Đoàn lãnh sự tại TP.HCM ấn tượng với hành động của ông Đinh La Thăng
Hà Nội "bêu tên" các cơ quan chểnh mảng công vụ đầu năm
Thủy điện xả nước cứu mặn TP Đà Nẵng
Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm đội hùng binh Hoàng Sa
TP.HCM: Ngày 25-2, chính thức cấp giấy phép lái xe quốc tế
Tin trong nước đọc nhanh 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
Phó chánh văn phòng Trung ương giữ chức Thứ trưởng Công an
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Công an và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Theo đó, ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương, nguyên Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Công an.
Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1957, quê ở Ninh Bình, từng công tác trong ngành công an, sau đó làm Chủ tịch, Bí thư thành ủy TP Hải Phòng. Tháng 12/2014, ông được điều động làm Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương, nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Nông nghiệp.
Sau khi ông Nguyễn Văn Thành được bổ nhiệm, Bộ Công an có 8 Thứ trưởng. 7 vị đương nhiệm gồm các Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Lê Quý Vương, Tô Lâm, Bùi Quang Bền, Trần Việt Tân, Bùi Văn Nam và Trung tướng Bùi Văn Thành.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có 5 Thứ trưởng gồm các ông Vũ Văn Tám, Hà Công Tuấn, Lê Quốc Doanh, Trần Thanh Nam và Nguyễn Xuân Cường.
Bán cám 'tặng' kèm chất cấm cho chủ trang trại
Liên tiếp trinh sát, thanh tra đột suất một số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đưa ra các hình phạt, nhưng theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên đề Bộ Nông nghiệp thì còn nhiều cơ sở sử dụng chất cấm.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ chiều 7/12, ông Dũng cho biết, mới đây, thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm mới là đưa kèm chất salbutamol với thức ăn chăn nuôi.Cụ thể vào ngày 2/12, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất và lấy mẫu phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh ở xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội). Kết quả kiểm định chất bột màu trắng có chứa salbutamol là 4.845 ppb, vượt 100 lần ngưỡng cho phép, còn thức ăn chăn nuôi không có chất cấm.
Lực lượng chức năng nhiều lần phát hiện vàng ô, phẩm màu công nghiệp trong doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa: P. Hương.
Ngày 4/12, đoàn thanh tra đã làm việc với ông Hoàng Kim Cường, người chuyển gói bột có chứa chất cấm cho trang trại của ông Anh. Tuy nhiên, người này nói không biết đó là chất gì. Công an đang điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm.
Kiểm tra trang trại của ông Nguyễn Văn Quý (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện gói bột ghi là "men tiêu hóa" trọng lượng 0,7 kg, nghi có chứa chất cấm. Theo lời khai của chủ trang trại thì một đại lý đã nhập cho trại 20 bao cám vào ngày 3/12, sau đó đưa tiếp gói bột này. Cơ quan chức năng đã thu giữ gói bột để phân tích.
Tại huyện Hoài Đức, giá thịt heo được nuôi bằng thức ăn trộn chất cấm cao hơn từ 2.000-3.000 đồng một kg. "Chúng tôi sẽ điều tra xem có phải doanh nghiệp sử dụng mánh khóe đó để kích thích người chăn nuôi sử dụng cho heo nhanh lớn, nạc nhiều không", ông Dũng cho biết.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp cùng cơ quan công an đã lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn, trong 23 mẫu dương tính với salbutamol thì có 16 mẫu vượt ngưỡng.
TP HCM sẽ có phó chủ tịch mới
Theo văn phòng HĐND TP HCM, kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra từ ngày 8 đến 11/12. Kỳ họp sẽ dành một buổi để làm công tác nhân sự. Theo đó, HĐND thành phố sẽ bầu chức danh các Phó chủ tịch UBND thành phố và 3 ủy viên đối với Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính và Chánh văn phòng UBND thành phố. Hiện, 3 ủy viên này đã nghỉ hưu và cũng đã bổ nhiệm nhân sự mới thay thế.
Trước đó, cuối tháng 10, Sở Nội vụ TP HCM đã công bố quyết định nghỉ hưu đối với bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND thành phố. Một số chức danh Phó chủ tịch thành phố khác cũng đến tuổi nghỉ hưu vào đầu năm sau.
Bên cạnh đó, công tác chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ thay đổi, giống kỳ họp Quốc hội vừa qua. HĐND thành phố chất vấn các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, liên quan đến lĩnh vực nào thì sở ngành phụ trách sẽ trả lời. Đại biểu chưa hài lòng có quyền chất vấn bất kỳ giám đốc sở hoặc chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND thành phố.
Kỳ họp lần này HĐND cũng xem xét, thông qua một số tờ trình gồm: tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy kể từ ngày 1/1/2016; chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020; mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng và tỷ lệ phần trăm trích để lại cho cơ quan thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016; điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội...
Ông Huỳnh Văn Nén đề nghị khởi tố người gây oan cho ông
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén cùng những người thân bị buộc tội oan đã kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can những người tiến hành tố tụng có liên quan.
Ngày 7-12, ông Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) và những thành viên trong gia đình vợ ông Nén đã ký đơn gửi Cục Điều tra - Viện KSND tối cao yêu cầu khởi tố vụ án hình sự những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án oan của ông Nén là vụ án vườn điều (giết bà Dương Thị Mỹ) và vụ giết bà Lê Thị Bông.
Theo đơn của ông Nén và những người của gia đình vợ ông, sau khi được minh oan trong vụ án vườn điều, họ đã có đơn yêu cầu các cơ quan pháp luật ở trung ương và tỉnh Bình Thuận xử lý theo pháp luật những cán bộ đã gây oan sai nhưng đến nay chưa thấy giải quyết.
Mới đây ngày 3-12-2015, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén và gia đình về hai vụ án oan sai trên, nhưng cũng chưa thấy công bố những cán bộ tố tụng bị xử lý trách nhiệm.
Vì vậy, nhân vụ án bà Bông được sáng tỏ, ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, ông và gia đình đã làm đơn kiến nghị cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố những người tiến hành tố tụng có liên quan hai vụ án đã làm oan sai cho ông Nén và gia đình.
Đơn kiến nghị cũng nêu cụ thể những chức danh người tiến hành tố tụng có liên quan cần phải xem xét gồm: các điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo viện kiểm sát ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Gia đình ông Nén đề nghị xem xét những người tiến hành tố tụng trên về các hành vi: lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, tội ra bản án trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trong đơn, ông Nén và gia đình nêu đích danh hai điều tra viên (Cao Văn Hùng, Đinh Kỳ Đáp) là những người đã điều tra vụ án vườn điều và vụ án bà Lê Thị Bông, đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự những người này.
Theo ông Nén, năm 2000 khi có đơn tố giác của ông Nguyễn Phúc Thành khẳng định người giết bà Lê Thị Bông là Nguyễn Thọ và Hồ Thanh Việt chứ không phải ông thì hai điều tra viên trên đã đi xác minh đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành nhưng đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua lời tố cáo này.
Hậu quả việc tắc trách trong xác định đúng người phạm tội trong vụ án bà Bông (chậm ít nhất 15 năm kể từ khi có đơn tố giác tội phạm của ông Thành) và buộc tội, kết tội oan sai chín người trong hai vụ án trên, gây nhiều đau khổ cho ông Nén và gia đình.
Đơn kiến nghị này được gửi tới Cục Điều tra - Viện KSND tối cao, Viện KSND, TAND, Công an tỉnh Bình Thuận.
Đồng Nai đứng đầu danh sách heo dính chất cấm
Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM cho biết Đồng Nai “đứng đầu” danh sách với 5 lô heo dính chất cấm. Hiện nay, thương lái cũng đã chủ động tự test kiểm tra heo dính chất cấm...
Ngày 7 -12, ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Thú y (Chi cục Thú y TP.HCM) cho biết vừa hoàn tất thanh tra chất cấm đợt 3 năm 2015. Kết quả, tỉ lệ thương lái có heo sử dụng chất cấm giảm đáng kể.
Theo ông Nguyên, kế hoạch thanh tra đợt 4 được thực hiện từ ngày 19 đến 30 - 11 tại 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM.
Thanh tra Chi cục Thú y đã lấy mẫu ở 113 lô heo (391 mẫu), phát hiện 8 lô dương tính với chất cấm. Đồng Nai “đứng đầu” danh sách với 5 lô heo dính chất cấm, Tiền Giang 3 lô.
Trong 14 cơ sở bị kiểm tra có 5 cơ sở được phát hiện có chứa heo sử dụng chất cấm gồm Phước Kiển, Sơn Vàng (Nhà Bè), Nam Phong (Bình Thạnh), Xuân Thới Sơn (Hóc Môn)…Hàm lượng chất cấm giảm mạnh, giao động từ 3 đến 1098ppb/mẫu.
Ông Nguyên cho biết, sở dĩ tỉ lệ heo sử dụng chất cấm giảm về số lượng và hàm lượng là xuất phát từ nguyên nhân thời gian qua cơ quan chức năng kiểm tra ráo riết nên nhiều thương lái đã tự sắm bộ test kiểm tra, chọn lọc heo trước khi mua.
“TP.HCM đã có chủ trương đối với những trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm thời gian tới sẽ bị xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn heo, do vậy thương lái lo sợ và tự chuẩn bị cho mình bộ test để kiểm tra heo trước khi về TP.HCM tiêu thụ, đó cũng là việc làm chủ động của nhiều thương lái làm ăn chân chính”., ông Nguyên khẳng định.
Theo ông Nguyên, hiện nay một bộ test nhanh chất cấm bán trên thị trường giá chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng, do vậy thương lái đủ sức để trang bị.
Trước đó, kết quả thanh tra đợt 1,2 của Chi cục Thú y TP.HCM cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tăng cao, đặc biệt xuất phát từ Đồng Nai - nơi cung cấp lượng lớn heo cho các lò giết mổ ở TP.HCM.
Đặc biệt, trong đợt 1 lượng heo sử dụng chất cấm tăng báo động khi trong tổng số 222 mẫu nước tiểu trên 51 lô heo tại 8 cơ sở giết mổ thì có 31 mẫu dương tính chất cấm.
Lượng heo xuất phát từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.
Đặc biệt, hàm lượng chất cấm vượt mức 3000ppb/mẫu, tức gấp trên 1.500 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2ppb trở lên là dương tính).