tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 06-12-2015

  • Cập nhật : 06/12/2015

Giao dịch thực phẩm chức năng giả tại... quán cà phê

Ngày 4-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổng kết đợt phát động cao điểm chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (DP, TPCN, MP) từ ngày 15-7 đến 15-10.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389, hoạt động sản xuất, kinh doanh DP, TPCN, MP giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường không sản xuất tập trung với số lượng lớn, không có nhà máy, cơ sở sản xuất quy mô mà nhập nguyên liệu về xé lẻ, chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ đến đó.

Thậm chí, không cho người mua hàng đến nơi sản xuất để nhận hàng mà hẹn điểm giao thường là quán cà phê, cơ quan, nơi đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến giao tận tay nhằm tránh sự phát hiện của người mua và báo cơ quan chức năng.

Thông thường, đối tượng thuê địa điểm đóng gói hoàn thiện hoặc sản xuất là nơi hẻo lánh, khu đô thị mới, thuê phòng trọ và chỉ thuê trong thời gian ngắn rồi đổi địa điểm sản xuất nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

thuc pham chuc nang khong ro nguon goc bi luc luong cong an tp ha noi bat giu anh: ngoc dung

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc bị lực lượng Công an TP Hà Nội bắt giữ Ảnh: NGỌC DUNG

Theo thống kê, từ ngày 15-7 đến 15-10, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan đến DP, TPCN, MP. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 22 tỉ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy gần 20 tỉ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy gần 15 tỉ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.


Nhật sẵn sàng giúp Việt Nam tăng năng lực thực thi pháp luật biển

 Nhật sẵn sàng đóng góp cho hòa bình thế giới, trong đó có việc giúp Việt Nam và các nước ASEAN đẩy mạnh năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Đây là khẳng định của ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật tại Việt Nam, trong hội thảo “Xây dựng lòng tin ở châu Á” diễn ra ở Hà Nội ngày 4-12 được TTXVN trích lời.

Nhấn mạnh về an ninh khu vực, ông Hiroshi Fukada cho rằng đây là vấn đề đang có sự thay đổi to lớn, nhất là khi căng thẳng đã gia tăng giữa các quốc gia tại khu vực biển Đông. Điều này theo ông đòi hỏi các nước phải nhìn nhận lại vấn đề “xây dựng lòng tin” ở khu vực châu Á hiện tại. “Bất kỳ tranh chấp nào cũng phải giải quyết trên cơ sở pháp luật, các bên không được đe dọa, sử dụng vũ lực mà phải thực hiện qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình” - Đại sứ Nhật tại Việt Nam nói.


Chính phủ chi hơn 361 tỉ đồng xử lý ô nhiễm ở 27 tỉnh

Ngày 5-12, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân bổ 361,76 tỉ đồng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm 2015 để hỗ trợ cho 27 tỉnh thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. 

Theo đó, 27 tỉnh được hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh,  Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Long An,  Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Sóc Trăng.


Việt Nam phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Sáng 5-12, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam - VDPF 2015 với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển năm năm tới 2016-2020 của Việt Nam là phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn năm năm trước (2011-2015) với bốn trụ cột: Tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa phải bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ và cải thiện môi trường sống và thứ tư là phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn. Nếu giai đoạn năm năm 2011-2015 tăng trưởng bình quân gần 6%/năm thì mục tiêu năm năm tới 2016-2020 Việt Nam đưa ra là 6,5%-7%/năm.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho công dân và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.


Hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết từ năm 2014 đến năm 2015, cả nước có hơn 6.000 ha cao su bị chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác như cây ăn trái, khoai mì, tiêu, điều.

Trong đó, tỉnh Bình Phước, Tây Ninh có diện tích chặt bỏ nhiều nhất (mỗi tỉnh là 1.700 ha).

Nguyên nhân là do giá mủ cao su xuống thấp, từ 50.000 đồng/kg ở thời điểm năm 2012, đến nay chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg. Điều này khiến các hộ trồng cao su tiểu điền và doanh nghiệp gặp khó khăn, phải ngưng thu hoạch vì giá mủ bán ra thấp hơn chi phí sản xuất.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm nay đạt 1.401 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu cao su 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục