tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 24-07-2016

  • Cập nhật : 24/07/2016

Quy hoạch Đắk Nông thành trung tâm kinh tế - xã hội của Tây Nguyên

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quyết định 1439/QĐ-TTg ngày 19/7/2016 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch chiến lược cấp quốc gia.
quy hoach dak nong thanh trung tam kinh te - xa hoi cua tay nguyen. nguon: internet

Quy hoạch Đắk Nông thành trung tâm kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Nguồn: internet

Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên 6.509,27 km2 gồm 8 đơn vị hành chính, trong đó, có 1 thị xã và 7 huyện.

Vùng tỉnh Đắk Nông được quy hoạch là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia), có vị thế trên trường quốc tế; là vùng trung tâm công nghệ khai thác chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam.

Đồng thời, quy hoạch tỉnh này trở thành vùng nguyên liệu cây công nghiệp bền vững với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu toàn cầu như cà phê, cao su…; là vùng có môi trường tự nhiên, văn hóa, lịch sử... được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làm nền tảng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, là một phần quan trọng của vùng Tây Nguyên và là đầu mối giao thông có vị trí thuận lợi về giao thương với vùng Nam Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển với các khu vực khác của quốc gia và quốc tế gắn với hệ thống trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ (tài chính, du lịch, trung chuyển hàng hóa...) cấp quốc gia

Theo đó, mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Đắk Nông là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia), có vị thế trên trường quốc tế.(TCTC)

Thận trọng khi ngân hàng đầu tư ra nước ngoài

Nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường, khách hàng, nhiều ngân hàng Việt đã bước chân ra nước ngoài. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập, tuy nhiên, những bước đi này nếu không vững chắc khó thu về quả ngọt.
anh minh hoa: nguon internet

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Xu hướng

Bắt đầu từ năm 2008, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng Việt Nam được khởi động. Tuy có muộn hơn so với thế giới, nhưng việc mở rộng này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn với nhiều mô hình như lập văn phòng đại diện, chi nhánh hay ngân hàng con...

Đến nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có văn phòng đại diện tại Singapore và công ty con tại Hồng Kông; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mở chi nhánh ở Lào, Campuchia… Thậm chí, Sacombank đã chuyển đổi chi nhánh tại Campuchia thành ngân hàng con với 100% vốn và có 7 chi nhánh tại Thủ đô Phnôm Pênh và các tỉnh trọng điểm.

Ngoài hai thị trường truyền thống là Lào, Campuchia, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã mở chi nhánh tại 2 thành phố Berlin và Frankfurt (Đức). Hiện VietinBank đã vươn rộng cánh tay sang Lào, Singapore, Pháp…

Mới đây, vào giữa tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ khai trương hoạt động Văn phòng đại diện của BIDV tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Moscow (Liên bang Nga). Qua đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên có mặt tại Nga và BIDV xác định đây là thị trường chiến lược, cần tập trung phát triển.

Nhìn chung, các ngân hàng hoạt động tại nước ngoài đã thu về khá nhiều thành công.

Ông Phạm Xuân Sơn, Giám đốc SHB Chi nhánh Campuchia cho biết, sau 4 năm chính thức đi vào hoạt động, SHB Chi nhánh Campuchia tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển ổn định, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Campuchia.Nhờ chiến lược kinh doanh hợp lý, tính đến cuối năm 2015 tổng tài sản SHB Campuchia đạt gần 240 triệu USD; huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng năm 2015 đạt gần 205 triệu USD; lợi nhuận đạt trên 2 triệu USD; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ 0,05%.

Có thể thấy, các ngân hàng “nhắm” tới nhiều nhất vào thị trường các nước khu vực ASEAN bởi đây là những nền kinh tế được đánh giá là mới nổi, nhiều tiềm năng. Hơn nữa, theo các chuyên gia, các thị trường tại ASEAN có đường biên giới gần với Việt Nam, có sự tương đồng về truyền thống văn hóa và thương mại, lượng hàng hóa giao thương của doanh nghiệp Việt Nam khá lớn.

Vì thế, sự hiện diện của các ngân hàng Việt Nam tại hai thị trường này có thể phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới vốn, phương tiện thanh toán, kinh doanh ngoại tệ…

Rủi ro thường trực

Lợi ích của việc ngân hàng mở rộng thị trường ra nước ngoài là có thêm thị trường, thêm khách hàng và là cơ hội để ngân hàng quảng bá thương hiệu, tăng thêm sức cạnh tranh.

Theo chuyên gia tài chính TS. Bùi Kiến Thành, ngân hàng mở rộng sang thị trường nước ngoài còn giúp phân tán rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó, có thể vươn lên thành những tập đoàn tài chính mang tầm quốc tế. Hơn nữa, xét về góc độ kinh tế nói chung, việc mở rộng sẽ giúp hoạt động giao thương của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài được thuận lợi hơn, thúc đẩy cho đôi bên cùng phát triển.

Tuy nhiên, cũng như việc đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác, sự đầu tư của các ngân hàng nước ngoài cũng có nhiều rủi ro, thậm chí rủi ro còn lớn hơn khi liên quan đến vấn đề tài chính. Không những thế, các ngân hàng còn phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp lý và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng bản địa.

Vì thế, có thể thấy, đa phần quốc gia mà ngân hàng Việt Nam hướng tới có nền kinh tế kém phát triển hơn hoặc ở những nơi có đông cộng đồng dân doanh người Việt.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Theo đó, tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của Chính phủ và của các tổ chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

NHNN quy định, tỷ lệ đầu tư an toàn của tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp là 7% vốn tự có, không bao gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh của chi nhánh ở nước ngoài của chính tổ chức tự doanh đó. Đồng thời, các ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp.

Như vậy, NHNN đã lường trước được việc đầu tư ồ ạt của các ngân hàng thương mại. Do đó, theo TS.Bùi Kiến Thành, các ngân hàng phải tăng cường khả năng giám định rủi ro, xác định quốc gia sắp đầu tư sẽ có những biến động như thế nào.

Bên cạnh đó, cùng với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các ngân hàng phải đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong nước, nâng cao tính thanh khoản để củng cố bệ đỡ, tăng cường khả năng ứng phó với bất kỳ rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí, các ngân hàng không nên quá tập trung vào thị trường nước ngoài mà bỏ ngỏ thị trường trong nước, khi mà nhiều ngân hàng quốc tế lớn mạnh hơn đã đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, chuyên gia tài chính TS. Bùi Kiến Thành còn lưu ý về hoạt động đầu tư “sân sau” của các ngân hàng khi sở hữu chéo, cho vay chéo vẫn chưa thực sự được kiểm soát triệt để.

Do vậy, bên cạnh sự tự lực của các ngân hàng thương mại, NHNN và cơ quan quản lý cũng phải có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ và quản lý việc ngân hàng đầu tư ra nước ngoài, kiểm soát và quy định chặt chẽ tỷ lệ dòng vốn được phép đầu tư. Bởi chỉ cần một rủi ro cũng có thể ảnh hưởng đến cả nền tài chính trong nước.(HQ)

Muốn giữ tăng trưởng, cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu

Đó là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Việt Nam trong một báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, được công bố chiều 19/7.
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cũng trong báo cáo này, WB đưa ra nhận định không mấy lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay bởi những ảnh hưởng liên tiếp của thiên tai, hạn hán đã khiến cho ngành nông nghiệp bị tác động tiêu cực, qua đó gián tiếp làm cho công nghiệp sụt giảm.

Lí giải cụ thể hơn về điều này quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Achim Fock cho rằng, nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam giảm tăng trưởng đến từ những tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn.

Việc thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra đã thực sự khiến GDP tăng trưởng chậm lại một cách gián tiếp, bởi dù nông nghiệp chỉ đóng góp rất ít trong tăng trưởng GDP, song đây lại là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp.

Như vậy, mức dự báo tăng trưởng này của WB thấp hơn 0,2% so với mức mà WB đưa ra hồi đầu tháng 6 vừa qua và cũng thấp hơn nhiều so với mức mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là 6,7%.

Thực tế, nhận định này của WB không phải là không có cơ sở. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt mức 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7% như mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 7,6%, đây là thách thức không hề nhỏ.

Một quan ngại khác cũng được các chuyên gia của WB nêu ra, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khoảng 18%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đó là chưa kể Việt Nam đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách, nợ công đang gần tới mức trần cho phép.

Trước đó, trong Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô các nước châu Á mới đây, HSBC cũng nhận định dù nền kinh tế Việt Nam đã vượt khỏi vòng nguy hiểm nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro có thể gặp phải.

Cụ thể, HSBC cảnh báo rủi ro đối với Việt Nam khi mức dự trữ ngoại hối được đánh giá là còn khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ. Theo dữ liệu mới nhất từ IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỷ USD, tương đương hai tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo số liệu vào cuối năm 2015.

Lạm phát cơ bản sẽ vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017 và lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9% vào cuối năm...

WB khuyến cáo, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Chính phủ cũng cần có hành động thiết thực để thực hiện cam kết về đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khoá.(TCTC)

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn tới

Đó là nội dung được quan tâm tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu (XK) các tháng cuối năm 2016 được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 19/7 tại TP. Hồ Chí Minh. 
anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK Việt Nam đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7% (chủ yếu từ các DN FDI).

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới kết quả XK 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng chưa cao là do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn.

Nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về XK và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực Eurozone giảm 3%, Nhật Bản giảm 13,8%. Tình trạng tương tự diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ còn nhiều bất ổn. Biến động khó lường về giá dầu, xung đột và quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng; biến động về tỉ giá, tiền tệ của các nước đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho hàng XK của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt nhóm hàng nông, thủy sản.

Các nước có cơ cấu mặt hàng XK tương tự như Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp đẩy mạnh XK do kết quả XK của họ những tháng đầu năm không khả quan, như Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Indonesia giảm 13,6%, Brazil giảm 3,4%... sẽ khiến việc XK của Việt Nam những tháng cuối năm cạnh tranh gay gắt hơn.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hiệp hội ngành hàng đều nhận định, tình hình XK trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ doanh nghiệp (DN), cũng như sự hỗ trợ đồng bộ từ phía các bộ, ngành trong việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu cho các DN.

Những giải pháp tháo gỡ

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cải thiện tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến XK Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng hành với DN và nông dân, quy hoạch phát triển chương trình nuôi tôm sạch, bởi nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tôm sạch đạt chất lượng luôn tăng cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường, cần xử phạt mạnh tay với hành vi bơm tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Đại diện Hiệp hội Dệt may và Da giày cho rằng, Bộ Công Thương cần có quy hoạch chiến lược, lựa chọn một số thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp để hỗ trợ xúc tiến, đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường thế giới.

Cùng với đó, các viện, trường thuộc quản lý của Bộ Công Thương cần được cổ phần hóa, đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội ngành hàng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các DN.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ chia sẻ, xây dựng thương hiệu cho gạo, thủy sản, trái cây tại khu vực ĐBSCL là hết sức cấp bách, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương và hiệp hội ngành hàng để xúc tiến vấn đề này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, do tình hình thế giới có nhiều biến động, phần lớn các ngành hàng đều chịu tác động, nhất là do ảnh hưởng giá dầu, sức ép cạnh tranh từ các nước. Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các DN đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh XK, nhờ vậy XK vẫn tăng trưởng đạt 5,7%, trong bối cảnh phần lớn các quốc gia tăng trưởng âm, qua đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn ảnh hưởng tới XK, vì vậy, các DN cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam-EU hứa hẹn mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng XK. Đặc biệt là, Bộ Công Thương sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện các giải pháp quyết liệt từ sản xuất tới thị trường nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN XK.(TCTC)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục