Nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh - đại sứ của chương trình SAFE STEPS Road Safety (An toàn Đường bộ) - vừa được phát động tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 13-2 bày tỏ nhận xét của cô.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh: Chúng ta phục vụ, chứ không phải ban ơn
- Cập nhật : 12/02/2016
(Tin kinh te)
Phải làm sao để khi nghĩ tới TP.HCM, nhà đầu tư sẽ nghĩ đến một thành phố thông thoáng, cởi mở, chân thành.
“Cả cuộc đời tôi gắn bó với TP.HCM. Tâm huyết nhất và cũng là trăn trở nhiều nhất trong lòng tôi là làm được điều gì đó để góp phần tạo nên sức hút lớn hơn nữa, bền vững hơn nữa cho TP.HCM”. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trải lòng trước thềm năm mới 2016 - năm của hội nhập.
Kể lại kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào xây dựng trung tâm thương mại Aeon tại quận Tân Phú (nơi ông từng là bí thư quận ủy), ông Hạnh nói: “Nhà đầu tư này kỹ tính vô cùng, nhưng kinh nghiệm cho thấy những nhà đầu tư như thế thường rất có trách nhiệm. Với mong muốn họ đầu tư vào quận mình để tạo cú hích kéo đời sống kinh tế-xã hội ở khu vực này lên, chúng tôi đã quyết thuyết phục họ “dừng chân”. Cuối cùng, như anh thấy đó, Aeon đã tạo ra một diện mạo rất mới cho khu vực này”.
Xây dựng thương hiệu TP.HCM thân thiện, cởi mở
. Phóng viên: Vậy “chìa khóa” nào để ông thuyết phục thành công những chủ đầu tư nước ngoài khó tính?
+ Ông Huỳnh Văn Hạnh: Tất cả đều xuất phát từ sự chân thành và trách nhiệm. Vì mình có nói hay cách mấy nhưng bụng mình không chân thành thì người ta cũng biết thôi.
Như trường hợp của Aeon, khi doanh nghiệp có khó khăn gì trong triển khai đầu tư, đích thân tôi trực tiếp xuống cùng ngồi bàn bạc với họ. Những gì giải quyết được, khai thông được cho họ là mình xắn tay áo cùng giải quyết ngay, tất nhiên là phải hợp tình hợp lý. Những gì mình đã nói là phải làm. Có như thế họ mới có niềm tin và an tâm đầu tư.
. Như ông nói, sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu từ sự chân thành, cởi mở và thân thiện của chính chúng ta. Liệu chúng ta nên xây dựng điều này thành thương hiệu của TP.HCM. Chẳng hạn như chương trìnnh “Nụ cười công chức trẻ” ở Sở Tư pháp TP.HCM, nếu được nhân rộng thì sẽ có độ lan tỏa rất lớn?
+ Nếu xét về “thiên thời, địa lợi” (cơ sở hạ tầng lẫn điều kiện tự nhiên), đúng là TP.HCM có ưu thế trong nước. Nhưng nếu so về mặt này với nhiều thành phố khác trong khu vực thì mới thấy họ còn “ngon lành” hơn mình. Vì thế yếu tố “nhân hòa” là cực kỳ quan trọng để tạo nên sức hút cho TP.HCM.
Muốn thế ta phải tập trung cải cách thủ tục hành chính (cả thủ tục lẫn ứng xử của cán bộ, công chức), xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện, cởi mở đối với những ai đến đây làm ăn.
Chúng ta phải biến sự cởi mở, chân thành trở thành thương hiệu của TP.HCM. Phải làm sao để khi người ta đã mang tiền đến đây đầu tư thì sẽ ở lại làm ăn lâu dài. Làm sao để khi nói tới TP.HCM, nhà đầu tư sẽ cảm thấy thoải mái, yên tâm. Đây mới là yếu tố lâu dài, bền vững để tạo nên sức hút cho TP.HCM trong hội nhập.
Đây là điều mà Sở Tư pháp TP.HCM rất chú trọng. Sở sẽ tiếp tục nhân rộng “nụ cười công chức trẻ” trở thành thương hiệu của chính mình.
Phải sòng phẳng với người dân và doanh nghiệp
. Trong hội nghị triển khai nghị quyết của Chính phủ và HÐND TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách năm 2016, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng có nói: “Nhiều doanh nghiệp không nộp thuế thì bị bêu tên, vậy nếu sở, ngành giải quyết thủ tục chậm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì có bêu tên không? Xử lý như vậy là không đàng hoàng”. Ông nghĩ gì về cách ứng xử này khi TP.HCM bước vào hội nhập?
+ Tôi nghĩ sự sòng phẳng ấy là rất cần thiết.
Thực ra, trong giải quyết thủ tục, người dân không mong có sự ưu ái này nọ mà chỉ muốn được giải quyết một cách bình thường. Vì thế trong bối cảnh bình thường, sòng phẳng với dân là phải giải quyết cho dân, doanh nghiệp (DN) đúng quy định đã.
Bây giờ trong bối cảnh hội nhập thì càng phải sòng phẳng với người dân và DN hơn nữa, không chỉ DN trong nước mà ngay cả với DN nước ngoài. Chúng ta đã không còn “sân riêng” mà phải đá sân chung với luật chơi toàn cầu. Sự sòng phẳng ấy thể hiện ở ý thức và văn hóa thượng tôn pháp luật của cán bộ, nhất là cán bộ thừa hành phải được nâng lên. Phải hiểu rằng nền hành chính của mình là để phục vụ, chứ không phải “ban ơn” cho người ta. Cán bộ, nhân viên không nhận thức được sự phục vụ của bản thân mình là vì lợi ích của người dân, DN, vì lợi ích của TP thì dễ sa vào chỗ ban ơn.
Thượng tôn pháp luật
. Rõ ràng là chẳng ai muốn làm ăn ở môi trường mà luật pháp bị xem nhẹ. Vì thế ý thức thượng tôn pháp luật là yếu tố rất quan trọng trong xây dựng hình ảnh lẫn văn hóa hành xử để TP.HCM hội nhập. Chúng ta cần đột phá ở những khía cạnh nào để xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho cả cán bộ và người dân TP?
+ Thượng tôn pháp luật là mọi cá nhân, tổ chức đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Thượng tôn pháp luật trước hết phải được thể hiện trong chính lời nói, hành động của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của từng cán bộ, công chức chịu trách nhiệm thực thi chính sách, pháp luật, kế đó mới nói đến giáo dục cho người dân ý thức tuân thủ luật pháp. Do vậy công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải hướng đến tác động vào đội ngũ cán bộ, công chức để định hướng và điều chỉnh hành vi của họ theo hướng “nêu gương” trong thực thi pháp luật. Cùng đó phải tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế tại sở ngành để nâng cao chất lượng tham mưu của các đơn vị, tránh để TP phải đối mặt với nhiều vụ kiện, đặc biệt là các vụ tranh chấp quốc tế, đồng thời giúp TP giải quyết nhanh tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho DN.
Về phía mình, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm và chủ động đón nhận, tìm hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật. Người dân biết pháp luật trước tiên để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do vậy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải mở hết các “kênh” để người đưa pháp luật đến cho người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất, dễ hiểu nhất và tiết kiệm nhất.
Thượng tôn pháp luật còn đòi hỏi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh. Do vậy công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải gắn chặt với công tác xử lý vi phạm pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, phòng ngừa hành vi vi phạm và củng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, trong năm 2016 và các năm tiếp theo Sở Tư pháp TP.HCM sẽ chú trọng công tác đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật mà điểm nổi bật là triển khai có hiệu quả đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này trên địa bàn TP.
. Xin cám ơn ông.
MINH CƯỜNG – VIỆT HOA thực hiện
Theo Plo.vn