tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 04-12-2015

  • Cập nhật : 04/12/2015

Nông nghiệp công nghệ cao trở thành 'làn sóng mới'

ngay cang nhieu doanh nghiep dau tu phat trien nong nghiep cong nghe cao - anh: ngoc minh

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: Ngọc Minh


Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Bộ NN-PTNT bình chọn là 1 trong 10 vấn đề nổi bật của nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2010-2015.

Theo Bộ NN-PTNT, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đã trở thành “làn sóng mới” trong lĩnh vực nông nghiệp. Với tiềm lực về vốn, kinh nghiệm thương trường, được sự giúp sức của các nhà khoa học…, các doanh nghiệp lớn tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chú trọng áp dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học..., đang tạo ra những sản phẩm chất lượng, được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, bước đầu cạnh tranh được với hàng hóa nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu.
Các vấn đề nổi bật khác được Bộ NN-PTNT bình chọn như: xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỉ USD vào năm 2014 với 10 loại nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD/năm; hình ảnh những cán bộ Kiểm ngư anh dũng đấu tranh trên biển đã khích lệ lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện; Quốc hội thông qua chủ trương giữ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa; ban hành thông tư liên tịch về “kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính” trong Ngành NN-PTNT đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc hệ thống cũng là những vấn đề nổi bật trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015.
Các sự kiện nổi bật còn lại gồm: nguồn vốn ODA huy động trong nông nghiệp, nông thôn đạt mức kỷ lục với hơn 2,7 tỉ USD trong 5 năm qua; Quốc hội thông qua nhiều bộ luật nhất về lĩnh vực nông nghiệp như luật Phòng chống chống thiên tai, luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, luật Thú y; chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách có hiệu quả rõ rệt nhất đối với việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay.

Hà Nội sẽ khoán định mức sử dụng xe công

Theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2016 của Hà Nội sẽ có danh mục khoán định mức sử dụng xe công.

Ngày 2/12, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV, đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016 của TP.

Theo tờ trình của UBND TP do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trình bày tại kỳ họp, năm 2016, UBND TP xây dựng dự toán thu bằng số dự toán Chính phủ giao, bằng 115,6% số ước thực hiện năm 2015 (Chính phủ giao 169.420 tỷ đồng, tăng 19,6% dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2015).

Một trong những giải pháp nhằm "tăng thu, giảm chi" được UBND TP đưa ra trong năm 2016 là "tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ công của TP. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đề nghị UBND TP trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài sản nhà nước năm 2016 cần có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất, nhà chuyên dùng, thực hiện các phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo hướng tăng cường bán đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất.

"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiến nghị qua giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tập trung vào lĩnh vực đất đai, tài sản trên đất, quỹ nhà chuyên dùng, mua sắm ô tô, trang thiết bị y tế" - báo cáo thẩm tra nêu.

Trong phần thảo luận về tờ trình của UBND TP, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công ngày càng khó khăn, vẫn có những nội dung ít được bàn thấu đáo, đó là vấn đề quản lý tài sản công hiện nay.

Ông Nam cho biết, trong báo cáo của UBND TP có nêu ra tồn tại về quản lý tài sản công và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đã lưu ý nhưng việc này chưa được TP  đánh giá đầy đủ về những tồn tại hạn chế.

"Đặc biệt là những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà sở hữu của nhà nước như sử dụng lãng phí, thậm chí còn có hiện tượng cho thuê lại lấy chênh lệch giá hoặc cho thuê không thu tiền. Mang nguồn lực của nhà nước đi đầu tư nhưng không có hiệu quả.  Không những không khắc phục mà các vi phạm ngày càng nghiêm trọng" - ông Nam nói.

Trưởng ban Pháp chế nhấn mạnh, UBND TP cần phải xử lý kết luận giám sát của HĐND chứ không thể dừng lại ở việc "tăng cường kiểm tra, giám sát".

Đại biểu Nam đề nghị khoản 5 của dự thảo Nghị quyết phải bổ sung giải pháp về quản lý tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm khắc những sai phạm về quản lý tài sản công. Đồng thời TP cần có đề án khoán kinh phí sử dụng ôtô.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Nam, chủ tọa phiên họp  - ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất việc đưa đề án khoán kinh phí sử dụng ôtô vào Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP 2016 của Hà Nội .

Với tỷ lệ 88,04% đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016.

Định mức sử dụng xe công của lãnh đạo TP Hà Nội

Quyết định 32/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 4/8, quy định rõ về tiêu chuẩn định mức xe công cho các chức danh.

Các chức danh của TP Hà Nội: Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một ôtô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.

Các chức danh Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ được sử dụng ôtô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.


TP HCM: Hỗ trợ tiêu thụ muối tồn đọng cho diêm dân

UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương hỗ trợ tiêu thụ muối tồn đọng cho người làm muối huyện Cần Giờ trong niên vụ 2015 với sản lượng cần thu mua không quá 30.000 tấn muối trải bạt trên diện tích sản xuất muối theo quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, TP sẽ thu mua theo giá sàn (gồm giá thành sản xuất, hỗ trợ 30% lãi trên giá thành sản xuất và chi phí vận chuyển từ ruộng đến kho của Cty CP Tập đoàn muối miền Nam) là 934 đ/kg; cấp bù 100% phần chênh lệch giữa giá sàn thu mua và giá thu mua của Cty này từ ngân sách TP là 234 đ/kg.

UBND huyện Cần Giờ có trách nhiệm hỗ trợ chi phí vận chuyển từ ruộng đến kho của Cty CP Tập đoàn muối miền Nam theo giá cước thực tế nhưng không quá 150 đ/kg; xác định sản lượng thu mua muối của Cty này và thanh toán kinh phí cấp bù phần chênh lệch cho người làm muối theo thực tế.


Sản lượng cà phê nhân của Đắk Lắk giảm năm thứ 2 liên tiếp

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, niên vụ càphê năm 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạt khoảng 440.000 tấn càphê nhân, giảm trên 14.000 tấn so với niên vụ 2014-2015.

Như vậy, liên tiếp trong 2 năm liền, tỉnh Đắk Lắk đều giảm năng suất, sản lượng càphê và không đạt kế hoạch.

Nguyên nhân giảm năng suất, sản lượng do nắng hạn kéo dài khiến trên 47.835ha càphê thiếu nước tưới, khô cành, rụng quả. Thậm chí, nhiều địa bàn trọng điểm càphê có hàng nghìn hécta càphê đang trong thời kỳ kinh doanh thiếu nước tưới bị chết khô.

Mặt khác, diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh trên địa bàn chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Diện tích trồng bằng các giống không được chọn lọc, năng suất thấp, kích thước quả nhỏ, không đồng đều còn khá phổ biến…

Hiện các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tập trung lao động, phương tiện để càphê chín đến đâu thu hoạch đến đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng càphê.

Theo kế hoạch, niên vụ càphê 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu trên 250.000 tấn càphê nhân, tăng hơn niên vụ trước trên 82.900 tấn càphê nhân.

Đắk Lắk chủ trương không tăng diện tích càphê ngoài quy hoạch, tập trung nâng cao nhận thức cho các nông hộ, doanh nghiệp về sản xuất càphê bền vững, gắn liền với lợi ích kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích nông dân thâm canh càphê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất càphê có chứng chỉ; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu càphê, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất càphê.

Tỉnh rà soát, phân loại, xác định diện tích càphê tái canh, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện phương án tái canh…

Địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu càphê theo hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm càphê đảm bảo chất lượng an toàn, có chứng chỉ.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước…

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 200.000ha càphê, giảm 3.746ha; trong đó, gần 193.000ha càphê kinh doanh./.


23 hang động mới được phát hiện ở Quảng Ninh

Sau một tuần khảo sát ở hai vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (Quảng Ninh), cơ quan chức năng phát hiện thấy 23 hang động mới, trong đó 18 động có giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ. 
di san thien nhien the gioi vinh ha long nhin tu tu thuy phi co. anh: quy doan

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nhìn từ từ thủy phi cơ. Ảnh: Qúy Đoàn

Từ 23 đến 30/11, Ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đợt khảo sát, tìm kiếm ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, phát hiện 23 hang động mới.

Bà ​Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, trong đó có 18 hang động được đánh giá có giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ. Số mới phát hiện này sẽ bổ sung cơ sở dữ liệu và nguồn tài nguyên du lịch để Ban quản lý vịnh Hạ Long thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. 

"Thời gian tới, Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ công bố cụ thể giá trị, tọa độ của các hang động mới phát hiện sau khi nghiên cứu, đo vẽ chi tiết và chính thức đề xuất với cơ quan chức năng xem hang động nào cần được bảo tồn để nghiên cứu khoa học, hang nào đưa vào khai thác du lịch", bà Dương nói.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục