Doanh nghiệp đang lo lắng vì đổi cách ghi nhãn hàng hóa sẽ khiến họ tốn kém.
Tin trong nước đọc nhanh 02-12-2015
- Cập nhật : 02/12/2015
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận tàu hiện đại
Ngày 30-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy tàu cảnh sát biển số hiệu CSB 8005.
Đây là tàu đa năng có thiết kế tiên tiến, hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế do Công ty Damen của Hà Lan thiết kế và đóng tại Tổng Công ty Sông Thu (Bộ Quốc phòng). Thân tàu dài 90 m, rộng 14 m với độ cao mạn 7 m, lượng chiếm nước khoảng 2.400 tấn. Tàu có thể hoạt động ổn định ở điều kiện sóng cấp 9, gió cấp 12 và đạt tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ. Ngoài ra, tàu còn có sân đỗ máy bay trực thăng cùng nhiều trang bị hiện đại khác để ứng cứu trên biển, chống buôn lậu, bảo vệ ngư dân.
Phát biểu tại lễ hạ thủy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh CSB 8005 là 1 trong 7 chiếc tàu nằm trong đội tàu Damen lớp 2000 được đóng mới theo Nghị quyết 72 của Quốc hội khóa XIII. Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, việc hạ thủy tàu CSB 8005 sẽ bổ sung phương tiện phục vụ công tác cứu nạn trên biển, đồng thời giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Thành ủy Bạc Liêu hết kinh phí hoạt động
Lãnh đạo Thành ủy Bạc Liêu thừa nhận dù rất tiết kiệm chi tiêu nhưng đến hết tháng 11, cơ quan này đã không còn kinh phí hoạt động
Ngày 30-11, ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết cơ quan này đang vào cuộc làm rõ việc nợ nần và chi tiêu của Thành ủy Bạc Liêu trong thời gian qua.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, vào sáng 16-10, ông Trà Văn Bắc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bạc Liêu, có buổi làm việc với Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Quốc Minh và kế toán Đỗ Thu Hương về một số vấn đề liên quan đến tài chính của đơn vị. Buổi làm việc được ghi nhận lại bằng biên bản với nội dung: “… Làm việc xong, ông Bắc ra về nhưng bà Hương không đồng ý, chỉ tay vào mặt ông Bắc, đồng thời cầm chai nước suối đập xuống bàn làm việc. Ông Minh lấy lại chai nước thì bà Hương tiếp tục cầm bình trà bằng sứ đe dọa, không cho ông Bắc bước ra ngoài… Ông Bắc tiếp tục bước đi thì bà Hương cầm bình trà ném mạnh xuống bàn, mảnh vỡ văng khắp phòng, bể một khay đựng bình, ly…”.
Vụ việc lùm xùm nói trên xuất phát từ việc tranh cãi xung quanh biên bản giao công nợ giữa 2 nhiệm kỳ Thành ủy Bạc Liêu được lập vào ngày 31-7. Trong đó, liệt kê nhiều khoản chi từ biên soạn lịch sử Đảng đến tiếp khách, khám sức khỏe cho cán bộ, đóng bảo hiểm…, tổng cộng hơn 2,8 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo biên bản bàn giao tài chính tại đơn vị này vào ngày 18-8, quỹ cơ quan còn hơn 2,74 tỉ đồng nhưng thực tế không có tiền. Trong đó, hơn 1,7 tỉ đồng là những khoản đã chi từ những năm trước dồn sang nhưng chưa quyết toán được, chỉ thể hiện số dư đầu kỳ chứ không có tiền. Còn lại 1,691 tỉ đồng là do cán bộ, nhân viên ở Thành ủy tạm ứng những tháng đầu năm 2015 chưa trả lại (chỉ ghi số liệu tạm ứng, không có nội dung cụ thể).
Cũng theo biên bản bàn giao tài chính nói trên, cho đến thời điểm bàn giao, dự toán ngân sách năm 2015 cho Thành ủy Bạc Liêu chỉ còn lại 1,593 tỉ đồng để chi tiêu trong 5 tháng cuối năm. Trong khi đó, chỉ 7 tháng đầu năm, tại đây đã tiêu hết hơn 7,6 tỉ đồng.
Ông Trà Văn Bắc thừa nhận mấy tháng nay dù đơn vị đã phải rất tiết kiệm chi tiêu nhưng đến hết tháng 11 đã không còn kinh phí hoạt động. “Chúng tôi đang làm thủ tục xin tạm ứng kinh phí năm 2016 để hoạt động và chi lương trong tháng cuối năm. Còn mọi việc lùm xùm liên quan đến tài chính của cơ quan phải chờ kết luận chính thức của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy” - ông Bắc nói.
Hơn 2.000 gái bán dâm hoạt động ở Hà Nội
Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy chiều 1/12, thượng tá Lê Huy, Phó trưởng phòng cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) cho hay, mại dâm xuất hiện tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, tập trung nhiều ở địa bàn giáp ranh như Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Quốc Oai, đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm,...
Các quán karaoke được coi là nơi gặp gỡ, thoả thuận giữa tiếp viên nữ và khách, rồi đưa nhau đi nơi khác mua bán dâm; một số quán còn tổ chức cho tiếp viên nhảy sexy để thu hút khách. Nhiều nơi tiếp viên tụ tập rất đông gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân.
Đáng chú ý, mại dâm với thủ đoạn gái gọi có xu hướng gia tăng, phát triển dưới nhiều hình thức như lợi dụng khoa học kỹ thuật, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... hoặc qua các đối tượng môi giới là thành viên các trang web sex...
Ngoài ra, xuất hiện hình thức mua bán dâm theo tua du lịch dài ngày, trọn gói, mại dâm trong giới sinh viên…Tệ nạn mại dâm đồng tính cũng xuất hiện với giao dịch, thoả thuận tại những địa điểm công cộng ven các hồ Hoàn Kiếm, Thiền Quang và một số cơ sở masage trá hình ở quận Hoàng Mai, Ba Đình.Thừa nhận số lượng 2.000 gái mại dâm đang hoạt động ở Hà Nội là chưa chính xác và đầy đủ, thượng tá Lê Huy cho hay số liệu trên chỉ dựa vào các vụ bắt giữ, hồ sơ tổng hợp trong năm nên sẽ phải lập dữ liệu và cập nhật để có con số chính xác hơn.
Thượng tá Lê Huy, phó trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội trả lời trong buổi họp báo. Ảnh: Bá Đô
Chỉ ra những khó khăn trong quá trình triệt phá, bắt giữ gái mại dâm, thượng tá Lê Huy cho rằng “do gái mại dâm thường xuyên thay đổi phương thức; hơn nữa chế tài xử lý còn quá nhẹ nên có trường hợp bị bắt hôm nay nhưng đến hôm sau lại hoạt động tiếp".
Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, cũng đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng mại dâm trên mạng xã hội.
Theo thống kê, năm 2015 Công an thành phố đã kiểm tra 36.9000 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự, xử lý gần 1.600 lượt vi phạm, truy tố 54 vụ, 86 người, xử phạt vi phạm hành chính gần 1.600 trường hợp với trên 5,6 tỷ đồng…
Công an thành phố đã triệt phá 2 tụ điểm mại dâm ở khu vực phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) và trước cửa Cung văn hoá Hữu Nghị; phát hiện, đấu tranh, triệt phá 234 ổ mại dâm, bắt hơn 1.100 người, xử lý hình sự 185 vụ, 208 người.
Việt Nam khẩn trương làm rõ vụ ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chiều nay cho biết ngay sau khi nhận được thông tin tàu cá QNg 95861 TS của tỉnh Quảng Ngãi bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa, khiến một thuyền viên Việt Nam thiệt mạng, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven Biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này.
"Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam", ông Bình nói.
Người phát ngôn cũng gửi lời chia buồn tới gia đình ngư dân bị nạn. Ngư dân Trương Đình Bảy, 45 tuổi, hôm 26/11 bị một nhóm nhóm người nước ngoài bất ngờ nổ súng bắn chết. Ông Bảy khi đó cùng các thuyền viên đánh bắt ở khu vực Trường Sa.
Theo chủ tàu Bùi Văn Cu, khoảng 18h15 ngày 26/11, có hai chiếc ghe áp sát tàu của ông. Lúc này 12 thuyền viên đã dùng ghe nhỏ đi lặn bắt hải sản, trên tàu chỉ còn lại ông Cu và ông Bảy, làm phục vụ hậu cần. Nhóm tấn công có 4 người, đi trên tàu dân sự, chúng nổ súng nhằm khống chế cướp tài sản. Sau khi chủ tàu lao vào giật súng vứt xuống biển, nhóm người nói trên chạy lên ghe bỏ chạy.
Các ngư dân nhặt được 4 vỏ đạn trên tàu. Ông Cu khẳng định, lúc xảy ra vụ việc, tàu ông đang neo đậu trên vùng biển Việt Nam. Công an tỉnh Quảng Ngãi sẽ khám nghiệm tử thi để điều tra. Về vị trí con tàu lúc xảy ra vụ việc, Thượng tá Tạ Thiên Tài, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ đối chiếu với máy đo định vị để xác định tọa độ.
Trưởng công an xã sử dụng bằng giả nộp đơn xin thôi việc
Sáng 1/12, ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Nội vụ huyện Lộc Hà, cho biết đã đồng ý cho thôi việc, miễn nhiệm các chức danh về Đảng đối với ông Nguyễn Doãn Chung, Trưởng công an xã Tân Lộc vì sử dụng bằng giả.Trước đó, ông Chung bị tố cáo dùng bằng tốt nghiệp THPT giả để đi học trường Trung cấp Công an (hệ liên kết đào tạo tại Hà Tĩnh). Năm 2012, ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng công an xã, biên chế công chức xã Tân Lộc.
Theo hồ sơ, ông Chung tốt nghiệp THPT khóa thi ngày 5/6/1990 tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà). Tuy nhiên, qua xác minh từ trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho thấy, trong danh sách học sinh dự thi tốt nghiệp năm học 1989-1990 không có tên Nguyễn Doãn Chung. Sau khi vào cuộc tìm hiểu, Phòng Nội vụ huyện Lộc Hà xác định sự việc này là đúng.
Trao đổi với báo chí, ông Chung thừa nhận do không có bằng tốt nghiệp THPT nên lấy một tấm bằng khác, nhờ người làm ở quán photo sửa tên, dán ảnh mình vào. Hiện ông Chung đã nộp đơn thôi việc và nghỉ hẳn công việc ở UBND xã.