 1 cơ sở. Mỗi thành viên phải mua sản phẩm từ 6- 7 triệu đồng, sau đó “giới thiệu bạn bè mua hàng”. Mỗi người tham gia công ty đều có 1 mã số, và không ai giống ai. “Ở Cty của mình cũng nhiều bạn trẻ sinh năm 1993, 1994... và rất thành công. Thu nhập mấy chục triệu một tháng, cao nhất thì 200-300 triệu/tháng” - Bích mớm lời.
Về việc chuyển trụ sở từ 199F/Phạm Văn Đồng sang 844/Trường Chinh (TP.Pleiku), nhân viên công ty phân bua trí trá: “Do cơ cở hạ tầng xuống cấp không đủ điều kiện để thuê nữa nên chuyển xuống đây và lấy tên khác. Tại trụ sở 844/Trường Chinh này, hiện rất nhiều đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, áo quần... được trưng trong tủ kính với giá từ 5-12 triệu đồng. Trên từng sản phẩm đều in logo và tên Thiên Ngọc Minh Uy, ghi rõ hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan.
Trao đổi với chúng tôi về mức thu nhập 300 triệu/tháng của nhân viên công ty TNMU, Phó GĐ sở Công thương Gia Lai - Nguyễn Tấn Thành - nhận định: “Lừa đảo mới có nhiều lương như vậy. Ví dụ như một mặt hàng giá 500.000 đồng nhưng bán với giá 10 triệu thì chênh lệch như vậy, nó lấy số tiền đó trả cho những anh dẫn dắt để mà bán cho được sản phẩm đó. Nhưng tại sao người ta mua? Vì nó hứa, nó hẹn sau bao nhiêu tháng đó nhận được bao nhiêu triệu, gấp mấy lần số tiền mình mua, nhưng chờ hoài thì không có”. Ông Thành cho biết, sắp tới sẽ có báo cáo trình UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Công an tỉnh và sở Công thương chỉ đạo CCQLTT vào cuộc, theo dõi các công ty đa cấp trên địa bàn.
Ngày 3.3, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, liên quan đến việc công ty Liên Kết Việt lừa đảo bị Bộ Công an phanh phui, tại Kon Tum, công ty này đã mở một đại lý ký gửi hàng hóa tại địa chỉ 63 Lê Hồng Phong, TP.Kon Tum do Trần Văn Trọng làm Trưởng đại diện. Trọng đã lôi kéo nhiều người tham gia với tổng số tiền thu về lên đến 1,6 tỉ đồng. CA tỉnh Kon Tum thông báo những ai đã từng tham gia và nộp tiền vào đại lý ký gửi trên thì làm đơn trình báo, gặp đồng chí Thúy (Sdt: 0905219949) để phối hợp điều tra. Chi Cục trưởng CCQLTT Gia Lai - Lê Hồng Hà - cho biết, tại Gia Lai rất may không có đại lý của công ty Liên Kết Việt.
Theo Nhiệt Băng - Đình Văn
Lao động