(Lao dong)
Phóng viên thường trú của Thanh Niên tại Bangkok đã trải qua những ngày lăn lộn, thậm chí vào tù thăm nuôi, cùng những người VN lao động bất hợp pháp trên đất Thái Lan để tìm hiểu về những thân phận tha hương sống chui nhủi ở nước ngoài.
Hàng rong ở Bangkok - Ảnh: Nguyễn Tập
Nhiều người qua Thái làm mấy năm mà về sắm xe, xây nhà, thấy ham quá. Em học chưa hết phổ thông, ở quê chỉ có cắm mặt làm thuê, cày ruộng, nằm mơ cũng không tìm được 8 - 10 triệu/tháng. Qua đây ráng chịu cực còn để dành được chút tiền.
Đó là tâm sự “điển hình” của rất nhiều người VN làm chui tại Thái Lan. Điều kiện đi lại dễ dàng, ít tốn kém, viễn cảnh về một ngày mai tươi sáng đem bạc triệu về sắm xe, xây nhà đã làm nhiều người ùn ùn đổ sang Thái như những con thiêu thân.
Giấc mơ kiếm tiền đã khiến họ quên đi, hoặc cố tình không nhớ, những gian nan, cay đắng nơi xứ lạ quê người... Theo Đại sứ quán VN tại Thái Lan, số người lao động không phép tại Thái thời điểm cuối năm 2014 lên tới khoảng 50.000 người.
Giấc mơ đổi đời
Đến cửa khẩu Nọng Khai (biên giới Lào - Thái Lan) lúc nào cũng thấy người Việt ken đặc. Xe khách xếp thành dãy, tiếng Việt gọi nhau í ới, lắm lúc cứ tưởng đây là cửa khẩu của VN. Thấy một cô gái đang nôn thốc tháo bên gốc cây, tôi đưa cô chai dầu bôi cho đỡ mệt, cô cầm lấy rồi nhăn mặt: “Xe 16 chỗ mà nhét đến... 47 người. Lần nào đi em cũng bị nhồi nhét ngất ngư như vậy”, Trần Thị Hồng* (quê H.Hưng Nguyên, Nghệ An) nói.
Trong khi phí môi giới xuất khẩu lao động ở nước ngoài trung bình khoảng vài ngàn USD, thì qua Thái lao động chui hầu như không tốn phí, bởi phần lớn do người cùng làng, cùng xã đi trước hướng dẫn người đi sau. Nếu không quen biết, chỉ cần trả 3 - 5 triệu là có xe đến đón tại nhà, đưa người ngay điểm cần đến ở Thái.
Bán hàng rong (trái cây, nước giải khát, kem dừa…) là một trong những nghề phổ biến nhất của dân VN lao động bất hợp pháp tại Thái. Tuy vậy, cái nghề có vẻ giản đơn này lại không dễ dàng chút nào. Những người mới sang muốn gia nhập đội ngũ hàng rong thường phải trải qua một “khóa huấn luyện” từ những người đi trước. Học từ cách đi chợ, mua ở đâu giá rẻ, pha chế nước uống ra sao đến chào mời thế nào...
Bùi Văn Tư, 23 tuổi, bán kem dừa gần khu Khao San kể: “Ngày đầu đứng bán rong ở Thái, công an đến hỏi: “Mày là dân VN qua đây bán chui phải không?”. Lúc đó tiếng Thái tui chỉ biết lỏm bỏm chữ “vâng dạ” (khrap) với đếm số nên nghe nó nói, dù không hiểu nhưng tui vẫn gật đại “khạp, khạp”. Thế là bị hốt cả người lẫn xe về đồn”.
Anh Tư cho biết đó chỉ mới là bài học vỡ lòng. “Nâng cao” là những bài học tiếng Thái, cách đối phó công an khi bị bắt... Không tính dân bản địa, cánh hàng rong VN còn phải cạnh tranh với người Campuchia, Lào, Myanmar. Đứng bán vỉa hè cũng phải hỏi han kỹ nếu không muốn bị ăn đòn.
Giang hồ hoàn lương và xóm giải khát
Xóm giải khát nằm trong con hẻm gần Trung tâm thương mại Central World. Khu này tập trung đông người VN bán hàng rong vì gần nơi những địa điểm mua sắm sầm uất, đông du khách nhất Bangkok như: Siam Paragon, Platinum, chợ sỉ Pratunam...
Một dân hàng rong kể: “Hồi trước dân hàng rong sống ở đây có đến vài trăm người. Một phòng ở cả chục người là thường. Từ khi quân đội lên nắm chính quyền (tháng 5.2014 - NV), họ bắt dữ quá nên dân mình cũng về bớt và không dám sống tập trung vậy nữa”.
Thái Lan đang vào mùa mưa nhưng 5 giờ chiều mà cái nóng vẫn không dịu bớt. Quạt mở số lớn nhất cũng chỉ phả hơi nóng hầm hập vào người. Bên trong căn phòng chừng 10 - 12 m2 có 4,5 thanh niên nằm la liệt, người trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại... Bùi Văn Xê (quê ở xã Đồng Lợi, Thanh Hóa) cho biết: “Tiền thuê một phòng 3.000 - 3.500 baht (khoảng 2 triệu đồng), chưa tính điện nước. Chia nhau 1.000 baht/tháng/người. Ở ngay trung tâm, giá vậy là rẻ rồi đó”.
Xê sang Thái cùng vợ được vài năm, con để lại VN nhờ ông bà nuôi. Ban ngày, hai vợ chồng đẩy xe nước giải khát đi bán loanh quanh, tối thuê một chỗ đứng (với giá 3.000 baht/tháng) gần Central World bán đến quá nửa đêm mới về. “Có ai muốn xa con đâu anh. Đời mình khổ rồi, ráng làm lụng cho con nó bớt khổ”, anh tâm sự.
Ngồi ở góc phòng là một thanh niên người vằn vện hình xăm tên Phạm Văn Hoàng, 24 tuổi. Biết tôi dân Sài Gòn, Hoàng bắt chuyện hỏi thăm liên tục. Anh quê ở Thái Bình nhưng vào miền Nam đã lâu và từng là giang hồ ở Biên Hòa chuyên bảo kê cho nhà hàng, quán karaoke.
Hoàng kể: “Hồi ở VN, em “máu” lắm, đánh lộn đâm chém như cơm bữa. Nhưng từ khi lấy vợ có con tự nhiên biết sợ nên qua đây đoạn tuyệt với quá khứ luôn. Lúc trước tuy tiền khá rủng rỉnh nhưng sống không cần biết ngày mai. Bên này bán nước chanh cực hơn một chút nhưng thấy bình yên”, rồi anh chép miệng: “Mấy ngày nay ốm nằm bẹp ở nhà, tự nhiên nhớ vợ con quá”.
Nói rồi Hoàng đến góc phòng lôi ống điếu thuốc lào dã chiến làm từ chai nước suối ra rồi châm lửa rít một hơi dài, thả khói mịt mù. Trong cái phòng mù mù sực hơi người, từ khung cửa gỗ ọp ẹp, Hoàng nhìn ra ngoài kia. Cách đó không xa, lớp lớp cao ốc vẫn đang đứng nghễu nghện, rực rỡ ánh đèn màu. Bất giác anh thở hắt ra, đánh một cái sượt... (còn tiếp)
Những “làng nghề” ở Bangkok
Người VN sang Thái làm chui đều có một “trật tự” riêng mà chỉ người trong cuộc mới biết. Dân Thanh Hóa chuyên bán nước lựu, chanh, cam còn dân Hà Tĩnh chuyên kem dừa, trái cây. Họ thường sống tập trung ở gần Pratunam, Bobe. Trong khi đó, dân Nghệ An thường đi may gia công (tập trung ở khu Ding Daeng) hoặc đi phụ quán ăn, quán nhậu rải rác khắp Bangkok.
“Thật ra mình muốn làm nghề nào cũng được, không ai ép. Nhưng thường người đi trước hướng dẫn đồng hương đi sau, họ làm nghề gì mình theo nghề đó. Dần dần thành nghề riêng của từng vùng”, Hoàng giải thích.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
(Theo Báo Thanh Nien)