Việc xây dựng trạm thu thập, theo dõi dữ liệu vệ tinh của Ấn Độ ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở bước khảo sát địa điểm.
Quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản: Đỉnh cao của sự thấu hiểu
- Cập nhật : 10/06/2017
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp, góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đạt đỉnh cao của sự thấu hiểu, của sự hợp tác đúng nghĩa “chiến lược và sâu rộng” mà hai bên đang hướng tới.
Có thể, tầm quan trọng của một mối quan hệ hợp tác không chỉ biểu hiện qua các chuyến thăm cấp cao, nhưng khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tôi sẽ nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”, thì dư luận hiểu rằng, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công ngoài mong đợi, hai nước đã có sự hợp tác hữu nghị, chân tình và hiệu quả.
Có thể, sự sâu sắc của một mối quan hệ sẽ khó đo đếm chỉ bằng một tuyên bố chung, nhưng khi Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản được công bố, với độ dài hơn 5.600 chữ và 46 khoản mục, thì điều đó có nghĩa, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản càng thêm sâu rộng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau lễ đón, hai Thủ tướng tiến hành hội đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Trong 46 khoản mục này, đã nhìn thấy những cam kết hợp tác sâu rộng và hiệu quả, từ các quan hệ hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, tới kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng; hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân và giao lưu địa phương… Sự đồng thuận nhằm tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, cùng tinh thần hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung.
Ngoài Tuyên bố chung, trong suốt chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của Nhà vua và Hoàng hậu, của các lãnh đạo cấp cao, nhân dân… và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Lần đầu tiên, đã có một hội nghị xúc tiến đầu tư mang tính lịch sử, quy tụ 1.600 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và Việt Nam.
Lần đầu tiên, hàng loạt tập đoàn lớn của Nhật Bản đã hội kiến Thủ tướng và cam kết tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô dự án tại Việt Nam. Ngay khi các thông điệp nhất quán được hai Thủ tướng truyền đi rằng, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt - Nhật hợp tác làm ăn, đã lập tức xuất hiện những nhận định về một “kỷ nguyên mới” trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, với tổng giá trị lên trên 22 tỷ USD. Các công hàm trao đổi về khoản tín dụng ưu đãi (ODA) cho 4 dự án của Việt Nam, trị giá 100,3 tỷ yên trong năm tài khóa 2016 đã được ký. Các cam kết hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị... cũng đã được đưa ra.
Đó còn là các đề xuất hợp tác xây dựng Sân bay Long Thành, khu thương mại ngầm Bến Thành, là những khẳng định về việc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Đó còn là lời hứa tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong thực hiện hiệu quả Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản…
Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác. Nhưng hơn cả những con số, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe cùng “nắm chặt tay nhau”, thì đó chính là lời khẳng định chắc chắn cho quan hệ đối tác chiến lược, sâu rộng và hiệu quả giữa hai quốc gia.
Hà Nguyễn
Theo Baodautu.vn