Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được mở rộng, phát triển, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế.
Tin trong nước đọc nhanh 27-01-2016
- Cập nhật : 27/01/2016
Hàn Quốc bắt, trục xuất môi giới lao động người Việt ở Jeju
Theo báo Sisa Jeju, tòa án địa phương hôm 22/1 phát lệnh bắt giữ và tạm giam một người tại nhà giam Jeju do vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh. Giới chức chưa hé lộ danh tính, mà chỉ cho biết người này 35 tuổi, nhập cảnh vào Jeju từ tháng 3/2015, sau đó lưu trú bất hợp pháp và làm việc tại công trình xây dựng cho tới lúc bị bắt đêm 13/1 tại nơi ở.
Trong quá trình điều tra, người này khai về việc nhận môi giới việc làm cho 5 người Việt Nam để làm công việc xây dựng trên đảo Jeju và kết hợp với môi giới tại Việt Nam thu mỗi người 15.000 USD.
Ngoài ra, một người Việt Nam khác, 41 tuổi, đã bị trục xuất về nước sau khi khai nhận 500 USD/người tiền môi giới từ phía Việt Nam để giới thiệu tìm việc cho ba người Việt trên đảo. Cảnh sát chiều 16/1 phát hiện người môi giới này tại một nhà nghỉ gần ấp Hanlim và trục xuất về nước do vi phạm điều 18 Luật quản lý xuất nhập cảnh.
Theo điều tra, người bị trục xuất sống ở Hàn Quốc 10 năm theo diện thị thực tay nghề không chuyên môn và lạm dụng những mối quen biết tại nước này để làm môi giới. Ngày 14/1, người này nhập cảnh Hàn Quốc từ sân bay Gimhae, sau đó tới đảo Jeju để đưa ba người Việt trong đoàn trốn ra nhà nghỉ tại ấp Hanlim và bị bắt vào ngày 16/1.
Theo điều 18 của Luật quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, người nước ngoài phải có thị thực hợp pháp để làm việc tại Hàn Quốc, không được phép môi giới hay tuyển dụng người khác nếu không có tư cách hợp pháp.
59 người trong đoàn khách du lịch Việt Nam biến mất sau khi tới đảo Jeju hôm 12/1. Giới chức Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 31 người mất tích trong khi những người còn lại đã được tìm thấy và bị trục xuất về nước. Báo Hàn Quốc cho hay kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn thị thực du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất.
Theo thống kê, số người bỏ trốn sau khi du lịch vào Jeju liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2011, số người này là 282, thì năm 2015, con số lên tới 4.353 người, tức tăng gấp 15 lần.
5 người trong gia đình gặp nạn khi đốt lửa sưởi ấm bằng than
Ngày 26/1, Bệnh viện đa khoa Nghệ An cho hay, 4 người trong một gia đình ở thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO) trong tình trạng nguy kịch 4 ngày trước đó đã được cứu sống.
Theo người nhà nạn nhân, tối 21/1 chị Nguyễn Thị Nga (20 tuổi) vừa sinh con thứ hai được một ngày tuổi, vì nhiệt độ quá lạnh nên bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga) đã đốt than củi để xông cho sản phụ, đồng thời sưởi ấm cho người trong nhà.
Bếp than cháy âm ỉ suốt nhiều giờ trong đêm, chừng hơn 5h sáng 22/1, người thân khi mở cửa phòng kín đã phát hiện bà Tiến và chị Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) rơi vào tình trạng khó thở, miệng sùi bọt, cháu bé 18 tháng tuổi (con đầu chị Hạnh) tím tái. Chị Nga cũng rơi vào tình trạng tương tự sau đó vài giờ đồng hồ. Các nạn nhân được xác định bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO) do đốt than sưởi trong phòng kín.Các nạn nhân lập tức được chuyển tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé 18 tháng tuổi đã tử vong tại Bệnh viện Sản nhi do ngộ độc quá nặng. Các bệnh nhân khác được chuyển tới Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Bác sỹ Phạm Xuân Kính, Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, các nạn nhân nhập viện trong tình trạng da niêm mạc tái, kém hồng, rối loạn ý thức...Kết quả xét nghiệm máu đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao.
"Các bệnh nhân được khẩn trương hỗ trợ hô hấp, cho bệnh nhân thở oxy cao áp, truyền dịch", bác sĩ Kính nói.
Bác sỹ cho hay, sức khỏe của các bệnh nhân đã tốt, hôm nay sẽ lần lượt được xuất viện.
Myanmar cứu 14 thuyền viên Việt Nam bị chìm tàu
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, lúc 14h30 ngày 25/1, đơn vị nhận được thông tin từ phao báo nạn nhưng không xác định được vị trí tàu bị chìm. Do thời tiết xấu, Vietnam MRCC đã thông báo cho Trung tâm cứu nạn Myanmar đề nghị triển khai công tác tìm kiếm tàu bị nạn.
Đến chiều cùng ngày, Trung tâm cứu nạn Myanmar thông báo 14 thuyền viên trên tàu của Công ty cổ phần Đông Thiên Phú Miền Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã được cứu. Tàu này đã va chạm với tàu MT Ocean Ospery và chìm trong luồng Yangon lúc 13h30 cùng ngày.
Hiện, 14 thuyền viên được phía Myanmar chăm sóc y tế. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đang phối hợp với phía Myanmar và các cơ quan chức năng Việt Nam để đưa các thuyền viên về nước.
Tuần duyên Đài Loan phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam
Ngày 6/1, hai tàu tuần duyên Đài Loan đã phun vòi rồng, xua đuổi hai tàu đánh cá của Việt Nam, thông cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan hôm nay thừa nhận. AFP dẫn tuyên bố từ phía Đài Loan cho biết hai tàu của Việt Nam khi đó ở khu vực cách đảo Ba Bình khoảng 2,5 hải lý (khoảng 4.600 m) và tuần duyên Đài Loan phun vòi rồng với lý do "lo ngại có thể bị đâm va".
Trong khi đó, theo Tuổi Trẻ, khoảng 7h30 sáng 6/1, trong lúc đang neo đậu tàu cá tại vị trí cách đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khoảng 4 hải lý về phía đông, thuyền trưởng tàu cá QNg 90649 Nguyễn Thanh Biên phát hiện hai tàu tuần duyên Đài Loan màu trắng mang số hiệu PP 10052 và PP 10053 chạy về hướng tàu cá và phun vòi rồng xối xả về phía cabin tàu của ông. Ông cho biết một tàu Đài Loan còn đâm trực diện vào phía mạn phải tàu của ông ba lần. Đến khoảng 8h, khi tàu cá của ông Biên chạy tới cách đảo Sơn Ca chừng hai hải lý, hai tàu Đài Loan mới quay đầu về hướng đảo Ba Bình.
Ba Bình có diện tích gần 0,5 km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép hòn đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây.
Đài Loan hồi tháng 10 xây dựng phi pháp hải đăng chạy năng lượng mặt trời trên đảo Ba Bình, đồng thời còn ngang ngược xây cầu cảng và nâng cấp đường băng dài 1.195m tại đây. Việt Nam nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu Đài Loan ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Ngân hàng cấp tập cho vay tiêu dùng sát Tết
Cả tuần nay, chị Mai, TP HCM cho biết, gần như ngày nào cũng nhận được 3-4 tin nhắn, vài cuộc điện thoại chào mời vay vốn của nhân viên các ngân hàng. "Do đang có nhu cầu trang trí lại nhà cửa đón Tết nên tôi cũng chịu khó tìm hiểu về các gói vay. Tuy nhiên, nhiều khi đang bận mà cứ nghe điện thoại chào mời vay tiền thì cũng thấy phiền", chị nói.
Bên cạnh việc tăng cường đội ngũ nhân viên bán lẻ để tiếp cận khách hàng, các nhà băng cũng liên tục đưa ra chính sách ưu đãi lãi suất để thu hút người vay. Như tại TPBank, lãi suất mua ôtô được cho vay chỉ từ 7,7% một năm trong suốt 18 tháng. Với VPBank, khách hàng có thể lựa chọn hai mức lãi suất khi vay tín chấp không tài sản đảm bảo, từ 9,99% và 14,99% một năm, tùy vào thời gian cố định lãi suất.Còn HSBC, nhà băng này hỗ trợ khách vay mua nhà với lãi suất từ 6,49% một năm. Tương tự, VietinBank cũng sẵn sàng tặng ngay quà nội thất nhà hoặc xe cho khách hàng vay mua ôtô, mua nhà trong dịp sát Tết.
Ngoài ra, để tăng dư nợ cho vay tiêu dùng dịp cuối năm, nhiều ngân hàng còn nhắm vào việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng. Hầu hết các nhà băng đều chạy những chương trình mở thẻ ưu đãi, từ miễn phí phát hành đến tặng hiện vật (vali, đồ gia dụng), hay tuyên bố hoàn tiền lên tới một, hai triệu đồng khi sử dụng thẻ.
Như tại Vietcombank, tặng tiền từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng cho khách quẹt thẻ tại các POS của ngân hàng. Tương tự, TPBank cũng đưa ra một loạt điểm thanh toán, mua sắm giảm giá tới 50% khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng....
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank cho biết đây là dịp cao điểm cho vay tiêu dùng khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên được nhà băng này đặc biệt chú trọng. Hơn nữa, theo quy luật mọi năm, ra Tết luôn là giai đoạn chững lại của tăng trưởng tín dụng khi khách hàng ngại đi vay do tâm lý và phong tục của người Việt. "Tầm này ra Tết, người dân có vẻ ngại mua xe, mua nhà. Việc mua sắm của khách hàng thường rơi nhiều vào thời điểm sát Tết Nguyên đán", ông nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác cũng thừa nhận: "Ngoài Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp lẫn người dân rất ngại mua sắm nên nếu kích cầu thì đây mới là giai đoạn thích hợp nhất", ông nói.
Trong năm vừa qua, vay tiêu dùng được các ngân hàng đánh giá là sản phẩm chủ đạo. Như Sacombank, lợi nhuận những năm gần đây tăng mạnh một phần nhờ sự đóng góp quan trọng từ mảng bán lẻ. Bản thân HDBank, lãnh đạo cho biết rất chú tâm đến mảng này.
Tại cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng 2015 trên địa bàn TP HCM mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Phước Thanh cũng khuyến nghị các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng phải đi đôi với chất lượng. Muốn vậy, ông Thanh cho rằng thời gian tới, các nhà băng nên đẩy mạnh mảng bán lẻ, kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản và các khoản vay dài hạn nhằm hạn chế rủi ro.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn nhưng khoản cho vay ở mảng này còn đang khá hạn hẹp và sản phẩm chưa đa dạng
Mặt khác, đâu đó vẫn còn tâm lý e dè của người vay tiền trước vấn đề lãi suất. Các chuyên gia cho rằng, việc khuyến khích cho vay tiêu dùng góp phần kích cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các ưu đãi thường có thời gian ngắn, sau đó các nhà băng áp dụng lãi suất thả nổi.
"Do đó, khách hàng đi vay phải thận trọng về vấn đề này và phải tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng để tránh rủi ro về sau", một chuyên giá khuyên.