Lo Việt Nam tụt hậu cạnh tranh với láng giềng
Nỗi sợ Dung Quất, món nợ lọc dầu
Thừa sữa nguyên liệu – nghịch lý và… vô lý
2 tháng đầu năm tiêu thụ trên 9 triệu tấn xi măng
Khẩn trương thu xếp cho chuyến thăm Việt Nam của ông Obama
Tin trong nước đọc nhanh 04-03-2016
- Cập nhật : 04/03/2016
Tổng thầu Trung Quốc xin lỗi vì dự án Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ
Tại cuộc họp tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiều 2/3, ông Dư Giang (đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc tại Việt Nam) thừa nhận tiến độ thi công chậm so với yêu cầu đặt ra. Các ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông đã chậm từ 9 đến 22 ngày so với tiến độ đề ra. Công tác lao dầm cũng đang chậm so với kế hoạch. Công tác đúc dầm sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm nay... Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là Tổng thầu đang thiếu tiền để triển khai. Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường liên tục đặt câu hỏi: "Các ông cam kết đảm bảo năng lực thi công, năng lực tài chính cho dự án. Bây giờ nói thiếu tiền nên dự án bị chậm, vậy các ông định giải quyết như thế nào?".
Ông Dư Giang đã xin lỗi vì sự chậm trễ và cho biết, hiện nay việc xin tăng 19 triệu USD tổng mức đầu tư chưa được phía Trung Quốc chấp thuận nên không có tiền để giải ngân, gây khó khăn cho công tác triển khai dự án. Ông cũng khẳng định phía Tổng thầu Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết phần tạm ứng 19 triệu USD.
Cũng theo ông Dư Giang, ngày 6/3, ông Chu Hằng Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 sang Việt Nam làm việc với Bộ Giao thông Vận tải thì sẽ có những trao đổi rõ ràng hơn về việc chuyển tiền cho dự án. Cùng đó, Tổng thầu sẽ làm việc thêm với các bộ ngành Trung Quốc để có biện pháp hỗ trợ giải ngân.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến ngày 29/2, Tổng thầu nợ các nhà thầu phụ Việt Nam khoảng 554 tỷ đồng. Việc nợ đọng này đã gây khó khăn cho các thầu phụ thi công và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ.
Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là Tổng thầu thiếu tiền, Trung Quốc đang siết dòng tiền ra nước ngoài trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đối với các nhà thầu vụ, hiện máy móc, nhân lực đã bố trí đầy đủ trên công trường, nhưng chỉ thiếu tiền để triển khai thi công.
Vị phó cục trưởng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, ngân hàng Trung Quốc để tìm hướng giải quyết dòng tiền đảm bảo thi công, tránh dự án bị vỡ tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh cuối năm 2016 dự án phải kết thúc và đưa tuyến đường sắt đi vào vận hành. Ông yêu cầu Tổng thầu, nhà thầu phụ phải chốt tiến độ, hoàn thành cơ bản 10 nhà ga vào cuối tháng 4; ga Cát Linh, Văn Khê hoàn thiện vào cuối tháng 7. Các khu Depot hoàn thành vào tháng 9; từ tháng 6 trở đi tiến hành làm ray và tà vẹt để hoàn thiện đường chạy tàu, hệ thống điện; song song với đó là kế hoạch đưa đoàn tàu về Việt Nam.
Sau cuộc họp Bộ Giao thông sẽ có văn bản gửi Cục 6 Đường sắt Trung Quốc yêu cầu lãnh đạo sang Việt Nam điều hành dự án và họp giao ban để giải quyết tình hình tài chính của Tổng thầu đang gây khó khăn cho dự án.
Việt - Lào hoàn tất tôn tạo hệ thống hơn 1.000 mốc quốc giới
Ông Hồ Xuân Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, hôm nay cùng người đồng cấp Lào là ông Saleumxay Kommasith, đánh giá cao việc hai nước vừa hoàn thành dự án tôn tạo hệ thống mốc giới, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Bắt đầu từ 2008, Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đến nay góp phần tạo dựng đường biên giới giữa hai nước ổn định, rõ ràng, dễ nhận biết. Hệ thống mốc giới hiện đại này gồm 905 vị trí mốc giới và cọc dấu, tương ứng với 1.002 cột mốc và cọc dấu.
Ông Sơn và ông Kommasith nhất trí kiến nghị chính phủ hai nước sớm tổ chức Lễ tổng kết hoàn thành Dự án. Hai nước cũng cần ký hai văn kiện là Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền.
Các ý kiến của hai chủ tịch Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt - Lào được nêu ra trong cuộc họp hẹp diễn ra trong hai ngày 1/3 và 2/3 tại Hà Nội. Đại diện hai nước cũng cho rằng công tác quản lý biên giới trong năm ngoái đạt được nhiều kết quả, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên toàn tuyến biên giới. Việc hợp tác giữa các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương ở các tỉnh biên giới, các lực lượng quản lý biên giới tiếp tục tăng cường, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Sơn và ông Kommasith đã thống nhất nội dung, kế hoạch, chương trình công tác quản lý biên giới năm 2016 và thúc đẩy thực hiện Thoả thuận giữa chính phủ hai nước về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Hai ông cũng đã ký các Phụ lục đính kèm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức, sắp xếp lại nhiều cơ quan chuyên môn thuộc TP.HCM
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố vào cơ cấu tổ chức Sở Giao thông vận tải, bảo đảm không tăng số lượng đầu mối tổ chức của Sở.
Về số lượng Phó Giám đốc Sở và số lượng cấp Phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; con dấu, tài khoản cơ quan chuyên môn cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Thông tư hướng dẫn thi hành.
Về chuyển đổi Văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS thành Trung tâm Phòng chống AIDS thuộc Sở Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức lại Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố, Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố và Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành các đơn vị sự nghiệp phù hợp với Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp theo hướng là tổ chức phối hợp liên ngành, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Về chức năng, nhiệm vụ của các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, đánh giá việc triển khai quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn trên địa bàn Thành phố, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề xuất bỏ một trạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Ngày 3-3, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đã đề xuất Bộ GTVT bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên bằng giải pháp thu phí liên thông giữa hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Theo VEC, tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công ngày 7-1-2006 và thông xe toàn tuyến (giai đoạn 1) ngày 30-6-2012. Tính đến nay tuyến cao tốc này đã phục vụ khoảng 26 triệu lượt phương tiện, đảm bảo an toàn, hiệu quả, giao thông thông suốt.
Trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện có bốn trạm thu phí: Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ. Trong đó, Trạm thu phí Đại Xuyên là trạm thu phí “yết hầu” trên tuyến, vào những ngày nghỉ, lễ, tết… Tại đây mật độ phương tiện lưu thông qua rất lớn nên mặc dù đã được mở tới 11 cửa thu phí nhưng thường xuyên xảy ra ùn ứ phương tiện giao thông.
Kể từ 30-9-2013, VEC đã đưa thẻ điện tử (thẻ RFID) vào sử dụng tại tất cả trạm thu phí trên toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, do Trạm thu phí Đại Xuyên là trạm thu phí dùng chung giữa hai đơn vị là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (vẫn sử dụng vé giấy thông thường) và VEC nên quy trình thu phí ở đây qua nhiều công đoạn khiến phương tiện phải dừng tại trạm lâu hơn, kéo theo dồn ứ phương tiện.
Để giải quyết cơ bản vấn đề này, trước mắt VEC đã đề xuất với Bộ GTVT bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên bằng giải pháp thu phí liên thông giữa hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Về lâu dài, VEC cũng đã đề xuất Bộ GTVT triển khai dự án thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai theo mô hình xã hội hóa.
35 km đường ở Sài Gòn sắp bị đào
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM (chủ đầu tư), trong tháng 3 có gần 35 km đường bị đào tại 25 tuyến ở quận 4, 8 và 5 để phục vụ công trình dự án cải thiện môi trường nước TP HCM - giai đoạn 2. Trong đó, quận 4 có gần 7 km với 4 tuyến đường; quận 8 có hơn 23 km với 20 tuyến đường và quận 5 có gần 5 km.Dự án nhằm đưa toàn bộ tuyến cống nước thải vào tuyến cống thu gom chính đưa về Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Công trình này cũng được cho là góp phần làm giảm ô nhiễm trên kênh Bến Nghé, Tàu Hủ, kênh Đôi và kênh Tẻ.
Biện pháp thi công sử dụng robot kích ngầm kỳ vọng hạn chế kẹt xe vì it chiếm diện tích mặt đường. Ảnh minh họa: UDC
Công trình dự kiến sẽ thi công trong 36 tháng do liên danh gồm 2 nhà thầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đảm trách.
Để hạn chế kẹt xe, các nhà thầu sẽ thi công hơn 24 km bằng thiết bị robot kích cống ngầm ở độ sâu trên 5 m để lắp đặt cống thoát nước (đường kính 300-1.800mm); khoảng 9 km đường sẽ thi công đào hở ở độ sâu dưới 5 m. Phần còn lại xây dựng 183 giếng tách dòng thu gom nước thải và 240 hố ga.
Theo chủ đầu tư, biện pháp thi công sử dụng robot kích ngầm sẽ hạn chế kẹt xe vì ít chiếm diện tích mặt đường so với thi công đào hở. Theo đó, thi công kích cống ngầm trên đoạn đường dài khoảng 200-300 m chỉ rào chắn ở ba vị trí với diện tích khoảng 70-100 m2 mỗi vị trí.
Bên cạnh đó, các nhà thầu sẽ không thi công đồng loạt 25 tuyến đường mà làm từng khu vực để giảm thiểu kẹt xe.
Tuyến đường sử dụng robot kích ngầm: đường phường 1, Nguyễn Tất Thành, Bến Vân Đồn, Hoài Thanh, Nguyễn Duy, Phạm Thế Hiển.
Các tuyến sử dụng robot kích ngầm có kết hợp thi công đào hở gồm: Tôn Thất Thuyết, Bình Đông, đường 1107, Cao Lỗ, Âu Dương Lân, Dương Bá Trạc.
Hình thức thi công đào hở ở các đường Ba Đình, Nguyễn Quyền, Tùng Thiện Vương, Hoàng Sĩ Khải, Ngô Sĩ Liên, Phong Phú, Dã Tượng, Bùi Huy Bích, Hưng Phú, Bông Sao, Tạ Quang Bửu.