Cứu tàu cá cùng 9 ngư dân gặp nạn trên biển
Vỡ đường ống xút Nhà máy alumin Tân Rai
Sông Sêrêpốk cạn trơ đáy, du lịch Buôn Đôn gặp khó
Người lao động cần tâm thế mới
Cấp cứu hơn 23.000 trường hợp tai nạn giao thông dịp tết
Năm 2016: TPHCM “tăng tốc” cải cách hành chính
- Cập nhật : 13/02/2016
(Tin kinh te)
Trong năm 2016, TPHCM quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, qua đó tiếp tục thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Thưa ông, xin ông cho biết vai trò của TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước khi cùng cả nước thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, đặc biệt khi Thành phố là địa phương được Ngân hàng Thế giới chọn để điều tra thực tế, qua đó, đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam?
Ông Nguyễn Thành Phong: Nghị quyết 19 về những giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm 2015- 2016 thể hiện quyết tâm và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc nước ta tham gia Cộng đồng ASEAN, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định TPP…
Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TPHCM nhận thức sâu sắc về vai trò cũng như trách nhiệm nặng nề trong thực hiện Nghị quyết 19.
Ngoài việc sớm ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 với nhiều giải pháp đồng bộ, Thành phố cũng tăng cường thúc đẩy cơ chế điều hành, phối hợp đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh phía Nam.
Việc TPHCM được Ngân hàng Thế giới chọn để điều tra thực tế, đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam cho thấy niềm tin và kỳ vọng của các tổ chức quốc tế đối với sự phát triển của Thành phố.
Đây cũng là cơ hội để TPHCM tự khẳng định, quyết tâm khắc phục các mặt hạn chế liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Công bố mới đây của VCCI về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, lần đầu tiên trong 10 năm, TPHCM lọt vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước (xếp thứ 4). Về việc thực thi Nghị quyết 19, Thành phố cũng được Trung ương đánh giá là điển hình thực hiện tốt. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc đạt được kết quả này?
Ông Nguyễn Thành Phong: Những năm qua, kinh tế TPHCM luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định và toàn diện, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, năng lực cạnh tranh được nâng cao. Kết quả này có được là nhờ Thành phố luôn ý thức, kiên trì thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, xác định đây là một trong 7 chương trình đột phá nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Thành phố đã tập trung thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh rà soát, tinh giản các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan hàng hóa, bảo hiểm xã hội, thủ tục xuất nhập khẩu, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư…
Sau thời gian thực hiện, nhiều mô hình cải cách hành chính hiệu quả đã được TPHCM huy động và được Trung ương triển khai nhân rộng như: mô hình gửi kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện; phục vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tận nhà... giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết tốt công việc của doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tất cả các lĩnh vực áp dụng cơ chế một cửa đều được xây dựng, hướng dẫn chi tiết về thủ tục, quy trình, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính và được niêm yết công khai để người dân và doanh nghiệp nắm bắt.
Đến nay, công tác cải cách hành chính tại TPHCM được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao khi góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để sớm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Năm 2016 xác định là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của cả nước nói chung, TPHCM nói riêng, Thành phố có giải pháp đột phá nào để tiếp tục tăng cường cải cách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cạnh tranh trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Thành Phong: Quá trình hội nhập quốc tế mang lại cho Thành phố nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, từ công tác quản lý nhà nước đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để phát triển kinh tế trong năm 2016, TPHCM quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư quốc tế.
Về giải pháp cụ thể trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về cam kết của Việt Nam với các nước, lộ trình cắt giảm thuế và quy trình giám sát của các đối tác quốc tế…, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn còn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu; tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, công nghệ cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kích cầu, kết nối doanh nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh.
Giải pháp nữa là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch. Tại TPHCM hiện có trên 2.000 dịch vụ công trực tuyến hoạt động hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm dịch vụ mới, trong đó ưu tiên “số hóa” các thủ tục về cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cấp phép lao động.
Ngoài ra, để thị trường phát triển bền vững, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả…
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Phan Hoàng
Chinhphu.vn