(Lao dong)
Đây không phải là cuộc đời đau khổ của cô gái trong vở cải lương Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) mà là câu chuyện về số phận vất vả của những người VN bán nước ép lựu trên đất Thái...
Cô gái 16 tuổi bán nước lựu trên đường Sukhumvit - Ảnh: Nguyễn Tập
Cử nhân hàng rong
Khá tình cờ, tôi quen cử nhân bán hàng rong Hoàng Văn Công*, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa. Do sống gần khu trung tâm Sukhumvit nên tôi gặp dân hàng rong nhiều vô kể, nhưng người làm tôi tò mò nhất là một thanh niên bán nước lựu. Những lần đi ngang, tôi thường thấy anh mở một cuốn sổ nhỏ đọc chăm chú, thỉnh thoảng hí hoáy viết. Hỏi thăm mới biết anh tốt nghiệp cao đẳng, đi làm lương không đủ sống nên sang đây bán nước lựu.
Công lôi ra trong tạp dề một cuốn sổ nhỏ chi chít chữ, phần đầu là tiếng Anh, phần giữa là tiếng Hàn và phần cuối là tiếng Thái. Mỗi chữ đều được phiên âm bằng tiếng Việt kỹ càng. Lúc rảnh rỗi, Công lại lân la hỏi những bạn hàng người Thái xung quanh để học thêm. “Bảo bối đấy. Tiếng Thái em chỉ nói “leo’” nghe thế nào nhái lại thế đó. Chữ nào khó thì ghi lại cho khỏi quên. Nhờ vậy mà bán hàng được cho cả Thái và Tây”, anh khoe.
Công kể sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ vì “nhà em có truyền thống cách mạng đấy nhé. Bố và ông nội đều đi bộ đội, có huân chương chống Pháp, Mỹ đủ cả”. Xuất ngũ, anh vào học Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội ngành điện công nghiệp. Ra trường cầm tấm bằng cao đẳng đi tìm việc, chẳng nơi nào nhận, Công đành đi bán vật liệu xây dựng với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Vợ của Công cũng là cử nhân cao đẳng kế toán tên Phan Thị Tuyền. Cô đẩy một xe nước lựu khác bán ở ngã tư phía trên. “Làm cha mẹ có ai muốn rời con bao giờ. Bố mẹ giờ làm ruộng. Gia đình nợ nần, đứa con 3 tuổi bị còi xương, suốt ngày đi bệnh viện nên hai vợ chồng phải dắt nhau sang Thái kiếm sống”, Tuyền kể.
Tôi mời hai vợ chồng lên ăn tối ở trung tâm thương mại sát đó. Công và vợ nhìn nhau rồi cúi xuống nhìn bộ đồ đang mặc trên người. Tuyền ngập ngừng hỏi khẽ: “Tụi em chưa vào đấy bao giờ. Mà mang dép, mặc đồ cũ như vầy họ có cho vào không?”. Câu hỏi làm tôi thoáng khựng lại. Quả tình tôi không hề nghĩ rằng dù đứng bán ngay dưới trung tâm ăn uống, mua sắm nổi tiếng này cũng hơn 1 năm nhưng hai người chưa từng bước vào. Cố nén sự xúc động chợt dâng lên, tôi gượng cười: “Yên tâm!”.
Lao đao phận người
Hay lân la nên dần dà tôi quen rất nhiều người bán hàng rong VN. Giờ rảnh, tôi thường ra ngồi chơi nói chuyện với họ, cùng đi lấy hàng hoặc tranh thủ đi chợ cho bữa ăn sắp tới. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, cánh hàng rong lại nấu nướng mời tôi qua ăn chung.
Hai vợ chồng Công cùng một người em trai sống trong một căn phòng diện tích chưa đến 6 m2 (1,8 x 2,8 m). Phòng đã nhỏ lại chất thêm mớ đồ đạc nên khi nằm ngủ chẳng ai thẳng chân được mà phải co người như con tôm. “Lúc trước tụi em ở gần khu Pratunam, thuê chỉ 2.500 baht/tháng (khoảng 1,7 triệu đồng) nhưng mỗi ngày đẩy xe đến khu này bán mất gần tiếng đồng hồ. Giờ dọn về đây phòng bé hơn, tính luôn điện nước là 4.000 baht/tháng nhưng vẫn phải chịu vì tiện buôn bán”, Tuyền cho biết.
Cũng là đồng hương Thanh Hóa sang đây bán nước lựu, Nguyễn Văn Tuấn tuy mới 22 tuổi nhưng đã có 5 năm bôn ba ra nước ngoài kiếm sống. Năm 17 tuổi, Tuấn mượn tiền đóng 45 triệu đồng để theo một ông chủ ở Hà Nội sang Nga may gia công chui. Qua đến nơi, cả đám bị nhốt dưới hầm, ăn ngủ, làm việc ở đấy mấy tháng liền. “Em không nói điêu, có người cả năm hầu như không thấy mặt trời vì toàn sống dưới hầm, chỉ được nghỉ và trồi lên mặt đất vào mùng 2 tết”, anh kể. Làm cực quá, lại bị trừ tiền này nọ, Tuấn trốn ra ngoài đi làm thì bị cảnh sát Nga bắt. Hộ chiếu không có, anh bị trục xuất về nước.
Không thối chí, Tuấn tiếp tục mượn tiền gia đình đóng 65 triệu đồng để sang Brunei làm xây dựng, nhưng lại gặp công ty lừa đảo. Hứa hẹn lương từ 11 - 16 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, nhưng sang đến nơi lại bắt trả tiền nhà, ăn uống. Làm được 3 tháng, chẳng để dành được bao nhiêu, thế là lại trốn về. Sau đó, Tuấn lại đi Malaysia được vài tháng nhưng cũng không tới đâu và cuối cùng trụ lại ở Thái Lan. “Thái dễ sống. Chịu khó đi làm là dư sức gửi tiền về quê. Bốn anh em trong nhà em đều sang Thái làm cả”, Tuấn cho biết.
Đồng hồ sắp chuyển qua ngày mới. Bến tàu điện ngầm, tàu trên không chỉ còn lác đác vài khách vội vã đón chuyến cuối cùng về nhà. Bạn hàng rong Lào, Myanmar, Thái đã dọn về hết, hầu như chỉ có dân VN tiếp tục ở lại. Cơn mưa lâm râm đã kéo dài được gần 2 tiếng, dưới ánh đèn đường vàng vọt, Tuấn vẫn đang ngồi co ro trong cái áo mưa mỏng dính bên cạnh xe nước lựu của mình. Cách đó không xa, một bạn hàng dân Hà Tĩnh cứ chốc chốc lại đưa tay ra xem thử mưa tạnh hẳn chưa, rồi chép miệng nhìn chiếc xe trái cây còn đầy ắp. “Bây giờ tomo (cảnh sát) bắt rát quá. Ban ngày bọn em không dám ra bán nữa nên đêm ráng tranh thủ bán được chừng nào đỡ chừng nấy”, Tuấn nói.
Tôi ngồi chơi với mấy anh em hàng rong, về đến nhà cũng gần 1 giờ sáng. Trời vẫn còn mưa. Sau mấy tháng hạn hán kỷ lục, những ngày này mưa như bù lại, rả rích suốt đêm. Mưa kiểu này nông dân trồng lúa Thái Lan thở phào, nhẹ bớt gánh lo thất bát. Nhưng ngược lại, hàng ngàn dân hàng rong Việt lại canh cánh về nồi cơm của mình. Cuộc đời thật lạ. Hình như niềm vui của người này bao giờ cũng có thể là nỗi buồn của người khác... (còn tiếp)
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
(Theo Báo Thanh Nien)