Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp chủ tịch Trung Quốc
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đề nghị Trung Quốc không quân sự hóa, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (phải) hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay tiếp ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Bắc Kinh.
Cùng dự về phía Trung Quốc có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và ông Tống Đào, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân chuyển tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông điệp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn ông Tập Cận Bình đã gửi thư mừng và cử đặc phái viên sang chúc mừng thành công của Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng thời, thông điệp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ mong muốn hai bên thực hiện nhất quán nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, tăng cường trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.
Ông Hoàng Bình Quân giới thiệu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kết quả tốt đẹp của Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc trong thời gian tới.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương khẳng định Việt Nam sẽ kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Ông bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp thực hiện tốt các nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và các thỏa thuận đã đạt được, nỗ lực đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt - Trung ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu lại làm Tổng bí thư khóa XII. Ông Tập cho rằng thắng lợi của Đại hội XII tạo nền tảng chính trị và tổ chức vững chắc cho công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam là phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ Việt - Trung, nguyện kiên trì trước sau như một phát triển quan hệ lâu dài, bền vững với Việt Nam theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.
Ông Tập còn bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi cấp cao, thúc đẩy hợp tác chiến lược, thực chất, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kiểm soát tốt bất đồng. Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Trước đó, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã hội đàm với ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc để thông báo với phía Trung Quốc về kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII.
Tại hội đàm, hai bên tập trung trao đổi ý kiến về các biện pháp thúc đẩy phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới, trong đó có việc tăng cường trao đổi cấp cao, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác, tăng cường giao lưu hợp tác.
Bày tỏ quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đề nghị hai bên cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước và các thỏa thuận đã đạt được.
Ông Hoàng Bình Quân cũng đề nghị hai bên không tiến hành các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; không quân sự hóa; cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; giải quyết thỏa đáng những bất đồng bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực.
Ngoài ra, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cũng có cuộc gặp với ông Vương Gia Thụy, Ủy viên Trung ương đảng, Phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc. (Theo TTXVN)
Resort 4 sao xây trái phép ở Vườn quốc gia Ba Vì
Tọa lạc ở độ cao 600 m giữa Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), khu nghỉ dưỡng bề thế với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi... được phát hiện xây dựng không phép.
Ngày 29/2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có văn bản yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn kiểm tra làm rõ việc thi công công trình trái phép ở Vườn quốc gia Ba Vì và báo cáo trước ngày 4/3."Tổng cục chỉ đạo Vườn quốc gia yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công công trình trái phép từ ngày 1/3/2016", văn bản nêu.
Khu resort được xây dựng ở Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Lao Động.
Công trình mang tên Le Mont Bavi Resort&Spa do Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) sắp đi vào hoạt động thì bị phát hiện là chưa được phê duyệt dự án và chưa có giấy phép xây dựng. Công trình này tọa lạc ở độ cao 600 m giữa Vườn Quốc gia Ba Vì, là khu nghỉ dưỡng 4 sao bề thế, với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi...
Khu resort trên nằm ở vị trí quốc phòng quan trọng và sắp đưa vào hoạt động nhưng khi được hỏi, Ban chỉ huy quân sự địa phương không hay biết. "Dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi động nên tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào. Khi nào có văn bản cụ thể, đơn vị này sẽ dựa trên quy hoạch chi tiết để xem xét có ảnh hưởng gì đến quốc phòng không mới đưa ra quyết định cuối cùng", Báo Lao Động dẫn lời Thượng tá Hoàng Văn Quy - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch huyện Ba Vì cho biết, dự án trên không thuộc thẩm quyền của huyện quản lý nên chưa nắm rõ sự việc.
Vườn quốc gia Ba Vì có tổng diện tích hơn 10.000 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình cách trung tâm thủ đô 60 km về phía tây.
Không duyệt xây tháp truyền hình nếu không hiệu quả
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Khắc Định cho biết kế hoạch xây dựng tháp truyền hình của VTV vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chỉ được xem xét dựa trên hiệu quả thực tế.
Thông tin nêu trên được đưa ra tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 29/2, khi dư luận đặc biệt quan tâm tới kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao kỷ lục - 636m của Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Công trình được cho là có vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD đứng trước nhiều câu hỏi về tính hiệu quả, khả năng huy động vốn, vai trò chức năng của chủ đầu tư cũng như mức độ phù hợp với điều kiện công nghệ hiện nay...Trước những câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Khắc Định cho biết chủ trương xây tháp truyền hình đã có từ Đại hôi Đảng VIII. Đến năm 1995, trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát thanh - truyền hình có nhắc tới việc xây dựng tháp. Khi đó, công trình này được xác định là đa mục tiêu, ngoài phục vụ truyền hình còn là điểm nhấn du lịch, phát triển thương mại...
Nếu được xây dựng, tháp truyền hình Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn tháp Sky Tree ở Tokyo (Nhật Bản).
Đến 1997, VTV trình phương án tháp cao 350m, song do ngân sách khó khăn khi đó, thường trực Chính phủ đã bàn nhiều lần, quyết định dừng lại, ưu tiêu các mục tiêu khác. Tới 2013, Đài truyền hình tiếp tục trình chủ trương như quy hoạch 1995.
Khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng và thành phố Hà Nội cho ý kiến, thống nhất với VTV về việc trình phương án xây tháp đa mục tiêu, tạo điểm nhấn cảnh quan, không dùng ngân sách, đảm bảo lợi ích cho người dân, thành phố và phục vụ du lịch… Thủ tướng theo đó đã đồng ý về chủ trương, giao VTV xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư, mời tư vấn nước ngoài thực hiện.
Cũng theo ông Định, ở đề án nêu trên, VTV có đề xuất một số cơ chế chính sách, nhưng Thủ tướng yêu cầu cơ quan này cùng các bộ làm dự án tiền khả thi, bao gồm tất cả các vấn đề để xem xét.
"Cái gì thuộc các bộ thì bộ xử lý, cái gì vượt thì trình Thủ tướng. Dự án đang trong giai đoạn tiền khả thi, sau khi có sẽ giao các bộ thẩm định, trình lên. Nếu không hiệu quả thì chắc chắn Thủ tướng không phê duyệt", ông Định nói. Tuy vậy, vị này cũng cho rằng nếu sử dụng vốn xã hội hóa, thành phố Hà Nội lại có công trình cao 636, thu hút khách du lịch thì các bên đều có lợi, đạt được mục tiêu.
Trước đó, từ đầu năm 2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng, đồng ý cho VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Thông tin sau đó cho biết bên thứ 3 tham gia vào dự án là BRG - tập đoàn tư nhân chuyên đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực sân golf và tài chính - ngân hàng.
VTV dẫn lời phát biểu của Tổng giám đốc Trần Bình Minh cho hay độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m). Nguồn tin từ chủ đầu tư sau đó cho hay bản thiết kế tháp truyền hình Việt Nam đang được Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) xây dựng và dự kiến trình hội đồng chủ đầu tư trong năm 2015.
Nhiều thực tập sinh Việt Nam bị trục xuất khỏi Nhật Bản
Ngày 29-2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết phía Nhật bản vừa trục xuất thực tập sinh của Việt Nam vì tự ý bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Bốn người Việt Nam gồm Trần Vân Anh, Vũ Ba Ban, Phạm Anh Tuấn và Bàn Phúc An. Bốn lao động trên đã bị cảnh sát TP Aizu Bange tỉnh Fukushima (Nhật Bản) bắt giữ ngày 27-1 trong khi đang làm việc tại một nhà máy thuộc TP Aizu Bange.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết thời gian qua đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát triển và ổn định thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Một trong các biện pháp mà Cục đã thực hiện là khuyến cáo người lao động nên tuân thủ luật pháp khi làm việc tại Nhật, không nên nhập cảnh trái phép với mục đích sang Nhật tìm việc bằng các con đường không chính thống khác như đi du học, du lịch trá hình rồi bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Tuyển lao động đi làm việc Nhật Bản.
Ngay cả những trường hợp lao động đi theo chương trình thực tập kỹ năng hợp pháp nên về nước đúng hạn để tránh những rủi ro đáng tiếc như làm việc nặng nhọc, điều kiện làm việc không đảm bảo, không được hưởng bảo hiểm, không được trả lương thỏa đáng, không được pháp luật bảo vệ và bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt giữ, trục xuất và không có cơ hội quay trở lại làm việc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho rằng thời gian gần đây tình trạng lao động Việt Nam nhập cảnh và cư trú, làm việc bất hợp pháp đang làm ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam cũng như các chương trình hợp tác giữa hai nước.
Năm 2015, Việt Nam đã đưa được hơn 27.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản (chiếm 23,23% tổng số lao động đi xuất khẩu lao động của năm và tăng 136,6% so với năm 2014). Cho đến nay Việt Nam đã đưa được 100.000 lao động sang làm việc tại Nhật.
Đặc biệt, từ năm 2014 Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý mở rộng tăng từ 68 lên 71 lĩnh vực ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam. Trong năm 2016, Nhật Bản được coi là thị trường trọng điểm trong ngành xuất khẩu lao động do lượng tuyển dụng lao động Việt Nam tăng và mức thu nhập cao mà thị trường này mang lại.
Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm lại ba thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm lại ba thứ trưởng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Lê Hoài Trung giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ nhiệm lại hai thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là ông Nguyễn Minh Hồng, ông Nguyễn Thành Hưng.
Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ nhiệm lại ông Lê Hoài Trung giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thay ông Trần Xuân Hà.
(
Tinkinhte
tổng hợp)