Thủ tục vay của tín dụng đen đơn giản, có khi chẳng cần thế chấp. Nhưng một khi đã vay tiền, các công nhân coi như tự sa chân vào “vòi bạch tuộc”.
Tin trong nước đọc nhanh 01-12-2015
- Cập nhật : 01/12/2015
Lập công ty xuất khẩu lao động “ma” lừa tiền tỉ
Tự nhận có người anh ở Đức và có thể đưa người sang Đức làm việc, nghi phạm mở công ty lừa nhiều người, chiếm đoạt của họ khoảng 2,3 tỉ đồng.
Ngày 30-11, công an TP Huế cho biết vừa bàn giao hồ sơ cùng nghi phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiếp tục giải quyết.
Đó là đối tượng Vũ Việt Dũng (26 tuổi, có hộ khẩu tại Ba Đình, Hà Nội, tạm trú tại đường Bến Nghé, TP Huế).
Do nắm được tâm lý của nhiều sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, Dũng đã giới thiệu mình là giám đốc Công ty TNHH Detonon, có trụ sở tại 26 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.
Dũng giới thiệu mình có ông anh ở Cộng hòa liên bang Đức và có khả năng đưa người sang Đức làm việc. Chi phí 7.000 USD/người trọn gói, bao gồm tiền vé máy bay, làm hộ chiếu và khóa đào tạo học nấu ăn cấp tốc tại một nhà hàng ở Hà Nội.
Để tạo vỏ bọc cho mình, Dũng thuê một địa điểm trên đường Bến Nghe, TP Huế để đặt văn phòng công ty. Dũng dùng một bộ mẫu hợp đồng lao động của CHLB Đức tải trên mạng internet và dùng con dấu vuông với nội dung “Công ty TNHH Detonon đã thu tiền” để khách hàng an tâm. Nhiều người đã nộp hồ sơ và đưa tiền cho Dũng.
Cơ quan điều tra bước đầu xác nhận 5 người trực tiếp đưa tiền hoặc chuyển khoản cho Dũng với tổng số tiền 14.150 USD và hơn 422 triệu đồng.
Ngoài ra, mở rộng điều tra, Dũng khai đã nhận của 13 người khác đều ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nội với số tiền 5.800 USD và gần 1,5 tỷ đồng. Tổng số tiền Dũng lừa đảo chiếm đoạt của 18 người khoảng 2,3 tỷ đồng.
Công an TP Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Dũng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lãi lớn, Tập đoàn Đại Dương trả thù lao 1,2 tỷ đồng cho chủ tịch
Ngày 30/11, Tập đoàn Đại Dương (Mã CK: OGC) tổ chức họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường lần thứ 3 sau thất bại ở 2 lần trước do không đủ tỷ lệ tham dự.
Theo đó, các cổ đông của tập đoàn đã thông qua phương án thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát. Năm 2014, tổng thù lao chi trả cho HĐQT và Ban kiểm soát là 420 triệu đồng, riêng Chủ tịch HĐQT là 120 triệu. Năm 2015, thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát tăng mạnh lên 1,74 tỷ đồng, trong đó thù lao cho Chủ tịch HĐQT tăng gấp 10 lần năm trước, lên 1,2 tỷ đồng.
Ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT cho biết mức thù lao này được cân nhắc kỹ và đã giảm so với thù lao trước đây của tập đoàn. Theo đó, ông Thụ khẳng định để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, HĐQT đã phải nỗ lực nhiều hơn, giảm thiểu các chi phí hoạt động chưa cần thiết để đưa chi phí xuống mức thấp nhất, cắt giảm nhân sự và giảm lương.
Về kinh doanh, sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, HĐQT Tập đoàn đã thống nhất giải quyết các khoản nợ phải trả bằng cách chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, trong quý IV năm nay, doanh nghiệp sẽ không tiếp tục chuyển nhượng dự án 25 Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng) và dự kiến năm 2016 bắt đầu có lợi nhuận. Dự án Lega Fashion, công ty đã thanh lý hợp đồng đầu tư.
Đối với dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, ông Thụ cho biết sẽ thông xe vào 31/12 năm nay và thu phí vào quý I/2016.
Ông Lê Huy Giang, Tổng giám đốc khẳng định trong quý IV công ty chắc chắn không lỗ. Nguồn thu chính là bán các căn hộ tại dự án trên đường Lê Văn Lương và tái cơ cấu khoản mục đầu tư tài chính.
Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Đại Dương đạt lợi nhuận 1.292 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 80 tỷ đồng của cùng kỳ 2014 nhờ bán hàng loạt các dự án như: khu đất Vành khăn (đối diện BigC Thăng Long) bán cho Tập đoàn Vingroup, rút vốn tại dự án Lega Fashion House… Tính đến 30/9, lỗ lũy kế của Tập đoàn là 740 tỷ đồng, trong khi đầu 2015 con số này lên tới 2.032 tỷ đồng.
Nhờ những thông tin khả quan về tình hình kinh doanh, gần đây giá cổ phiếu OGC liên tục tăng trần, hiện ở mức 4.200 đồng một cổ phiếu. Ông Lê Quang Thụ cho rằng giá cổ phiếu OGC lên phản án niềm tin và HĐQT đảm bảo sẽ minh bạch mọi thông tin trước cổ đông.
7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa có thư khen gửi lực lượng chức năng ngành công an và quản lý thị trường trong đợt cao điểm phát động chất cấm trong chăn nuôi (từ cuối tháng 10 đến nay), do phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm.
Các doanh nghiệp này bao gồm: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TP HCM).
Cụ thể qua kiểm tra thức ăn chăn nuôi của những công ty kể trên, các chất cấm thường thấy là chất tạo nạc và vàng ô - chất tạo màu cho thịt gà, heo, có thể gây ung thư và di truyền qua các thế hệ nếu ăn phải chất tồn dư trong thực phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại các công ty này hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành cùng số lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu quá hạn sử dụng.
Tuy nhiên ông Phát cũng đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp bị phát hiện. Đợt cao điểm phát hiện chất cấm trong chăn nuôi còn kéo dài đến sau tết Nguyên đán 2016.
Công ty Phương Trang đầu tư 2.000 taxi tại TP.HCM
Ngày 30-11, Công ty Cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã tổ chức lễ ký hợp đồng và tiếp nhận đầu tiên 150 ôtô của hãng Hyundai để đưa vào hoạt động taxi tại TP.HCM.
Ông Tony Williamson - tổng giám đốc Công ty Phương Trang cho biết từ nay đến giữa năm 2016, đơn vị sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động 2.000 chiếc taxi tại TP. Xe taxi này sẽ kết nối với các xe chở khách liên tỉnh của Công ty Phương Trang đang hoạt động tại các bến xe miền Đông, miền Tây… nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại.
Theo Công ty Phương Trang, trước dịp Noel 2015 sẽ đưa taxi Phương Trang vào hoạt động.
Nhằm tăng sự cạnh tranh với các hãng taxi khác, đơn vị cũng đang nghiên cứu ứng dụng phần mềm như Uber, Grab taxi để thu hút hành khách đi xe.
Bình Phước: thu hồi nhiều khu công nghiệp
Theo UBND tỉnh Bình Phước, Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020.
Trong đó, sáu KCN với tổng diện tích 1.063ha sẽ bị thu hồi và đưa ra khỏi quy hoạch gồm: KCN Bình Phước - Đài Loan (481ha), KCN Tân Khai 1 (63ha), KCN Tân Khai (45ha), KCN Thanh Bình (92ha), KCN Đồng Xoài 4 (92ha) và KCN Đại An - Sài Gòn (285ha). Mặt khác, giảm diện tích KCN
Bắc Đông Phú từ 200ha xuống 190ha, giảm diện tích KCN Tân Khai 2 từ 300ha xuống 160ha. Điều chỉnh sáp nhập KCN Sài Gòn - Becamex vào KCN Sài Gòn - Bình Phước với tổng diện tích là 2.450ha.
Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung KCN Minh Hưng - Sikico diện tích 655ha vào quy hoạch phát triển các KCN cả nước đến năm 2020.