tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 25-07-2016

  • Cập nhật : 25/07/2016

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất trong 6 năm

Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2016 đạt tỷ lệ tăng trưởng gần 26%, là mức tăng trưởng cao nhất tính từ năm 2011 tới nay.
anh minh hoa: nguon internet

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, nhận xét tại Hội nghị tổng kết của Cục này tuần rồi rằng thị trường bảo hiểm đang tăng trưởng tích cực sau vài năm chững lại.

Qua 6 tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.613 tỉ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỉ đồng, tăng 15%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỉ đồng, tăng 36,78%.

Báo cáo của Cục này cho biết, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 218.219 tỉ đồng. Trong đó, khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ là 61.000 tỉ đồng, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 157.219 tỉ đồng.

Điểm nổi lên so với các năm trước, theo bà Phương, là trong 6 tháng đầu năm, hưởng ứng kêu gọi của Bộ Tài chính về việc huy động vốn dài hạn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 175.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, 15, 20 và 30 năm của Kho bạc Nhà nước.

Với đề án tái cơ cấu thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thanh tra ba doanh nghiệp bảo hiểm gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Liberty, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long và Tổng công ty bảo hiểm Sài gòn Hà Nội BSH. Bộ cũng đồng thời lưu hành kết luận thanh tra và tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra của ba doanh nghiệp bảo hiểm khác gồm Fubon Life; Hanwha Life và Grass Savoye Willis.

Trong nửa đầu năm 2016, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới của thị trường ước đạt 3.036 tỉ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 277 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Các công ty bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 16.045 tỉ đồng. Trong đó nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 7.735 tỉ đồng, nhóm bảo hiểm nhân thọ ước 8.310 tỉ đồng.

Riêng với VASS (Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông), công ty bảo hiểm duy nhất bị buộc tái cơ cấu và giám sát đặc biệt trong thời gian qua, bà Phương cho biết, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã xây dựng và trình Bộ Tài chính tình hình của VASS về hoạt động kinh doanh, tài chính, đầu tư, vốn chủ sở hữu, biên khả năng thanh toán, trích lập dự phòng nghiệp vụ.

Đồng thời, trình Bộ đề nghị VASS tiếp tục thực hiện các biện pháp để khôi phục khả năng thanh toán, tập trung vào việc tăng vốn điều lệ, thu hồi vốn đầu tư, xử lý công nợ và chấn chỉnh sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng. Đến nay, VASS đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, đã được phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng.

Cũng theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm mặc dù tăng trưởng cao song quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). GIữa các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, việc quản trị rủi ro, quản trị tài chính phân tán và khó kiểm soát gian lận bảo hiểm.(TBKTSG)

Chuẩn hóa minh bạch thông tin trong cổ phần hóa doanh nghiệp

Tiến tới chấm điểm, xếp hạng doanh nghiệp nhà nước về mức độ minh bạch, mà trước mắt là dựa trên đánh giá báo cáo tài chính, đồng thời bình chọn, trao thưởng cho các doanh nghiệp đạt điểm cao về minh bạch là giải pháp sẽ được Bộ Tài chính tập trung triển khai để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao hơn.
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính đánh giá, triển khai có hiệu quả giải pháp trên sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức độ minh bạch thông tin giữa doanh nghiệp nhà nước(DNNN) và doanh nghiệp (DN) tiến hành cổ phần hóa gắn với lên sàn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin sớm về doanh nghiệp, để có một quá trình theo dõi, đánh giá DN trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN và Nghị định 87/2015NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và DN có vốn nhà nước, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là, để thúc các DNNN minh bạch thông tin, Bộ Tài chính đang đôn đốc các DNNN, đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn, kể cả các DNNN đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối, tuân thủ nghiêm các quy định về minh bạch thông tin.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, “Trong quý III/2016, nếu các DN không công khai các thông tin thuộc nghĩa vụ phải công bố, nhất là báo cáo tài chính năm 2015, thì Bộ Tài chính sẽ có công văn nhắc nhở lãnh đạo DN, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu để thúc đẩy DN tuân thủ, đồng thời đề nghị đánh giá lãnh đạo DN về chấp hành công khai thông tin. Không đánh giá DN tốt hay xấu, mà đánh giá thẳng vào lãnh đạo DN hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là về minh bạch thông tin”.

Để chuẩn hóa kỹ thuật minh bạch thông tin, Bộ Tài chính đang phối hợp với các hiệp hội, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh xây dựng quy chế về công khai thông tin của DNNN để cố gắng áp dụng trong năm nay. DNNN thuộc sở hữu của toàn dân, nên mức độ minh bạch phải cao hơn cả công ty đại chúng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tính toán tiến tới chấm điểm, xếp hạng DNNN về mức độ minh bạch, mà trước mắt là dựa trên đánh giá báo cáo tài chính, đồng thời bình chọn, trao thưởng cho các DN đạt điểm cao về minh bạch tương tự như đang áp dụng với các DN niêm yết.

Ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh: “DN nào không tham gia cuộc bình chọn này, chắc là có vấn đề, khi đó nhà quản lý, thị trường sẽ biết. Điều này sẽ tạo sức ép để DN cải thiện mức độ minh bạch, qua đó nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả sử dụng đồng vốn của dân, của nhà nước”.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay vẫn có sự chênh lệch lớn về mức độ minh bạch thông tin giữa DNNN so với các DN bắt đầu tiến hành cổ phần hóa gắn với chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và lên sàn. Qua kiểm tra mẫu việc minh bạch thông tin tại 9 tập đoàn, Bộ Tài chính nhận thấy, cơ bản đã công khai báo cáo tài chính, nhưng các thông tin về chiến lược, tình hình hoạt động thì chưa công khai.(TCTC)

Việt Nam cam kết cùng Lào thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh với Thủ tướng Lào rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN củng cố vai trò của Hiệp hội trong duy trì hòa bình ở khu vực.

thu tuong lao thongloun sisoulith, phai, don pho thu tuong viet nam pham binh minh hom qua. anh: ttxvn

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, phải, đón Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm qua. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm qua tại Vientiane, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sẽ cùng Lào, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng và góp phần bảo đảm ổn định, hợp tác ở khu vực, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Phó thủ tướng Việt Nam đang có mặt tại Lào để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan diễn ra trong tuần tới.

Trong hội nghị này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ thảo luận về các nội dung ưu tiên trong hợp tác nội khối và với các đối tác. Họ cũng sẽ bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra tại Vientiane vào đầu tháng 9.

Các bộ trưởng dự kiến thông qua một số văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các Tuyên bố Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về hợp tác chống đánh bắt cá trái phép.

Đà Nẵng sửa đổi quy định về cho vay và hỗ trợ 100% tiền lãi với hộ đặc biệt nghèo

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Quy định cho vay và hỗ trợ 100% tiền lãi đối với hộ đặc biệt nghèo tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng.

nhcsxh da nang duoc giao thuc hien quan ly, phan phoi va su dung tien lai duoc ho tro.

NHCSXH Đà Nẵng được giao thực hiện quản lý, phân phối và sử dụng tiền lãi được hỗ trợ.

Theo đó, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định đối với những trường hợp đặc biệt, chưa có tên trong danh sách hộ đặc biệt nghèo được cho vay trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2015 và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

UBND, phường được giao xác nhận vào danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn, nội dung xác nhận hộ xin vay thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định.

Đồng thời phối hợp với NHCSXH, các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ; hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

Khi có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoàn trả đủ vốn trước hoặc đúng hạn và thoát nghèo thì UBND cấp xã cử cán bộ đến từng hộ gia đình lập biên bản kiểm tra, đánh giá kết quả sử dụng vốn của hộ gia đình và tổng hợp danh sách gửi đến Phòng LĐTB&XH quận, huyện để kiểm tra trình UBND cấp huyện xác nhận và gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định trình UBND thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí 4 triệu đồng/hộ. Danh sách được lập 1 năm 1 lần, trước ngày 30/11 hàng năm.

Định kỳ 6 tháng/lần, UBND thành phố cấp kinh phí hỗ trợ tiền lãi cho các hộ vay vốn theo quyết định này bằng lãi suất cho vay hộ nghèo của Chính phủ. Lãi suất hiện nay là 0,55%/tháng tính trên tổng dư nợ của các hộ được vay vốn chương trình.

Chi nhánh NHCSXH thành phố thực hiện quản lý, phân phối và sử dụng tiền lãi được hỗ trợ từ ngày 1/6/2016.(TBNH)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục